Tenta Onodera và giấc mơ đưa Kyokushin Karate đến với người Việt
Nếu Karate là một khái niệm quen thuộc tại Việt Nam thì hệ phái Kyokushin vẫn chưa được nhiều người biết đến. Có một chàng trai đã bỏ lại mọi thứ tại Nhật để đến một đất nước xa lạ, tìm kiếm cơ hội truyền bá và phát triển hệ phái này, đó là Tenta Onodera – Nhà vô địch Kyokushin Thế Giới.
“Karate là một phần trong cuộc sống của tôi”
Gọi Tenta Onodera là con nhà nòi cũng không sai. Chàng trai sinh năm 1996 tại thành phố Itami, tỉnh Hyogo đã học Karate từ khi mới 4 tuổi, và người thầy (Sensei) đầu tiên không ai khác chính là cha của anh, ông Hiroyuki Onodera – Trưởng nhánh Seibukaikan ở Nhật.
Tổ chức Seibukaikan ra đời vào năm 1970 tại thành phố Amagasaki, tỉnh Hyogo với chủ tịch hiện tại là ông Kazuhiko Hayama. Hiện Seibukaikan có 5 chi nhánh với hơn 600 môn sinh đang theo học phái võ Kyokushin (Full Contact Karate) – võ thực chiến, áp dụng quy tắc sử dụng đòn đánh trực tiếp vào đối phương và khi thi đấu không hạn chế cường độ.
Khi những người bạn đồng trang lứa dành thời gian vui chơi, Tenta đã nỗ lực khổ luyện từng ngày. Sự cố gắng ấy đã được đền đáp xứng đáng khi tính đến hiện tại, anh đã giành hơn 100 huy chương, bao gồm các giải đấu cấp quốc gia và quốc tế. Năm 2014, khi vừa tròn 18 tuổi, Tenta đạt huy chương vàng giải Vô địch Nhật Bản POINT & K.O lần thứ 29, trở thành người trẻ nhất đạt giải thưởng này. Và đặc biệt năm 2016, anh liên tiếp đạt được vị trí quán quân ở cả 3 giải Kyokushin thế giới. Tháng 9/2019, anh tham gia giải vô địch châu Á được tổ chức tại Malaysia và mang về Huy chương Bạc.
Hiện nay, ngoài công việc chính là làm việc cho một công ty kiến trúc, Tenta còn mở võ đường Seibukaikan với hi vọng nhiều người sẽ biết đến hệ phái này hơn và có thể tổ chức được các giải đấu mang tầm quốc tế.
Hệ phái Kyokushin trong Full Contact Karate chưa được nhiều người biết tại Việt Nam. Chính vì thế, ngay từ những ngày đầu, Tenta đã tận dụng truyền thông trên mạng xã hội, đặc biệt là facebook để quảng bá cho võ đường. Những chiến dịch ưu đãi lớn với mức học phí rẻ so với mặt bằng chung và được tặng kèm nhiều ưu đãi đã thu hút một lượng những người yêu mến võ thuật tham gia. Sau khi kết thúc khóa học, mọi người đều cảm thấy yêu thích và quyết định theo học chuyên sâu hơn với mức học phí chính thức. Đó là cách Tenta đặt những viên gạch đầu tiên cho võ đường của mình.
Đến Việt Nam bằng sự tình cờ, gắn bó là một cái duyên
Khác với Việt Nam, sinh viên thường bắt đầu tìm kiếm công việc sau khi ra trường, tại Nhật Bản, sự liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp là rất lớn. Thông thường, sinh viên Nhật bắt đầu tìm việc vào năm 3, sau đó sẽ gia nhập vào đội ngũ Shinsotsu (新卒 - sinh viên mới tốt nghiệp), nếu bỏ lỡ thời gian này sẽ rất khó khăn. Chính điều này đã đặt Tenta vào giữa sự hai lựa chọn: nên trở thành một viên chức bình thường tại Nhật, hay giáo viên Karate? Rồi anh nhận ra, nếu ở Nhật Bản, trong guồng quay của công việc, anh khó lòng có thể tiếp tục đam mê của mình.
