Rác thải nhựa là vấn đề lớn tại Nhật
Một loại hàng hóa truyền thống của Nhật, nếu có thể thay đổi cách đóng gói, sẽ hạn chế được lượng rác thải cho quốc gia này.
Bên cạnh đó, việc nhựa không phân hủy sinh học và tái chế tốn kém đã khiến thế giới nói chung gặp vấn đề nghiêm trọng về rác thải nhựa. Cụ thể, Hiệp hội Tái chế Bao bì và Thùng chứa Nhật Bản (2022) đã liệt kê bao bì nhựa là loại rác tái chế tiêu tốn nhiều chi phí nhất ở Nhật Bản.
Chính phủ Nhật Bản ban hành Luật Tái chế chất thải bao bì năm 1995, yêu cầu tất cả các thành phố chủ động đề ra hướng xử lý rác tái chế cho địa phương của mình.
Tuy nhiên, không chỉ rác thải nhựa ngày càng gia tăng, lệnh cấm tiếp nhận rác thải nhựa năm 2018 của Trung Quốc đã khiến tình hình ở Nhật Bản trở nên tồi tệ hơn khi đây là điểm đến chung của rác nhựa từ Nhật Bản.
Vào năm 2021, Liên đoàn Doanh nghiệp Nhật Bản thừa nhận rằng lệnh cấm này đã làm quá tải khả năng tái chế của họ và cần phải thực hiện những thay đổi.
Trên trang Japan Today, Tiến sĩ James Rogers - giáo sư đại học, người đã xuất bản sách và hơn 50 bài báo về ngôn ngữ học và nghiên cứu tiếng Nhật, đã có một bài phân tích về thực trạng của rác thải nhựa tại Nhật Bản hiện nay. Và ông đã đặt ra câu hỏi rằng "Hầu hết nhựa ở Nhật Bản không thực sự được tái chế?".
Tiến sĩ James Rogers dẫn chứng một bài báo của nhà báo Simon Dener đăng trên Washington Post năm 2019 với tựa đề “Nhật Bản bọc mọi thứ bằng nhựa. Bây giờ họ muốn chống lại ô nhiễm nhựa”, trong đó cho rằng lượng rác thải nhựa tái chế ở Nhật Bản khá thấp, bất chấp tuyên bố của chính phủ rằng 86% rác thải nhựa của nước này đang được tái chế.
Ông làm sáng tỏ rằng 58% rác thải nhựa của Nhật Bản được “tái chế bằng nhiệt”. Nói cách khác, nó bị đốt cháy. Vì vậy, nó không được tái chế theo nghĩa truyền thống mà hầu hết người dân nghĩ đến khi nghe đến từ “tái chế”. Hơn nữa, Dener lưu ý rằng không có cách nào để xác nhận rằng 14% lượng rác được xuất khẩu sang các nước khác để tái chế cũng được tái chế theo nghĩa truyền thống.
Để cải thiện điều này, Liên đoàn Doanh nghiệp Nhật Bản năm 2021 đã lên kế hoạch thay đổi chai PET ở Nhật Bản ít nhựa hơn 24,8% so với mức năm 2004 và giảm 17,6% về bao bì, hộp nhựa so với mức năm 2005.
Ngoài ra, luật năm 2020 yêu cầu các cửa hàng tính phí túi nhựa ở Nhật Bản. Điều này có thể được coi là thành công vì nó dẫn đến số lượng người mua sắm sử dụng túi của chính họ nhiều hơn đáng kể. Tuy nhiên, những đồ vật bên trong túi vẫn còn được bao bọc bởi những lớp nhựa. Chính vì thế việc đơn giản bao bì đóng gói là cách thực tế nhất để hạn chế rác thải.
Một cuộc khảo sát đã được thực hiện cho một nghiên cứu về rác thải nhựa ở Nhật Bản đã xác định một loại sản phẩm cần giảm thiểu bao bì là quà lưu niệm – Omiyage.
Những loại Omiyage là bánh kẹo thường sẽ được gói riêng từng phần, giúp việc chia sẻ dễ dàng và thuận tiện hơn. Tuy nhiên, trên thực tế Omiyage thường được đóng gói để tạo cảm giác như có nhiều sản phẩm bên trong hơn (do bao bì chiếm phần lớn diện tích). Điều này phổ biến đến mức người tiêu dùng thậm chí có vẻ không bận tâm đến nó.
Ngoài ra, vì chú trọng đến đặc trưng của từng địa phương cũng như tính thẩm mỹ mà sản phẩm được đóng gói theo nhiều cách khác nhau, một trong những cách phổ biến nhất là sử dụng khay nhựa ẩn bên dưới sản phẩm. Khay được đặt nghiêng cho từng món bên trong gói, chiếm lượng lớn không gian không cần thiết bên trong hộp.
Nếu lượng dư thừa này được cắt giảm thì khối lượng đã giảm khoảng 25-40%. Điều này không chỉ giúp giảm rác thải nhựa mà còn giảm rác thải giấy, vì hộp bên ngoài của tất cả hàng hóa đã mua đều được làm bằng giấy và tổng kích thước của hộp có thể nhỏ hơn đáng kể nếu không có bất kỳ bao bì nào bên trong. Hơn nữa, vì tổng kích thước hộp sẽ giảm nên sẽ cần ít xe tải hơn để vận chuyển cùng một lượng sản phẩm, mang lại lợi ích bổ sung là giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Tuy vấn đề đã được nhận ra, nhưng dường như sẽ có ít sự thay đổi trong ngành sản xuất Omiyage vì nó gắn với truyền thống, mà những gì thuộc về truyền thống thì khó có thể thay đổi trong thời gian ngắn.
Nhưng theo nghiên cứu, có các mảnh vi nhựa và vi hạt trong đường tiêu hóa của cá ăn sinh vật phù du từ vùng nước ven biển đô thị, cụ thể hơn là khoảng 77% số cá được kiểm tra ở Vịnh Tokyo có nhựa bên trong.
“Có lẽ việc bảo vệ một truyền thống Nhật Bản - sushi - nên được ưu tiên hơn một truyền thống khác”, Tiến sĩ James Rogers kết luận.
kilala.vn
Nguồn: Japan Today
Đăng nhập tài khoản để bình luận