Vì sao chó sói Nhật tuyệt chủng?
Sói Nhật Bản là loài nào?
Chó sói Nhật Bản trong tiếng Nhật gọi là "Nihon Ookami (日本狼), danh pháp hai phần là Canis lupus hodophilax. Danh pháp của chúng bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp, Hodos - con đường và phylax - người bảo vệ. Cũng có thể vì vậy mà trong văn hóa dân gian Nhật Bản, chó sói đại diện cho sự bảo vệ, nhất là bảo vệ những người lữ hành.
Phân loài sói xám sống ở Nhật Bản có 2 loài là: chó sói Honshu và chó sói Ezo. Cả hai phân loài sói này đều đã tuyệt chủng: Sói Honshu tuyệt chủng từ năm 1905; Sói Ezo tuyệt chủng từ năm 1889.
Sở dĩ hai phân loài sói xám này được gọi là Sói Nhật Bản vì chúng là loài đặc hữu của Nhật Bản, có nghĩa là chỉ có thể được tìm thấy ở các quần đảo của nước Nhật. Sói Ezo sống tại khu vực Hokkaido, còn Sói Honshu sinh sống ở ba đảo lớn: Honshu, Shikoku và Kyushu. Vóc dáng Sói Honshu tương đối nhỏ hơn so với họ hàng của nó, chỉ cao khoảng 58cm. Sói Hokkaido thì lớn hơn với chiều cao khoảng 80cm.
Yamainu và Ookami có giống nhau?
Trước khi Coenraad Jacob Temminck - nhà động vật học người Hà Lan - phân loại Ookami và Yamainu, từ lâu người ta đã nhận ra rằng Sói Honshu có hai chi khác nhau là: Ookami (sói) và Yamainu (sơn cẩu). Ookami là động vật bốn chân, thịt ăn được nhưng có lông màu nâu xám, đuôi dài màu tro, có màng chân và mắt hình tam giác. Ookami đôi khi sẽ đe dọa đến con người nếu chúng bị bệnh dại hoặc đang đói. Ngược lại, Yamainu được mô tả có hình dáng tương tự, nhưng chúng có bộ lông màu vàng đốm, không có màng chân, có mùi hôi và thịt không ăn được.
Sói trong văn hóa dân gian Nhật Bản
Trong văn học dân gian và tín ngưỡng truyền thống Nhật Bản, chó sói đóng một vai trò tích cực.
Trong văn hóa dân gian Nhật Bản, có truyền thuyết về Okuriōkami (sói hộ vệ) theo chân những người đi bộ một mình trong rừng vào ban đêm cho đến khi họ đến nhà để không bị ai làm hại. Một truyền thuyết khác là những con sói nuôi một đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi trong rừng ở bán đảo Kii. Và sau đó, đứa trẻ được sói nuôi trở thành Fujiwara no Hidehira - thủ lĩnh thứ tư của Bắc Fujiwara ở tỉnh Mutsu. Truyền thuyết ở khu vực Kanto lại cho rằng cho trẻ uống sữa sói sẽ giúp chúng mau ăn chóng lớn.
Một số truyền thuyết ghi rằng Sói Nhật là những sinh vật tiên tri. Ở vùng núi Tamaki, vị trí của cây bách - nơi những con sói hú vang trước trận lụt năm 1889 được cho là lời cảnh báo của chúng với dân làng. Hoặc những ngôi nhà có người đi xa mãi chưa về, nếu những con sói đến đó và cất tiếng hú buồn bã, người đi xa đó có lẽ một đi không về.
Một số ngôi làng tin rằng có Shishiyoke (bùa hộ mệnh hình sói) thì ngôi làng sẽ được bảo vệ, mùa màng bội thu, không bị lợn rừng quấy phá. Những chiếc nanh sói, lông sói được người đi xa mang theo bên mình để xua đuổi tà ma. Và sọ sói được giữ trong trong nhà đem thờ để gia môn tránh khỏi điềm xấu. Ở một số ngôi làng như ở tỉnh Gifu, hộp sọ của sói được sử dụng làm vật thiêng để bảo vệ dân làng.
Theo tín ngưỡng của Thần đạo, Ookami được coi là sứ giả của các Kami (Thần linh), bảo vệ ruộng đồng khỏi những loài vật phá hoại như lợn rừng và hươu. Nhiều ngôi làng trên núi được đặt tên theo loài Sói như Okamiiwa (Sói đá) và Okamitaira (Cao nguyên sói).
Ước tính có khoảng 20 ngôi đền Thần đạo thờ Sói Nhật. Đền thờ nổi tiếng nhất là Đền Mitsumine ở Chichibu, tỉnh Saitama. Ngoài ra, còn có một số đền thờ sói nhỏ hơn nằm rải rác trên khu vực Bán đảo Kii, gồm có Đền Tamaki và Đền Katakati tại làng Totsukawa.
Từ những điều này, có thể thấy rõ được vị trí của loài sói trong tín ngưỡng văn hóa Nhật Bản cũng như sự tôn trọng của người Nhật đối với loài vật này.
Vì sao chó sói Nhật tuyệt chủng?
Nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự tuyệt chủng của Sói Nhật là bệnh dại. Trước đó, Sói Nhật và loài người sống hòa bình qua nhiều thế kỷ cho đến khi bệnh dại bùng phát. Người nông dân nhờ tiếng hú của sói mà cảnh giác những loài vật khác đến phá hoại mùa màng.
Theo các ghi chép, bệnh dại bùng phát lần đầu tiên năm 1732 ở Kyushu và Shikoku. Bởi bệnh dại khiến cho những con sói này trở nên hung hãn hơn, và dần dần chúng trở thành thứ nguy hiểm trong mắt loài người. Trong thời kỳ phục hưng Meiji, giết sói đã trở thành một chính sách quốc gia. Chính sự tàn sát này đã dẫn đến kết cục Sói Honshu và Sói Ezo tuyệt chủng.
Người ta cho rằng, cá thể cuối cùng của Sói Nhật bị bắt và giết tại làng Higashiyoshino ở tỉnh Nara vào tháng 01/1905. Đến năm 1997, có người nói rằng họ nhìn thấy một loài chó chân ngắn giống như Sói Nhật, thế nhưng điều này vẫn chưa được xác minh. Suốt từ thế kỷ 20 đến thế kỷ 21 vẫn xuất hiện nhiều trường hợp cho rằng Sói Nhật vẫn còn tồn tại, nhưng các nhà động vật học lại lần nữa xác nhận khả năng bị nhầm với một số loài Sói khác. Các nhà động vật học Nhật Bản cho rằng những người này chỉ nhìn thấy nhầm chó hoang hoặc nhầm lẫn với loài hoang dã như Sói Á - Âu mà thôi.
kilala.vn
29/07/2020
Bài: Aki Kanou
Đăng nhập tài khoản để bình luận