Nhiều doanh nghiệp Nhật thay đổi việc khai thác dầu cọ để bảo vệ rừng

    Dầu cọ là loại dầu thực vật được tiêu thụ nhiều nhất trên thế giới bởi những lợi ích mà nó mang lại. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc rừng tự nhiên bị tàn phá khủng khiếp để tập trung canh tác loại cây này. Hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, nhiều doanh nghiệp Nhật đã có những thay đổi trong việc sử dụng dầu cọ.

    Ảnh hưởng của việc sử dụng dầu cọ

    Dầu cọ là gì?

    Dầu cọ là một loại dầu thực vật ăn được, chiết xuất từ quả của cây cọ dầu, tên khoa học là Elaeis guineensis. Có hai cách chiết xuất dầu: ép phần thịt của quả để thu dầu cọ thô; nghiền nát hạt hoặc lõi hạt để thu dầu hạt cọ.

    Cây cọ dầu có nguồn gốc từ Châu Phi nhưng đã được đưa đến Đông Nam Á hơn 100 năm trước để làm cây cảnh. Hiện Indonesia và Malaysia chiếm hơn 85% nguồn cung toàn cầu nhưng vẫn có 42 quốc gia khác tham gia sản xuất dầu cọ.

    dầu cọ

    Ảnh: Tokyo Weekender

    Dầu cọ tồn tại mật thiết với đời sống chúng ra, chiếm gần 50% của các sản phẩm như bánh pizza, sô cô la, chất khử mùi, dầu gội đầu, kem đánh răng, son môi. Nó cũng có mặt trong thức ăn chăn nuôi và nhiên liệu sinh học ở nhiều nơi.

    Vì sao dầu cọ lại được sử dụng phổ biến?

    Dầu cọ là một loại dầu cực kỳ linh hoạt, có nhiều đặc tính và chức năng khác nhau khiến nó trở nên hữu ích và được sử dụng rộng rãi. Khả năng chống lại quá trình oxy hóa có thể giúp kéo dài hạn sử dụng của sản phẩm; ổn định ở nhiệt độ cao giúp các món chiên có độ giòn; không mùi, không màu nên không làm thay đổi hình thức hoặc mùi của các loại thực phẩm.
    Ở một số nước châu Á và châu Phi, dầu cọ được sử dụng rộng rãi như một loại dầu ăn, tương tự dầu hướng dương, dầu đậu nành hay dầu ô liu.
    sản phẩm sử dụng dầu cọ
    Dầu cọ là thành phần có trong hầu hết các sản phẩm chúng ta sử dụng hàng ngày. Ảnh: WWF

    Bên cạnh tính linh hoạt so với các loại dầu thực vật khác, cọ dầu là một loại cây trồng mang lại năng suất cao, có thể sản xuất lượng dầu lớn trên diện tích đất nhỏ, hầu như quanh năm. Vì vậy, đây là loại cây trồng hấp dẫn đối với những người trồng trọt và nông hộ nhỏ, mang đến cho họ thu nhập ổn định.

    Những vấn đề lớn về môi trường và nhân công từ ngành sản xuất dầu cọ

    Tuy nhiên, chính lợi nhuận khổng lồ đến từ dầu cọ đã dẫn tới nạn chặt phá rừng, ngay cả những khu rừng đa dạng sinh học nhất trên thế giới, khiến môi trường sống của nhiều loài động vật bị đe dọa. Đồng thời, mất rừng đồng nghĩa với việc hiệu ứng nhà kính xảy ra nhanh hơn, gây biến đổi khí hậu.

