Văn hoá húp mì xì xụp của người Nhật bắt nguồn từ đâu?
Người Nhật nổi tiếng hoà nhã, lịch sự và không thích tạo tiếng ồn làm ảnh hưởng người khác nhưng lại có văn hoá ăn mì theo kiểu húp xì xụp khác lạ, gây nhiều tranh cãi.
Với
những khách nước ngoài lần đầu đến Nhật Bản, văn hoá húp mì xì xụp không
khỏi làm họ cảm thấy khá sốc, thậm chí là khó chịu. Đặc biệt, vào ngày
04/05/2019, mạng xã hội Nhật Bản từng dậy sóng vì bài đăng của chủ tài
khoản Haruka phỏng vấn một vị khách đến từ Pháp, anh chàng cảm thấy
khó chịu cũng như chán nản khi ngồi cạnh một người khác đang húp mì xì
xụp.
Thực tế, việc húp mì Soba xì xụp còn được coi như một hình thức quấy rối, trong tiếng Nhật gọi là “ヌーハラ – Nuuhara” (tiếng Anh: noodle harassment). Trước vấn đề tranh cãi này, Motohashi Takashi - cây bút chuyên về ẩm thực và có niềm say mê cuồng nhiệt dành cho mì Soba đã đi tìm nguồn gốc của phong tục thú vị này với sự giúp đỡ từ Horii Yoshinori – chủ quán mì Soba Sarashina Horii có lịch sử 230 năm lừng danh tại Tokyo.
Khởi nguồn của mì Soba
Kiều mạch hay còn gọi là Soba (蕎麦) trong tiếng Nhật là loại cây lương thực được trồng và tiêu thụ ở nhiều vùng khác nhau tại Nhật trong nhiều thế kỷ. Chúng có giá trị dinh dưỡng cao và thời gian thu hoạch ngắn hơn so với lúa gạo, chỉ từ 2,5 đến 3 tháng. Trong thời kỳ đầu, Soba thường được người Nhật chế biến thành cháo. Sau đó, người ta mới bắt đầu nghiền kiều mạch thành bột và làm bánh bao. Theo thời gian, từ món bánh bao, mì Soba mới ra đời.
Mì Soba lần đầu tiên xuất hiện tại Nhật vào đầu thời kỳ Edo (1603-1868). Cuối thế kỷ 17, rất nhiều cửa hàng Soba mọc lên khắp nơi tại Edo (Tokyo ngày nay). Ban đầu, Udon chiếm ưu thế hơn mì Soba, nhưng sau đó, Soba đã đánh bại "người anh em họ" làm từ lúa mì này và dần trở thành một món ngon độc đáo trong ẩm thực Edo. Thời bấy giờ, Edo có khoảng một triệu dân, là một trong những trung tâm đô thị lớn nhất thế giới. Trong nhịp sống nhộn nhịp và cạnh tranh như vậy, những bữa ăn nhanh chóng và đầy đủ chất dinh dưỡng dần chiếm ưu thế, do vậy mà mì Soba phát triển mạnh mẽ tại Edo, trong khi Udon tiếp tục thống trị vùng Kansai.
Sự phổ biến của mì Soba là nhờ vào giá trị dinh dưỡng của kiều mạch. So với bột mì, kiều mạch chứa nhiều protein và các vitamin B quan trọng khác. Dù thời bấy giờ, người Nhật không được tiếp cận những kiến thức về dinh dưỡng trên, nhưng thông qua kinh nghiệm, họ chọn được loại thực phẩm cung cấp chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, và mì Soba trở thành nguồn cung cấp dinh dưỡng cao rất được yêu thích. Đến năm 1800, tại Edo có khoảng 700 cửa hàng Soba khiến nó trở thành mô hình kinh doanh lớn thứ hai chỉ sau các quán nhậu Izakaya.
Húp xì xụp là cách tốt nhất để thưởng thức mì Soba
Ông
Horii chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng việc húp mì xì xụp được tạo ra để thưởng
thức hương vị của mì Soba tốt hơn. Cách tốt nhất để thưởng thức Soba
được cho là bằng miệng. Lấy ví dụ như khi nếm rượu, trước tiên bạn sẽ
ngửi để cảm nhận hương thơm của rượu trong ly, rồi đảo rượu trong miệng
để cảm nhận mùi hương đi qua mũi từ cổ họng. Hai con đường này lần lượt
được gọi là mũi trước (orthonasal olfaction) và mũi sau (retronasal
olfaction). Với mì Soba, hương vị nếu chỉ ngửi bằng mũi sẽ rất khó nhận
thấy, nó chủ yếu được cảm nhận theo con đường thứ hai."
Ông Horii giải thích, trong quá trình nấu mì Soba, hương thơm toả ra nhiều, nhất là khi nấu trong các nồi hấp bằng tre thời xưa. Lúc này, mọi người sẽ ngửi thấy mùi thơm từ hơi nước thoát ra. Tuy nhiên, với mì Soba đã nấu chín, hương vị lại tinh tế và khó nhận thấy hơn nhiều, đặc biệt là với mì ướp lạnh Mori Soba. Không có nhiều hơi nước bốc lên từ mì lạnh, nên dù có cố gắng ngửi bạn cũng không cảm nhận được mùi hương. Tuy nhiên, nếu húp mạnh và tạo ra tiếng xì xụp, thực khách có thể cảm nhận hương vị bùng nổ trong miệng qua đường mũi sau. Đây cách thưởng thức mì Soba “chuẩn vị” nhất theo quan niệm của người Nhật.
Vì sao cách húp xì xụp trở nên phổ biến?
Vào thời Edo, những người bận rộn sẽ mua và thưởng thức mì Soba tại các quầy hàng bên đường hoặc từ những gánh hàng rong ban đêm. Hiển nhiên, vẫn có một số cửa hàng mì Soba cao cấp – nơi các Samurai và giới thượng lưu lui tới để ăn uống những khi rảnh rỗi. Nhưng trên thực tế, giống với Sushi và Tempura, mì Soba cũng là món ăn đường phố dành cho người dân bình thường.
Ngay từ thời Edo, người Nhật cũng đã có những quy tắc ăn uống nghiêm ngặt và không quá khác biệt so với ngày nay, trong đó, việc ăn uống gây ra tiếng động cũng bị xem là cách cư xử không đúng mực. Nhưng theo ông Horii, vì mì Soba là món ăn dân dã nên mọi người hầu như không lo lắng nhiều về việc húp mì xì xụp, cũng như không quan tâm đến việc phải cư xử thật lịch sự trên bàn ăn. Các quầy hàng là nơi mọi người hối hả đứng ăn trong sự vội vã nên việc húp mì được xem là hoàn toàn tự nhiên trên đường phố Edo. Do vậy, phong tục húp mì xì xụp được cho là bắt nguồn từ các quầy Soba đường phố, sau đó lan rộng và duy trì đến ngày nay, đồng thời cũng ảnh hưởng lên cách người Nhật thưởng thức Ramen và các loại mì khác.
kilala.vn
03/08/2021
Bài: Rin
Nguồn: nippon
Đăng nhập tài khoản để bình luận