Chuyện về người đàn ông được trả tự do từ vụ bắt cóc của Triều Tiên
Dù đã trở về cố hương Nhật Bản sau khi bị bắt cóc đến Triều Tiên, trong
20 năm qua, ông Hasuike Kaoru vẫn không dám công khai những gì mình biết
bởi lo sợ làm ảnh hưởng đến an nguy của những nạn nhân khác vẫn còn mắc
kẹt lại Triều Tiên, theo chia sẻ của ông với tờ Asahi Shimbun.
Từ khoảng cuối thập niên 70, có rất nhiều công dân Nhật Bản đã biến mất một cách kỳ lạ. Họ được cho là bị đưa đến Triều Tiên để thực hiện công cuộc đào tạo đội quân gián điệp. Trong khoảng thời gian từ năm 1977 đến năm 1983, Chính phủ Nhật Bản từng xác nhận chắc chắn rằng có 17 công dân Nhật Bản bị bắt cóc nhưng thiếu bằng chứng cụ thể để đối chất. Mối quan hệ Nhật Bản - Triều Tiên khi đó vì vậy mà trở nên căng thẳng.
Ông Hasuike Kaoru, 65 tuổi, nằm trong số những nạn nhân này. Tuy nhiên ông cùng với 4 người khác đã may mắn được trả tự do vào năm 2002 - kết quả từ chuyến thăm Bình Nhưỡng cùng năm của cựu Thủ tướng Koizumi Junichiro. Đây là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất một vị lãnh đạo chính trị của Nhật thực hiện thành công sứ mệnh này.
Sau nhiều năm bác bỏ cáo buộc bắt cóc công dân Nhật, phía Triều Tiên đột ngột thừa nhận đứng sau sự vụ này khi ông Koizumi đến Bình Nhưỡng vào ngày 17/09/2002 và có cuộc đối thoại lịch sử với người lãnh đạo của Triều Tiên – Kim Jong Il. Cụ thể, nếu vấn đề bắt cóc được giải quyết thì Nhật Bản hứa hẹn sẽ hướng tới triển vọng viện trợ kinh tế và thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với phía Triều Tiên.
Ông Hasuike là một trong năm người Nhật mà ông Kim Jong Il biết được là vẫn còn sống sót. Ông Kim khẳng định rằng 8 người Nhật khác đã qua đời.
Trước khi được trở về Nhật, ông Hasuike đã sống vất vưởng tại Triều Tiên trong suốt 24 năm kể từ ngày định mệnh 31/07/1978, thời điểm ông và bạn gái bị bắt cóc. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với tờ Asahi Shimbun tại Kashiwasaki – nơi ông đang sống cùng gia đình, Hasuike cho biết chuyến hồi hương của ông và vợ vào năm 2002 được phía Triều Tiên thông báo chỉ là ngắn hạn theo thỏa thuận giữa hai quốc gia.
Xem thêm: Bí ẩn lịch sử về những vụ bắt cóc người Nhật của Triều Tiên
Sau khi trở về quê nhà, Hasuike vẫn dự định quay lại Triều Tiên vì trong thời gian bị bắt cóc, ông và bạn gái Yukiko đã kết hôn và sinh được hai người con, khi đó vẫn còn kẹt lại ở Triều Tiên. Sau khi họ hàng thuyết phục Hasuike nên ở lại Nhật, ông đã quyết định sẽ đợi con trở về đoàn tụ tại Nhật Bản thay vì quay trở lại Triều Tiên.
Ông đã báo cáo với Chính phủ rằng hai vợ chồng quyết định không trở lại Triều Tiên nữa. Bấy giờ, chính quyền của ông Koizumi đã nêu rõ quan điểm rằng những nạn nhân bị bắt cóc vẫn được tiếp tục ở lại Nhật như một điều khoản chính thức trong cuộc đàm phán với phía Triều Tiên.
Vào tháng 05/2004, các con của Haisuke đã chính thức được đoàn tụ với cha mẹ, kết thúc chuỗi ngày chia ly 19 tháng. Ông Haisuke nhớ lại và cho biết đó là khoảng thời gian đợi chờ và chịu đựng dài dằng dặc, ông chỉ có thể sống đúng nghĩa sau khi gặp lại hai con của mình.
Sau khi hồi hương vào năm 2002, ông Haisuke đã đăng ký học lại tại Đại học Chuo, Tokyo, nơi ông từng theo học trước khi bị bắt cóc. Tốt nghiệp xong, ông bắt đầu dạy tiếng Hàn ở Đại học Niigata Sangy tại Kashiwazaki. Hiện tại ông đang đảm nhiệm vị trí phó giáo sư tại trường và là một dịch giả tiếng Hàn.
Vào năm 2012, Hasuike đã xuất bản cuốn sách với tựa đề “拉致と決断 - Rachi to Ketsudan” (tạm dịch": Bắt cóc và quyết định), tập trung nói về cuộc sống hằng ngày của gia đình ông tại Triều Tiên.
“Tôi đã mất đến 10 năm để có thể nói lên nỗi lòng của mình. Thứ duy nhất để tôi thuyết phục bản thân rằng mình đã đúng khi tiếp tục ở lại Nhật (mà không quay lại Triều Tiên) là con chúng tôi sinh ra tại Triều Tiên sẽ nỗ lực và trở nên tự lập tại đất nước đó”.
Haisuke đã phải rất cố gắng để chấp nhận cuộc sống tại Triều Tiên sau khi bị bắt cóc: “Tôi không chán ghét mọi thứ khi sống ở Triều Tiên. Gia đình và bản thân tôi phải sống sót bằng cách chấp nhận sự thật rằng mình đang ở đây. Nhưng điều này không có nghĩa là tôi bằng lòng với mọi thứ”.
Tuy nhiên, cuốn sách chỉ xoay quanh những trải nghiệm hằng ngày của ông tại Triều Tiên mà hầu như không đề cập đến tổ chức thực hiện hành vi bắt cóc, cùng thông tin về những người Nhật khác vẫn còn đang sống tại đó, bởi vấn đề vẫn chưa được giải quyết triệt để.
“Tôi không muốn gây ra bất kỳ ảnh hưởng nguy hại nào đến các cuộc đàm phán song phương về vấn đề này, cũng như sự an toàn của những người Nhật bị bắt cóc khác”, ông cho biết. Tuy nhiên, ông dự định công bố mọi chi tiết về những điều mắt thấy tai nghe tại Triều Tiên vào thời điểm thích hợp, khi nó không còn gây ảnh hưởng xấu đến bất kỳ bên liên quan nào.
Hiện tại, Bình Nhưỡng cho rằng vấn đề bắt cóc đã được giải quyết và từng nói trước đó rằng không có bất kỳ ghi chép nào về những người còn sống sót khác.
Về phần Haisuke, ông hiện đang thực hiện chuyến viếng thăm đến hàng chục địa điểm trên khắp nước Nhật mỗi năm để chia sẻ về những trải nghiệm của mình ở Triều Tiên, bên cạnh nhiều nỗ lực khác để vấn đề bắt cóc không bị lắng xuống và được giải quyết nhanh chóng.
Ông Haisuke cho biết: “Gia đình của các nạn nhân hiện giờ đã tuổi cao sức yếu, có người đã qua đời sau nhiều năm chờ đợi con cái trở về. Vấn đề bắt cóc sẽ không bao giờ rơi vào quên lãng trừ khi cha mẹ có thể gặp lại con của mình, miễn là họ vẫn còn sống”.
kilala.vn
21/09/2022
Bài: Rin
Nguồn: Asahi
Đăng nhập tài khoản để bình luận