    Đảo Borneo ở Malaysia là một ví dụ điển hình nhất với 40% diện tích rừng nhiệt đới bị mất chỉ trong vòng 50 năm qua, khiến nhiều loài tuyệt diệt do không còn nơi ở. Mặc dù rừng mưa nhiệt đới chỉ bao phủ 7% diện tích Trái Đất, nhưng chúng là ngôi nhà của hơn 50% sự sống trên hành tinh này - một kho tàng lưu trữ đa dạng sinh học.

    voi boneo

    Loài voi Borneo mất đi môi trường sống bởi nạn phá rừng. Ảnh: Tokyo Weekender

    Các đồn điền tại Indonesia và Malaysia thường xuyên vi phạm nhân quyền của người dân bản địa và người lao động, việc chiếm đất và cưỡng bức lao động là chuyện không hề hiếm ở đây.

    Vì Liên minh châu Âu đặt mục tiêu loại bỏ việc sử dụng dầu cọ như một nguồn năng lượng vào năm 2030, các nhà xuất khẩu như Indonesia và Malaysia đang tìm kiếm cho mình những thị trường mới, và Nhật Bản là một "miếng bánh béo bở".

    Nhật Bản là thị trường lớn của dầu cọ

    Theo báo cáo của Chain Reaction Research – công ty phân tích về rủi ro của nạn tàn phá rừng, Nhật Bản là nhà nhập khẩu dầu cọ lớn nhất của khu vực Đông Á, chủ yếu cho nhu cầu chế biến thực phẩm và các nhà máy điện sinh khối. Nguồn cung cấp chính của họ đến từ Indonesia và Malaysia. 

    Trong năm 2018-2019, Nhật Bản đã nhập khẩu 781.758 tấn dầu cọ, trong đó 62% có xuất xứ từ Malaysia và 38% từ Indonesia. 78% chủ yếu để chế biến thực phẩm và sản xuất hóa chất; 22% để sản xuất điện và sử dụng trong các sản phẩm thực phẩm (chủ yếu là bơ thực vật); dưới 1 phần trăm là dầu cọ thô (CPO).

    tàn phá rừng

    Một cánh rừng bị phá để chuẩn bị chuyển thành nơi trồng cọ ở New Guinea. Ảnh: Chinadialoge

    Trong đó, các tập đoàn thương mại lớn như Itochu, Mitsubishi, Mitsui & Co., Sojitz và Sumitomo là những đơn vị thu mua dầu cọ hàng đầu. Mặc dù Itochu, Mitsui và Mitsubishi thu mua dựa trên tiêu chuẩn NDPE, nhưng cho đến nay không có tập đoàn nào tuân thủ. Vào năm 2020, 4.538 ha rừng đã bị xóa sổ để cung cấp dầu cọ cho Itochu.

    Các tổ chức tài chính Nhật Bản đã đầu tư 6,2 tỷ USD cho ngành khai thác dầu cọ Đông Nam Á trong giai đoạn 2013 - 2019. Trong đó, Mitsubishi UFJ Financial, Mizuho Financial và SMBC Group chiếm 96%.

    loài khỉ không còn nơi sinh sống

    Hình ảnh chú khỉ ngồi đơn độc trên một cành cây khô khi "ngôi nhà" đã bị tàn phá, cho thấy sự khắc nghiệt của việc phá rừng trồng cọ. Ảnh: Fight for Wildlife

    Các công ty Nhật sử dụng dầu cọ như một loại năng lượng tái tạo để tạo ra điện thay cho than đá. Tuy nhiên, việc làm này bị nhiều người lên án vì tác động của nó đến môi trường còn kinh khủng hơn than đá, trong đó nổi bật là tàn phá rừng, chưa kể đến nạn bóc lột sức lao động. 

    [subscribe]

    Những thay đổi tích cực từ các doanh nghiệp Nhật

    Dù chưa nhiều, nhưng nhận thức về các Mục tiêu Phát triển Bền vững (hay SDGs) đã tăng gấp ba lần ở Nhật Bản trong hai năm qua (theo một khảo sát bởi Intage), và ngày càng nhiều công ty nỗ lực giải quyết các vấn đề môi trường trong phạm vi ngành của mình. 

    Việc loại bỏ dầu cọ là điều không thể vì đây là sản phẩm gắn liền với cuộc sống con người, đồng thời là một ngành kinh tế quan trọng đối với người dân các nước sản xuất. Cắt đứt mọi hoạt động kinh doanh đồng nghĩa với việc đột nhiên tước đi sinh kế của người dân địa phương.

