Trải nghiệm Kyudo – môn võ rèn luyện tinh thần của người Nhật

    Trải nghiệm Kyudo – môn võ rèn luyện tinh thần của người Nhật

    Nếu bạn đang tìm kiếm những hoạt động thú vị để trải nghiệm tại Nhật Bản thì Kyudo là một lựa chọn rất đáng thử. Một buổi học Kyudo dù ngắn cũng sẽ giúp người học gặt hái thêm những kiến thức mới, thậm chí còn có thể mở ra nhiều suy ngẫm.

    Ngày nay, võ thuật Nhật Bản được biết đến và thực hành rộng rãi trên khắp thế giới, đặc biệt là với Karate và Judo. Tuy nhiên, xứ Phù Tang còn là quê hương của nhiều môn võ truyền thống khác ít được biết đến hơn, chẳng hạn như Cung đạo.

    Cung đạo Nhật Bản – hơn cả một môn võ

    Nguồn gốc của Kyudo (弓道) hay Cung đạo nằm trong truyền thống Thần đạo cổ xưa của nước Nhật, vốn đã biến việc sử dụng cung tên trở thành nghi thức kể từ thời Nara (710-794).

    Trong phần lớn lịch sử Nhật Bản, bắn cung được coi là kỹ năng quan trọng nhất của Samurai, thậm chí còn quan trọng hơn cả kiếm thuật. Tuy nhiên, tầm quan trọng của Kyudo bắt đầu giảm sút sau khi người Bồ Đào Nha giới thiệu súng hỏa mai vào Nhật Bản năm 1543.

    Dù mất đi vị thế là vũ khí chiến tranh quan trọng, nhưng các thành viên thuộc giai cấp thống trị, các chiến binh vẫn tiếp tục rèn luyện Kyudo vì họ coi Cung đạo như một phương pháp rèn luyện tâm trí và cơ thể, đồng thời thể hiện sự tao nhã của mình. Kết quả, nghệ thuật bắn cung trở nên tinh tế hơn thông qua quá trình chuyển đổi này.

    kyudo-cung-dao
    Kyudo có nguồn gốc từ Thần đạo.

    Hầu hết những người theo đuổi Cung đạo ngày nay xem đây là một môn nghệ thuật thay vì thể thao, trong đó thái độ và phẩm giá của một cung thủ quan trọng hơn việc bắn trúng mục tiêu.

    Người tập Kyudo tiến đến vị trí bắn với những chuyển động chậm rãi và duyên dáng, nâng cung cao quá đầu, sau đó kéo mũi tên về sau, đồng thời hạ cung xuống cho đến khi mũi tên ngang với má. Cuối cùng, họ thả mũi tên ra và để nó bay về phía mục tiêu.

    Trong suốt quá trình này, cung thủ phải giữ trạng thái hoàn toàn tập trung và không được rời mắt khỏi mục tiêu. Dấu hiệu nhận biết một cung thủ giỏi là ở sự tập trung cao độ, đến mức sự điềm tĩnh dường như tỏa ra và bao bọc lấy họ.

    ban-cung
    Ảnh: istock

    Kyudo có nhiệm vụ rèn luyện tính cách của người luyện tập, không chỉ liên quan đến môn bắn cung mà còn ở cách ứng xử trong cuộc sống hàng ngày. Xuất phát từ ý tưởng đắm chìm hoàn toàn vào công việc trước mắt có thể giúp đầu óc tỉnh táo, Kyudo trở thành một hình thức “thiền thông qua hành động” (một khái niệm mượn từ Thiền tông). Nó được tin rằng sẽ giúp phẩm giá của con người tỏa sáng giữa nghịch cảnh, dẫn đến sự phát triển về đạo đức và tinh thần.

    Một học viên Kyudo phải luôn thể hiện được cách hành xử lịch sự, lòng nhân ái và đạo đức, đồng thời phải có khả năng duy trì sự điềm tĩnh, duyên dáng dù đang phải chịu đựng áp lực.

    Các nguyên tắc của Kyudo cũng có thể được tóm tắt bằng ba chữ “Chân, Thiện, Mỹ'”, trong đó “Chân” liên quan đến việc bắn mũi tên với tâm trong sáng, “Thiện” chỉ tính cách của một người và “Mỹ” là sự duyên dáng và tính nghi thức tinh tế của Kyudo. Chính các yếu tố mang tính triết học và nghi lễ nói trên là điều phân biệt Kyudo Nhật Bản với các hình thức bắn cung khác trên thế giới.

    kyudo
    Ảnh: COOL JAPAN

    Trải nghiệm Cung đạo tại Kyoto

    Tại Việt Nam, bạn có thể dễ dàng tìm thấy những nơi dạy bắn cung, nhưng một nơi chuyên về Cung đạo Nhật Bản thì lại vô cùng hiếm. Vì vậy, nếu yêu thích và mong muốn được trải nghiệm Kyudo, bạn có thể làm điều đó khi đến Nhật.

