Những quy tắc hà khắc gây bất bình trong học đường Nhật
Đất nước mặt trời mọc nổi tiếng với những quy định và luật lệ nghiêm khắc. Ngay cả trong môi trường giáo dục, học sinh không những phải đối mặt với vấn nạn bạo lực học đường mà còn phải chịu sự kiểm soát gắt gao đến từ những quy định kì quặc mang tên "Burakku Kosoku".
Burakku Kosoku là gì?
"Burakku Kosoku - ブラック校則" (với "burakku" là màu đen, "kosoku" là nội quy trường học) là thuật ngữ để chỉ chung những quy định nghiêm ngặt trong học đường có từ năm 1870, khi chính phủ Nhật Bản thiết lập hệ thống quy định đầu tiên cho giáo dục. Quy định này bao gồm việc chỉ định màu tóc, kiểu tóc, độ dài váy, màu vớ và đồ lót.
Đến những năm 70 và 80, các quy tắc ngày càng trở nên nghiêm ngặt nhằm kiềm chế nạn bạo lực và bắt nạt trong trường học.
Xem thêm: 10 từ tiếng Nhật mượn màu sắc để gợi hình
Các nội quy trường học gây tranh cãi
Nhật Bản là một đất nước tiên tiến và hiện đại, nhưng vẫn tôn trọng và gìn giữ những nét truyền thống lâu đời của mình. Tuy nhiên, mặt trái của nó là sự nảy sinh của những luật lệ hà khắc, đặc biệt trong môi trường học đường.
Tóc đen là bắt buộc
Theo quy định, nhà trường cấm học sinh nhuộm tóc, nhưng với những người có màu tóc không thuần đen thì sao?
Vào tháng 10/2017, một học sinh trung học đã kiện chính quyền tỉnh Osaka vì những tổn thương tinh thần mà cô bé đã chịu đựng sau khi trường trung học của cô liên tục đưa ra yêu cầu phải nhuộm tóc màu đen, bất chấp việc màu tóc tự nhiên của nữ sinh là nâu đen.
Mẹ của cô đã nhiều lần thông báo với nhà trường về màu tóc bẩm sinh của con gái, tuy nhiên giáo viên vẫn tiếp tục yêu cầu nữ sinh nhuộm đen và thường xuyên trách mắng cô bé vì màu tóc không đủ đen của mình.
Ban đầu nữ sinh này chấp nhận nhuộm tóc để có thể bình yên đến trường, tuy nhiên tóc sẽ phải dài ra và việc nhuộm liên tục như vậy không phải là giải pháp.
Chính vì thế cô bé đã từ chối nhuộm lại ở những lần sau đó. Hậu quả của việc này là nhà trường loại bỏ bàn của cô bé ra khỏi lớp, xóa tên khỏi danh sách và cô không được tham gia chuyến ngoại khóa. Cuối cùng, nữ sinh đáng thương này buộc phải thôi học.
Đây là một ví dụ về việc bắt nạt học đường không chỉ diễn ra giữa học sinh với học sinh, mà các cô/cậu bé vị thành niên còn chịu việc bắt nạt núp bóng giáo dục bởi những người mà họ gọi là thầy, cô.
Vụ kiện của cô bé đã gây xôn xao không chỉ trong phạm vi nước Nhật mà còn lan rộng ra quốc tế, từ đó những quy định bất hợp lý trong trường học tại xứ mặt trời mọc trở thành tâm điểm chú ý.
Tòa án quận Osaka đã yêu cầu chính quyền địa phương bồi thường cho cô bé 3.100 USD (khoảng hơn 70 triệu đồng), ít hơn 15% mức mà cô yêu cầu. Nhưng thẩm phán cũng đưa ra phán quyết rằng nhà trường thực thi các quy định như vậy là không vi phạm pháp luật.
Các trường học ở Osaka không phải là nơi duy nhất áp dụng những nội quy vô lý này đối với học sinh, nhiều cơ sở giáo dục trên khắp Nhật Bản cũng có quy định tương tự.