    Hơn nữa, cắt bỏ dầu cọ có nghĩa là sử dụng các loại dầu thực vật thay thế khác, và những loại dầu này cũng đi kèm với tác động đến môi trường. Hãy lấy ví dụ về dầu đậu nành. Trồng đậu tương chiếm diện tích đất gấp mười lần so với trồng cọ để sản xuất cùng một lượng dầu. Việc chuyển sang dùng dầu đậu nành sẽ khiến nhiều đất đai bị tàn phá hơn và động vật hoang dã cũng mất đi môi trường thích hợp để sinh sống.

    Nhưng việc khai thác dầu cọ có thể thay đổi để phát triển một cách bền vững hơn. Cùng xem qua một số doanh nghiệp và tổ chức tại Nhật đang thực hiện điều này như thế nào.

    The Borneo Conservation Trust Japan

    The Borneo Conservation Trust Japan là một tổ chức phi lợi nhuận được chứng nhận (NPO), đã tiến hành các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học ở Borneo trong 15 năm. Họ đang nỗ lực để đảm bảo dầu cọ có thể tiếp tục được sản xuất và sử dụng theo cách thân thiện với môi trường. 

    Một trong những vấn đề lớn ở đồn điền cọ là họ đang chia cắt các khu rừng mưa nhiệt đới. Sự phân mảnh này ảnh hưởng đến tuyến đường di cư thường xuyên của voi Borneo khiến chúng mất nơi cư trú, phải đi vào khu nhà ở của dân để kiếm thức ăn, dẫn đến phá hoại mùa màng.

    borneo

    Hoạt động của tổ chức Bảo tồn Borneo. Ảnh: The Borneo Conservation Trust Japan 

    Dự án Hành lang Xanh của Tổ chức Bảo tồn Borneo chủ yếu tập trung vào việc kết nối lại các khu rừng mưa nhiệt đới đã bị chia cắt để tạo ra những khu rừng lớn, qua đó đảm bảo các tuyến đường di cư cho động vật hoang dã không bị xáo trộn, bảo vệ đa dạng sinh học, đa dạng di truyền của các loài động thực vật.

    Tổ chức Bảo tồn Borneo đã cố gắng thương lượng để lấy lại những khu đất từng là nơi sinh sống của voi Borneo. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán đã không thành công vì chủ đất không muốn mất đi việc kinh doanh. Có thể lựa chọn mua lại mảnh đất, nhưng số tiền cần bỏ ra quá lớn, ít nhất là 20 tỷ yên. “Nhưng nếu cùng nhau, chúng ta có thể quyên góp được tiền”, đó là suy nghĩ của những người đứng đầu công ty Saraya. 

    Saraya đã cam kết quyên góp 1% doanh thu thuần của bột giặt Yashinomi để chống lại làn sóng phá rừng ở Borneo.

    Saraya

    Saraya là công ty đầu tiên ở Nhật Bản phát triển và tung ra một loại xà phòng rửa tay chứa thuốc có thể khử trùng và diệt khuẩn. Kể từ khi thành lập, hoạt động kinh doanh của công ty đã chú trọng đến các vấn đề xã hội và môi trường. 

    Chất tẩy rửa Yashinomi nổi tiếng nhất của Saraya có nguồn gốc thực vật, không gây ô nhiễm môi trường vì sử dụng dầu cọ. Nó được tạo ra để giải quyết vấn đề ô nhiễm nguồn nước do nước thải từ chất tẩy rửa tổng hợp làm từ dầu mỏ trong thời kỳ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Nhật Bản.

    saraya

    Ảnh: Tokyo Weekender

    Vào năm 2004, khi phong trào sinh thái vừa mới bắt đầu ở Nhật Bản, Saraya đã đặt câu hỏi liệu các khu rừng nhiệt đới có bị chặt phá vì chất tẩy rửa làm từ dầu cọ của họ hay không.

