Mái nhà chung dành cho những thiếu niên lang thang ở Nhật

    Những đứa trẻ lang thang, bỏ nhà ra đi sẽ được hỗ trợ nơi ở và xây dựng lại cuộc sống.

    Trước tác động khủng khiếp của đại dịch, ngày càng nhiều trẻ em rơi vào hoàn cảnh không nơi nương tựa. Chúng thường tập trung trên đường phố ở các khu vực trung tâm của Osaka và Tokyo cả ngày lẫn đêm, tiềm ẩn nguy cơ thực hiện các hành vi phạm pháp.

    Chứng kiến những cảnh ngộ đau lòng này, tổ chức phi lợi nhuận CPAO tại quận Ikuno, Osaka đã thành lập một ngôi nhà chung để những đứa trẻ lang thang tạm thời sinh sống. Yukiko Tokumaru, 51 tuổi là người đứng đầu tổ chức này. Bà chia sẻ: “Thay vì đẩy chúng vào ngõ cụt, chúng tôi muốn thành lập một nơi mà tụi trẻ có thể dựa vào”.

    yukiko tokumaru
    Yukiko Tokumaru thành lập ngôi nhà chung ở Osaka dành cho trẻ vị thanh niên bỏ nhà ra đi. Ảnh: Mainichi  

    Hoạt động nhân ái này bắt đầu từ hai năm trước, khi bà Tokumaru đang hỗ trợ một người mẹ cùng cậu con trai 16 tuổi. Mối quan hệ giữa hai mẹ con không được hòa hợp và cậu bé đã nhiều lần bỏ nhà ra đi, đến khu giải trí Minami của Osaka.

    Một ngày nọ, cậu bé đã tự đến Tokyo một mình sau khi nghe một người bạn nói rằng: “Có một công việc bán thời gian ở khu phố đèn đỏ Kabukicho, quận Shinjuku cho phép trẻ vị thành niên làm việc vào ban đêm”.

    Tuy nhiên, công việc này thực chất lại là một hoạt động phi pháp. Khi đến nơi, cậu bé gặp được một người và người này nói rằng: “Có một căn phòng cho ở miễn phí ở Shinjuku. Cậu chỉ cần thực hiện các cuộc gọi theo hướng dẫn khi ở trong căn phòng đó”. Nhưng cậu bé nhanh chóng phát hiện ra các cuộc gọi này nhằm mục đích lừa đảo. 

    Sau đó, cậu đã bị bắt và tạm giữ ở khu vực trẻ vị thành niên trong sở cảnh sát. Khi bà Tokumaru đến thăm, cậu bé nói trong nước mắt: “Con đã bỏ nhà đi vì mẹ bảo con cút đi. Sau đó con buộc phải sống một mình. Kể từ khi sống ở căn phòng đó, con không có cách nào khác ngoài việc thực hiện các cuộc gọi”.

    khu toyoko
    Khu Toyoko, tụ điểm của người trẻ bỏ nhà ra đi ở Tokyo. Ảnh: bunshun.jp

    Bà Tokumaru đã đặt nhiều nỗ lực để hỗ trợ trẻ em hòa nhập xã hội. Bà thành lập nên tổ chức phi lợi nhuận CPAO vào năm 2013, sau khu chứng kiến một vụ việc thương tâm xảy ra vào tháng 5 cùng năm. Thi thể của một người mẹ và đứa con nhỏ tại căn hộ ở quận Kita, Osaka đã được phát hiện. Người mẹ ở độ tuổi 28 và đứa con nhỏ chỉ mới 3 tuổi, cả hai qua đời vì chết đói do quá nghèo.

    Người mẹ trẻ đã để lại lá thư tuyệt mệnh, bên trong viết: “Tôi ước gì mình đã có thể cho con ăn thật nhiều vào những ngày cuối đời của con”. Để bi kịch này không lặp lại thêm lần nào nữa, bà Tokumaru vẫn luôn tích cực hỗ trợ nhiều gia đình nghèo khó cho đến hiện tại. 

    Theo chân những đứa trẻ đến Tokyo như cậu bé 16 tuổi ở trên, Tokumaru tiếp cận được chúng ở khu vực gần tòa nhà Shinjuku Toho, quận Kabukicho. Khu vực này thường được gọi là “Toyoko”, là nơi những đứa trẻ bỏ nhà ra đi tụ tập. Chúng quen biết nhau thông qua mạng xã hội và hẹn gặp gỡ ở Toyoko. 