Hiromi Kuroi, phát ngôn viên 39 tuổi từ một cơ quan phi chính phủ chuyên thu thập thông tin về Burakku Kousoku, cho biết: “Đặt câu hỏi về mái tóc tự nhiên của học sinh giống như đang nghi ngờ về danh tính của học sinh. Đây rõ ràng là phân biệt chủng tộc. Gần đây, những người nước ngoài nổi tiếng và cộng đồng “Hafu” (từ chỉ người Nhật lai) như VĐV Naomi Osaka hay Rui Okoye đã lên tiếng về việc phân biệt đối xử trắng trợn."
Nhưng không giống như những người nổi tiếng này, người bình thường không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận những quy định độc đoán của chính phủ vì tiếng nói của họ không đủ lớn để chống lại cả bộ máy.
Yuma Someji, một sinh viên đại học năm nhất, tiết lộ trong cuộc phỏng vấn với VICE World News rằng ở trường trung học cô từng theo học, "Tóc mái không được để dài quá lông mày. Ngoài ra, nếu bị bắt vì mặc váy dài không đúng quy định, chúng tôi sẽ phải viết một bản tường trình”.
Xem thêm: Xu hướng đồng phục không phân biệt giới tính tại Nhật
Để tóc đuôi ngựa là hấp dẫn nam sinh
Đây là một trong những luật lệ nổi tiếng về sự vô lý trong học đường Nhật Bản nhưng không chỉ một, mà rất nhiều trường trung học ở đất nước này đã đề ra quy định như vậy.
Motoki Sugiyama, một cựu giáo viên ở trường cấp hai, nói rằng quản lý trường học đã thông báo với ông rằng các bé gái không nên buộc tóc đuôi ngựa vì phần cổ mà chúng để lộ có thể “kích thích ham muốn” của các bé trai.
Không có bất kỳ thống kê nào trên toàn quốc về số lượng trường học cấm cột tóc đuôi ngựa, tuy nhiên, một cuộc khảo sát từ năm 2020 chỉ ra rằng 1/10 trường học ở khu vực phía nam Fukuoka cấm kiểu tóc đó.
Hầu hết động cơ đằng sau các quy tắc không dựa trên bất kỳ logic nào. Ví dụ, các trường không cho phép cột tóc đuôi ngựa nhưng thường cho phép cắt tóc bob, kiểu tóc để lộ nhiều vùng cổ hơn cả tóc đuôi ngựa.
Ông Sugiyama từng là giáo viên với hơn 11 năm kinh nghiệm ở 5 trường học thuộc tỉnh Shizuoka, cách Tokyo khoảng 90 km về phía tây nam, và tất cả các trường này đều cấm buộc tóc đuôi ngựa.
Ngoài ra, ông cho biết còn có nhiều yêu cầu vô lý đặt ra đối với học sinh: màu sắc của đồ lót, hạn chế tạo hình lông mày và sử dụng các sản phẩm tạo kiểu tóc.
Một số trường thậm chí không cho phép sử dụng sản phẩm liên quan đến sức khỏe như kem chống nắng và son dưỡng môi. Dưới đây là một số quy tắc kỳ quặc và nực cười đó:
- Học sinh chỉ được mặc một số loại quần áo lót có màu sắc nhất định.
- Học sinh chỉ được phép hắt hơi ba lần trong lớp.
- Học sinh phải được giáo viên cho phép mới được cắt tóc trong kỳ nghỉ hè.
- Học sinh nam và học sinh nữ phải giữ khoảng cách tối thiểu hai mét.
- Học sinh không được phép đeo khăn quàng cổ trong các kỳ thi,.
Tác động đến tâm lý học sinh và giáo viên
Việc đề ra những quy tắc này ban đầu vì mục đích tạo sự đồng bộ và một môi trường học đường lành mạnh. Tuy nhiên sự vô lý của các quy định đã ảnh hưởng lớn đến các em học sinh.
