Yami Kawaii - góc tối nặng lòng sau trào lưu Kawaii đình đám
"Kawaii~ Ôi, thật đáng yêu làm sao!" - đó là câu cảm thán phổ biến của người Nhật trước những thứ dễ thương và sặc sỡ. Văn hóa Kawaii phổ biến đến mức có mặt ở khắp mọi nơi trong và ngoài nước Nhật, xuất hiện qua phim ảnh, quà lưu niệm, và đặc biệt là phong cách thời trang. Nhưng bạn có biết Kawaii cũng tồn tại một góc tối, được gọi tên là Yami Kawaii?
Không chỉ là dễ thương đơn thuần, văn hóa Kawaii còn được chia làm nhiều thể loại dị hợm và khó hiểu, như dễ thương một cách. kinh dị hoặc thậm chí là bệnh hoạn. Trong bài viết này, Kilala sẽ giới thiệu đến bạn phong cách Yami Kawaii - một phong cách Kawaii mang nhiều thông điệp. Yami Kawaii không lung linh như vẻ bề ngoài mà nó là phương tiện phản ánh tiếng lòng của những người đang vật lộn với những tổn thương tâm lí, với những áp lực nặng nề mà xã hội hiện đại mang lại.
Yami Kawaii là gì?
Yami Kawaii (病みかわいい) là một nhánh nhỏ của đại trường phái Kawaii, chủ yếu thể hiện trong thời trang. Trong tiếng Nhật, "Yami - 病" là “bệnh”, tức chỉ những căn bệnh về tâm sinh lý nói chung, còn "Kawaii - 可愛い/かわいい" vốn được biết đến rộng rãi là “khả ái/đáng yêu”. Một thuật ngữ khác tương đồng với Yami Kawaii là "Menhera - メンヘラ" (ghép từ Mental Health), chỉ trạng thái tinh thần không ổn định.
Yami Kawaii là một tổ hợp đầy tương phản giữa phong cách thời trang dễ thương, màu mè và sự ốm yếu, tăm tối về mặt tâm lý. Theo đó, người ta sẽ trộn lẫn những “gia vị” tiêu cực, u ám vào một bộ trang phục vốn ngọt ngào, sặc sỡ. Được biết, những ai theo đuổi Yami Kawaii từng ít nhiều hứng chịu những chấn thương nhất định về mặt tâm lí như stress, trầm cảm, sang chấn, nghiêm trọng hơn là có xu hướng tự hoại hoặc tự sát. Họ muốn thông qua trang phục để chia sẻ với xung quanh rằng: “Tôi không ổn”.
Đồng thời, Yami Kawaii còn sở hữu một linh vật riêng gọi là Menhera-chan do nghệ sĩ Ezaki Bisuko sáng tạo ra.
Phong cách thời trang của Yami Kawaii
Con phố Harajuku là nơi các tín đồ thời trang thể hiện gu ăn mặc sành điệu, bao gồm cả Yami Kawaii.
Tông màu chủ đạo của Yami Kawaii vẫn là các gam màu tươi tắn, trong sáng và ngọt ngào như hồng và tím pastel. Tuy nhiên, trên trang phục lại có các hình ảnh hoặc slogan tiêu cực để thể hiện tình trạng quá khích, tâm lý yếu ớt hoặc phản xã hội, ví dụ như “Tôi muốn chết”, “Đồ bệnh hoạn”. Các loại phụ kiện, trang sức cũng là điểm nhấn của Yami Kawaii bởi nó thể hiện trạng thái bị “bệnh” của người mặc như kim tiêm, viên nhộng, băng keo cá nhân, khẩu trang, trang điểm thêm máu giả hoặc vết thương giả,. Đặc biệt, trang phục có in ảnh linh vật Menhera-chan luôn được ưa chuộng nhiều nhất.
Xét về tổng thể, Yami Kawaii vẫn giữ đúng tinh thần của trường phái dễ thương, tạo cảm giác xinh xắn, bắt mắt, ai nấy nhìn vào cũng có xúc động thốt lên “Kawaii~”. Thế nhưng ý nghĩa ẩn sau nó lại là một vấn đề đáng quan ngại do khơi dậy những mặt trái mà con người muốn che đậy, muốn làm ngơ.
Thông điệp mà Yami Kawaii gửi gắm là gì?
Vì sao Yami Kawaii xuất hiện?
