Tenugui - Chiếc khăn biến hóa

    Tenugui là một loại khăn tay mỏng, hình chữ nhật, có kích thước khoảng 35x90 cm, vải dệt trơn, được nhuộm màu hoặc các hình vẽ truyền thống Nhật Bản. Mặc dù tên gọi được ghép từ chữ Te (手), tức “Thủ”, và Nugui (ぬぐい), tức “Lau”, Tenugui không chỉ được dùng để lau tay mà còn có rất nhiều công dụng khác như làm khăn quấn đầu, bọc chai nước hay làm quà tặng. Tuy vẻ ngoài khá đơn giản nhưng đằng sau Tenugui lại là một câu chuyện thú vị! 

    tenugui

    Ảnh: ©Kamawanu

    Tenugui trở thành vật dụng quen thuộc của người Nhật từ khi nào?

    Vào thời Heian (794 - 1185), Tenugui được sử dụng như một vật trang trí trong các lễ hội hoặc nghi thức có liên quan đến Thần linh. Do thời ấy, vải là một thứ hàng hóa xa xỉ nên phải đến thời Kamakura (1185 –1333), Tenugui mới dần dần xâm nhập vào đời sống của dân thường. 

    Trải qua vài thế kỉ, đến thời đại Edo (1603 - 1868), khi ngành trồng trọt bông phát triển tại nhiều địa phương, Tenugui cũng trở thành một vật dụng không thể thiếu trong đời sống hằng ngày của người Nhật Bản. Đây cũng là thời đại mà Tenugui bắt đầu được chú trọng không chỉ riêng về tính năng mà còn cả tính nghệ thuật. Vào thời này, các cuộc thi thiết kế hoa văn và nhuộm màu Tenugui, gọi là “Tenugui awase”, rất phổ biến và được ưa chuộng trong giới mộ điệu. Kỹ thuật nhuộm Tenugui cũng từ đó mà dần được phát triển hơn. 

    Tuy nhiên, phải đến thời Showa (1926 - 1989), nhờ vào kỹ thuật nhuộm “Chusen” tiên tiến, tạo nên cuộc cách mạng lớn cho ngành công nghiệm nhuộm, Tenugui đã vượt lên cả giới hạn là một món đồ dùng hằng ngày để trở thành những đối tượng nghệ thuật cho những người yêu thích Tenugui và tranh vẽ. Ngày nay, bạn có thể bắt gặp nhiều chiếc Tenugui với hoa văn và màu sắc đa đạng cùng cách sử dụng vô cùng biến hóa.

    tenugui

    tenugui

    Ảnh: ©Kamawanu

    Tenugui của Kamawanu

    Sự thú vị của Tenugui nằm ở chỗ, tuy sử dụng cùng một chất liệu và chỉ giới hạn trong kích thước vỏn vẹn 35x90cm nhưng những chiếc khăn bé nhỏ này có cách thể hiện các mùa và thế giới quan rất sinh động. Tenugui của Kamawanu sử dụng nguyên liệu từ vải cotton, kết hợp kỹ thuật nhuộm Chusen truyền thống và được tạo nên bởi bàn tay của các thợ thủ công lành nghề. Kỹ thuật nhuộm Chusen sử dụng thuốc nhuộm lỏng nên không gây xơ cứng mà vẫn giữ được tính hút nước của vải. Thuốc nhuộm được đổ từ trên xuống, xuyên qua lớp vải nên hoa văn in lên cả 2 mặt. Dù không thể tránh khỏi tình trạng màu nhuộm không đều hoặc bị lem nhưng kỹ thuật nhuộm Chusen sẽ cho ra đời những chiếc khăn mềm mại, dễ chịu. Càng sử dụng, bạn sẽ thấy chất vải ngày càng mịn màng và màu sắc ngày càng đằm thắm. Bên cạnh đó, tùy vào nhiệt độ và độ ẩm của môi trường và thuốc nhuộm mà sẽ có những lúc nhuộm ra những màu sắc khác nhau, dẫn đến trường hợp có những màu chỉ nhuộm được một lần duy nhất. Đó cũng là một trong những điểm thú vị của chiếc khăn truyền thống này!

