Yoshiko Kawashima: từ cách cách triều Thanh đến điệp viên phản quốc
Đến nay, cuộc đời bi thương của nàng cách cách Mãn Thanh Yoshiko Kawashima làm gián điệp cho Nhật Bản vẫn luôn khiến người đời thương xót.
Thông minh, xinh đẹp nhưng số phận lại chuốc lấy kết cục bi thảm, cuộc đời làm gián điệp trong Thế chiến thứ II của Yoshiko Kawashima (川島芳子) phần nào gợi nhớ đến nàng Vương Giai Chi trong bộ phim “Sắc, Giới” nổi tiếng của đạo diễn Lý An. Tuy nhiên, khác với câu chuyện của cô sinh viên họ Vương nhà nghèo trong tác phẩm điện ảnh, Yoshiko Kawashima ngoài đời thực sinh ra trong hoàng tộc sinh năm 1907 với tên thật là Ái Tân Giác La Hiển Dư, là con gái thứ 14 của Túc Thân vương Thiện Kỳ cuối triều đại nhà Thanh.
Tiểu cách cách thời loạn với tuổi trẻ đầy trắc trở
Hệt như số phận trập trùng biến cố của các công chúa sinh vào những ngày lụi tàn của thời đại, như công chúa Trường Bình thời nhà Minh hay Lý Chiêu Hoàng cuối thời nhà Lý ở Đại Việt, Hiển Dư cũng mang vào mình một số phận truân chuyên nhiều đau khổ. Khi đế chế Mãn Thanh bị lật đổ bởi cuộc Cách mạng Tân Hợi 1911, công chúa Hiển Dư khi đó mới 4 tuổi. Là người trong hoàng tộc, lại luôn canh cánh giấc mộng khôi phục vương vị triều Thanh, vương gia Thiện Kỳ đã gửi hết con cái sang Nhật Bản lánh nạn và hy vọng tìm kiếm các chỗ dựa để chờ ngày phục quốc.
Năm 1915, Naniwa Kawashima, một điệp viên của quân đội Nhật Bản đã thuyết phục vị thân vương gửi con gái sang Tokyo để nuôi dưỡng. Từ cơ duyên này, tiểu công chúa 8 tuổi Ái Tân Giác La Hiển Dư bắt đầu cuộc sống mới với cái tên Yoshiko Kawashima.
Năm 1921, Yoshiko nhận tin cha cô ở Trung Quốc qua đời, mẹ cô vì quá đau buồn cũng tự sát sau đó. Cuộc đời của nàng công chúa cựu triều chính thức chuyển hướng. Khi Yoshiko lớn lên cũng chính là lúc người cha nuôi bắt đầu có những dấu hiệu lạm dụng tình dục cô gái trẻ. Vào năm 17 tuổi, theo lời kể của Yoshiko, cô đã bị cha nuôi hãm hiếp. Vụ việc đã khiến cô bỏ nhà ra đi và sống một cuộc đời phóng túng, ăn mặc như đàn ông và còn có tin đồn cô có quan hệ ái tình với cả nam và nữ.
Từ nàng cách cách nuôi giấc mộng phục quốc.
Mặc dù vậy, ước muốn khôi phục lại vương quyền của gia tộc vẫn luôn đau đáu nơi cô gái trẻ. Năm 1927, Yoshiko trở về Trung Quốc và được sắp xếp một cuộc hôn nhân với một người chồng Mông Cổ vì những lí do chính trị. Vào khoảng thời gian này, cô hoạt động với bí danh tiếng Trung Quốc là “Dongzhen –东珍”, có nghĩa là “Ngọc phương Đông”. Nhiều người cho rằng danh xưng này vốn dĩ rất hợp với Yoshiko vì cô sở hữu nét đẹp quý phái và kiều diễm, hệt như một viên ngọc quý vậy.
Vào năm 1929, cô chạy trốn khỏi Mông Cổ để trở về Thượng Hải và ẩn náu tại khu phố ngoại kiều. Tại đây, cô vẫn giữ liên lạc với các thành viên hoàng tộc Thanh triều, đặc biệt là anh họ cô – Hoàng đế Phổ Nghi. Song song đó, cô cũng cộng tác tích cực với quân đội Nhật Bản nhằm lấy được các thông tin tình báo giúp ích cho công cuộc khôi phục Thanh triều.