    85% tổng số dầu cọ dùng trong thực phẩm và 15% còn lại dùng trong công nghiệp, với một tỷ lệ nhỏ được sử dụng cho xà phòng và chất tẩy rửa. Trong đó, lượng dầu được sử dụng bởi Saraya, vốn không phải là một công ty lớn, chỉ là một phần rất nhỏ.

    Saraya đã mua nguyên liệu thô từ một công ty thương mại trong khi không biết về những vấn đề xảy ra ở Borneo. Nhưng khi công ty nhận thức được điều này, họ không thể làm ngơ. Saraya bắt đầu làm việc với các nhà sinh vật học và các chuyên gia bảo tồn môi trường từ một tổ chức phi lợi nhuận địa phương, mục tiêu là tập trung vào cách giải quyết vấn đề mà không ngừng hoàn toàn việc sử dụng dầu cọ. Bước đầu tiên, họ đồng hành cùng The Borneo Conservation Trust Japan.

    Nissin Foods

    Nissin Foods Holdings – tập đoàn sản xuất thực phẩm khổng lồ của Nhật Bản đã từng phải đối mặt với sự chỉ trích về việc sử dụng dầu cọ. Hàng chục nghìn người tiêu dùng trên khắp Nhật Bản, Hoa Kỳ và toàn cầu đã ký đơn kiến nghị, bày tỏ mối quan ngại của họ thông qua trang web dịch vụ khách hàng của Nissin Food.

    Người tiêu dùng đã gây sức ép yêu cầu Nissin hành động ngay lập tức để giữ rừng, tôn trọng quyền của cộng đồng và người lao động bị ảnh hưởng bởi việc tiêu thụ dầu cọ. 

    Sau đó, Nissin đã sửa đổi chính sách thu mua của mình, cam kết thực hiện các bước nhằm ngăn cấm nạn phá rừng, cháy rừng và vi phạm quyền của người bản địa, bao gồm cả quyền về đất đai của họ.

    nissin

    Ảnh: Nikkei

    Ngoài việc công bố chính sách sửa đổi, Nissin Foods đã phản hồi những lo ngại của người tiêu dùng ở Nhật Bản và nước ngoài về nguồn cung ứng. Một số công ty dầu cọ đang bị lên án về việc tàn phá rừng nhiệt đới và đất than bùn, vốn là nơi ẩn náu cuối cùng của những loài có nguy cơ tuyệt chủng như đười ươi Sumatra, voi, tê giác và hổ trong Hệ sinh thái Leuser của Indonesia. Tuy vậy phản hồi của Nissin không xác nhận được nguồn dầu cọ có phải từ những công ty đang gây tranh cãi hay không, thay vào đó, họ đưa ra một danh sách các hành động để khắc phục.

    Tuy vậy, động thái của Nissin vẫn vấp phải sự chỉ trích của Rainforest Action Network (RAN) khi họ chỉ ra rằng tiến độ thực hiện quá chậm và kéo dài đến 2030, trong khi những vấn đề về môi trường và quyền con người đang rất cấp bách.

    kilala.vn

    Mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals – SDGs), còn được gọi là Mục tiêu toàn cầu, được Liên hợp quốc (LHQ) thông qua vào năm 2015 như một lời kêu gọi hành động để chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo rằng tất cả mọi người được hưởng hòa bình và thịnh vượng vào năm 2030 ở mỗi quốc gia thành viên (LHQ). SDGs được thiết kế để chấm dứt nghèo đói, AIDS và phân biệt đối xử đối với phụ nữ và trẻ em gái.

    Các SDGs dựa trên sáu chủ đề bao gồm: nhân phẩm, con người, hành tinh, quan hệ đối tác, công lý và thịnh vượng. Bao gồm 17 mục tiêu, được xác định bởi 169 mục tiêu cụ thể và 232 chỉ tiêu.

    SDGs

    30/06/2022

    Bài: Natsume

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!