Tại sao rất ít trẻ em được nhận làm con nuôi ở Nhật Bản?
Năm 2021, có 693 trẻ em được nhận làm con nuôi tại Nhật, chiếm chỉ 1% trong tổng số trẻ sống ở các trại mồ côi. Điều này cho thấy một hiện thực đáng buồn tại xứ hoa anh đào khi những đứa trẻ cơ nhỡ rất khó khăn để có thể được sống trong một gia đình mới.
Chính sách hạn chế của chính phủ
Có một thực trạng đáng buồn tại xứ Phù Tang là chính quyền nước này ban hành những chính sách, điều luật có lợi cho cha mẹ. Một nhân viên tại cơ sở chăm sóc trẻ em ở Tsukuba cho biết: “Ở Nhật Bản, quyền lợi của cha mẹ được coi là quan trọng hơn quyền lợi của trẻ em”.
Tại Nhật, cha mẹ ruột có quyền giám hộ hợp pháp đối với con cái ngay cả khi họ đã bỏ rơi chúng. Thậm chí khi đứa trẻ được nhà nước hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trong các trại trẻ hay cơ sở giáo dục phúc lợi xã hội thì cha mẹ đẻ vẫn có tiếng nói, quyền quyết định về tương lai của chúng.
Vì vậy trong hoàn cảnh túng quẫn, họ sẽ đưa con vào các trại trẻ mồ côi nhưng không cho phép đứa trẻ được nhận nuôi. Một trong những lý do chính khiến các phụ huynh này không muốn từ bỏ quyền giám hộ có thể vì họ cảm thấy rằng sẽ có thể chăm sóc con mình trong tương lai. Thật không may, điều này không phải lúc nào cũng đúng.
Số lượng trẻ mồ côi khuyết tật
Theo thống kế của chính quyền, trên thực tế ở Nhật có khoảng một phần tư tổng số trẻ em tại các cơ sở, trại trẻ mồ côi bị khuyết tật hoặc mắc các bệnh lý. Đặc biệt là trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) - một hội chứng bao gồm việc không chú ý, hiếu động thái quá và hấp tấp, bốc đồng ở trẻ. Theo quy định, những đứa trẻ mồ côi này sẽ được chính phủ chăm sóc và khó có cơ hội nhận nuôi.
Vấn đề từ các trại trẻ mồ côi
Có một thực tế là các cơ sở trại trẻ mồ côi sẽ được nhận tiền cấp dưỡng, số lượng trẻ em “có vấn đề” càng đông thì tài chính, nguồn tiền đẩy vào các cơ sở càng tăng. Việc giữ trẻ em tránh xa gia đình đã trở thành công việc "kinh doanh" tại một số nơi.
“Thành thật mà nói, sẽ không lý tưởng cho chúng tôi nếu không còn trẻ em nào được nhận vào cơ sở vì hoạt động của chúng tôi dựa trên việc tiếp nhận trẻ em để chăm sóc”, giám đốc một cơ sở chăm sóc trẻ em ở quận Tohoku nói với Tổ chức Theo dõi Nhân quyền.
Tuy nhiên, nhiều chính quyền địa phương đang có những bước tiến hướng tới quan điểm “lấy trẻ em làm trung tâm” và đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể về số lượng trẻ được nhận nuôi trong những năm gần đây, như tại Fukuoka và Oita. Các nhân viên tại đây thấu hiểu về hiệu quả chăm sóc của cha mẹ nuôi, đồng thời khuyến khích việc nhận nuôi để đảm bảo lợi ích tốt nhất cho trẻ.
Lo ngại về việc người nhận nuôi thiếu kỹ năng chăm sóc
Giám đốc một cơ sở chăm sóc trẻ em ở Iwate nói với Tổ chức Theo dõi Nhân quyền rằng: “Hầu hết trẻ em ở trại trẻ mồ côi đều gặp khuyết tật về thể chất hay tâm lý và cha mẹ nuôi không thể giải quyết được vấn đề này. Những người muốn nhận con nuôi thường không có kỹ năng chăm sóc, kể cả những người có kỹ năng cũng không phải chuyên gia thực sự”.
Việc lo ngại cha mẹ nuôi không đủ tiêu chuẩn của các chuyên viên chính phủ, những người có thẩm quyền đã đẩy những đứa trẻ mồ côi vào các trại trẻ, cơ sở chăm sóc của chính phủ thay vì cho các em một mái nhà mới.
Quan niệm xã hội
Việc nhận con nuôi không phải là một khái niệm phổ biến ở Nhật Bản. Trên thực tế, vào năm 2011, gần 50% tổng số thành phố ở nước này ghi nhận không có trường hợp nào công dân Nhật nhận con nuôi là trẻ em.
Lạ lùng là trong thực tế 98% con nuôi tại Nhật lại là đàn ông trưởng thành trong độ tuổi từ 20 tới 30. Lý do là bởi pháp luật Nhật Bản quy định con nuôi có quyền tiếp quản cơ nghiệp của cha mẹ. Thế nên những gia tộc, tập đoàn lớn chỉ có con gái thường nhận con trai nuôi và thực hiện hôn nhân sắp đặt để biến con trai nuôi thành con rể, nhằm chăm lo, củng cố địa vị và kinh tế của đại gia đình.
Còn trẻ em thì lại là đối tượng rất hiếm được nhận nuôi. Theo nghiên cứu của Trung tâm Hướng dẫn Trẻ em Quốc gia Nhật Bản, nguyên nhân chính bắt nguồn từ nhận thức hạn chế của người dân trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em mồ côi.
Đặc biệt với tình hình dân số ngày càng già hóa, người trẻ không bận tâm đến việc kết hôn, lập gia đình, tỷ lệ sinh thấp nên trường hợp nhận con nuôi đối với người Nhật đã ít lại càng ít hơn.
Hướng đi của Nhật Bản
Hiện nay nhiều chính quyền địa phương đang phối hợp với các nhóm và tổ chức xã hội, trại trẻ mồ côi để nâng cao nhận thức cộng đồng với mục đích mang lại cho những đứa trẻ cơ nhỡ một tương lai hạnh phúc, tốt đẹp hơn.
Một nhóm như vậy là Hiệp hội hỗ trợ trẻ em Nhật Bản. Nhóm này không chỉ thúc đẩy việc nuôi dưỡng mà còn cung cấp thông tin cho các bậc cha mẹ đã hoặc muốn nhận con nuôi. Trang web cũng bao gồm thông tin về các loại hình nhận con nuôi và cách nhận con nuôi. Ngoài ra, tại đây mọi người cũng có thể gửi tiền quyên góp cho một mục đích xứng đáng thông.
Một tiến bộ khác trong việc giúp đỡ trẻ em có nhu cầu đến từ Bộ Y tế, Lao động và Chăm sóc sức khỏe; theo đó, vào năm 2017, bộ này đã sửa đổi Đạo luật Phúc lợi Trẻ em, với mục tiêu tìm được mái ấm cho một phần ba số trẻ em này đến năm 2029.
kilala.vn
Đăng nhập tài khoản để bình luận