Anh tìm kiếm rất nhiều công việc tại các nước Đông Nam Á như Singapore, Phillipines… nhưng cuối cùng lại chọn Việt Nam làm bến đỗ, bởi anh cũng từng rất muốn đến đây để du lịch. “Tôi rất muốn tham dự những giải đấu lớn trên thế giới, chẳng hạn như ở Mỹ. Tuy nhiên, tôi thấy bản thân mình cần phải học hỏi thêm nhiều nên khoảng thời gian vừa đi làm, vừa luyện tập, lại còn được dạy học hiện tại đúng là một cơ hội tuyệt vời", Tenta chia sẻ.
Một người khi chuyển đến nơi khác sinh sống, dù vẫn ở cùng đất nước, đã là một quyết định quan trọng. Đằng này, Tenta lại đến một nơi hoàn toàn xa lạ, ít nhất là với chính mình cũng như người thân của anh. Ban đầu, anh luôn nhận được câu hỏi “Tại sao?”, nhưng khi biết đến dự định, kế hoạch và cả ước mơ của Tenta thì mọi người đều hết lòng ủng hộ.
Thực chất, việc mở võ đường vốn không nằm trong dự định của Tenta, nó đến như một cái duyên. Vào tháng 9/2019, khi chuẩn bị tham dự giải đấu ở Malaysia, Tenta chỉ tự tập luyện ở phòng gym, phòng tập Muay Thái nhưng đã mang về giải Nhì.
Nhưng trước giải World Championship vào năm kế tiếp, anh nhận ra việc tập luyện một mình là không đủ. Anh cần bạn đồng hành và nơi để tập luyện vì mọi thứ ở Việt Nam không thể có sẵn như tại quê hương. Việc mở võ đường diễn ra theo cách tự nhiên như thế. Tenta đặt tên võ đường là "Seibukaikan Việt Nam" theo tên nhánh chính ở Nhật, và đây chủ yếu sẽ là một sân chơi vừa giúp mọi người rèn luyện thân thể, vừa theo học chuyên sâu để có thể thi đấu ở những giải đấu lớn tại Nhật hay một số quốc gia khác.
“Biến cố giúp tôi trưởng thành hơn”
Nếu quả địa cầu cứ xoay, nhịp sống hằng ngày vẫn tiếp diễn thì mọi hoạt động của Tenta cũng sẽ như mọi người trên trái đất này sẽ đều quen thuộc và ổn định. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 ập tới khiến bao dự định còn dang dở, lớp học phải đóng cửa theo quy định phòng dịch của Chính phủ, việc gặp gỡ người thân cũng trở nên khó khăn.
Trước đây, nếu anh có thể về Nhật Bản thăm gia đình, bạn bè hoặc ngược lại, họ đến Việt Nam thăm anh một cách dễ dàng, thì quãng đường 6 giờ bay ấy giờ đây lại trở nên rất xa vời. Đó quả là thách thức không nhỏ đối với một người nước ngoài. Tuy nhiên, là người lạc quan, Tenta luôn tin rằng mọi việc đến một ngày nào đó sẽ trở về đúng quỹ đạo, công việc ổn định trở lại, Seibukaikan có thể mở rộng ở nhiều nơi tại Việt Nam và những ước mơ dang dở sẽ tiếp tục được tô vẽ.
Thông tin chi tiết:
- Seibukaikan Việt Nam: số 2A Đinh Tiên Hoàng, Quận 1 TPHCM
- Fanpage:https://www.facebook.com/seibukaikanVN
Xem thêm: Các môn võ thuật chính của Nhật Bản
kilala.vn
Theo Wikipedia định nghĩa, Full Contact Karate (Furu Kontakuto Karate) áp dụng quy tắc sử dụng đòn đánh trực tiếp vào đối phương khi thi đấu không hạn chế cường độ. Khi thi đấu có thể sử dụng hoặc không sử dụng các dụng cụ bảo vệ như mũ, áo giáp.
Tuy được phân biệt với Karate truyền thống ở chỗ sử dụng quy tắc trên, song chính quy tắc đánh trực tiếp vào người đối phương không hạn chế cường độ mới là quy tắc của Karate nguyên thủy ở Okinawa. Chính vì thế, lưu phái lớn nhất trong Full Contact Karate lấy tên là Kyokushin Karate (極真カラテ hay Cực chân Karate, Karate chính cống). Full Contact Karate phổ biến ở nước ngoài, nhất là Mỹ hơn là ở Nhật Bản.
18/06/2021
Phỏng vấn: Thư Võ
Bài viết: Natsume
Đăng nhập tài khoản để bình luận