Nhật Bản chung tay chống quấy rối với ứng dụng điện thoại mới
Giờ đây nhiều phụ nữ Nhật đã có thể tự bảo vệ mình trước Chikan, những kẻ quấy rối tình dục tại nơi công cộng, nhờ vào ứng dụng điện thoại thông minh “Digi Police” được phát triển bởi sở cảnh sát Tokyo.
Trong bối cảnh đại dịch dần lắng xuống và ngày càng nhiều người quay trở lại nơi làm việc, trường học, số lượng phụ nữ chia sẻ về những lần phải chịu đựng hành vi quấy rối tình dục trên tàu điện cũng theo đó mà gia tăng. Nhiều phụ nữ Nhật đã chuyển sang sử dụng ứng dụng điện thoại để bảo vệ bản thân mình trước Chikan, vốn là nỗi ám ảnh bấy lâu nay của họ.
Ứng dụng Digi Police, trợ thủ đắc lực cho các nạn nhân của Chikan
Vào một ngày giữa tháng 04/2022, trên chuyến tàu điện ở Tokyo, một cô gái trẻ đã cầm chiếc smartphone và giơ lên qua đầu các hành khách xung quanh mình. Trên màn hình điện thoại hiển thị dòng chữ “Tôi bị quấy rối tình dục (Chikan). Làm ơn hãy giúp tôi”. Sau khi biết kẻ thực hiện hành vi xấu với mình đã nhìn thấy thông điệp, cô nhấn vào chức năng giọng đọc mẫu của ứng dụng để phát câu nói: “Làm ơn hãy dừng lại”.
Điều này thu hút sự chú ý của những hành khách khác và họ ngay lập tức răn đe kẻ xấu: “Anh đang làm cái quái gì thế?”. Kẻ quấy rối đã phải xuống ở trạm gần nhất cùng với nạn nhân, được hộ tống bởi những người giúp đỡ.
Cảnh sát đã nhanh chóng đến nhà ga để bắt giữ kẻ quấy rối sau khi cô gái gọi vào số khẩn cấp 110. Được biết, cô đã sử dụng ứng dụng điện thoại ngăn chặn tội phạm được gọi là “Digi Police”. Ứng dụng sẽ hiển thị thông điệp rằng họ đang phải chịu đựng hành vi quấy rối để truyền thông tin này đến các hành khách đứng gần, cũng như phát ra âm thanh kêu cứu.
Ngay sau khi sở cảnh sát Tokyo ra mắt Digi Police, tính đến cuối tháng 03/2022 đã có khoảng 470.000 lượt tải. Hợp tác với các nhà điều hành tàu điện ở Nhật, sở cảnh sát Tokyo đã kêu gọi mọi người tích cực sử dụng ứng dụng này trong “Chiến dịch xóa bỏ Chikan”, được khởi động từ ngày 01/06/2022.
Thực trạng các nạn nhân của quấy rối nơi công cộng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm sự giúp đỡ đã trở thành nguồn động lực để Digi Police ra đời. Sở cảnh sát Tokyo tin rằng điều quan trọng là phải tạo ra công cụ hoặc hệ thống để giúp cho việc tố cáo các vụ Chikan trở nên dễ dàng hơn.
Mariya Okamoto, 18 tuổi, đang tham gia chiến dịch #NoMoreChikan của Hội Thanh niên Nhật Bản dưới sự kêu gọi của Chính phủ, cũng từng trải qua một vụ quấy rối tình dục.
Okamoto nhớ lại khi còn là học sinh trung học, một người đàn ông đứng cạnh cô trên chuyến tàu đã ép sát cơ thể vào cô. Okamoto không biết "liệu hành vi đó có phải cố ý hay không nên đã không nhờ giúp đỡ”. Theo một cuộc khảo sát của cảnh sát tỉnh Fukuoka vào năm 2021 trên 3.000 người, có khoảng 90% nạn nhân Chikan trên tàu hoặc các nơi khác không báo cáo vụ việc với cảnh sát hay nhân viên nhà ga.
Và những nỗ lực khác để chống lại Chikan
Vào năm 2019, công ty startup RadarLab đã thiết kế ứng dụng điện thoại miễn phí mang tên “Radar-z” nhằm giúp các nạn nhân của Chikan dễ dàng tìm kiếm sự giúp đỡ và thông báo nơi hành vi xấu này diễn ra. Người dùng có thể đăng nhập vào ứng dụng và chia sẻ thông tin như địa điểm xảy ra Chikan, cũng như nạn nhân đã phải trải qua những gì.
Theo số liệu thu thập từ Radar-z, có khoảng 70.000 người dùng và 6.000 vụ quấy rối đã được báo cáo. Nó cũng tiết lộ các vụ Chikan thường diễn ra trên những chuyến tàu mà các ga nằm cách xa nhau hoặc những nơi cửa tàu luôn mở cùng một phía.
Bằng cách nhấn nút trên ứng dụng, người dùng của Radar-z có thể tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người dùng khác trên cùng một chuyến tàu.
Một số người khác lại mang đến sự hỗ trợ cho nạn nhân của Chikan theo cách phi kỹ thuật số, nổi bật như trung tâm Chikan Yokushi Katsudo là một tổ chức phi lợi nhuận mang đến các huy hiệu nhằm ngăn chặn hành vi Chikan.
Các huy hiệu này in những thông điệp như “Chikan là tội ác”. Yayoi Matsunaga, 56 tuổi, người đứng đầu tổ chức chia sẻ: “Tôi mong muốn các nạn nhân của Chikan có thể nói lên những nỗi đau mà họ gánh chịu dễ dàng hơn thông qua huy hiệu, chẳng hạn như “Ai đó đang chạm vào cơ thể tôi” hay “Tôi đang bị quấy rối”. Những điều này là bước đầu tiên để bảo vệ cơ thể chính mình, cũng như giảm thiểu số lượng nạn nhân của Chikan trong tương lai”.
kilala.vn
01/07/2022
Bài: Rin
Nguồn: Asahi
Ảnh bìa: Mainichi
Đăng nhập tài khoản để bình luận