Vẻ quyến rũ của đồ sơn mài Nhật

    Không dễ gì tìm được một món đồ sơn mài Nhật chính gốc nếu bạn chỉ tham gia một tour du lịch bình thường đến Nhật và không có người am hiểu hướng dẫn. Có rất nhiều món đồ tương tự như sơn mài, rất đẹp và giá vừa phải. Thực chất nó được làm bằng nhựa và tinh xảo đến mức không phân biệt nổi. Những món sơn mài thật giá khá cao từ vài trăm đô Mỹ trở lên, tôi thấy có bán chung quanh khu vực Iidebashi, gần trụ sở Trung tâm Văn hóa Châu Á Thái Bình Dương ACCU rất quen thuộc với giới nhiếp ảnh Việt Nam vì thường tổ chức giải ảnh nghệ thuật. Cố đô Kyoto cũng là nơi bán nhiều đồ sơn mài Nhật với giá rất cao.

    Sơn mài Nhật Bản đã nổi tiếng từ rất lâu, đến nỗi nghệ thuật này được gọi là “japanning”, tức là một đặc trưng của nước Nhật. Một nhà sưu tập phương Tây, sở hữu một bộ sưu tập in rõ đáng chiêm ngưỡng là E.A. Wrangham cho rằng sơn mài Nhật “phô bày một trình độ thẩm mỹ tinh tế sắc sảo và tay nghề khéo léo bậc nhất trong những ngành mỹ thuật ứng dụng trên thế giới”. Có dịp ngắm nghía chúng trong các bảo tàng nổi tiếng ở Mỹ, Nhật, vẻ sắc sảo khó tin trên đỉnh cao của nghệ thuật ở các hộp đựng bút mực, bàn viết, và hộp đựng dụng cụ xông trầm mang lại cho người xem sự kinh ngạc trước những thiết kế và tay nghề thượng hạng.

    hộp gỗ sơn mài khắc nổi hình quả hồng

    Sơn mài Trung Quốc và Triều Tiên chú trọng vào khảm trai, còn kỹ thuật cơ bản của sơn mài Nhật là maki-e (rắc sơn mài), với những mảnh rắc nhỏ bằng vàng, bạc và những phụ gia khác, nhiều cách trang trí mang tính hội họa hơn.

    Cây sơn (urushi -  thuộc họ Sơn (Rush Verniciflua) mọc khắp đất nước Nhật Bản. Khí hậu và thổ nhưỡng của Nhật hết sức phù hợp với loại nguyên liệu này vì đó là loại cây ưa thích độ ẩm. Sơn mài là một chất nhựa tổng hợp làm từ nhựa cây sơn. Nó là một chất độc khi chưa khô, gây kích ứng da và để lại những vết bỏng ở vùng da tiếp xúc với nó (nhiều nghệ nhân sơn mài bị phồng rộp). Loại nhựa cây hảo hạng nhất được thu thập từ những vết rạch trên thân cây vào khoảng từ tháng Bảy đến tháng Chín, thường là ở miền Bắc, quanh khu vực Kyoto và Okayama. Sau khi lấy về, nhựa được lọc sạch, tách nước, rồi cho chất nhuộm màu vào (thường là màu đen và đỏ). Ban đầu nó là một chất lỏng sệt, sau khi thêm phụ gia rồi để khô trong một căn phòng ẩm ướt thì trở thành một hợp chất bảo quản bền và ổn định (cũng được dùng như một loại keo trong việc sửa chữa đồ gốm sứ).

    Dù sơn mài đã được dùng để bảo vệ (đồ vật) từ thời tiền sử, vật thể lâu đời nhất sử dụng sơn mài để trang trí cho đẹp mắt từng được biết là ngôi đền Tamamushi xinh đẹp (Hõryũji thế kỷ thứ 7 ở gần Nara). Sơn mài được sử dụng trên đồ da thuộc, đá, rổ rá đan, tre, gốm sứ, giấy, và kim loại cũng như gỗ. Những món đồ tìm thấy tại các cuộc khai quật được xác định niên đại từ thế kỷ 7-8, như vậy người Nhật đã học biết chức năng trang trí và bảo quản của sơn mài từ rất sớm. Hầu hết những kỹ thuật cơ bản như khảm vỏ trai, maki-e và chạm khắc gỗ hay Kamakura-bori đều bắt nguồn từ Trung Quốc. Từ giữa thế kỷ thứ 6, sự truyền bá đạo Phật đã tạo ra nhu cầu lớn những án thờ bằng sơn mài và cả những vật dụng thờ cúng khác, vì vậy kỹ thuật sơn mài được phổ biến ở bất cứ nơi nào có xây dựng đền chùa. Thị hiếu Trung Hoa, hay nói đúng hơn là thị hiếu hoành tráng kiểu đền đài thịnh hành.