    Có nhiều lớp học trải nghiệm Kyudo chỉ kéo dài vài tiếng, nơi bạn sẽ được giáo viên người Nhật kèm cặp, hướng dẫn các kiến thức và tư thế cơ bản của Cung đạo để có thể tự mình bắn những mũi tên. Và nếu có dịp đến với cố đô Kyoto, thì dưới đây là một địa điểm rất đặc biệt mà Kilala muốn giới thiệu với bạn.

    Karakuri Kyudo Taikenjo là một cơ sở trải nghiệm bắn cung được ví như “viên ngọc ẩn mình” giữa lòng Kyoto. Căn nhà gỗ nhuốm màu thời gian này được điều hành bởi ông Yamaguchi, người đã có hơn 5 thập kỷ dạy Kyudo và giữ danh hiệu “教士六段 – Kyoshi roku-dan” (giảng viên 6 đẳng). Nơi đây cung cấp mọi dụng cụ cần thiết cho việc tập luyện, và thầy Yamaguchi là người trực tiếp hướng dẫn, chỉnh tư thế cho người học sau khi giới thiệu sơ lược về bộ môn Kyudo.

    karakuri-taikenjo
    Karakuri Kyudo Taikenjo. Ảnh: ameba

    “Tất nhiên tôi được hướng dẫn về tư thế và cách bắn cung như thế nào, nhưng điều tuyệt vời nhất là tôi học được cách tư duy về Kyudo cũng như cách ứng dụng nó trong cuộc sống hàng ngày, chẳng hạn như tư thế và hơi thở!” – trích một bình luận về lớp học trên trang Tripadvisor.

    Trong chương trình "Phiêu lưu cùng Gulliver" - Mùa 4 Reloaded, với hành trình khám phá Kyoto, nữ diễn viên Khả Ngân và ê-kíp đã có cơ hội trải nghiệm nghệ thuật Cung đạo dưới sự hướng dẫn tận tình của thầy Yamaguchi. Tất cả sẽ được hé lộ trong tập 2 của chương trình, bạn nhớ đón xem nha! 

    gulliver
    Khả Ngân trải nghiệm Kyudo dưới sự hướng dẫn của thầy Yamaguchi. Ảnh: VOV

    Karakuri Kyudo Taikenjo (からくり弓道体験場)

    • Địa chỉ: 22-2 Mibuaiai-cho, Nakagyo-ku, Kyoto
    • Thời gian hoạt động: 5:30 PM – 8:30 PM (thứ 2 – thứ 6); 9:00 AM – 8:30 PM (thứ 7 – Chủ nhật)
    • Đặt chỗ trước tại: Tripadvisor hoặc gọi qua số điện thoại 075-841-8175.
    • Tham khảo thêm thông tin tại đây

    kilala.vn

    Lịch phát sóng Phiêu lưu cùng Gulliver - Mùa 4 Reloaded

    Lên sóng từ 28/10 - 8/12/2023

    Kênh VOVTV:

    - Phát chính: 20h00 - 20h30 Chủ Nhật hàng tuần

    - Phát lại lần 1: 08h30 - 09h00 thứ Ba hàng tuần

    - Phát lại lần 2: 22h40 - 23h10 thứ Sáu hàng tuần

    Kênh VTC9:

    - Phát chính: 18h00- 18h30 thứ Bảy hàng tuần

    - Phát lại lần 1: 11h30 - 12h00 thứ Ba hàng tuần

    - Phát lại lần 2: 22h00 - 22h30 thứ Năm hàng tuần

    Kênh VTC1:

    - Phát chính: 16h15 - 16h45 Chủ Nhật hàng tuần

    - Phát lại lần 1: 23h25 - 23h55 thứ Hai tuần kế tiếp

    - Phát lại lần 2: 09h15 - 09h45 thứ Ba tuần kế tiếp

    Đừng quên bấm theo dõi Fanpage Phiêu lưu cùng Gulliver -Run Gulliver- để cập nhật những tin tức và hình ảnh hậu trường thú vị từ chương trình!

    lichphatsong

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!