Thời kỳ Kamakura và sự thành lập Mạc phủ đầu tiên trong lịch sử Nhật Bản
Thời kỳ Kamakura được đánh dấu bằng sự chuyển dần quyền lực từ giới quý tộc sang các thủ lĩnh samurai hùng mạnh ở địa phương. Đây là thời kỳ diễn ra những chuyển đổi mạnh mẽ về chính trị, xã hội và văn hóa của Nhật Bản. Mạc phủ hay chính quyền của các thủ lĩnh samurai (shogun) ra đời, kiểm soát đất nước từ căn cứ ở Kamakura, tỉnh Kanagawa ngày nay. Vì Thiên hoàng vẫn là người đứng đầu trên danh nghĩa nên một hệ thống chính quyền kép, nơi Thiên hoàng trị vì nhưng các shogun nắm thực quyền, đã được thiết lập và tồn tại trong gần bảy thế kỷ tiếp theo.
Bối cảnh
Từ thế kỷ thứ 10, chính quyền Nhật Bản tại Heian với Thiên Hoàng là trung tâm quyền lực đã suy yếu, quyền quản lý địa phương dần rơi vào tay các thủ lĩnh quân sự và gia tộc có thế lực lớn. Nhiều thủ lĩnh xây dựng lực lượng quân đội riêng, các võ sĩ đoàn xuất hiện và lực lượng võ sĩ (samurai) dần trở thành đẳng cấp trung tâm của xã hội.
Đến giữa thế kỷ 12, tình hình xã hội trở nên hỗn loạn khi các nhóm võ sĩ đấu đá lẫn nhau để tranh giành quyền lực, một số thủ lĩnh samurai ở địa phương ngày càng gây áp lực và đối đầu với chính quyền trung ương. Vì thế, triều đình phải nhờ đến sự hậu thuẫn của các tập đoàn võ sĩ tin cẩn, nhưng chính điều này lại làm gia tăng sự lệ thuộc của triều đình vào lực lượng samurai, khiến quyền lực dần chuyển dịch về tay các thủ lĩnh quân sự.
Chính quyền shogun đầu tiên
Cuối thế kỷ 11, gia tộc Minamoto (còn được gọi là Genji) đã được công nhận là gia tộc quân sự hùng mạnh nhất vùng Đông Bắc sau khi đánh bại một số nhóm địa phương khác.
Vào giữa thế kỷ 12, gia tộc Minamoto đã đụng độ với gia tộc Taira (hay Heike) - gia tộc chi phối quyền lực hoàng gia và chỉ huy một vùng phía Tây quan trọng bao gồm khu vực xung quanh Kyoto. Hàng loạt các cuộc xung đột đã diễn ra với đỉnh điểm là Chiến tranh Genpei (1180-1185), cuộc chiến kết thúc với sự thất bại của gia tộc Taira.
Sau khi đánh bại phía Taira trong Trận Dan-no-ura năm 1185, người đứng đầu gia tộc Minamoto là Minamoto Yoritomo đã giành được quyền lực từ tầng lớp quý tộc, và về mặt chính trị, hạ bệ Thiên hoàng và triều đình xuống thành một chính quyền bù nhìn.

