Bí mật về Yakuza và các băng đảng Yakuza lớn nhất Nhật Bản
Thấy trên phim ảnh, nghe qua những câu chuyện, có thể bạn nghĩ Yakuza Nhật Bản là một cái gì đó vừa ngầu vừa đáng sợ. Tuy nhiên, ẩn sau cái tên Yakuza cũng tồn tại kha khá những sự thật vừa thú vị vừa “hết hồn”. Cùng Kilala tìm hiểu thông qua bài viết sau nhé!
Yakuza là gì?
Yakuza (ヤクザ) hay còn có tên gọi là gokudo, là một tổ chức xã hội đen truyền thống vẫn còn tồn tại ở Nhật Bản cho đến ngày nay. Tính đến nay, Yakuza đã tồn tại hơn 300 năm. Các hoạt động chính thức của tổ chức này trải dài từ mại dâm, bài bạc đến các hình thức kinh doanh bất hợp pháp khác.
Bất chấp sự không chắc chắn về nguồn gốc duy nhất của các tổ chức yakuza, hầu hết yakuza hiện đại đều bắt nguồn từ hai phân loại xã hội xuất hiện vào giữa thời Edo (1603–1868). Trong đó có 3 nhóm chính:
+ Tekiya: những người bán hàng rong trên phố
+ Bakuto: những kẻ tham gia hoặc liên quan cờ bạc
+ Gurentai: những kẻ lưu manh
Vào thời Edo, Tekiya được triều đình công nhận, họ được bổ nhiệm làm người giám sát và được cấp địa vị gần như samurai. So với Tekiya, địa vị của Bakuto có phần thấp hơn. Phần lớn hình ảnh tiêu cực về Yakuza, bao gồm cả cái tên này, đều bắt nguồn từ Bakuto.
Sự ra đời của tổ chức Yakuza Nhật Bản
Theo một số nguồn tin khác, Yakuza xuất phát từ tầng lớp Samurai. Ở thời Tokugawa (1543 - 1616), có hàng chục vạn Samurai không được trọng dụng dẫn tới nhiều người trong số này không có kế sinh nhai. Vì thế họ trở thành nhóm người chuyên cướp phá ở những nơi mà họ đi qua. Đó chính là tiền thân của tổ chức Yakuza sau này.
Vào khoảng năm 1612, các quan viên địa phương đã để ý đến nhóm người có trang phục, kiểu tóc và cư xử kỳ quặc. Ban đầu, họ là những nhóm nhỏ, chuyên bảo kê các chợ phiên, sau mở rộng ra làm lính đánh thuê cho các sứ quân.
Vào những năm 1700, Yakuza bắt đầu tụ lại thành những tổ chức có hệ thống, cấp bậc. Các thành viên trong tổ chức đoàn kết và bảo vệ lẫn nhau. Họ bắt đầu kiểm soát các gian hàng ở chợ, đồng thời bắt đầu kinh doanh “lấy lời” bằng những màn ép giá hoặc hàng hóa kém chất lượng.
Những năm 1800, Yakuza bắt đầu mở rộng quy mô tổ chức. Họ kết nạp thành viên từ những người làm việc ở công trình xây dựng và bến tàu, rồi dần kiểm soát hoạt động xe kéo. Họ bắt đầu “nối dài cánh tay” tham gia vào chính trị, ủng hộ các quan viên hoặc phe cánh trong triều.
Đến những năm 1900, sau khi kết thúc Thế chiến thứ 2, lực lượng chiếm đóng của Mỹ ở Nhật Bản thời hậu chiến xem Yakuza là mối đe dọa chính. Đồng thời, người ta cũng nhận ra Yakuza được tổ chức và hoạt động tốt với sự hỗ trợ của một số quan chức chính phủ.
Trong những năm từ 1958 - 1963, số lượng thành viên Yakuza tăng hơn 150%, đạt con số 184.000 người. Có khoảng 5.200 băng nhóm Yakuza hoạt động trên khắp Nhật Bản, họ bắt đầu giành địa bàn và sử dụng bạo lực.
Ngày nay, trong xã hội hiện đại, Yakuza vẫn tồn tại, họ chỉ hoạt động kín đáo và bí mật hơn.
Vì sao hình xăm gắn liền với Yakuza trong văn hóa Nhật Bản?
Đối với Yakuza, hình xăm là một thứ để công nhận các thành viên, thể hiện sự cam kết với tổ chức và khoe khoang về sự giàu có của họ. Những hình xăm của Yakuza đi theo phong cách Irezumi - những hình xăm lớn với nhiều họa tiết, màu sắc và phủ kín một số bộ phận cơ thể như lưng, tay và chân.
