Tính cách người Nhật qua nghệ thuật "Hương đạo"

    Thẩm mĩ tinh tế, trân trọng di sản quá khứ, bền bỉ và kiên nhẫn.là những nét tính cách nổi bật của người Nhật được truyền tải qua các hình thức của nghi lễ "thưởng hương" - còn được gọi là Hương đạo.  

    Hương đạo không đơn thuần là việc đốt hương để tạo mùi thơm cho không gian, hơn hết đó là cách người Nhật tinh luyện 5 giác quan. Nét tính cách nổi bật của người Nhật cũng ít nhiều được phản ánh qua các nghi lễ này.

    Việc sử dụng gỗ trầm hương của người Nhật đã được ghi chép lại trong Nihon Shoki - cuốn sách cổ thứ hai về các sự kiện lịch sử cổ đại Nhật Bản. Theo đó, hương được sử dụng lần đầu tiên vào khoảng năm 595, trong thời gian trị vì của hoàng hậu Suiko và hoàng tử Shutoku. Vào năm 595, thuộc thời kỳ Asuka (592 - 710), một phiến gỗ lớn trôi dạt vào bờ biển đảo Awajishima thuộc tỉnh Hyogo, được người dân trên đảo mang về làm củi. Khi cho vào bếp lò, họ vô cùng kinh ngạc với hương thơm tỏa ra và quyết định tiến dâng lên Thiên hoàng Suiko.

    Hương đạo (Kodo (香道)  phát triển mạnh mẽ trong xã hội Nhật Bản vào thời kỳ Edo (1603 - 1868). Những dụng cụ phục vụ cho nhu cầu thưởng thức Hương đạo được chế tác tinh xảo. Đây cũng được coi là thời kỳ vàng son của Hương đạo.

    tính cách người Nhật qua nghệ thuật hương đạo
    Hương đạo được xem là "Nghệ thuật tinh túy" của Nhật Bản. Ảnh: Lizsheridan

    Xem thêmNghệ thuật Hương đạo: Khi hương thơm cũng có tiếng nói riêng

    Tinh thần gìn giữ bản sắc dân tộc

    Ở Nhật Bản, có ba lĩnh vực được xem là “Nghệ thuật tinh túy”, đó là: cắm hoa; Trà đạo và Hương đạo - nghệ thuật "lắng nghe" mùi hương. Người Nhật sử dụng trầm hương không đơn thuần chỉ là phủ hương thơm cho một không gian nhất định. Hương đạo - trải qua sự biến đổi hàng ngàn năm đã nâng tầm thành di sản văn hóa. Lịch sử chứng kiến nhiều giai đoạn thịnh - suy của nghệ thuật "lắng nghe mùi hương" nhưng nhờ tinh thần yêu cái đẹp, bền bỉ gìn giữ văn hóa của người Nhật mà ngày nay, Hương đạo được khắp thế giới biết đến với vai trò là một trong ba môn "Nghệ thuật tinh túy" của Nhật Bản. 

    Chính vì giá trị mang tầm quốc gia, những doanh nghiệp kinh doanh trầm hương có lịch sử lâu đời tại Nhật luôn xem việc tạo ra mùi hương là nghi thức văn hóa thiêng liêng và quan trọng. Họ là những người sẽ tôn vinh và truyền tải nền văn hóa đặc trưng của Nhật Bản đến với thế giới. Đó cũng là lý do, các nhà sản xuất luôn khắt khe trong qui trình làm ra mùi hương - sao cho chất lượng phải ở mức cao cấp nhất và thể hiện được tinh thần Nhật Bản.

    tinh thần gìn giữ bản sắc dân tộc
    Mỗi thành phần tạo nên hương đều được tuyển chọn kĩ càng từ thiên nhiên. Ảnh: Dentistry Today

    Trung thành với công thức tự nhiên truyền thống

    Người Nhật trung thành với các nguyên liệu thuần tự nhiên dùng để sản xuất hương. Thông thường, những loại gỗ thơm và quý hiếm sẽ là nguyên liệu chính để tạo mùi nhằm đảm bảo hương thơm đến từ tự nhiên, an toàn và chất lượng. Một trong số đó là Kyara - loại gỗ cao cấp nhất, hiếm và có giá trị hơn vàng. Các thành phần trong hương gần như không thay đổi, kể từ những năm 1500.

