Thần gấu - Hiromi Kawakami

    Gấu mời tôi đi dạo, chúng tôi bắt đầu chuyến hành trình tiến về phía bờ sông, mất chừng hai mươi phút đi bộ. Tôi đã từng đến đấy ngắm chim dẽ giun đầu mùa xuân trước, nhưng chưa bao giờ đi dã ngoại trong thời tiết nóng nực như thế này. Nói là tản bộ nhưng có lẽ dùng từ đi bộ đường dài thì đúng hơn.

    Gấu là gấu đực trưởng thành nên thân hình rất to, vừa chuyển đến phòng 305 cách nhà tôi ba căn dăm ngày trước. Theo một phong tục hiếm thấy thời bấy giờ, gấu tặng cho mỗi nhà cùng tầng mì Hikoshi-soba [1] và một xấp bưu thiếp làm quà. Thật chu đáo, tôi nghĩ, mà cũng có thể vì gấu là gấu nên phải làm thế cho phải lẽ.

    Nhưng, khi nhận mì Hikoshi-soba và trò chuyện, tôi nhận ra rằng chúng tôi hoàn toàn không quá xa lạ.

    Thấy tấm biển đề tên tôi trước cửa nhà, gấu bèn hỏi, “Có lẽ nào, em cũng đến từ thị trấn X sao?”. Tôi trả lời, đúng vậy. Hoá ra, trước kia gấu được một ông nào đấy giúp đỡ, ông chú của người này là phó thị trưởng thị trấn. Tình cờ, họ của ông phó thị trưởng này lại trùng với họ của tôi. Tìm hiểu xa hơn từ mối liên hệ ấy, tôi phát hiện có vẻ như ngài phó thị trường đó với ba tôi là hai anh em họ. Thực hư chưa rõ có tồn tại mối dây liên hệ ấy hay không, nhưng trông gấu cực kì cảm khái trước sự kết nối ấy và không ngừng sử dụng từ “cơ duyên” khi nói về điều đó. Qua cung cách chào hỏi hàng xóm, cho đến cách chuyện trò, tôi đoán gấu ta thuộc tuýp cổ điển.

    Giờ, tôi đang làm một việc vừa giống tản bộ lại vừa giống đi bộ đường dài với con gấu ấy. Không biết nhiều về động vật cho lắm nên cũng chẳng rõ gấu ta là gấu đen châu Á, gấu nâu hay gấu Mã Lai. Đôi lần định hỏi thẳng nhưng sợ bị cho là thất lễ. Thậm chí đến tên tôi cũng không biết. Khi tôi hỏi liệu tôi nên gọi gấu thế nào, sau khi xác nhận chắc chắn không còn con gấu nào khác sống quanh đây, gấu trả lời:

    “Đến giờ, tôi vẫn không có cái tên nào. Mà, nếu như chỉ có tôi là gấu duy nhất sống quanh đây, cần gì một cái tên nữa đúng không? Tôi thích từ xưng hô “anata”, đúng rồi, từ “anata” bằng Hán tự, nhưng khi thốt ra từ ấy, nếu trong tâm trí em hình dung nó là chữ Hán chứ không phải dạng ngữ âm hiragana thì tuyệt biết bao [2]. Mà thôi, gì cũng được, cứ gọi theo cách em muốn, không quan trọng.”

    Quả nhiên là một người cũ kĩ. Không chỉ cũ kĩ mà còn thích lí luận nữa, tôi kết luận.

    Ruộng lúa chạy dài trên con đường dẫn đến bờ sông. Con đường được lát nhựa, thi thoảng mới có vài chiếc xe chạy ngang. Chiếc nào cũng lái chầm chậm khi lại gần, rồi ngoặt một mạch đi thẳng. Không một bóng dáng người. Trời cực kì nóng. Cánh đồng vắng tênh. Chỉ còn tiếng bước chân gấu giẫm trên đường lạo xạo, nhịp nhàng.