    tenugui

    Người thợ sẽ giặt vải, bôi keo để nhuộm từng màu riêng lẻ, sau đó giặt bỏ lớp keo, phơi khô và cuối cùng là công đoạn ép thẳng và cắt thủ công thành những tấm Tenugui thường hay thấy - Ảnh: ©Kamawanu

    Những họa tiết Tenugui đặc sắc

    Logo Kamawanu

    kamawanu
    Ảnh: ©Kamawanu

    Logo là sự kết hợp hình ảnh của cái lưỡi hái (Kama), hình tròn (Wa) và chữ “Nu”. Khi nghệ sỹ Kabuki lừng danh Ichikawa Danjuro VII (1791 - 1859) sử dụng trong trang phục biểu diễn, nó bắt đầu được nhiều người biết đến và  trở nên rất thịnh hành.

    Cá nóc (Fugu - ふぐ)

    fugu
    Ảnh: ©Kamawanu

    Thời xưa, người Nhật gọi cá nóc là “Fuku”, đồng âm với chữ Phúc cũng đọc là “Fuku”. Vì vậy, cá nóc được xem là loài cá may mắn và mang đến phúc lành.

    Lá cây gai dầu (Asa no ha - 麻の葉)

    asa no ha
    Ảnh: ©Kamawanu

    Thật ra đây là họa tiết hình học, nhưng do trông giống với lá cây gai dầu nên mọi người gọi hoa văn là “Asa no ha”. Cây gai dầu rất mau phát triển nên thời xưa, sợi cây gai dầu thường được dùng trong quần áo của trẻ sơ sinh để mong đứa trẻ mau ăn chóng lớn.

     Fukuro - ふくろう

    fukuro
    Ảnh: ©Kamawanu

    Con cú trong tiếng Nhật đồng âm với từ "Không gian khổ" nên từ lâu đã được người Nhật xem là biểu tượng của sự may mắn.

    Họa tiết mùa hè: Tanuku no Matsuribayashi - 祭囃子

    tanuki
    Ảnh: ©Kamawanu

    Diễn tả khung cảnh một lễ hội tưng bừng màu sắc và rộn ràng tiếng đàn của những nhạc công Tanuki vui vẻ. 

    Họa tiết mùa hè: Yanagi ni Uchiwa - 柳に団扇

    yanagi
    Ảnh: ©Kamawanu

    Chiếc Tenugui này sẽ mang đến cho bạn những hình ảnh đặc trưng nhất của mùa hè Nhật Bản với chiếc quạt giấy (Uchiwa) cùng cành liễu (Yanagi) đang đung đưa nhẹ nhàng trong cơn gió mùa hè.  

    Cách sử dụng Tenugui

    Ngày nay, Tenugui không chỉ đơn thuần chỉ là một chiếc khăn dùng để lau tay mà tùy vào người sử dụng, Tenugui sẽ có nhiều công dụng vô cùng phong phú.
    tenugui

    tenugui

    tenugui

    Ảnh: ©Kamawanu

    KAMAWANU

    logo kamawanu


    Các cửa hàng:

    Cửa hàng chính Daikanyama

    kamawanu daikanyama23-1, Sarugakucho, Shibuya-ku, Tokyo
    03-3780-0182
    11:00~19:00
    Chỉ nghỉ ngày Tết

    Chi nhánh Asakusa

    kamawanu asakusa1-29-6, Asakusa, Taito-ku
    03-6231-6466
    10:00 〜 18:30


    Xem thêm tại:
    kamawanu.co.jp
    facebook.com/kamawanu.f

    15/07/2015

    Bài: Lê Mai/ Ảnh: Kamawanu

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!