Nhiều sản phẩm do tù nhân Nhật Bản làm ra được ưa chuộng
Khoảng 4.000 sản phẩm do các tù nhân Nhật Bản sản xuất dự kiến sẽ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Lịch sử của những tù nhân sản xuất
Lao động trong tù được cho là bắt nguồn từ năm 1790 trong thời kỳ Edo (1603-1867) tại một cơ sở giam giữ tên là “Ninsoku yoseba”, tọa lạc ở cửa sông Sumida ở Edo (tên cũ của Tokyo). Cơ sở này chủ yếu tiếp nhận những người gây mất trật tự công cộng, đồng thời đào tạo cho họ những nghề có thể tạo ra giá trị cho xã hội như nghề mộc hoặc rèn.
Đến thời Minh Trị (1868-1912), các tù nhân đã sản xuất gạch, góp phần vào công cuộc hiện đại hóa Nhật Bản. Một đặc điểm nổi bật là lao động được thực hiện bên ngoài nhà tù, chẳng hạn như làm việc trong các dự án phát triển ở Hokkaido và khai thác mỏ than Miike ở tỉnh Fukuoka. Công việc được thực hiện trong điều kiện khắc nghiệt, dẫn đến nhiều thương vong và hơn 1.000 người bỏ trốn mỗi năm.
Đến năm 1931, sự kiện Phụng Thiên hay sự kiện Mãn Châu diễn ra, một số lượng lớn đàn ông Nhật Bản ra trận đã gây ra tình trạng thiếu lao động. Chính vì thế, các tù nhân được giao nhiệm vụ sản xuất các vật dụng cho chiến tranh như ủng chiến đấu và hộp gỗ để đựng đạn dược. Những người tham gia đóng tàu được một quan chức cấp cao của bộ tư pháp khen ngợi là “những chiến binh công nghiệp đằng sau chiến tuyến”. Tuy vậy, các tù nhân lúc bấy giờ vẫn bị coi là lao động rẻ mạt.
Sau Thế chiến thứ hai, công tác lao động trong tù bắt đầu tập trung vào việc giáo dục phục hồi và tái hòa nhập xã hội cho phạm nhân chuẩn bị ra tù. Các sản phẩm mới lần lượt được tạo ra để đáp ứng nhu cầu của thời đại.
Những sản phẩm chất lượng được tạo ra từ bàn tay của tù nhân
Doanh số bán đồ nội thất cao cấp do tù nhân thực hiện đã giảm trong những năm gần đây, còn khoảng 1/3 so với 20 năm trước nhưng vẫn đạt tổng cộng khoảng 598 triệu yên trong năm tài chính 2022.
Đặc biệt, dòng sản phẩm xà bông Blue Stick vẫn được người tiêu dùng cực kỳ yêu thích. Thanh xà bông dài 14cm, nặng 150 gram nổi tiếng vì khả năng loại bỏ vết bẩn khỏi quần áo chỉ bằng cách chà nhẹ.
Blue Stick được làm bởi các tù nhân tại nhà tù chi nhánh Yokosuka. Khoảng 88.000 hộp, tương đương 260.000 thanh đã được tiêu thụ trên toàn nước Nhật từ tháng 04/2023 – 01/2024. Thậm chí, những thời điểm hết hàng thì sản phẩm được bán lại với giá gấp 4 lần so với giá niêm yết.
Khi được hỏi tại sao nó lại loại bỏ vết bẩn tốt như vậy, Yukio Kono - nguyên phó giám đốc của nhà tù, cho biết “đó là bí mật thương mại” nhưng các tù nhân cảm thấy vui khi mọi người tán thưởng sản phẩm.
Không dừng lại ở đó, một số tù nhân được giao trọng trách kế thừa những nghề thủ công truyền thống hiện đang gặp khó khăn do thiếu người truyền thừa.
Ví dụ như kỹ thuật dệt thảm ở Sakai đã xuất hiện từ thời Edo, nhưng việc sản xuất thảm hàng loạt hiện nay đang đe dọa sự tồn tại của kỹ thuật truyền thống này. Chính vì thế, hiệp hội địa phương chuyên bảo tồn nghề dệt đã đề nghị Nhà tù Osaka đưa vào chương trình đào tạo nghề của mình từ năm 1994. Những sản phẩm bán cho công chúng hiện nay đều được làm thủ công bởi các tù nhân.
Một số nhà tù làm nghề thủ công truyền thống được chính phủ chỉ định đặc biệt. Năm nhà tù tham gia chương trình bao gồm Nhà tù Aomori sản xuất đồ sơn mài Tsugaru, Nhà tù Yamaguchi sản xuất gốm sứ Hagi và Nhà tù Okama sản xuất đồ gốm Bizen. Các phạm nhân được học kỹ thuật từ các cán bộ kỹ thuật chuyên môn và các chuyên gia trong lĩnh vực đặc biệt được mời từ bên ngoài về đào tạo. Công việc này được đưa vào lao động trong tù vào khoảng những năm 1980.
Không có thông tin xác nhận việc có cựu tù nhân nào đã trở thành chuyên gia về các nghề thủ công truyền thống sau khi ra tù hay không. Tuy nhiên, Nhà tù Okama, nơi giam giữ những người thụ án từ 10 năm trở lên, nói rằng một số tù nhân có kỹ năng gần như ngang bằng với các nghệ nhân làm đồ gốm Bizen chuyên nghiệp.
Xem thêm: Có gì hay ho tại phiên chợ bán những món đồ được làm bởi các tù nhân?
kilala.vn
Nguồn: Yomiuri
Đăng nhập tài khoản để bình luận