    “Nóng không anh?” Tôi hỏi.

    “Đi bộ dài như thế này, tôi thường hơi mệt một tí. Nhưng đường không còn xa nữa nên sẽ ổn thôi. Cám ơn em đã hỏi thăm”, gấu trả lời.

    “Mà, nếu em thấy nóng, chúng ta có thể ra khỏi quốc lộ tìm chỗ nào đó để nghỉ chân”, gấu tiếp tục nói một cách tinh ý và chu đáo. Tôi đang đội mũ, vả lại là người có thể chịu cái nóng khá tốt, nên từ chối. Nhưng có lẽ bản thân gấu cũng muốn nghỉ mệt một lát. Chúng tôi tiếp tục đi không nói thêm gì.

    Cuối cùng, chúng tôi bắt đầu nghe tiếng nước chảy ở đằng xa. Càng lúc càng gần, chẳng bao lâu thì đến bờ sông. Có nhiều người câu cá, bơi lội ở đó. Tôi đặt túi xách xuống, lấy khăn lau mồ hôi. Gấu thè lưỡi ra, hơi thở hổn hển. Khi chúng tôi đang đứng vậy thì bỗng có một nhóm nhỏ ba người, hai đàn ông và một đứa trẻ tiến đến gần. Tất cả bọn họ đều mặc đồ bơi. Một trong hai người đàn ông đang đeo kính bơi, người còn lại quàng ống thở lặn biển quanh cổ.

    “Cha, gấu kìa!”, đứa trẻ la lên.

    “Con cái gì cũng biết ha!”, Ống Thở trả lời.

    “Một con gấu mà!”

    “Uhm, đúng rồi!”

    “Ôi! Ôi! Một con gấu!”

    Bọn họ cứ thế nói qua nói lại. Ống Thở liếc ngang xem biểu hiện của tôi thế nào nhưng lại tránh không nhìn thẳng vào mặt của gấu. Kính Râm thì đứng đó không nói gì. Đứa trẻ loanh quanh nghịch ngợm, nào kéo lông, đá vào người. Bỗng, cậu ta hét lên “Chết này!”, thụi nấm đấm vào chỗ gần phía bụng gấu rồi chạy biến đi. Hai người đàn ông lười biếng đuổi theo sau.

    “Ôi trời!”, gấu thở dài sau khi họ đi khỏi. “Mà thôi, trẻ nhỏ thì không có ác ý”.

    Tôi im lặng. “Đúng là thế giới này đầy rẫy các loại người. Nhưng trẻ con – chúng không bao giờ có ác ý”, tôi định trả lời thế, nhưng gấu đã đứng dậy đi đến cạnh bờ.

    Những con cá nhỏ mảnh khảnh lả lướt bơi. Hơi mát lạnh của nước toả lên khiến khuôn mặt đang nóng bừng của tôi thấy dễ chịu. Khi nhìn kĩ, tôi thấy mỗi một con chỉ bơi ngược bơi xuôi trong một khoảng nào đấy. Như thể chúng chỉ lần theo các cạnh của hình chữ nhật chậc hẹp, những lãnh địa riêng biệt. Gấu cũng đang nhìn chăm chú vào dòng nước. Nhìn thấy gì nhỉ? Thế giới trong dòng nước ấy qua đôi mắt một con gấu có giống với điều như loài người đang thấy?

    Bỗng, một dòng nước bắn tung toé lên, gấu lội bì bõm. Đến giữa dòng, gấu dừng lại, chọc tay phải xuống dưới và chụp lấy một con cá to gấp ba lần so với mấy con đang bơi dưới nước.

    “Chắc hẳn em ngạc nhiên lắm?”, gấu nói khi trở lên bờ. “Đáng lẽ tôi nên nói trước với em, nhưng cái chân này hễ nó muốn là không điều khiển được. Mà con cá này to quá, đúng không?”

