Vì sao Nhật Bản không cho phép gọi điện thoại trên xe điện?

    Tại Nhật Bản, nếu bạn gọi điện thoại trò chuyện khi đang tham gia di chuyển trên phương tiện công cộng như tàu điện, xe buýt,. bị xem là một hành động kém ý thức. Nhưng vì sao lại là như vậy?

    Không chỉ riêng việc nói chuyện điện thoại mà ngay cả hành động nói chuyện lớn tiếng với nhau ở trên tàu, xe cũng được xem là bất lịch sự, kém văn minh. Rất nhiều người nước ngoài lần đầu tiên đến Nhật đã rất ngạc nhiên khi thấy mọi người đều giữ im lặng trên các phương tiện di chuyển công cộng tại Nhật. Nguyên nhân chủ yếu là vì các lý do sau.

    Làm phiền người khác

    Dù bạn cho rằng bản thân nói chuyện điện thoại vừa đủ nghe nhưng thực chất là những người xung quanh bạn đều phải bất đắc dĩ nghe câu chuyện của bạn. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra bởi ở nơi công cộng bạn thường sẽ nói to hơn bình thường do ảnh hưởng từ môi trường âm thanh xung quanh.

    Tại Nhật, khá nhiều người lợi dụng thời gian ngồi tàu xe để nghỉ ngơi, tĩnh tâm suy nghĩ hoặc đọc sách. Công việc và áp lực cuộc sống ở Nhật rất cao, rất nhiều người trên những chuyến tàu chuyến xe có thể đã trải qua hàng giờ làm việc trong căng thẳng, nên thời gian trên tàu xe chính là lúc để họ có thể thư giãn đôi chút.

    vì sao Nhật Bản không cho phép gọi điện thoại trên xe điện?
    Nhiều người dành thời gian ngồi tàu để đọc sách. (Ảnh: Don Fontijin @unsplash)

    Tôn trọng tính riêng tư nơi công cộng

    Văn hóa xã hội Nhật Bản luôn chú trọng không gian chung và quyền riêng tư của người khác. Việc hạn chế nói chuyện điện thoại trên các phương tiện giao thông công cộng cũng có phần là vì lý do này. Khi ở nơi công cộng, việc nói chuyện điện thoại được xem là hành vi xâm phạm quyền riêng tư nếu như người xung quanh nghe thấy nội dung cuộc trò chuyện của bạn.

    Nếu như người xung quanh không muốn nghe hay dự vào những câu chuyện không liên quan đến mình, bản thân người nói điện thoại cũng không muốn chuyện của bản thân bị mọi người nghe thấy. Vì vậy, nếu có cuộc gọi khi đang trên tàu xe, đa số sẽ tắt máy và gọi lại khi đã rời khỏi. Trường hợp bất đắc dĩ cũng sẽ chỉ bắt máy nói bản thân đang không tiện nghe máy và đề nghị gọi lại sau.

    tôn trọng tính riêng tư
    Tôn trọng tính riêng tư nơi công cộng. (Ảnh: Liam Burnett @unsplash)

    Ảnh hưởng đến hoạt động của máy trợ tim

    Ở Nhật, trên những chuyến tàu công cộng có các khu vực ưu tiên dành riêng cho người già, phụ nữ có thai, trẻ em. Theo quy định của Công ty Đường sắt Nhật Bản JR, nếu đứng tại hoặc đứng gần khu vực ghế ưu tiên, điện thoại di động buộc phải tắt nguồn hẳn để giảm khả năng gây nhiễu của sóng điện thoại đến các thiết bị trợ tim của người già.

    Một trong các quy tắc khi đi tàu

    Có thể bạn chưa biết, không nghe gọi điện thoại khi đi tàu là một trong số những quy định khi đi tàu. Chẳng hạn như những tuyến tàu do Japan Railway quản lý, trên tàu có ghi quy định là để điện thoại ở chế độ rung hoặc im lặng. Một số nhà ga cũng có bản tiếng Anh về các quy tắc khi đi tàu tại Nhật, một trong số đó là hành khách không được nói chuyện điện thoại trên tàu.

    nói chuyện trên tàu
    Quy định dùng điện thoại trên tàu. (Ảnh: Hugh Han @unsplash)

    Trên tàu công cộng vẫn có khu chỉ định dành cho những ai sử dụng điện thoại nghe gọi trong trường hợp cần thiết. Khi ấy người nghe điện thoại phải dùng tai nghe và giữ âm lượng nói chuyện vừa phải. Bên cạnh việc không được nói chuyện điện thoại, khi tham gia phương tiện công cộng, cụ thể là đi tàu xe, vẫn còn một số quy định và quy tắc khác. 

    Tham khảo thêm tại đây để không bị bỡ ngỡ hay vướng vào tình huống xấu hổ khi đến Nhật nhé!

    kilala.vn

    01/09/2020

    Bài: JINius

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!