    Khi Tokumaru và những người khác nấu súp gà cho bọn trẻ, chúng đã ngỏ ý: “Chúng con cần một nơi trú ẩn để có thể cảm thấy an toàn mà sống, dù chỉ tạm thời cũng được”.

    gurishita, tụ điểm của người trẻ bỏ nhà ra đi
    Gurishita, tụ điểm của nhiều thiếu niên ở Osaka. Ảnh: Mainichi 

    Trong khi đó, tại quận Minami, Osaka, bên dưới biển quảng cáo khổng lồ Ezaki Glico dọc theo sông Dotonbori chảy qua thành phố, có một địa điểm dạo bộ nổi tiếng gọi là “Gurishita”, cũng trở thành một tụ điểm của nhiều đứa trẻ giữa đại dịch.

    Vào giữa tháng 05/2022, hai nữ sinh trung học đã quay phim bài nhảy của họ bằng điện thoại thông minh ở đây. Một trong hai em mới 15 tuổi, cho biết mình đến Gurishita kể từ năm ngoái: “Em đã gặp nhiều người bạn quen trên Instagram, rồi chúng em bàn với nhau về thần tượng yêu thích cùng nhiều chủ đề khác. Có nhiều người bỏ nhà ra đi và cả những người uống rượu bia nhưng điều này không làm em sợ lắm. Bằng cách nào đó, em cảm thấy mình có thể dễ dàng chia sẻ hơn khi đến đây”. 

    Tuy nhiên, những nơi có số lượng trẻ vị thành niên tập trung đông đảo vào buổi tuối như vậy thường trở thành điểm nóng của tội phạm, và cảnh sát cũng nâng cao cảnh giác ở những khu vực như vậy. 

    Theo Tokumaru, số lượng các vụ tư vấn cho trẻ vị thành niên bỏ nhà ra đi ở những khu vực trên đã bắt đầu tăng lên kể từ dịp Tuần lễ Vàng năm 2020, khi tình trạng khẩn cấp lần đầu được áp dụng. Khi trò chuyện với bọn trẻ ở đây, các em thường chia sẻ rằng “Mẹ em không hạnh phúc vì sự tồn tại của em” hay “Em bị nói là mình chẳng có điểm nào tốt cả”. 

    gurishita ở osaka
    Gurishita, nơi những đứa trẻ rời bỏ gia đình và tìm kiếm nơi chốn thuộc về mình. Ảnh: sankei.com

    Tokumaru lý giải: “Những ông bố bà mẹ bị mất việc vì đại dịch đã xả các áp lực lên con cái ở nhà. Trong một gia đình mà mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái không tốt, thật khó để trẻ ở lại, và đó là lý do vì sao chúng bắt đầu tìm kiếm một nơi khác để sống ở bên ngoài”. 

    Tokumaru cùng một số người khác đã cho thuê căn hộ có bốn phòng ngủ ở quận Minami, Osaka kể từ tháng 04/2022, và với sự cho phép của bố mẹ, chúng có thể ở lại đây. Nhóm của Tokumaru sẽ hỗ trợ người trẻ xây dựng lại cuộc sống và tìm công việc cho họ.

    Để đăng ký ở nhà chung của tổ chức CPAO, người đủ điều kiện là trẻ vị thành niên chỉ mới tốt nghiệp trung học cơ sở, đã bỏ học trung học phổ thông, cũng như những trẻ sống trong gia đình mẹ đơn thân. Hiện tại, có khoảng 5 trẻ đang sống ở đây. 

    Tokumaru chỉ rõ: “Vấn đề trẻ bỏ nhà ra đi tụ tập tại những tụ điểm ở trung tâm không thể giải quyết được bằng cách đàn áp và đuổi chúng đi được. Đã đến lúc Chính phủ cần suy nghĩ kỹ càng hơn về cách hỗ trợ cho bọn trẻ tìm kiếm nơi mà chúng thuộc về”. 

    kilala.vn

    05/07/2022

    Bài: Rin
    Nguồn: Mainichi

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!