NỘI DUNG BÀI VIẾT

    Chuyện phân biệt trong tuyển dụng với người có gốc nước ngoài tại Nhật Bản

    Sinh ra và lớn lên tại Nhật Bản, cô gái 20 tuổi nộp đơn và háo hức chờ đợi phản hồi từ trang web tìm kiếm việc làm dành cho sinh viên vừa ra trường. Nhưng những gì nhận được khiến cô lần nữa đối diện với những khó khăn khắc nghiệt khi lựa chọn theo họ của cha mình, một người ngoại quốc. 

    “Rất khó để nói điều này, nhưng công ty chúng tôi không tuyển dụng sinh viên nước ngoài. Chúng tôi vô cùng xin lỗi”, đó là một phần trong tin nhắn mà cô gái nhận được. Điều này khiến cô cảm thấy bức xúc và không thể kiềm chế những giọt nước mắt, bởi cô là một người Nhật.
    co-gai-bi-cong-ty-tu-choi-vi-co-ten-nuoc-ngoai
    Cô gái bị từ chối vì có tên nước ngoài. Ảnh: Asahi

    “Bắt đầu từ kết luận, tôi là người Nhật. Rất tiếc vì quý vị đã nhầm tôi là người nước ngoài chỉ vì cái tên của tôi. Thật thô lỗ khi nhận định một người là người nước ngoài hay không chỉ dựa trên ngoại hình hoặc tên của người đó. Tôi hi vọng quý vị sẽ không bao giờ lặp lại điều này trong tương lai. Tôi từ chối ứng tuyển vào công ty của quý vị”, cô hồi đáp.

    Ngọn nguồn từ cái tên đặc biệt

    Sự việc xảy ra vào giữa tháng 5 và đã lan truyền nhanh chóng khi nhân vật chính đăng tải nỗi thất vọng của mình lên một trang mạng xã hội. Tin nhắn từ chối trên đến từ nhân viên phụ trách nhân sự của một công ty tư vấn mà cô đã nộp đơn xin việc.

    Vì chưa bao giờ cung cấp cho công ty thông tin về quốc tịch của mình nên cô hiểu ngay rằng, mọi việc có lẽ là do cái tên bắt đầu bằng các kí tự katakana của mình.

    Nữ sinh viên này mang quốc tịch Nhật Bản, có mẹ là người Nhật và cha là người Nigeria, cô lấy họ theo cha mình. Tên của cô là do mẹ đặt và được viết bằng các kí tự hiragana. Còn tên đệm do cha đặt được viết bằng katakana. Toàn bộ cái tên thể hiện mong muốn của cha mẹ, đối với cô, là niềm vui và niềm tự hào.

    Sinh ra và lớn lên ở Nhật Bản, nữ sinh này chưa từng đến Nigeria. Cô tự tin rằng mình là người Nhật Bản, mặc dù có một phần nguồn gốc Nigeria.

    “Tôi sẽ không bao giờ phải nghe những lời như thế nếu như không có cái tên này” cô nghĩ.

    Những kí ức buồn

    Sự việc này gợi lại trong cô gái trẻ những ký ức về việc thường bị đối xử như “kẻ lập dị” từ ngày bé.

    Khi còn là học sinh tiểu học, cô phải đối mặt với hàng loạt câu hỏi kiểu như “tại sao bạn có da đen?”, “bạn  có tóc xoăn”... từ các bạn cùng lớp mỗi khi thay đổi lớp.

    Một trải nghiệm đáng quên khác là việc cô bị nhân viên của công ty bất động sản nghi ngờ về quốc tịch và bị yêu cầu giấy tờ để chứng mình.

    Xem thêm: Người nước ngoài bị từ chối cho thuê nhà tại Nhật

    Còn khi làm thêm tại siêu thị và cửa hàng tiện lợi, cô thường được khách hàng khen là “tiếng Nhật tốt". Điều duy nhất cô có thể làm là nhún vai và nói "cảm ơn".

    Mặc dù biết rằng có lẽ không ai có ý định xúc phạm mình nhưng khi liên tục phải đối mặt với những phản ứng tương tự, cô bắt đầu cảm thấy như thể sự hiện diện của mình đang bị phủ nhận.

    Tin nhắn phản hồi của bộ phận nhân sự công ty mới đây khiến cô đặc biệt sốc vì lẽ ra đó phải là nơi quen thuộc với xuất thân đa dạng của mọi người.

    Lời xin lỗi của công ty

    Sau khi nhận được tin nhắn đó, cô đã chia sẻ lên một nền tảng mạng xã hội (nhưng không tiết lộ tên công ty và cá nhân liên quan) với hi vọng sự hiện diện của người Nhật với nguồn gốc đa dạng sẽ được chú ý nhiều hơn để không còn ai phải giống như mình.