Thông qua việc xăm mình, những người gia nhập Yakuza đã gửi một thông điệp mạnh mẽ về sự cam kết với cuộc sống này. Và đây cũng là sự khước từ vĩnh viễn của xã hội chính thống đối với họ.
Yakuza kiểm soát những lĩnh vực nào?
Sau khi dần đi vào ổn định tổ chức, thì Yakuza thiên về mưu lợi kinh tế, và dần thoát ly chính trị. Yakuza có nhiều băng nhóm khác nhau với những thủ lĩnh khác nhau nhưng chủ yếu các lĩnh vực hoạt động là kiểm soát thị trường lao động, kinh doanh, tham gia hoạt động cờ bạc và cho vay nặng lãi tinh vi.
Từng có thời gian Yakuza chủ trương không động vào ma túy và các chất cấm nhưng giờ đây, đó là một trong những lĩnh vực mà họ kinh doanh, bên cạnh buôn lậu và mại dâm. Tuy nhiên, Yakuza rất ít dính tới các vụ giết người hay thanh toán lẫn nhau.
Những sự thật về Yakuza mà có lẽ bạn chưa biết
Băng đảng Yakuza lớn nhất ở Nhật
Theo Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản, có 21 băng nhóm Yakuza lớn nhất với tổng số thành viên lên đến khoảng 53.000 người. Trong đó, 3 nhóm lớn nhất là:
Yamaguchi-gumi:
Yamaguchi-gumi (山口組) là băng Yakuza lớn nhất, chiếm 30% tổng số Yakuza ở Nhật Bản. Trụ sở chính của băng này ở Kobe, nơi chỉ đạo các hoạt động tội phạm có tổ chức trên khắp Nhật Bản, thậm chí lan ra Châu Á và Mỹ.
Oyabun - “bố già” nổi tiếng nhất của Yamaguchi-gumi là Kazuo Taoka. Ông được mệnh danh là "Bố già của các Bố già", người khiến cho băng nhóm này phát triển và nổi tiếng vào thế kỷ 20. Shinobu Tsukasa (Kenichi Shinoda) là oyabun hiện tại của Yamaguchi-gumi.
Sumiyoshi-kai:
Sumiyoshi-kai (住吉会) là băng Yakuza lớn thứ hai. Sumiyoshi-kai là liên minh của các nhóm Yakuza nhỏ hơn. Kaicho hiện tại của nhóm này là là Shuji Ogawa.
Sumiyoshi-kai khác với Yamaguchi-gumi, họ hoạt động giống như một liên đoàn chứ không phải một “gia đình” nên người đứng đầu được gọi là Kaicho.
Inagawa-kai:
Inagawa-kai (稲川会) là nhóm Yakuza lớn thứ ba ở Nhật Bản. Trụ sở của nhóm này thuộc khu vực Tokyo - Yokohama. Đây là một trong những băng Yakuza đầu tiên mở rộng hoạt động ra khỏi biên giới Nhật Bản.
Theo một số nguồn tin, những năm gần đây, 3 băng Yakuza lớn này đã thành lập một liên minh. Vào tháng 4/2023, 3 người đứng đầu tổ chức đã có một buổi họp mặt giao lưu.
Sokaiya
Sokaiya là một hình thức tống tiền quy mô lớn khá phổ biến trong giới Yakuza. Họ sẽ chi tiền mua cổ phần của một công ty nào đó đủ để có mặt trên bàn hội nghị cổ đông. Trước mỗi cuộc họp, họ sẽ đi thu thập chứng cứ, những thông tin bê bối của công ty hoặc hội đồng quản trị để đe dọa tống tiền.
Những người đứng đầu nếu không muốn danh dự, hình ảnh bị bôi nhọ sẽ phải đồng ý chi tiền “bịt miệng”. Hầu hết các ca tống tiền này đều thành công. Ngoài ra, Sokaiya còn bao gồm việc lập ra các câu lạc bộ ma, tổ chức chương trình gây quỹ hoặc các cuộc thi hoa hậu hoặc giải golf thiếu niên, phát phát vé mời cho các doanh nhân tên tuổi để kiếm “tiền tài trợ”.