Trước hết phải nói về thực trạng xã hội Nhật Bản. Người châu Á nói chung và Nhật Bản nói riêng vốn tôn trọng chủ nghĩa tập thể và những quy tắc của lối sống tập trung. Trong một cộng đồng, người ta có xu hướng tuân theo quy tắc chung, bất kì ai “chệch nhịp” sẽ dễ bị đám đông bài xích. Sự kì thị sẽ thể hiện rõ ở giai cấp xã hội, hơn thế nữa, với những ai gặp trở ngại tâm sinh lý, nhất là rào cản tâm lý thì luôn dẫn đến sự thiếu chia sẻ và đồng cảm.
Nhật Bản là quốc gia có tỉ lệ tự sát nằm ở mức báo động, nguyên nhân chủ yếu do áp lực công việc, học tập, bắt nạt và đặc biệt là trầm cảm. Tỉ lệ tự sát trên 100.000 người trong năm 2017 là 16.7/100.000 người, cao hơn so với các quốc gia có nền kinh tế phát triển ngang Nhật Bản như Mỹ và Đức.
Thiếu tiếng nói sẻ chia và đồng cảm là chuyện không mấy dễ dàng với những ai sống trong nỗi tuyệt vọng, nhất là giới trẻ. Điều này như một bức tường ngăn cách họ và xã hội, cắt đứt mọi mối liên hệ với bên ngoài. Và đó cũng là lí do họ tìm đến Yami Kawaii như một liều thuốc chữa lành, như một cơ hội để phơi bày nội tâm yếu ớt ra bên ngoài, khao khát chia sẻ những trải nghiệm khi tâm hồn bị tổn thương.
Kawaii không chỉ đơn thuần là “dễ thương”, mà còn là “cơ hội được yêu thương và trân trọng”. Khoác lên mình bộ trang phục Yami Kawaii, người mặc không chỉ hy vọng được những người xung quanh chiêm ngưỡng và trầm trồ khen ngợi “Kawaii~”, mà quan trọng hơn cả là đồng cảm với câu chuyện mà họ muốn chia sẻ. Họ thẳng thắn khẳng định rằng những con người gặp vấn đề tâm lý cũng cần được đối xử như người bình thường.
Yami Kawaii còn là lời kêu gọi cộng đồng hãy quan tâm đến vấn đề nóng của xã hội thông qua con đường dễ gây cảm hứng nhất: thời trang. Thời trang có thể đưa thông điệp đi khắp mọi nơi, giúp những chủ đề về trầm cảm và bệnh lý tâm thần khác được bàn luận cởi mở hơn, hiệu quả hơn nữa.
Thông điệp về Yami Kawaii được lan tỏa như thế nào?
Dù là phong cách tương đối u ám và nặng nề, Yami Kawaii lại nhận được sự ủng hộ tích cực từ cộng đồng trẻ bởi thông điệp đầy ý nghĩa. Hiện tại, Yami Kawaii là phong cách được nhiều người theo đuổi và trở thành một xu hướng độc đáo với các tín đồ thời trang.
Cái tên Ezaki Bisuko cũng là gương mặt đình đám trong làng thời trang Yami Kawaii, là người dẫn đầu trào lưu này và biến Yami Kawaii thành một nghề kinh doanh hết sức ấn tượng. Twitter của anh cũng đạt hơn 170.000 lượt theo dõi.
Ngoài ra, còn có rất nhiều gương mặt trẻ trở thành những người có sức ảnh hưởng lớn trong cộng đồng như Kuua Oyasumi - nữ nghệ sĩ nổi tiếng với phong cách Yami Kawaii, đạt gần 70.000 lượt theo dõi trên Instagram. Cô cũng là nhà thiết kế thời trang chuyên ra mắt các sản phẩm mang phong cách Yami Kawaii.
Trang phục có thể phản ánh địa vị xã hội và quan điểm cá nhân, vì vậy không có gì lạ khi trang phục có thể lan tỏa những thông điệp thay đổi xã hội. Hy vọng rằng Yami Kawaii có thể tác động tích cực đến xã hội Nhật Bản về những vấn đề liên quan đến bệnh tâm lý, giúp họ chia sẻ rộng mở hơn nữa.
kilala.vn
11/01/2021
Bài: Gia Hân
Ảnh bìa: menhera-chan.tumblr.com
Đăng nhập tài khoản để bình luận