    Gấu giơ con cá trước mắt tôi, vây cá phản chiếu óng ánh dưới ánh nắng. Bên kia sông, những người câu cá đang chỉ trỏ về phía chúng tôi và nói gì đấy. Còn gấu thì rất hân hoan và đắc ý.

    “Cho phép tôi tặng em nhé. Như là kỉ niệm của ngày hôm nay.” Nói xong, gấu mở đầu túi xách đang mang trên vai lấy ra một bọc vải có con dao nhỏ và tấm thớt. Một cách thành thục, gấu làm sạch con cá bằng dao, rắc một ít muối sống đã chuẩn bị trước, rồi đặt con cá xuống những chiếc lá đã được trải phẳng.

    “Nếu lật qua lật lại vài lần như thế này, đến khi về nhà nó sẽ khô à.”

    Đúng là một chàng gấu chu đáo, tôi thầm nghĩ.

    Chúng tôi ngồi lên cỏ, ngắm sông, ăn thức ăn mà mình đem theo. Phần của gấu là ổ bánh mì Pháp phết pate kẹp củ cải; phần tôi gồm mấy cuộn cơm kẹp mơ ngâm. Tráng miệng, mỗi người một trái cam. Chúng tôi ăn thong thả.

    “Nếu có thể, cho tôi xin vỏ trái cam của em nhé?”, gấu hỏi khi chúng tôi vừa ăn xong. Tôi đưa qua, gấu quay lưng lại và ăn vội nó.

    Rồi gấu đi lật lại con cá đã đặt ra xa, sau đó rửa cẩn thận con dao, tấm thớt và tách chén dưới bờ. Khi lau khô tất cả xong, gấu rút ra một cái khăn lớn từ túi xách và đưa cho tôi.

    “Ngủ trưa thì dùng cái này nhé. Tôi sẽ loanh quanh chỗ này một lát. Mà có cần tôi hát ru cho em ngủ không?”, gấu hỏi chân thành.

    Tôi trả lời rằng tôi có thể ngủ được mà không cần hát ru. Nghe nói thế, gấu tỏ vẻ thất vọng rồi bước vội xuống dòng nước đang chảy ngược.

    Khi tôi thức dậy, bóng hàng cây đã đổ dài, gấu đang nằm ngủ cạnh bên. Không đắp khăn. Ngáy khe khẽ. Bên kia bờ, giờ chỉ còn một vài người đang câu cá. Tôi lấy khăn đắp cho gấu, rồi đi đến lật ngược mấy con cá lại. Cá giờ đã tăng thành ba con.

    “Một buổi dạo chơi rất thú vị”, gấu vừa nói vừa lấy chìa khoá trong túi xách khi chúng tôi đứng trước cửa phòng 305.

    “Tôi muốn chúng ta có cơ hội như thế này lần nữa.”

    Tôi gật đầu. Sau đó, tôi nói cám ơn vì con cá khô và tất cả những thứ khác mà gấu đã làm. Gấu xua cánh tay to lớn của mình và bảo, “Có gì đâu mà.”

    “Vậy nhé!”, tôi định bước rời đi.

    “Mà này.”, gấu rụt rè cất tiếng.

    Tôi ngước lên, đợi từ tiếp theo nhưng gấu lúng túng im lặng. 

    Quả là một con gấu to lớn. Một âm thanh “uruuru” đang phát ra từ sâu trong cuống họng với bộ dạng rất xấu hổ trong tấm thân to lớn ấy. Tôi nhận ra rằng, khi gấu nói chuyện bình thường, cách phát âm rất giống với con người, nhưng khi phát ra âm thanh kiểu ậm ừ ấp úng và khi cười, lại trở về đúng với cái giọng nguyên bản của gấu.

    “Em có thể để tôi ôm tạm biệt được không?”, cuối cùng gấu cũng cất tiếng.

