Khi những đứa trẻ hóa thành "ác quỷ"

    Nhật Bản là quốc gia ít bạo lực, có tỷ lệ tội phạm thấp nhưng xứ sở bình yên này lại là nơi xảy ra nhiều vụ án kinh hoàng, mà đáng buồn hung thủ lại chính là trẻ em.

    Trong quá khứ, xã hội Nhật Bản đã chứng kiến những vụ án rùng rợn mà danh tính của tội phạm khi được tiết lộ khiến công chúng sốc nặng, bởi kẻ sát nhân có tuổi đời còn quá nhỏ, điển hình như vụ án Seito Sakakibara (Tông đồ của Quỷ hoa hồng). 

    “Seito Sakakibara” là bí danh của hung thủ 14 tuổi ở Kobe, kẻ đã ra tay sát hại một bé trai 11 tuổi và một bé gái 10 tuổi trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 5 năm 1997. Thủ phạm đã treo xác nạn nhân bên ngoài cổng trường khiến ai cũng khiếp đảm.
    seito sakakibara và hai nạn nhân
    Seito Sakakibara (bên trái) và hai nạn nhân nhỏ tuổi. Ảnh: @bizarrepedia

    Hay năm 2004, công chúng lại bàng hoàng với vụ án “Sasebo Slashing" khi nữ sinh tiểu học 12 tuổi Satomi Mitarai đã bị “Cô gái A” (tên gọi của sát nhân 11 tuổi) dùng dao cắt cổ.

    Những vụ án đó đã gây ám ảnh cả nước Nhật lúc bấy giờ và khiến dư luận tranh cãi về hình phạt dành cho tội phạm vị thành niên. Người ta còn bàn luận về nguyên nhân gây án của hung thủ. Theo điều tra, các sát nhân nhỏ tuổi có điểm chung là mắc hội chứng hikikomori, tách biệt và thu mình trước xã hội. 

    Động cơ của “Cô gái A” xuất phát từ mâu thuẫn sau những tin nhắn qua mạng Internet với nạn nhân, phải hứng chịu các lời chế giễu, chê bai về ngoại hình. Còn với Seito Sakakibara, một phần là bởi áp lực về thành tích học tập từ phía gia đình.

    girl a và nhân vật được lấy cảm hứng từ chính mình
    "Cô gái A" và nhân vật Nevada-tan được lấy cảm hứng từ chính mình. Ảnh: i.naijagreen.com.ng

    Từ đây các chuyên gia tâm lý đã nghiên cứu và cho rằng vấn nạn bạo lực học đường, tự tử, trầm cảm, bất ổn về mặt tâm lý rồi lầm đường lạc lối của một bộ phận học sinh Nhật có liên quan đến hai hiệu ứng tâm lý: “Mukatsuku” và “Kireru”. 

    Mukatsuku: tức giận và thất vọng

    “Mukatsuku - ムカつく" là một từ thể hiện sự khó chịu, không hài lòng, bực mình, cáu kỉnh trước một điều gì đó. Với người trẻ tuổi, từ này cũng đề cập đến trạng thái cảm xúc bị kìm nén, không thể tìm thấy sự giải thoát và có thể "bùng nổ" bất cứ lúc nào.

    Hầu hết các học sinh từng trải qua cảm giác tức giận mỗi ngày và trong đó có những em thể hiện sự tức giận thông qua hành vi bạo lực, chống đối xã hội.

    mukatsuku
    Mukatsuku là thuật ngữ dùng để chỉ cảm xúc tiêu cực với môi trường xung quanh. Ảnh: toyo.ac.jp

    Hiện tượng “Mukatsuku” hình thành chủ yếu từ sự giáo dục, kỳ vọng vượt mức cho phép của phụ huynh, người lớn dành cho con trẻ. Những học sinh được giáo dục, áp đặt với các thành tích lớn hơn so với sức học tập, trình độ của bản thân dần rơi vào trạng thái bế tắc, thất vọng khi nhận lấy kết quả không được như mong đợi. Chúng dần rơi vào tình trạng chán nản, mệt mỏi và tức giận với chính mình, từ đây thay đổi về mặt tâm lý.  