Yakuza rất hạn chế dùng súng
Trước đây ở Nhật chỉ Yakuza và cảnh sát có súng. Tuy nhiên, theo pháp luật hiện hành, nếu bất kỳ thành viên nào thuộc Yakuza bị bắt có mang súng và đạn thì bị buộc tội nghiêm trọng vì sở hữu vũ khí trái phép. Do đó, Yakuza ngày nay hầu như nói không với súng đạn.
Yakuza làm việc thiện
Yakuza chính là minh chứng của việc người xấu cũng tồn tại những mặt thiện lành khi họ khá tích cực trong việc làm từ thiện. Trong trận động đất Kobe 1995 và thảm họa kép Tohoku 2011, Yakuza là những người đầu tiên gửi hàng cứu trợ đến cho các nạn nhân. Họ làm điều này một cách lặng lẽ và nhanh chóng hoàn toàn vì thiện nguyện chứ không phải để quảng bá tên tuổi.
Nghi lễ gia nhập
Nghi lễ kết nạp hay còn gọi là lễ nhập môn Yakuza là một nghi thức thiêng liêng đối với các thành viên mới. Bất kỳ ai muốn làm thành viên của Yakuza đều phải trải qua nghi thức nhập môn: Nhỏ máu từ ngón tay trỏ lên hình của vị thánh rồi đốt bức hình và nắm trong lòng bàn tay, đọc lời thề trung thành với tổ chức.
Sau nghi thức lấy máu, họ sẽ thực hiện nghi thức sakazukigoto: uống rượu sake có trộn muối và vảy cá. Rượu đổ đầy vào ly của oyabun, còn kobun mới gia nhập được rót ít hơn. Cả hai cùng uống một ít rồi đổi ly và uống cạn phần còn lại của người kia. Điều này thể hiện người đó và cả gia đình của mình sẽ hết lòng tận tụy với bố già.
Ảnh hưởng của yakuza?
Khác với các tổ chức Mafia thuộc về “thế giới ngầm” trên thế giới, hoạt động của Yakuza tại Nhật được xem là công khai ở nhiều tỉnh thành. Trụ sở của một số băng nhóm còn có logo và biển hiệu đặc trưng.
Các ông trùm băng nhóm Yakuza nắm giữ khối tài sản kếch xù. Vào thời hoàng kim, Yakuza Nhật nắm từ 50 - 150 tỉ USD ngoài sự kiểm soát của nhà nước, thu lãi khoảng 16 tỉ USD mỗi năm.
Ví dụ như bố già của Inagawa-kai nắm trong tay gần 800 doanh nghiệp hợp pháp, thu lợi nhuận 200 triệu USD/năm và được 119 ông trùm khác cống nạp liên tục hơn 1.000 USD mỗi tháng.
Vì sao số lượng yakuza giảm liên tục trong mỗi năm
Yakuza từng có khoảng 90.000 thành viên, chia thành khoảng 3.000 băng nhóm khác nhau hoạt động khắp Nhật Bản và một số quốc gia khác. Sau Thế chiến thứ thứ hai, tổng số thành viên Yakuza còn đông hơn cả quân đội Nhật Bản khi đó.
Tuy nhiên, Yakuza đang vào giai đoạn thoái trào khi số lượng thành viên sụt giảm liên tục trong 13 năm liền. Chính quyền giải thích tình trạng sụt giảm liên tục là nhờ vào các đạo luật và biện pháp hạn chế mới.
Từ những năm 1990 - 2011, các biện pháp răn đe được áp dụng nhằm kiểm soát thế lực của Yakuza, tiêu biểu như quyết định cấm hợp tác với các tổ chức, băng nhóm tội phạm. Nếu công ty, tổ chức bị phát hiện có liên quan đến tội phạm sẽ bị tước bỏ các dịch vụ ngân hàng và thu hồi diện tích thuê mướn.
Ngoài nỗi sợ về mặt pháp luật, Yakuza ngày càng giảm vì phải đối mặt những khó khăn về tiền bạc. Yakuza thời hiện đại làm những công việc như trộm rau quả, đánh bắt trái phép hải sâm... Vì miếng cơm manh áo, họ cũng làm bất cứ công việc gì từ bán hàng lưu niệm, bói toán, bán tranh giả… để kiếm thêm thu nhập.
Trải qua hơn 300 năm hình thành và phát triển, Yakuza đã dần chuyển mình để thích nghi với thời đại mới. Hiện nay, ở Nhật Bản, có khi người ta vẫn vô thức sử dụng dịch vụ do những công ty của Yakuza cung cấp như quán cà phê, xem concert, học tiếng Anh…
kilala.vn
Đăng nhập tài khoản để bình luận