Nhật Bản tái chế tã của người già thành nhiên liệu đốt

    Những viên nén tái chế này sẽ được dùng để đốt tạo nhiệt trong các nhà tắm công cộng ở thị trấn Houki, Nhật Bản.

    Tại các nhà tắm công cộng ở thị trấn Houki, tỉnh Tottori, nguồn nước có tác dụng trị liệu được bắt nguồn từ mạch nước nóng cách mặt đất hơn 1km. Trước khi ra khỏi vòi, nguồn nước sẽ được làm nóng đến nhiệt độ lý tưởng, giúp làm sạch và thư giãn cơ bắp. Tuy nhiên, nhiên liệu tạo nên nhiệt cho lò hơi làm nóng nước lại đến từ một thứ không ai ngờ tới: viên nén tái chế từ tã đã qua sử dụng của người già.

    tái chế tã giấy

    Lượng tiêu thụ tã giấy cho người lớn tuổi ngày càng tăng cao tại Nhật. Ảnh: Yasser Chemicals.

    Đau đầu vì rác thải đến từ tã giấy

    Tại Nhật Bản, bên cạnh việc đối mặt với dân số đang già hóa, quốc gia này cũng gặp phải một vấn đề khác vô cùng nan giải, đó là rác thải từ tã lót của người già. Đây là một thách thức tồn tại song song với tình trạng thiếu hụt lao động và áp lực lên quỹ lương hưu, hệ lụy của việc dân số lớn tuổi ngày càng tăng, trong khi tỷ lệ sinh lại giảm.

    Tiến sĩ Kosuke Kawai, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Môi trường Quốc gia cho biết: “Đây là vấn đề không chỉ Nhật Bản mà các nước phát triển sẽ gặp phải trong tương lai”. Quả thật, đây là một vấn đề gây “đau đầu” cho các nhà chức trách Nhật. Với hơn 80% rác thải của đất nước được đưa đến các lò đốt, đây là con số khá cao so với những quốc gia giàu có khác, thì tã giấy là một thách thức bởi lượng tiêu thụ sản phẩm này không ngừng tăng lên theo từng năm.

    tái chế tã giấy

    Điều dưỡng đang dắt một cụ già đi dạo bên ngoài bệnh viện Houki.

    Theo số liệu của Bộ Môi trường, lượng tã giấy người già thải ra ở Nhật Bản đã tăng gần 13%, lên gần 1,5 triệu tấn mỗi năm trong vòng 5 năm qua. Dự báo sẽ tăng thêm 23% vào năm 2030, khi những người từ 65 tuổi trở lên sẽ chiếm gần 1/3 dân số.

    Tã giấy có chứa rất nhiều bột giấy, nhựa và nở ra gấp bốn lần trọng lượng ban đầu sau khi bẩn nên chúng cần nhiều nhiên liệu để đốt cháy hơn so với các nguồn rác thải khác. Điều đó dẫn đến chi phí quản lý rác thải cao và lượng khí thải carbon gây hại cũng tăng lên. Bên cạnh đó, không như những sản phẩm làm từ nhựa khác có thể thay thế bằng vật liệu thân thiện, tã giấy lại là một sản phẩm liên quan đến vấn đề vệ sinh và chăm sóc sức khỏe.

    Theo The New York Times, bà Bà Kremena M. Ionkova, chuyên gia cao cấp về phát triển đô thị tại Ngân hàng Thế giới cho biết: “Chúng ta có thể dễ dàng loại bỏ ống hút và ô che nắng trên ly cocktail. Nhưng không thể loại bỏ tã".

    Nỗ lực biến rác thải thành nguồn nhiên liệu có ích

    Tại Houki, một thị trấn chỉ có hơn 10.500 dân thuộc tỉnh Tottori, nhưng rác thải từ tã lót đã chiếm 1/10 lượng rác của thị trấn. Các quan chức địa phương lo lắng về tình trạng rác thải tã ngày càng tăng nhanh và xem xét chi phí để nâng cấp một lò đốt đã lỗi thời. Cuối cùng, họ quyết định chuyển một trong hai lò đốt của thị trấn thành nhà máy tái chế tã lót, biến chúng thành nhiên liệu để giảm chi phí làm nóng nước bằng khí đốt tự nhiên tại nhà tắm công cộng.
    tái chế tã giấy
    Tã vụn tại trung tâm tái chế ở Houki.

    Một trong những thách thức lớn nhất đối với việc tái chế là đòi hỏi người chăm sóc phải tách tã bẩn ra khỏi tất cả các chất thải khác. Ông Hayato Ishii, một quan chức thuộc bộ phận xúc tiến tái chế của Bộ Môi trường, cho biết chưa đến 10% các thành phố yêu cầu các hộ gia đình tách tã ra khỏi rác chung.

    [subscribe]

    Ở Houki, các hộ gia đình riêng lẻ không phân loại tã, nhưng tại sáu viện dưỡng lão, các phụ tá xử lý tã trong các túi khử mùi đặc biệt và đưa đến nhà máy tái chế mỗi ngày trong tuần. Tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Daisen, nơi có 80% trong số khoảng 200 bệnh nhân cần tã dùng một lần, thải ra khoảng 181kg rác thải như vậy mỗi ngày.

    tái chế tã giấy

    Các viên nhiên liệu thành phẩm.

    Công việc hàng ngày của công nhân tại nhà máy tái chế là đổ tất cả tã vào một thùng có kích thước bằng một chiếc xe kéo nhỏ. Toàn bộ được khử trùng và biến đổi ở nhiệt độ khoảng 177oC trong 24h để giảm trọng lượng xuống còn 1/3 trọng lượng cũ. Quá trình này biến tã thành những viên nhỏ màu xám dài khoảng 5cm. Toàn bộ nhân viên sẽ được trang bị quần áo bảo hộ bao gồm đồ liền thân, ủng cao su và đội mũ bảo hộ.

    Ông Tamotsu Moriyasu, thị trưởng Houki, cho biết hoạt động tái chế không mang lại nguồn thu, mặc dù nó đã tiết kiệm chi phí nhiên liệu tại nhà máy đốt rác và giảm chi phí vận chuyển. Ông cho biết những du khách muốn tìm hiểu về quá trình này đến từ khắp Nhật Bản và cả các nước khác như Indonesia và Tahiti.

    tái chế tã giấy

    Tại nhà tắm công cộng, nhân viên vận hành đổ các viên vào một cái phễu lớn được nối bằng ống nhựa rộng với một nồi hơi sinh khối. Các viên này được đốt cháy để tạo ra nhiệt lượng cực lớn cần thiết để làm ấm nước tắm. Theo tính toán của chính phủ, mặc dù quy trình này vẫn tạo ra khí thải carbon, nhưng các viên nén này ít gây ô nhiễm hơn so với than đá hoặc khí đốt được sử dụng trong lò hơi.

    Một số thành phố khác đang làm theo Houki và biến tã giấy thành những viên nhiên liệu, trong khi một số đang thử nghiệm chuyển chúng thành vật liệu có thể trộn với xi măng để xây dựng hoặc lát đường.

    kilala.vn

    23/11/2021

    Bài: Natsume
    Ảnh: New York Times

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!