Vẻ đẹp không hoàn hảo hay mỹ học của sự diệt vong
Những cảm thức thẩm mỹ độc đáo của người Nhật bàng bạc trong hầu hết các tác phẩm văn chương cũng như các sản phẩm văn hóa mà hầu như khi tiếp xúc lần đầu tiên ta cảm thấy ngay sự khác biệt.
Cái nhìn về nhân sinh và thế giới đã hình thành nên những cảm thức thẩm mỹ rất đặc trưng của người Nhật. Đó chính là “Mono no aware” (もののあわれ), “Wabi” (侘び) và “Sabi” (寂) trải suốt cả tiến trình lịch sử. Cả ba khái niệm này đều có nội hàm phong phú, chịu ảnh hưởng sâu sắc của Phật giáo mà đặc biệt là Thiền tông. Có thể nói ba khái niệm này chính là một thứ mật mã để chúng ta có thể mở cánh cửa bước vào tâm hồn người Nhật.
Mono no aware – nỗi u hoài sâu thẳm
Khái niệm Mono no aware có thể tạm dịch là “nỗi u hoài của sự vật”, xuất hiện vào thế kỷ thứ mười. Học giả Norinaga Motoori (本居宣長) là người phát hiện là ý nghĩa thực sự của khái niệm này vốn ghép từ “a” (あ) và “hare” (はれ) không có nghĩa được phát ra khi tâm tình con người bị xúc động mạnh. Cũng như khởi nguồn của triết học bắt đầu từ sự ngạc nhiên thì khái niệm này bắt đầu khi người Nhật xúc động trước vẻ đẹp rực rỡ mà phù du của thế giới. “Hakanasa” (儚さ) là sự ngắn ngủi, phù du. Những gì đẹp đẽ đều tan biến trước mắt mà ta không cách nào giữ lại được. Có lẽ vì thế mà sự xúc động này dần dần trở thành một nỗi u sầu. “Mono no aware” được đặt trong cảm thức vô thường của Phật Giáo lại mang hàm ý u uẩn buồn rầu trước vẻ đẹp thoáng qua chứ không còn chỉ cả niềm vui như hàm nghĩa lúc ban đầu nữa.
Wabi – vẻ đẹp trong sự nguyên sơ
Nhưng rõ ràng con người chẳng thể can thiệp vào sự thay đổi của đất trời mà chỉ có thể chấp nhận và thích nghi. Vì thế mà hai khái niệm “Wabi” (giản phác) và “Sabi” (tịch liêu) ra đời để nâng việc cảm thụ cuộc sống này lên hàng nghệ thuật. “Wabi” (侘び) vốn có nghĩa là sự thương đau của kẻ lâm vào cảnh khốn cùng (động từ “wabu” (わぶ) và tính từ “wabishii” (侘しい)). Thế nhưng trong cái khốn khổ đó, người Nhật thời Kamakura (1185-1333) và Muromachi (1336-1573) vẫn tìm ra được lối thoát cho cảm quan vì mỹ học. Vì rằng chính nỗi cùng khốn đã giải phóng con người thoát khỏi mọi bám víu bên ngoài để hướng đến cái đẹp nội tâm siêu thoát bên trong. Tự nhiên “Wabi” lại mang hàm nghĩa tích cực, nhấn mạnh được việc truy tầm cái đẹp trong tính giản phác nguyên sơ, tìm cái phong nhiêu trong sự nghèo khó. Khái niệm “Wabi” được đẩy lên đỉnh điểm qua bậc thầy trà đạo Sen no Rikyu (千利休), người đã nâng tầm trà đạo lên một mức cao tột chưa từng thấy và trở thành những khuôn mẫu bất di bất dịch cho đến ngày hôm nay với tên gọi “Wabicha” (詫び茶).
Sabi - cái đẹp trong sự cô độc và hoang liêu
Sang đến thời Edo (1603-1868), sau khi đã thấu hiểu được cảm quan về cái đẹp trong sự vô thường chuyển vần của đất trời (aware), trải qua các cung bậc niềm vui trong sự thanh bần giản dị (wabi), người Nhật lại tìm kiếm cái đẹp trong sự cô độc và hoang liêu (sabi). Khái niệm “Sabi” do nhà thơ Haiku là Basho (芭蕉) đề xướng. Cảnh hoang vu mà người thì cô độc, già nua. Nhưng trong đó đều tiềm ẩn vẻ đẹp. Cách nhìn này đã khiến cho người Nhật không còn cam chịu trong cảnh nghèo khó, già nua, cô độc mà thậm chí còn tìm thấy được trong đó suối nguồn của niềm vui.
Và như thế cuộc sống ngân dài những bài hoan ca bất tận trong lặng thầm. Nhưng người Nhật hiếm khi bày tỏ trọn vẹn tất cả. Họ chịu ảnh hưởng từ Thiền tông, đặc biệt là nguyên lý “dĩ tâm truyền tâm” (以心伝心), chân lý không dựa vào ngôn ngữ mà phải trực tiếp “lòng đi qua lòng”. Hơn nữa ngôn ngữ bất toàn đầy giới hạn cho nên cũng đầy những rào cản. Vì thế thơ ca chỉ để gợi mở mà không tả. Và cái hình ảnh mà một bài Haiku chẳng hạn gợi nên là khoảnh khắc tiếp xúc đầu tiên với sự vật chưa có sự chen chân vào của lý trí. Sự nguyên sơ đó chỉ có thể dĩ tâm truyền tâm, nghĩa là chỉ có thể được hiểu bởi cùng một người có kinh nghiệm nhân sinh tương tự. Mà đã hiểu thì đâu cần phải nhiều lời. Không phải ngẫu nhiên mà thơ Haiku là thể thơ ngắn nhất thế giới chỉ gồm mười bảy âm tiết trong tiếng Nhật mà dịch ra trong ngôn ngữ khác chỉ có vài từ. Đó phải chăng cũng là cái đẹp của ngôn ngữ trong sự bất toàn của chính nó?
Có nghĩa là, đối với người Nhật Bản, bất cứ một điều gì của cuộc đời ta cũng có thể tìm thấy trong đó cái đẹp để mà thụ hưởng, để mà hân hoan. Cái đẹp vốn nằm trong sự giản dị, trong cả sự bất toàn. Nhưng cách thể hiện cái đẹp đó cũng lặng lẽ kín đáo và vô cùng tinh tế như chính cái đẹp ẩn giấu vậy.
Chính sự không hoàn hảo đã mở ra bát ngát một cõi vô cùng. Chính nó mang lại cho cuộc đời con người ta một ý nghĩa sống. Khác với những sinh vật khác, con người sinh ra chưa trở thành người. Đúng hơn chỉ là những con người dự bị. Chỉ trong chính quá trình hiện hữu của mình, con người mới từ từ tựu thành nhân tính qua sự giáo dục tu dưỡng và từng trải. Con người luôn vươn lên bởi vì “con người là một khả thể”, làm người là một công cuộc tự hoàn thành và cuộc sống là một hành trình đi tìm sự hoàn hảo ở ngay trong chính sự không hoàn hảo. Cho nên đối với nhiều thi sĩ, cuộc sống là một hành trình tâm linh đi sâu nội tại tìm lại chính mình, cuộc du hành lưu lãng cũng chính là cuộc hành trình tâm linh. Như Basho và Saigyo đã để lại những vần thơ bất tử.
kilala.vn
10/05/2020
Bài: Hoàng Long
Ảnh: PIXTA
Đăng nhập tài khoản để bình luận