. cho đến kẻ phản quốc bị chính quyền truy nã
Trái với ý định ban đầu là lợi dụng việc làm gián điệp cho quân đội Nhật Bản để thu thập tin tức tình báo, những việc làm của cô vô tình giúp thế lực của quân đội Nhật ngày càng bành trướng hơn. Vào năm 1931, người Nhật đã xâm chiếm Mãn Châu, dựng lên một quốc gia bù nhìn mới ở đây gọi là Mãn Châu Quốc và thuyết phục Phổ Nghi trở thành người đứng đầu Mãn Châu Quốc. Yoshiko cũng được phong chức Tổng tư lệnh của một lực lượng quân sự bù nhìn gọi là An Quốc quân, hoạt động với mục đích đàn áp các đội du kích chống Nhật.
Trong “vụ Thượng Hải lần thứ nhất” diễn ra năm 1932, những đóng góp tình báo của Yoshiko đã giúp quân đội Nhật đạt được mục tiêu kiểm soát hoàn toàn thành phố. Từ đó, cô được quân đội Nhật Bản sử dụng như một hình ảnh nữ anh hùng cho các mục đích tuyên truyền chống lại chính người dân của mình.
Cái kết bi thảm cho “người đẹp phương Đông”
Mặc dù hoạt động với tư cách một tổng tư lệnh ở Mãn Châu Quốc, song lòng trung thành đối với Thanh triều khiến Yoshiko nhiều lần phản đối các chính sách đàn áp tàn bạo mà Nhật Bản sử dụng lên người dân của cô. Điều này khiến cô không còn được trọng dụng và bị quân đội Nhật Bản bắt giam vào năm 1934.
Mặc dù được tha 2 năm sau đó, sự nghiệp tình báo của Yoshiko đã hoàn toàn chấm dứt. Cô đã quá nổi tiếng để làm tình báo, và cũng không còn nhận được sự tin tưởng từ người Nhật để được trở thành hình ảnh tuyên truyền. Quân đội Nhật cũng như lực lượng phát-xít thắng thế trên toàn thế giới. Trung Quốc nằm hoàn toàn dưới ách thống trị của người Nhật khiến cho giấc mộng phục quốc của cô cũng ngày càng trở nên xa vời.
Sau khi Thế chiến thứ II kết thúc, Nhật Bản thất bại kéo theo sự sụp đổ của Mãn Châu Quốc. Yoshiko trở thành cái tên bị chính quyền Quốc dân đảng truy lùng. Cô bị một điệp viên phản gián bắt ở Bắc Kinh năm 1945. Lúc bị bắt, Yoshiko được mô tả là “một người phụ nữ xinh đẹp trong trang phục nam giới”.
Phiên tòa xét xử Yoshiko kéo dài trong hơn 2 năm với cáo buộc phản quốc và bị xử tử hình. Mặc dù luật sư đã bào chữa cho cô rằng Yoshiko mang quốc tịch Nhật Bản nên cô không thể bị gán tội danh phản quốc mà chỉ là tội phạm chiến tranh, vì vậy cần được xét xử tại tòa án quốc tế. Tuy nhiên, lý lẽ này bị bác bỏ. Cô bị xử tử hình nơi công cộng bằng một phát súng sau gáy vào năm 1948 và thi thể bị bêu nơi công cộng để răn đe.
Cuộc đời sóng gió của Yoshiko Kawashima kết thúc bi thảm với tiếng nhơ phản quốc cho đến nay vẫn còn gây tranh cãi và là đề tài hấp dẫn của văn chương và phim ảnh. Trong đó có bộ phim “Kawashima Yoshiko” (tên tiếng Anh: The Last Princess of Manchuria) được sàn xuất vào năm 1990 do “Đệ nhất danh ca Hongkong” Mai Diễm Phương thủ vai chính đã lấy đi nhiều nước mắt của người xem.
kilala.vn
02/03/2021
Bài: Phương Nguyên
Đăng nhập tài khoản để bình luận