    Chính vì thế, nếu bạn sử dụng một loại hương có nguồn gốc từ trầm hương truyền thống, thì hương thơm bạn cảm nhận được sẽ là mùi thơm hoàn toàn tự nhiên đến từ quế và trầm hương, không pha tạp chất, độ lưu hương lâu; khác hoàn toàn với sản phẩm đến từ nước ngoài có mùi thơm nhân tạo pha lẫn tạp chất, độ lưu hương ngắn. 

    Duy trì truyền thống chính là giá trị cốt lõi trong văn hóa tạo mùi hương của Nhật Bản. Đồng thời thể hiện tinh thần chủ đạo của người Nhật: luôn tôn trọng và giữ gìn những giá trị đã tạo nên Nhật Bản ngày hôm nay. 

    trung thành với công thức tự nhiên truyền thống
    Gỗ Kyara. Ảnh: The Perfumist

    Mùi hương vượt thời gian: Sự bền bỉ và kiên trì

    Những mùi hương Nhật Bản được ví như rượu vang hảo hạng, hương vị của chúng đậm đà, quyến rũ theo thời gian, càng để lâu, càng cho giá trị cao. Nếu rượu vang cao cấp được làm từ những cánh đồng nho thơm ngon nhất thì hương Nhật cũng được làm từ những loại gỗ thơm quý hiếm nhất.

    Một trong những mảnh cổ nhất của gỗ trầm hương (Jinkoh) - được gọi là Ranjatai vẫn được lưu giữ đến ngày nay tại đền Todai-ji gần Nara. Tương truyền, đây là một mảnh trong món quà được dâng lên Hoàng hậu Komyo vào năm 756. Trải qua một chặng đường dài với sự thăng trầm của Nhật Bản, Ranjatai đã được xem như một phần của lịch sử. Đặc biệt hơn, mùi hương tinh tế của Ranjatai vẫn còn vẹn nguyên cho đến ngày nay. Truyền thuyết cho rằng người nào may mắn được thưởng thức mùi hương từ Ranjatai sẽ gặp toàn điều tốt đẹp. 

    mùi hương vượt thời gian sự bền bỉ và kiên trì
    Miếng Ranjatai được lưu giữ tại đền Todai-ji. Ảnh: Kyarazen

    Chuẩn mực của cái đẹp và sự tinh tế

    Nét đẹp trong văn hóa Nhật không đến từ sự phô trương, xa hoa, lộng lẫy. Đó là nét đẹp bình dị, tiềm ẩn và bền bỉ theo thời gian, hòa hợp hiện đại nhưng vẫn bảo tồn giá trị cốt lõi. 

    Người Nhật được xem là những người rất nhạy cảm về thẩm mỹ, điều đó thể hiện rõ trong việc thiết kế bao bì, sản phẩm, đơn giản hết mức có thể nhưng truyền đạt đi một lượng thông tin “khổng lồ”. 

    Người Nhật cũng nâng tầm cái đẹp vượt qua mọi hình thức thị giác bề ngoài, chú trọng cảm nhận từ trong tâm hồn, qua sự vận dụng mọi giác quan trong thưởng thức Hương đạo. Vẻ đẹp đích thực là vẻ đẹp tự tâm cảm nhận, không bị chi phối bởi những tác động bên ngoài. Dễ hiểu vì sao trong những buổi lễ trang trọng hay trong không gian sống riêng, người Nhật vẫn có thói quen dùng mùi hương được tạo tác từ tinh chất thiên nhiên để thanh lọc tâm hồn. 

    Những thương hiệu trầm hương nổi tiếng tại Nhật Bản: Nippon Kodo, Kungyodo, Baieido, Shoyeido.

    Xem thêm: Những mùi hương mô tả nước Nhật

    kilala.vn

    24/05/2021

    Bài: Phương Thảo

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!