Để chống lãng phí, Nhật Bản sẽ tăng thời hạn sử dụng thực phẩm
Theo tờ Asahi Shimbun, Cơ quan Bảo vệ Người tiêu dùng Nhật Bản (CAA) đang đặt ra các tiêu chí mới cho cả ngày hết hạn sử dụng (消費期限/shouhi kigen: sau ngày này thực phẩm không ăn được nữa) và ngày hết hạn đảm bảo hương vị (賞味期限/shoumi kigen: sau ngày này hương vị không còn như ban đầu) .

Ngoài ra, chính phủ sẽ yêu cầu các doanh nghiệp sử dụng “shoumi kigen” phải nêu rõ nó có ý nghĩa gì để người tiêu dùng biết rằng thực phẩm vẫn có thể an toàn tiêu thụ sau ngày đó. Chính phủ cũng khuyến khích các doanh nghiệp đưa ra khuyến nghị trên bao bì về cách bảo quản thực phẩm sau ngày “shoumi kigen”.
Hiện nay, các hướng dẫn cụ thể vẫn đang được xây dựng bởi ủy ban có thẩm quyền. Chính phủ dự kiến sẽ công bố những thay đổi trong tháng 3 năm nay.
Từ lâu, Nhật Bản đã đứng ở vị trí cao trong Chỉ số lãng phí thực phẩm của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP). Trong báo cáo gần đây nhất vào năm 2024, UNEP cho biết Nhật Bản lãng phí khoảng 64kg thực phẩm bình quân đầu người, nhiều hơn Hoa Kỳ với 59kg.
Điều này có phần mâu thuẫn đối với một quốc gia tự hào về triết lí “mottainai” - không lãng phí. Vậy đâu là lí do?
Một yếu tố quan trọng là sự e ngại rủi ro. Cho đến nay, hệ số an toàn được khuyến nghị cho ngày “shoumi kigen” là dưới 1. Tuy nhiên, nhiều nhà sản xuất thậm chí còn đặt hệ số này thấp hơn, xuống mức 0,3. Đối với một số sản phẩm đông lạnh, chúng được đặt hệ số an toàn là 0,7 – điều đó có nghĩa là nếu sản phẩm có thời hạn bảo quản lâu nhất (shelf life) là 10 tháng, thì thời hạn đảm bảo hương vị (shoumi kigen) chỉ có 7 tháng.

Nhà báo chuyên về lãng phí thực phẩm Ide Rumi cho biết, các công ty Nhật Bản vốn dĩ rất e ngại rủi ro, thích đặt ra “ngày hết hạn sử dụng” (shouhi kigen) và “ngày hết hạn đảm bảo hương vị” (shoumi kigen) ngắn hơn để tránh các khiếu nại tiềm ẩn liên quan đến các bệnh do thực phẩm gây ra.
Tuy nhiên, những năm qua, chính phủ Nhật Bản đã nghiêm túc xem xét và nỗ lực không ngừng để giảm thiểu lãng phí thực phẩm. UNEP đánh giá Nhật Bản là một trong những quốc gia có độ tin cậy cao về các ước tính lãng phí thực phẩm. Bộ Môi trường Nhật Bản đã sử dụng dữ liệu thành phần rác thải và các dữ liệu khác để theo dõi lãng phí thực phẩm một cách tỉ mỉ trong nhiều năm.

Kết quả là, theo UNEP, nước này đã giảm 29% lượng thực phẩm lãng phí từ năm 2008 đến năm 2019. Nhật Bản là quốc gia đạt được nhiều tiến bộ nhất trong việc giảm lượng thực phẩm lãng phí ở người tiêu dùng, cũng là nguồn chất thải chính ở mọi quốc gia. Theo báo cáo năm 2024, Nhật Bản đã giảm tổng lượng thực phẩm lãng phí là 31%.
Tuy nhiên, nước này vẫn còn nhiều việc phải làm. 33% lượng thực phẩm lãng phí ở Nhật Bản được coi là có thể ăn được. Điều đó khiến việc thay đổi ngày hết hạn trở thành một bước quan trọng để tiến đến mục tiêu giảm thiểu hơn nữa.
Xem thêm: Đông lạnh rau củ đúng cách, giữ trọn vị tươi ngon
kilala.vn
Nguồn: Unseen Japan
Đăng nhập tài khoản để bình luận