NỘI DUNG BÀI VIẾT

    Văn hóa dân gian Nhật Bản trong phim hoạt hình Ghibli

    Những sinh vật huyền, những câu chuyện cổ tích kinh điển và nhiều chất liệu văn hóa dân gian khác đã truyền cảm hứng cho các bộ phim hoạt hình mang tính biểu tượng của Studio Ghibli.

    1. Những con chim diệc ở thế giới khác (The Boy and the Heron, 2023)

    Con diệc biết nói trong bộ phim hoạt hình mới nhất của Ghibli là một sự hiện diện đáng lo ngại với vẻ ngoài đáng sợ và giọng nói rùng rợn. Dù vậy, nhân vật này vẫn là chất xúc tác cho sự thay đổi cần thiết trong mạch phim. Và hình ảnh mơ hồ về loài chim diệc không hoàn toàn xa lạ mà đã từng xuất hiện trong các tác phẩm văn học thời Trung cổ hay văn hóa dân gian xứ Phù Tang.

    chim-diec
    Chim diệc là hình ảnh quen thuộc trong văn học cổ và văn hóa dân gian Nhật Bản. Ảnh: Gaijinpot

    Nếu trong tùy bút Truyện Gối đầu (Chẩm Thảo Tử - Makura no soshi), chim diệc được miêu tả có vẻ ngoài khó ưa thì ở Truyện kể Genji (Genji monogatari), loài diệc lại được nhắc đến với vẻ đẹp.

    Trong khi đó, văn hóa dân gian liên kết chim diệc với một hiện tượng gọi là “aosagibi” (青鷺火: THANH LỘ HỎA). Người ta cho rằng, khi một con diệc đủ lớn, lông trở nên óng ánh, nó sẽ có khả năng thở ra những quả cầu lửa. Aosagibi được cho là đáng sợ nhưng không nguy hiểm vì hơi thở của diệc không thể bắt lửa.

    2. Người cá truyền thống (Ponyo, 2008)

    Hayao Miyazaki nói rằng Ponyo dựa trên The Little Mermaid (Nàng tiên cá) của nhà văn người Đan Mạch Hans Christian Anderson. Tuy nhiên, vẻ ngoài của nhân vật Ponyo lại gợi lên hình ảnh người cá truyền thống của Nhật Bản.

    nguoi-ca-ponyo
    Vẻ ngoài của nhân vật Ponyo lại gợi lên hình ảnh người cá truyền thống của Nhật Bản. Ảnh: Gaijinpot

    Có nhiều tên gọi khác nhau như ningyo (人魚 – người cá) hay himeuo (姫魚 – công chúa cá), nàng tiên cá của xứ Phù Tang thường được miêu tả là loài cá có khuôn mặt phụ nữ, có thể đại diện cho điềm lành, điểm xấu tùy thuộc vào câu chuyện.

    Cơ thể cá và khuôn mặt giống con người của Ponyo gần tương tự với người cá Nhật Bản hơn là nàng tiên cá của Anderson. Ngoài ra, giống như những người cá trong truyền thuyết dân gian, Ponyo còn thể hiện khả năng chữa lành trước thảm họa thiên nhiên.

    3. Trẻ em và thế giới tâm linh (My Neighbor Totoro, 1988)

    Cả người lớn và trẻ em trong phim My Neighbor Totoro đều tin vào thần thánh và thế giới bên kia, trong đó, hai chị em Satsuki và Mei có những cuộc gặp gỡ đặc biệt nhất. Có lẽ điều này là do văn hóa dân gian Nhật Bản cho rằng trẻ em gần gũi với thế giới tâm linh hơn người lớn, và cho đến khi một đứa trẻ lên 7 tuổi, chúng vẫn ở trong lãnh địa của các vị thần.

    totoro
    Văn hóa dân gian Nhật Bản cho rằng trẻ em gần gũi với thế giới tâm linh hơn người lớn. Ảnh: Gaijinpot

    Trong phim của Ghibli, cô bé Mei, chưa đến 7 tuổi, là người đầu tiên chạm trán với thần rừng Totoro. Trong khi đó, Satsuki lớn hơn và mất nhiều thời gian hơn để gặp Totoro. Ngược lại, cha mẹ hai em không bao giờ chạm mặt thần rừng.

    4. Sức mạnh của ngôn từ (Spirited Away, 2001)

    Trong tiếng Nhật có một khái niệm gọi là “kotodama” (言霊 – ngôn linh), đề cập đến quan niệm của người Nhật rằng những lời nói có sức ảnh hưởng kỳ diệu đến thế giới xung quanh.

