Ý nghĩa bộ chén phu thê của người Nhật

    Được dùng làm quà cưới hay quà tặng trong các dịp lễ kỉ niệm, bộ chén phu thê thường có kích cỡ không bằng nhau. Cái lớn dành cho chồng, cái nhỏ dành cho vợ. Phải chăng cả chén bát mà cũng bất bình đẳng nam nữ?

    “Meoto chawan” (tiếng Nhật: 夫婦茶碗) là tên gọi của cặp chén bát, cốc uống trà giống nhau về hình dáng (có khi giống nhau hoàn toàn về màu sắc) nhưng khác một chút về kích cỡ. Cái lớn hơn là của chồng, cái nhỏ hơn là của vợ. Đặt hai chiếc cạnh nhau sẽ ra dáng một cặp đôi che chở, quấn quít bên nhau hệt như tên gọi của chúng vậy.

    Nhiều ý kiến cho rằng do văn hóa Nhật Bản vẫn còn nặng tư tưởng người đàn ông trong gia đình là trụ cột, là gia trưởng, còn người phụ nữ là phái phụ thuộc nên ngay cả chén bát sử dụng cũng có sự phân biệt như vậy. 

    Ý kiến “mềm mỏng” hơn thì cho rằng dù ở thời đại nào thì người đàn ông cũng nên là người che chở cho người vợ, người phụ nữ của mình, thể hiện ở sự to lớn. Còn người phụ nữ, là người giữ hòa khí trong gia đình, nên cần có sự nhu mì, dịu dàng, thể hiện ở sự hòa hợp lớn-nhỏ. 

    Còn lịch sử thì nói gì? 

    Trước hết, kích cỡ to nhỏ các loại chén bát được làm ra ở Nhật thực ra có liên quan tới phong cách ẩm thực Nhật Bản. Cũng tương tự như Việt Nam, trước khi có sự gia nhập của nền văn hóa Tây phương, người Nhật cũng ngồi ăn dưới nền nhà (chiếc bàn gỗ nhỏ - ちゃぶ台 đặt trong nhà người Nhật mà mọi người hay nhìn thấy cũng mới chỉ có từ thời Meiji) thay vì sử dụng bàn ăn. Khi thức ăn được đặt dưới nền nhà như vậy, khoảng cách đến miệng người ăn sẽ khá xa nên họ phải cầm đũa và chén trên tay khi ăn, do đó chén bát, đũa muỗng cũng phải được chế tác sao cho phù hợp với kích cỡ của bàn tay người sử dụng.

    Vì lẽ đó mà từ thời Edo trở đi, các nghệ nhân quy định đường kính của miệng chén sẽ bằng khoảng 8% chiều cao thân người. Tính theo chiều cao trung bình của nam nữ đương thời thì miệng chén bát dành cho nam giới sẽ là 12cm, dành cho nữ giới là 11.5cm. Đối với loại cốc uống trà chỉ cầm bằng một tay, đường kính phải càng nhỏ hơn nữa để người dùng có thể cầm nắm dễ dàng, do đó của nam giới và nữ giới lần lượt là 7.9cm và 7.3cm.

    Từ việc lấy chiều cao thân người làm chuẩn, mà chiều cao nam nữ vốn đã cao thấp khác nhau, kích thước bàn tay cũng khác nhau nên việc chén bát được tạo ra cho mỗi giới có kích cỡ khác nhau âu cũng là điều dễ hiểu.

    Tuy nhiên, ngày nay, cùng với phong trào đòi bình đẳng giới ở Nhật Bản, việc đưa chén bát nhỏ cho nữ giới và chén bát to hơn cho nam giới trong quán ăn, nhà hàng đôi khi vấp phải sự phản ứng của các nữ khách hàng, dù mục đích ban đầu của người phục vụ hoàn toàn không phải là phân biệt giới tính mà chỉ đơn giản là muốn mang lại sự tiện lợi cho khách. Điều đó khiến cho những quán ăn như thế ngày càng hiếm hoi, hầu hết các hàng quán hiện nay chỉ sử dụng cùng một loại kích cỡ giống nhau cho tất cả thực khách, vừa tiện lợi cho chủ quán khi sắm sửa, vừa khỏi gặp phải những phản ứng không mong đợi từ khách hàng của mình.

    Thực ra, nghĩ đơn giản một chút, cứ nhìn vào bàn ăn của mỗi gia đình hiện tại, chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy sự không đồng đều về kích cỡ của các loại chén bát được các thành viên tự lựa chọn cho mình. Chẳng hạn em bé thì dùng chén hay dĩa nhựa, có gờ cao để khỏi rơi vãi, đánh đổ. Bố thường ăn nhiều một chút nên lựa bát to, mẹ thì hay dùng chén vừa. Tay ông bà yếu nên họ thích dùng bát be bé. 

    Tóm lại, dù xuất phát từ lý do gì đi chăng nữa, phần lớn chén bát phu thê của người Nhật vẫn được làm với kích thước khác nhau mà vẫn người được tặng quà vui vẻ đón nhận. Suy cho cùng, dù có “bất bình đẳng giới” một tẹo, nhưng khi cầm lên cái chén cái cốc vừa với kích cỡ bàn tay mình, chẳng phải sẽ thấy thích hơn sao!

    Minh Nhật/ kilala.vn

    15/06/2016

    Bài: Minh Nhật/ Ảnh: PIXTA

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!