Đến năm 1192, Thiên hoàng Go-Toba chính thức thừa nhận địa vị chính trị hợp pháp của Yoritomo với tư cách là người chỉ huy cao nhất về quân sự, khi trao cho ông danh hiệu “Sei-i Taishogun” (Chinh Di Đại Tướng Quân). Từ đây, Yoritomo trở thành tướng quân (shogun) đầu tiên của nước Nhật.
Cho đến trước thời điểm đó, Nhật Bản vẫn được cai trị bởi triều đình ở Heian (Kyoto ngày nay), và đây là lần đầu tiên một cơ quan quản lý được đặt bên ngoài triều đình, gọi là Mạc phủ (幕府 – Bakufu). Minamoto Yoritomo cai trị từ năm 1192 đến năm 1199 từ dinh thự của gia tộc tại Kamakura, cách Edo (Tokyo ngày nay) khoảng 30 dặm về phía nam.
Sự kiện này đã mở ra một thời kì nắm quyền lãnh đạo của lực lượng võ sĩ trong lịch sử Nhật Bản, được chia làm ba giai đoạn: Mạc phủ Kamakura (1185-1333), Mạc phủ Muromachi (1336-1590) và Mạc phủ Tokugawa (1600-1868).
Sau khi nắm quyền lực, Yoritomo đã thành lập một loạt các tổ chức cần thiết cho việc cai quản, bao gồm Kumonjo để giám sát các vấn đề chính phủ và tài chính, Monjujo để giải quyết các vụ kiện tụng như tranh chấp đất đai, Shugo và Jito để quản lý các lãnh địa và thực hiện vai trò cảnh sát.
Nhiếp chính Hojo
Tướng quân Minamoto Yoritomo ước mơ thành lập triều đại chiến binh do gia tộc Minamoto đứng đầu, nhưng ước mơ đó sớm bị dập tắt sau khi ông qua đời vào năm 1199, ở tuổi 53 vì ngã ngựa. Người kế vị của ông là các con trai Yoriie (1182-1204) và Sanetomo (1192-1219) lần lượt trở thành shogun nhưng đều chỉ giữ vai trò bù nhìn và đều bị ám sát khi đang tại vị. Quyền lực trong Mạc phủ rơi vào tay gia tộc Hojo, một chư hầu hàng đầu của Yoritomo.
Gia tộc Hojo trước đó đã thành lập liên minh với Minamoto Yoritomo trong Chiến tranh Genpei thông qua cả hỗ trợ về quân sự và liên hôn. Hojo Tokimasa đã giúp Yoritomo đánh bại lực lượng Taira để trở thành shogun đầu tiên của Nhật Bản. Còn Hojo Masako, con gái của Tokimasa, thì trở thành vợ của vị tướng này.
Sau cái chết của Yoritomo, Tokimasa tự bổ nhiệm mình làm shikken (nhiếp chính) cho shogun kế vị, bởi gia tộc Hojo không có cấp bậc để đề cử một shogun từ các thành viên của mình. Kể từ thời điểm này, shogun trở thành bù nhìn trong khi quyền lực thực tế do nhiếp chính từ gia tộc Hojo nắm giữ. Chế độ này đã tồn tại tổng cộng 135 năm, với 9 shogun và 16 nhiếp chính.

Khi người bảo vệ cho Thiên hoàng là shogun cũng chỉ là những con rối, căng thẳng đã xuất hiện giữa Kyoto và Kamakura. Vào năm 1221, Chiến tranh Jokyu nổ ra giữa Thiên hoàng Go-Toba (lúc này đã thoái vị nhưng vẫn nắm quyền lực) và nhiếp chính thứ hai Hojo Yoshitoki.
Nhà Hojo đã dễ dàng giành chiến thắng, và từ đây triều đình nằm dưới sự kiểm soát trực tiếp của Mạc phủ. Sau chiến tranh, Mạc phủ Kamakura đã tịch thu khoảng 3.000 vùng lãnh thổ thuộc về Thiên hoàng Go-Toba và phân chia chúng cho các chư hầu có uy tín bằng cách bổ nhiệm họ làm Jito.
Một số thành tựu quan trọng về hành chính đã được thực hiện trong thời kỳ nhiếp chính Hojo. Năm 1225, nhiếp chính thứ ba Hojo Yasutoki thành lập Hội đồng Nhà nước, tạo cơ hội cho các lãnh chúa quân sự khác thực hiện quyền tư pháp và lập pháp trong chế độ Kamakura.
Việc thông qua bộ luật quân sự đầu tiên của Nhật Bản Goseibai Shikimoku vào năm 1232 phản ánh sự chuyển đổi sâu sắc từ triều đình sang xã hội quân sự hóa. Nếu trước đó, các hoạt động pháp lý ở Kyoto vẫn dựa trên những nguyên tắc Nho giáo 500 năm tuổi, thì bộ luật mới là một văn bản có tính pháp lý cao, nhấn mạnh vào nhiệm vụ của người quản lý và cảnh sát, cung cấp phương tiện để giải quyết tranh chấp đất đai, cũng như thiết lập các quy tắc về quyền thừa kế.
Cuộc xâm lược của Mông Cổ và sự kết thúc của thời kỳ Kamakura
Thời kỳ Kamakura chứng kiến một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với sự tồn tại của Nhật Bản, đó là hai cuộc xâm lược của Mông Cổ dưới sự chỉ huy của Hốt Tất Liệt vào các năm 1274 và 1281. May mắn thần kỳ đã đến với người Nhật: hai lần hạm đội tàu Mông Cổ tấn công đều gặp phải bão; những cơn gió đánh chìm hoặc thổi bay các tàu Mông Cổ này được gọi là “kamikaze” hay “gió thần”.
Để chuẩn bị ứng phó với cuộc xâm lược thứ ba của Hốt Tất Liệt, phòng thủ ở vùng Kyushu cần được củng cố. Và khi gánh nặng tài chính lên các chư hầu ngày một nặng nề thì sự bất mãn của họ với Mạc phủ cũng ngày càng dâng cao.