    Kotodama hay sức mạnh của ngôn từ được thể hiện ở Spirited Away qua chi tiết nhân vật chính, Chihiro buộc phải sử dụng một cái tên mới (Sen) khi ký khế ước làm việc cho phù thủy Yubaba. Sau đó, Chihiro biết rằng cô không được quên tên thật của mình nếu không sẽ bị mắc kẹt ở thế giới linh hồn mãi mãi.

    spirited-away
    Phù thủy Yubaba điều khiển người giúp việc bằng cách lấy đi tên thật của họ. Ảnh: Gaijinpot

    5. Nguồn gốc của cái ác (Princess Mononoke, 1997)

    Phần mở đầu của Princess Mononoke giới thiệu Nago - một vị thần lợn rừng đã biến thành tatarigami (thần nguyền rủa).

    Tatarigami trong truyền thuyết có nhiều hình dạng khác nhau. Một số chỉ đơn giản là những thực thể mạnh mẽ mang đến sự hủy diệt, nhưng số khác lại là những linh hồn bị ngược đãi đang tìm cách báo thù. Nago trong Princess Mononoke thuộc loại tatarigami thứ hai. Sau khi con người phá hủy khu rừng và gây chiến với các vị thần thiên nhiên, Nago tìm cách tấn công lại họ nhưng rồi bị bắn trọng thương.

    princess-mononoke
    Princess Mononoke là một cuộc khám phá về việc sự hủy diệt lại sinh ra sự hủy diệt. Ảnh: Gaijinpot

    Là một tatarigami, Nago gieo rắc một lời nguyền hận thù, lời nguyền này sẽ từ từ giết chết nạn nhân hoặc biến họ thành tatarigami. Theo cách này, bộ phim hoạt hình nhà Ghibli không phải là cuộc chiến giữa thiện và ác mà là một cuộc khám phá xem một sự hủy diệt sẽ dẫn đến sự hủy diệt lớn hơn như thế nào.

    6. Những bóng ma mùa hè (When Marnie Was There, 2014)

    Bộ phim kể về cô bé Anna 12 tuổi đã trải qua mùa hè cùng họ hàng của bố mẹ nuôi ở vùng nông thôn Hokkaido. Ngay sau khi đến nơi, Anna bắt đầu nhìn thấy hình ảnh một cô gái sống trong căn biệt thự bỏ hoang ở địa phương - nơi mà người dân thị trấn tin rằng bị ma ám.

    Lấy cảm hứng từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của tác giả Joan G. Robinson, nhưng bộ phim hoạt hình của Ghibli được thay đổi bối cảnh thành Nhật Bản (thay vì nước Anh như tiểu thuyết), điều này đã truyền thêm ý nghĩa văn hóa cho câu chuyện.

    when-marnie-was-there
    Trong quan niệm của người Nhật, vào mùa hè, bức tường ngăn cách giữa trần gian và cõi âm trở nên mong manh hơn. Ảnh: Gaijinpot

    Mặt khác, cuộc gặp gỡ giữa Anna và cô gái Marnie bí ẩn diễn ra trong mùa hè, mà trong quan niệm của người Nhật, đây là mùa mà bức tường ngăn cách giữa trần gian và cõi âm trở nên mong manh hơn.

    7. Nghĩa vụ và lòng biết ơn (The Cat Returns, 2002)

    Sau khi nữ sinh trung học Haru cứu một chú mèo khỏi bị ô tô đâm, cô phát hiện ra chú mèo này chính là một hoàng tử. Để báo đáp ơn cứu mạng, hoàng tử mèo đã ngỏ lời cầu hôn Haru.

    the-cat-returns
    Chuyện loài mèo trả ơn bằng cách kết hôn với ân nhân rất giống với câu chuyện cổ tích kinh điển của Nhật Bản . Ảnh: Gaijinpot

    Tựa tiếng Nhật của bộ phim là “Neko no Ongaeshi”, gợi nhớ đến “Tsuru no Ongaeshi”, câu chuyện cổ tích kinh điển của Nhật Bản kể về một con hạc thể hiện lòng biết ơn đối với người đàn ông cứu mạng mình bằng cách kết hôn với anh ta và dệt những tấm vải đẹp cho anh ta từ chính lông vũ của mình. Có lẽ The Cat Returns là cách Ghibli thể hiện tác phẩm kinh điển này dành cho khán giả hiện đại.

    Xem thêm: Những anime lấy cảm hứng từ truyền thuyết dân gian Nhật Bản

    kilala.vn

    Nguồn: Gaijinpot

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!