Có những trường hợp giáo viên sử dụng các quy tắc này để làm cơ sở cho các hình thức kỷ luật không chính đáng, như trừng phạt thân thể, trách mắng. Điều này gây ra sự căng thẳng cho bọn trẻ.
Ví dụ, giáo viên có thể bắt cả lớp phải chịu trách nhiệm về các vi phạm của cá nhân hoặc cho học sinh chửi bới các bạn học của mình. Điều trẻ em học được từ những trải nghiệm tiêu cực này là các quy tắc phải được tuân thủ tuyệt đối, sinh ra tâm lý giám sát lẫn nhau giữa các em.
Bên cạnh đó, chúng sẽ có xu hướng thận trọng theo bản năng để đảm bảo không phạm luật, đồng thời tránh xa những người phá vỡ quy tắc. Đây có thể là nguyên nhân gây ra nạn bắt nạt học đường đến mức nhiều học sinh không thể chịu đựng được căng thẳng hàng ngày sẽ chọn cách ngừng đi học.
Một phụ nữ tham gia cuộc khảo sát cho biết: “Tôi luôn đến trường với nỗi lo lắng rằng mình sẽ vi phạm quy tắc về trang phục. Khi sự việc trở nên quá nhạy cảm dẫn đến một bầu không khí ngột ngạt, tôi bắt đầu trốn học”.
Một thanh niên có mẹ là người Nhật và bố là người Mỹ cho biết: “Giáo viên chưa bao giờ nói gì về màu tóc của tôi, nhưng vì các bạn cùng lớp đã thấm nhuần các luật lệ nên họ liên tục hỏi rằng liệu tôi có vi phạm các quy tắc hay không. Sự căng thẳng đã khiến tôi gặp khó khăn với việc đến trường.”
Cũng như các học sinh, một số giáo viên đã liên hệ với các tổ chức để yêu cầu giúp đỡ. Họ đưa ra những chia sẻ như: “Tôi yêu cầu học sinh tuân theo các quy tắc, nhưng không thể giải thích cho chúng lý do vì bản thân tôi cũng không biết”.
Hoặc có người nói rằng: “Tôi nhận thấy những mâu thuẫn và đề xuất thay đổi, nhưng ý kiến của những người có tiếng nói trong các cuộc họp nhân viên, như hiệu trưởng nhà trường và giáo viên phụ trách kỷ luật, sẽ chiến thắng”.
Một số giáo viên đứng về phía học sinh nhưng họ cũng không biết cần làm gì để giúp đỡ học trò của mình. Điều này cho thấy đội ngũ giáo viên gặp rất nhiều khó khăn khi kẹt giữa bộ máy hành chính của trường và lợi ích của học sinh.
Những dấu hiệu tích cực
Theo một số nguồn tin được tờ Mainichi trích dẫn, các trường học ở Tokyo đã quyết định bãi bỏ những quy định gây tranh cãi về kiểu tóc và đồ lót sau khi đối mặt với áp lực dữ dội từ học sinh. Gần 200 trường trung học công lập và các cơ sở giáo dục khác sẽ bỏ năm quy định, trong đó có quy định yêu cầu học sinh để tóc đen từ tháng 04/2022.
Kaori Yamaguchi, một thành viên của Hội đồng giáo dục Tokyo cho biết: “Người Nhật được dạy để tin rằng tuân thủ các quy tắc là một đức tính tốt. Tuy nhiên không phải tất cả những quy tắc đều hợp lý. Tôi hy vọng đây sẽ là cơ hội để mọi người thảo luận về những gì chúng ta nên làm để tạo ra một xã hội, nơi các quy tắc được tuân thủ theo cách mà tất cả mọi người đều chấp nhận được”.
Trong khi đó, Yuto Kitamura, một thành viên khác trong hội đồng quản trị gọi việc loại bỏ các quy định này là “một bước tiến lớn”.
Xem thêm: Tokyo bãi bỏ hàng loạt nội quy gây tranh cãi tại trường học
kilala.vn
31/03/2022
Bài: Natsume
Đăng nhập tài khoản để bình luận