Người đàn ông 36 năm trước thoát nạn nhờ đổi vé máy bay

    Chuyến bay 123 của Japan Airlines đã đâm vào sườn núi vào ngày 12/08/1985, đây là chuyến bay mà ông Seiichi Murao dự định đi, nhưng không ngờ rằng việc đổi vé đã cứu sống ông.

    Ngày 12/08/1985, ông Seiichi Murao (hiện nay 80 tuổi) ra sân bay để trở về nhà của mình ở thành phố Minoo, tỉnh Osaka sau khi tham dự buổi lễ trao giải thư pháp tại Tokyo. Do đến sân bay sớm hơn dự kiến nên khi xếp hàng để nhận vé của chuyến bay 123, ông Murao được tiếp viên đề nghị hỗ trợ đổi sang chuyến sớm hơn do hành khách của chuyến đó hủy vé và ông đồng ý. Lúc ấy ông cũng gặp một gia đình 4 người đang xếp hàng để lên chuyến bay 123. Tuy nhiên, họ gặp trục trặc và nhân viên an ninh đề nghị họ chuyển sang chuyến bay sau vì cần kiểm tra bể cá mà họ mang theo có được phép lên máy bay không. Một trong những tình huống hoàn toàn bình thường diễn ra ở sân bay mỗi ngày và ông Murao không bận tâm vì đã đến lượt ông qua cổng an ninh.

    japanairlines

    Tấm vé máy bay 121 mà ông Seiichi Murao còn giữ lại. Ảnh: Asahi

    Sau khi về đến nhà, vợ ông hỏi rằng ông đã trở về bằng cách nào với khuôn mặt đầy vẻ lo lắng. Không để Murao thắc mắc lâu, trên TV trong phòng khách bắt đầu phát tin tức về chuyến bay số hiệu 123 của hãng Japan Airlines đã biến mất khỏi hệ thống radar và đó là chuyến bay ban đầu ông định đi. Chiếc Boeing 747-146SR đã lao xuống sườn núi Osutaka ở Ueno, tỉnh Gunma khiến 520 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng, chỉ 4 người còn sống sót. Nguyên nhân của tai nạn được cho là do ở lần bay trước, chiếc máy bay đã bị tai nạn ở phần đuôi nhưng lại không được sửa chữa đúng cách, khiến máy bay không chịu được áp lực khi bay trên trời, dẫn đến tai nạn. Đây là một trong những thảm họa máy bay tồi tệ nhất trong lịch sử hàng không.

    japanairline

    Chiếc máy bay số hiệu 123 gặp nạn của hãng Japan Airlines. Ảnh: Upi Radio Pix

    Ông Murao lục trong túi tấm vé có số hiệu 121 đã cứu sống ông nhờ việc đổi vé vào phút cuối. Nhớ đến gia đình mà mình đã gặp ở sân bay, ông thắc mắc không biết rằng họ có may mắn như mình. Trong suốt 5 năm, ông Murao ôm kín bí mật đó trong lòng và luôn tự hỏi “Sẽ ra sao nếu như mình vẫn bay chuyến 123 như kế hoạch?”. Mãi về sau ông mới có đủ can đảm để chia sẻ cảm xúc với gia đình.

    Những năm sau đó, Murao quyết định dành thời gian mỗi năm để leo lên sườn núi nơi chiếc máy bay gặp nạn. Ông không trò chuyện cùng ai, chỉ im lặng đến đài tưởng niệm, quan sát buổi lễ từ xa và cầu nguyện cho những sinh mạng đã qua đời.

    japanairline

    Seiichi Murao đứng bên tác phẩm thư pháp tại nhà riêng ở Minoo, tỉnh Osaka. Ảnh: Asahi

    Murao cũng dùng tài năng của mình tạo nên tác phẩm kết hợp giữa thư pháp và hội họa về thảm kịch để thể hiện cảm xúc của bản thân. Năm 2015, tác phẩm đã được trưng bày tại một cuộc triển lãm, bên trên có dòng chữ thư pháp “鎮魂 - Chinkon” (cầu siêu), bên dưới là bức tranh đài tưởng niệm những nạn nhân ở đỉnh núi.

    kilala.vn

    12/10/2021

    Bài: Natsume
    Nguồn: Asahi

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!