    khay sơn mài

    Hai thế kỷ sau, đồ sơn mài đã chứa đựng nhiều hơn những sắc thái Nhật Bản trong việc đáp ứng thẩm mỹ của triều đình cao quý vốn ưa thích vẻ tao nhã giản dị. Sơn mài hảo hạng được rắc vàng hay bạc đã nghiền thành bột bằng kỹ thuật gọi là maki-e (bắt đầu từ thế kỷ thứ 8 đến thế kỷ 9). Bột vàng được rắc lên nền có lúc dày hay mỏng, nhiều khi trông giống như vỏ quả lê và đôi khi được khảm vỏ hàu và những loại sò ốc khác (raden, aogai). Có ba phương pháp tạo họa tiết là sơn vàng mặt phẳng (hira maki-e), sơn vàng mài bóng (todigashi maki-e) và sơn mài nổi( taka maki-e). Họa tiết thường là cây cỏ bốn mùa, nhưng có liên quan đến thơ ca, và về sau là những motif thường được lấy từ tiểu thuyết Truyện Genji (khoảng năm 995).

    Vị Shogun thứ 8, Ashikaga Yoshimasa (1436 – 1490) không phải là một nhà lãnh đạo giỏi, nhưng lại là một người bảo trợ nghệ thuật vĩ đại, đã cùng với những người khác giúp đỡ cho gia đình Kõ’ami phát triển kỹ thuật taka-maki-e (sơn mài đắp nổi), làm theo tranh vẽ của những họa sĩ nổi tiếng. Khoảng thế kỷ 16, gia đình Kõ’ami rất được triều đình và các shogun yêu thích, đã chiếm lĩnh thị trường với đồ sơn mài maki-e và nashi-ji của họ. Những món đồ sơn mài tuyệt đẹp thường mang các họa tiết dựa theo những bài thơ waka, kết hợp vẻ đẹp của văn chương với sơn mài, và thêm vào chiều sâu của sự liên tưởng. Vào cuối thời Momoyama, các tiểu tiết được giảm bớt, kịch tính và màu sắc được gia tăng, phản ánh một xã hội dũng mãnh và quyết đoán hơn cùng với sự thống nhất của hai lãnh chúa Nobunaga và Hideyoshi.

    ly rượu sơn mài

    Có lẽ những món đồ sơn mài cổ xưa đáng quý nhất là những món được gọi là Kodaiji, sau khi lăng Kyoto được người vợ góa của Toyotomi Hideyoshi xây lên để tưởng nhớ ông.

    Chính vì kỹ thuật tinh tế, thời gian thi công lâu và chất liệu đắt tiền nên sơn mài Nhật lúc đầu chỉ phục vụ giới quan lại, nhà chùa hay lái buôn giàu có. Sơn mài Nhật trở thành thứ phù phiếm trong xã hội Nhật cho mãi đến thời kỳ Minh Trị (thế kỷ 19) , chúng mới phổ biến đến mọi tầng lớp dân chúng dù những thứ tuyệt hảo vẫn có giá cao ngất ngưỡng. Là một món quà lưu niệm và tác phẩm mỹ thuật cao nhã, chúng thích hợp là vật biếu xén cao cấp trong các dịp lễ lạc. Do vậy, người Nhật vẫn thích mua chúng làm quà tặng nhau hoặc trang trí trong nhà, tạo vẻ đẹp sang trọng cho căn phòng và thể hiện khiếu thẩm mỹ của chủ nhân.

    Phạm Công Luận/ kilala.vn

    16/02/2015

    Bài: Phạm Công Luận/ Ảnh: Đức Trí

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!