Những chông gai trên con đường hoàn lương của các Yakuza
Sau khi rời bỏ thế giới ngầm, rất nhiều cựu Yakuza phải vật lộn với công cuộc tìm kiếm việc làm. Mặc dù có sự hỗ trợ từ lực lượng cảnh sát cùng các tổ chức liên quan, nhưng không phải cựu Yakuza nào cũng có thể tìm được việc làm phù hợp.
Trong suốt 10 năm tính đến cuối năm 2020, có khoảng 5.000 người rời đã khỏi các băng đảng xã hội đen với sự giúp đỡ của cảnh sát nhưng chỉ 3,5% trong số họ có thể tìm được việc làm. Đặc biệt, các Yakuza hoàn lương còn gặp trở ngại khi muốn lập tài khoản ngân hàng.
Hành trình tìm việc gian nan của các cựu Yakuza
Vào đầu năm 2018, một thành viên 27 tuổi thuộc băng đảng Yakuza đã xông thẳng vào Sở cảnh sát Tokyo và nhờ cảnh sát giúp đỡ mình thoát khỏi tổ chức. Trong ba năm gia nhập băng đảng, người này đã đảm nhiệm công việc lái xe cho các Yakuza cấp cao cùng nhiều vị trí khác.
Tuy nhiên, các khoản phí mà anh ta phải trả cho tổ chức ngày càng tăng khiến anh cảm thấy bi quan về tương lai của mình. Tuy vậy, vì không có kinh nghiệm bên ngoài thế giới Yakuza nên việc "dứt áo ra đi" của anh càng khó khăn hơn. Người này chia sẻ với tờ Mainichi: “Tôi không biết làm thế nào để kiếm việc làm”.
Cảnh sát khuyên người này không nên đáp lại bất kỳ nỗ lực giữ chân nào từ phía băng đảng và nên tắt điện thoại nếu ông trùm Yakuza có gọi đến. Anh cũng được hướng dẫn đến Trung tâm loại bỏ các tổ chức tội phạm Tokyo (Tokyo Center for Removal of Criminal Organizations), nơi đưa ra lời khuyên về việc làm dành cho các Yakuza đã rời khỏi băng đảng.
Trung tâm giới thiệu cho anh nhiều công việc khác nhau và cuối cùng, anh được nhận vào làm công nhân toàn thời gian tại một doanh nghiệp bảo trì thiết bị khách sạn. Sau khi trở thành nhân viên tại đây, người giám sát đã dạy cho anh cách sử dụng máy tính và tạo lập văn bản.
Chỉ sau khoảng 1 năm làm việc, anh đã được thăng chức làm trưởng bộ phận. Người này chia sẻ rằng: “Tôi có thể tiến xa như vậy là vì ngay cả khi mọi người biết tôi từng là Yakuza, họ cũng không có thành kiến và vẫn xem tôi như người bình thường. Tôi đang nghĩ về cách làm sao để có thể cống hiến cho công ty hơn nữa”.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có được may mắn như cựu Yakuza này. Trung tâm xóa bỏ các tổ chức tội phạm Tokyo cho biết, thật sự chỉ có khoảng 10 người trong giới Yakuza đến nhờ tư vấn mỗi năm: “Các cựu Yakuza trong tổ chức xã hội đen luôn xem thể diện là quan trọng hơn hết nên có thể sẽ do dự trước ý tưởng nhờ một cơ quan công quyền tư vấn”.
Một cựu Yakuza ở độ tuổi 40, rời khỏi thế giới ngầm vào năm 2013 đã chỉ ra một trong những khó khăn để hòa nhập cuộc sống sau khi rời băng đảng chính là tài khoản ngân hàng. Bởi hiện tại, ngành Ngân hàng ở đất nước mặt trời mọc có một quy định là các cựu Yakuza chỉ có thể mở tài khoản ngân hàng 5 năm sau khi rời bỏ băng đảng.
Điều này buộc các cựu Yakuza khi tìm việc phải giải thích lý do vì sao họ không thể mở tài khoản ngân hàng với doanh nghiệp, và từ đó khiến cho hành trình tìm việc của họ khó khăn hơn.
Cựu Yakuza trên có người quen đang điều hành một công ty không có liên hệ với các tổ chức xã hội đen, do vậy, anh có thể làm việc tại đây. Người này cho biết: “Tôi có thể trở thành nhân viên của công ty này bởi người quen hiểu rõ hoàn cảnh của tôi, nhưng còn rất nhiều cựu Yakuza khác thậm chí có thể tìm được việc nhưng lại không phù hợp với công việc do hình xăm hoặc bị mất đầu ngón tay. Không thể đếm xuể số người không thể kiếm việc làm và nhận lại kết cục là không có thu nhập, nên đã dựa dẫm vào những Yakuza từng quen biết rồi bắt đầu mua bán ma túy đá và các chất kích thích khác. Sau đó, họ quay trở lại băng đảng ngày xưa”.
Sau cùng, thách thức lớn nhất đối với họ chính là có thể tìm được một doanh nghiệp hiểu được hoàn cảnh của mình. Miễn là các cựu Yakuza có việc làm, nó có thể ngăn họ quay trở lại tổ chức xã hội đen hay sa vào con đường phạm pháp.
Xem thêm: Cựu Yakuza trở thành tiểu thuyết gia sau khi ra tù
Những nỗ lực từ cảnh sát và các tổ chức
Theo Cơ quan Cảnh sát Quốc gia, có khoảng 5.900 người đã rời khỏi các tổ chức Yakuza với sự hỗ trợ của cảnh sát và các tổ chức trong khoảng 10 năm tính đến cuối năm 2020, nhưng chỉ có 210 người tìm được việc làm.
Trước tình trạng này, sở cảnh sát và những đơn vị liên quan trên khắp nước Nhật đã nỗ lực rất nhiều trong việc hỗ trợ cho các cựu Yakuza tìm kiếm việc làm.
Hơn nữa, Sở Cảnh sát tỉnh Fukuoka cũng đang áp dụng chương trình tặng đến tối đa 720.000 yên nếu công ty nhận một cựu Yakuza làm nhân viên. Chương trình tương tự cũng đang được áp dụng bởi Sở cảnh sát tỉnh Hyogo, nơi có 2 băng đảng xã hội đen khét tiếng là Yamaguchi-gumi và Kobe Yamaguchi-gumi.
Đồng thời, Trung tâm xóa bỏ các tổ chức tội phạm Tokyo cũng cung cấp một khoản trợ cấp tương tự cho các công ty nhận cựu Yakuza làm việc với số tiền tối đa lên đến 300.000 yên và có dự định tăng mức thưởng này lên trong tương lai.
Tuy nhiên, những nỗ lực của sở cảnh sát cùng các tổ chức trên vẫn còn những hạn chế. Motoo Kakizoe, một chuyên gia về băng đảng tội phạm cho biết: “Hiện tại, vẫn chưa có hệ thống nào theo dõi các cựu Yakuza sau khi họ tìm được việc làm, vì vậy các công ty phải gánh chịu rủi ro cao khi thu nhận họ làm nhân viên. Điều cấp bách hiện nay là phải đào tạo một lực lượng chuyên biệt hỗ trợ cho các thành viên của băng đảng xã hội đen Yakuza khi họ rời khỏi tổ chức và đi tìm việc làm”.
kilala.vn
11/01/2022
Bài: Rin
Ảnh bìa: news.yahoo.co.jp, nippon
Đăng nhập tài khoản để bình luận