    Việc phải chịu đựng áp lực từ phía gia đình, nhà trường, xã hội cùng sự ganh đua giữa các bạn học đã vô tình đè nặng lên tâm trí non nớt của những đứa trẻ. Khi không thể chịu đựng nổi, đứa trẻ sẽ bộc lộ hành vi tức giận, nổi loạn, dẫn đến những hành động vượt ngoài tầm kiểm soát.

    “Kireru”: cáu kỉnh, nổi khùng

    Tình trạng “Kireru” (切れる) trong giới học đường Nhật được hiểu như là việc những học sinh trở nên mất bình tĩnh và hình thành suy nghĩ muốn phá hủy tất cả để giải tỏa cơn stress đã tích tụ bao lâu nay trong tâm trí của chúng. 

    bạo lực học đường nhật bản
    Kireru biểu hiện thành bạo lực học đường. Ảnh: Youtube

    Nếu Mukatsuku là cơn giận dữ bên trong nội tâm thì Kireru là sự bùng nổ cảm xúc ấy ra bên ngoài qua hành động vượt khỏi tầm kiểm soát. Hành vi cấu thành nên "Kireru" là khi học sinh thể hiện sự bạo lực, làm hư hỏng đồ vật, buông lời chửi bới, la hét hoặc bị kích động cao độ.  Chúng không thể kiềm chế được bản thân khi tuổi đời còn ít ỏi với nhận thức non nớt, lúc đó trẻ dễ dàng sai lầm và đi đến việc phạm tội.

    Hiện thực đáng buồn và nghiệt ngã tại trường học

    Từ những năm cuối thập niên 90 và cho đến ngày nay, tại nước Nhật nổi cộm lên vấn đề về việc sợ đi học, thực trạng này được gọi là “futoko”. Việc từ chối đến trường dẫn đến hệ quả trẻ sẽ lớn lên trong môi trường cô lập khỏi xã hội và trở thành hikikomori, những thanh niên tự giam giữ mình trong phòng, ngại tiếp xúc với cộng đồng. Từ đây các vấn đề về trầm cảm, tự sát, bất ổn về mặt tâm lý cứ thế tăng lên đáng báo động. 

    Hệ thống quy định cứng nhắc, vấn nạn bắt nạt, bạo lực học đường, bạo lực mạng với sự phát triển của internet, công nghệ đã khiến một bộ phận giới trẻ xem trường học là địa ngục. Bên cạnh đó là sự thiếu thốn tình cảm từ phía gia đình khi người lớn bỏ mặc con trẻ tự sinh tự diệt để mải mê lao vào công cuộc mưu sinh, hay thực trạng "young carer”, những đứa trẻ phải gánh vác trách nhiệm gia đình cũng là nguyên nhân sâu xa khiến một số trẻ dần rơi vào trạng thái “Mukatsuku” và “Kireru”.

    hiện tượng hikikomori
    Hiện tượng Hikikomori ở Nhật Bản. Ảnh: Eyevine

    Chỉ khi những vụ việc đau lòng xảy ra, án mạng với sát nhân là trẻ vị thành niên, bạo hành trong trường học gia tăng thì hồi chuông cảnh tỉnh mới được gióng lên để người lớn quan tâm, chú ý đến con trẻ.

    Chính quyền Nhật Bản đã có nhiều biện pháp như giáo dục về mặt tâm lý, tạo môi trường học thân thiện, gần gũi. Nhưng có lẽ điều học sinh cần chính là sự chia sẻ, thấu hiểu chân thành, tình yêu thương của phụ huynh, thầy cô và bạn bè. Không phải những bài học đạo đức sáo rỗng, chúng cần sự giáo dục, quan tâm và bảo vệ một cách chân thành để có hướng đi đúng đắn, đặc biệt là trong độ tuổi dậy thì. 

    Tuy nhiên, điều này phụ thuộc vào hoàn cảnh của từng đứa trẻ, các nhà chức trách cũng chỉ có thể tuyên truyền, tác động gián tiếp qua việc giáo dục về nhận thức còn lại là phụ thuộc vào mối quan hệ của mỗi học sinh với gia đình và cộng đồng. 

    kilala.vn

    19/04/2022

    Bài: Ái Thương
    Ảnh bìa: Phấy

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!