    “Đó là phong tục của quê hương tôi khi hai người bạn thân thiết chia tay nhau. Dĩ nhiên, nếu em không thích, thì cũng không sao cả.”

    Tôi đồng ý.

    Gấu bước lên một bước, dang rộng hai cánh tay, bao quanh vai tôi, chà xát má vào má tôi. Tôi có thể cảm nhận được mùi hương của gấu. Gấu cũng làm tương tự ở bờ má bên kia, đặt sức lực vào cánh tay và ôm mạnh tôi thêm một cái. Thân thể của gấu lạnh hơn tôi tưởng.

    “Một ngày rất vui. Cảm giác như vừa trở về nhà từ một chuyến đi xa. Cầu Thần gấu sẽ ban phúc lành cho em. À, con cá khô đó không giữ được lâu đâu, tôi nghĩ tối nay em nên dùng nó.”

    Tôi trở về phòng, chiên cá, tắm rửa và viết nhật ký trước khi ngủ. Tôi thử tưởng tượng xem Thần gấu trông như thế nào, nhưng không mường tượng ra được.

    Một ngày không tệ.

    [1] Hikkoshi-soba (引越し蕎麦) là món mì sợi bột kiều mạch được dùng để tặng cho hàng xóm khi vừa chuyển nhà đến nơi ở mới. Truyền thống này có từ thời kì Edo (1600-1867). Tại sao lại dùng mì sợi bột kiều mạch (Soba)? Vì sợi mì vốn dài, tượng trưng cho một mối quan hệ lâu dài, thân thiện. Hơn nữa, từ Soba (kiều mạch - 蕎麦) đồng âm với chữ trắc (側), có nghĩa là “gần bên”, “kế cận”.

    [2] Anata có nghĩa là bạn, từ xưng hô người đối diện. Nếu viết theo chữ Hán (hay còn gọi là Kanji, chữ Hán dùng trong tiếng Nhật), đó là cách nói trang trọng. Nhưng khi được viết bằng chữ Hiragana (một dạng văn tự biểu âm truyền thống của tiếng Nhật, một thành phần của hệ thống chữ viết Nhật Bản), sẽ tạo cảm giác không nhã nhặn.

    kilala.vn

    Hiromi Kawakami sinh ngày 1/4 /1958 ở Tokyo, là một trong những nhà văn Nhật bản nổi tiếng nhất trong thế hệ nhà văn cùng thời. Năm 1996, cô nhận được giải thưởng Akutagawa với tác phẩm Hebi wo fumu (Giẫm phải rắn).

    Với dân tộc Ainu (một bộ tộc sống ở miền Bắc Nhật Bản trên đảo Hokkaido), gấu là một nữ thần núi, có quyền lực tối cao trong tất cả các vị thần. Vào tháng 12 hàng năm, dân tộc Ainu tổ chức một nghi lễ đưa linh hồn gấu gọi là Kuma Okuri (tiếng Ainu gọi là Kamui Omante), với ý nghĩa tạo nên sự kết nối giữa các vị thần và nhân gian, mong các vị thần che chở và ban cho nguồn thức ăn ổn định. Kamisama được cho là một câu chuyện hư cấu, gợi liên tưởng đến hình ảnh thần gấu trong câu chuyện thần thoại đó.

    Năm 2001, đoạt giải Tanizaki Junichiro với tiểu thuyết Sensei no kaban (Cặp giấy của thầy). “Kamisama” (Thần gấu) là tác phẩm đầu tay của Hiromi Kawakami, đoạt giải thưởng Truyện ngắn Pascal dành cho tác giả mới trong một cuộc thi văn học mạng năm 1994. 5 năm sau đó, truyện ngắn này đoạt thêm hai giải thưởng khác: Giải thưởng Murasaki Shikibu và giải thưởng văn học Bunkamura Deux Magots.

    23/05/2016

    Ánh Hiền dịch

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!