     Dưới bài đăng, một số cư dân mạng đã chỉ trích công ty trong câu chuyện là "lỗi thời" và "thiếu suy nghĩ". Cũng có không ít người thể hiện sự đồng cảm vì cũng từng trải qua sự việc tương tự.

    Công ty nói trên là World System Consultant, một đơn vị tư vấn công nghệ thông tin có trụ sở tại phường Chuo, Tokyo.

    Nữ sinh viên cho biết cô đã nhận được lời xin lỗi từ nhân viên phụ trách nhân sự của công ty:

    "Chúng tôi chân thành xin lỗi vì đã xúc phạm bạn bởi phản ứng của mình. Chúng tôi sẽ nghiêm túc xem xét và thay đổi trong tương lai. Chúng tôi nhận ra rằng mình đã làm một hành động rất đáng xấu hổ".

    Không phải trường hợp đầu tiên

    Trong quá khứ, từng có một trường hợp sinh viên nước ngoài bị phân biệt đối xử khi tìm việc đã thu hút sự chú ý của dư luận.

    Vào năm 2022, chuỗi nhà hàng thịt bò Yoshinoya Holdings Co. đã nhầm lẫn một sinh viên có quốc tịch Nhật Bản là công dân nước ngoài vì tên của cô và từ chối cho sinh viên này tham gia một sự kiện tuyển dụng. Sau đó, Yoshinoya đã phải lên tiếng xin lỗi vì vụ bê bối.

    con-lai-hafu
    Bị phân biệt đối xử vì là con lai không phải chuyện hiếm gặp trong xã hội Nhật Bản. Ảnh: CNN

    Trong một cuộc khảo sát năm 2021 do Viện Nghiên cứu và Giáo dục Nhân quyền thuộc Đại học Kwansei Gakuin thực hiện với 105 cá nhân có gốc nước ngoài đang tìm kiếm việc làm, 40% trong tổng số cho biết họ cảm thấy bị phân biệt đối xử và định kiến ​​vì quốc tịch, tên và các đặc điểm khác.

    Số liệu thống kê của chính phủ Nhật Bản cho thấy, từ năm 2013 đến năm 2022, khoảng 32.000 đến 36.000, hoặc khoảng 4% tổng số trẻ em được sinh ra tại Nhật Bản có một trong hai hoặc cả hai cha mẹ không phải người Nhật. Con số trong 10 năm tính từ 2013 đã lên tới 340.000.

    Xem thêm: Hafu: Nỗi niềm “con lai” xứ Nhật

    Số lượng trẻ em có gốc gác nước ngoài thực tế có lẽ còn lớn hơn vì những đứa trẻ có ông bà không phải người Nhật và các trường hợp tương tự khác chưa được tính vào số liệu.

    Hành động của chính phủ

    Chính phủ Nhật Bản cho biết họ có chính sách chống phân biệt đối xử dựa trên nguồn gốc, dân tộc và các yếu tố khác trong tuyển dụng.

    Một viên chức của Văn phòng Hỗ trợ Việc làm trực thuộc Cục An ninh Tuyển dụng của Bộ Lao động cho biết: "Những giả định do các công ty tuyển dụng đưa ra chỉ dựa trên thông tin một chiều có thể dẫn đến phân biệt đối xử trong tuyển dụng, vì vậy chúng tôi hy vọng họ sẽ mở cửa cho nhiều ứng viên và sàng lọc họ dựa trên năng lực và khả năng".

    Vị này cũng chỉ ra rằng ngay cả khi ứng viên không phải là người Nhật Bản xét theo quốc tịch, thì cũng không mong muốn các công ty loại họ khỏi quy trình tuyển dụng.

    no-luc-cua-chinh-phu
    Chính phủ Nhật Bản đang nỗ lực hơn trong việc ngăn chặn phân biệt đối xử trong tuyển dụng dựa trên gốc gác. Ảnh; linkjapancareers.net

    Trong cuốn sách “Hướng tới sàng lọc tuyển dụng công bằng” của Bộ Lao động có đoạn: “Cần hiểu rằng việc yêu cầu thông tin hộ khẩu từ ứng viên là hành động khiến nhiều người khó chịu vì điều đó có thể gây ra sự phân biệt đối xử và định kiến ​​dựa trên nguồn gốc”.

    Trên cơ sở chính sách đó, bất cứ khi nào nhận được khiếu nại tại các cơ quan an ninh tuyển dụng công hoặc các đơn vị khác trực thuộc, Bộ Lao động sẽ xác nhận sự việc với các công ty tuyển dụng và hướng dẫn họ khắc phục mọi vấn đề.

    Tuy nhiên, theo tình hình hiện tại, không có luật hoặc quy định nào cấm phân biệt đối xử trong tuyển dụng dựa trên gốc gác với hình phạt tương tự như Luật Cơ hội Việc làm Bình đẳng cấm phân biệt đối xử dựa trên giới tính.

    kilala.vn

    Nguồn: Asahi

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!