Ý nghĩa của mâm cúng trong lễ Obon
Obon được xem là ngày lễ linh thiêng, nơi người Nhật bày tỏ lòng biết ơn đến cha mẹ, ông bà tổ tiên, chính vì thế những lễ vật được chuẩn bị cũng cần tinh tế và mang thông điệp riêng.
Bon (盆) hay Obon (お盆) là một lễ hội ở Nhật có nguồn gốc từ Phật giáo. Obon chính là dịp để những người con trong gia đình thể hiện sự biết ơn với cha mẹ và tưởng nhớ linh hồn của ông bà tổ tiên. Trong dịp này, mọi người sẽ cầu nguyện cho các linh hồn, cũng là thể hiện tấm lòng của những người còn sống dành cho những người đã khuất. Lễ Obon sẽ kéo dài từ ngày 13 – 16 của tháng 7 hoặc tháng 8 tùy vào từng địa phương, với ngày 14, 15 là hai ngày lễ chính.
Lễ vật được chuẩn bị vào thời điểm này nhằm mong ông bà tổ tiên về đến nhà an toàn sau một thời gian dài vắng bóng. Mâm cỗ cúng gia tiên dành cho gia đình và những người đã khuất thường được tổ chức hoành tráng với nhiều đồ trang trí và lễ vật. Mâm cúng sẽ thay đổi tùy theo từng gia đình nhưng vẫn phải tuân thủ các nghi lễ cơ bản là thắp hương, dâng lễ vật và hoa trên bàn thờ Phật. Lễ vật dâng lên tổ tiên trong ngày Obon được gọi là “Goku - 五供” (ngũ cung), bao gồm 5 món như sau:
Hương (香 - Kou)
Hương ở đây là nhang. Ý nghĩa đầu tiên của việc thắp nhang là để Phật và các vị tổ tiên được thưởng thức mùi hương. Ngoài ra, nó còn có mục đích mang đến sự thanh tịnh cho gia đình và bản thân người thờ cúng. Cảnh tượng khói nhang bay lên trời dường như là kết nối giữa thế giới này với thế giới kia. Hoa (花 - Hana)
Hoa như một lễ vật giúp tô điểm vẻ đẹp cho không gian và mâm cúng. Vì vậy, hãy trang trí những loại hoa theo mùa hoặc phù hợp với sở thích của người đã khuất. Tuy nhiên, nên hạn chế những loại hoa có hương thơm quá nồng.Ngoài ra, những loại hoa có gai như hoa hồng được cho là không thích hợp để cúng vì gợi nhớ đến sự đổ máu. Nếu bạn không biết chọn loại hoa nào thì hoa cúc, hoa diên vĩ, hoa Gentian (hoa long đảm) sẽ là một sự lựa chọn an toàn. Hoa sẽ được trưng theo số lẻ với hai bình để ở hai bên bàn thờ Phật.
Ánh sáng (灯燭 - Toushoku)
“Toushoku - 灯燭” có nghĩa là một thứ gì đó thắp sáng, chẳng hạn như nến. Ý nghĩa của ngọn nến trong mâm cúng là ánh sáng soi rọi khắp thế gian. Trong Phật giáo, người ta nói rằng khi nhìn vào ánh sáng của ngọn nến, bạn sẽ có quyết tâm mạnh mẽ, không còn do dự. Một ý kiến khác cho rằng sự xuất hiện của ánh sáng từ từ lan tỏa và cuối cùng tắt lịm tượng trưng cho sự vô thường trong cuộc sống.
Nước sạch (浄水 - Jousui)
Người ta nói rằng "Người cõi âm khát nước", vì vậy đừng để cạn nước trên bàn thờ trong lễ hội Obon. Tuy nhiên, một số trường phái Phật giáo lại cho rằng lễ vật không bao gồm nước. Nếu bạn không chắc nên chuẩn bị nước hay không, hãy tham khảo ý kiến của các vị sư ở chùa hoặc người lớn tuổi.
Đồ ăn và thức uống (飲食 - Onjiki)
Về cơ bản, hãy chuẩn bị những món ăn mà gia đình bạn vẫn dùng thường ngày, đặt trên đĩa và mở ra (nếu món ăn được đựng trong chén/bát có nắp) để ông bà có thể ăn ngay. Thường trong tuần lễ Obon, người ta sẽ chuẩn bị món ăn theo kiểu "一汁三菜 - Ichijuusansai", tức một món súp cùng ba món phụ ăn với cơm.
Những sự lựa chọn khác
Bánh kẹo
Thường thì bánh kẹo được đặt trên mâm cúng là những loại có thể để lâu mà không bị hư, chẳng hạn bánh quy hay bánh gạo sembei. Nên chọn các loại bánh kẹo đóng gói riêng từng cái một để dễ dàng chia cho nhiều người.
Trái cây
Vì lễ Obon được tổ chức vào mùa hè nên những loại trái cây đặc trưng cho thời điểm này là thích hợp nhất, đặc biệt nên ưu tiên chọn loại trái cây có hình dạng tròn: đào, dưa hấu, nho… vì hình tròn thể hiện sự tròn đầy, sung túc.
Mì Somen
Somen là loại mì cũng được nhiều nơi sử dụng trong lễ Obon vì hình dạng của sợi mì có ý nghĩa là “giữ gìn hạnh phúc lâu dài”.
Xem thêm: Obon - Lễ Vu lan của Nhật Bản
kilala.vn
02/08/2021
Bài: Natsume
Đăng nhập tài khoản để bình luận