Lãnh chúa Nitta Yoshisada, người đứng về phía phong trào chống Mạc phủ do Thiên hoàng Go-Daigo lãnh đạo, đã tấn công Kamakura vào năm 1333 và thành công lật đổ Mạc phủ. Bại trận, gia tộc Hojo - gồm nhiếp chính thứ 14 là Hojo Takatoki, đã tự sát. Yoshisada lên nắm quyền kiểm soát Kamakura.
Sau khi Mạc phủ Kamakura sụp đổ, Nhật Bản tạm thời quay trở lại chế độ chính trị tập trung vào Thiên hoàng như thời Heian. Tuy nhiên, chính phủ trên cũng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn do xung đột nội bộ và áp lực bên ngoài. Năm 1336, Mạc phủ Muromachi do Ashikaga Takauji đứng đầu được thành lập, mở đầu cho thời kỳ Muromachi kéo dài đến năm 1573.

Văn hóa và xã hội thời kỳ Kamakura
Trong thời kỳ Kamakura, chế độ samurai được củng cố và phát triển đã chi phối mạnh mẽ các khía cạnh văn hóa. Một trong những đặc trưng của văn hóa thời kỳ này chính là Bushido hay Võ sĩ đạo, một triết lý chi phối tư duy và lối sống của samurai, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của lòng trung thành, dũng cảm và phẩm giá.
Một thay đổi quan trọng nữa là sự phổ biến của Phật giáo, vốn trước đây chỉ giới hạn ở giới quý tộc triều đình. Trong thời Kamakura, những người dân thường bắt đầu thực hành Thiền tông, được du nhập từ Trung Quốc vào năm 1191. Bên cạnh đó là sự ra đời của tông phái Nichiren vào năm 1253, một tông phái của Phật giáo Đại thừa dựa trên giáo huấn của Đại sư Nichiren, gần như có thể được mô tả là "Phật giáo chính thống".
Cùng với đó, nghệ thuật Phật giáo cũng ngày càng phát triển. Đơn cử, điêu khắc thời này được đặc trưng bởi các bức tượng Phật bằng gỗ và kim loại, các bảo tháp được trang trí bằng vàng với kỹ thuật chạm khắc tinh xảo và biểu cảm tinh tế.

Thẩm mỹ samurai và ảnh hưởng của Phật giáo cũng đã dẫn đến sự phát triển của thơ waka, nghệ thuật làm vườn, võ thuật... Nghệ thuật và văn học thời này chuyển từ phong cách thẩm mỹ trang trọng, cách điệu được giới quý tộc ưa chuộng sang phong cách hiện thực và mạnh mẽ để đáp ứng thị hiếu của tầng lớp chiến binh. Sự nhấn mạnh vào chủ nghĩa hiện thực này tiếp diễn trong suốt thời kỳ Minh Trị và được truyền lại cho đến ngày nay.
Một kỷ nguyên mới của văn hóa trà đạo cũng bắt đầu với sự du nhập bột trà xanh (matcha) từ Trung Quốc. Năm 1191, nhà sư Eisai trở về Nhật Bản, mang theo hạt giống trà cùng với phương pháp chế biến bột trà xanh theo Thiền tông.

Giai đoạn này cũng chứng kiến sự ra đời chính thức của luật pháp Nhật Bản dưới sự cai trị của quân đội. Vào năm 1232, nhiếp chính Hojo Yasutoki đã ban hành bộ luật Goseibai Shikimoku (Công thức xét xử) gồm 51 điều, nêu ra những quy tắc cụ thể liên quan đến tranh chấp đất đai, quyền thừa kế và quản lý tài sản, những yếu tố rất quan trọng để duy trì trật tự xã hội trong tầng lớp samurai.
Bộ luật nhấn mạnh tầm quan trọng của luật pháp và thủ tục thành văn, trái ngược với các thông lệ trước đây dựa trên truyền miệng và phong tục địa phương. Khung pháp lý này đã góp phần vào sự phát triển của cơ cấu chính quyền tập trung trong thời kỳ phong kiến Nhật Bản, mở đường cho các bộ luật sau này.
Mời bạn khám phá thêm các khía cạnh văn hóa, lịch sử của thời kỳ này trong Chuyên đề Thời kỳ Kamakura.
kilala.vn
Đăng nhập tài khoản để bình luận