Tachiyomi - văn hoá "đứng đọc" của người Nhật
Tachiyomi - Thói quen đứng đọc phổ biến tại Nhật Bản
Trong các hiệu sách mà nhất là hiệu sách lớn tại Nhật, bạn dễ dàng bắt gặp những hàng người đứng ken cứng quanh các kệ sách, đọc chăm chú từ ít phút đến vài giờ. Không chỉ trong cửa hàng sách, người Nhật còn “tachiyomi” ở rất nhiều nơi, nhiều thời điểm ví như trong cửa hàng tiện lợi, trong lúc đợi tàu xe, trong khi di chuyển bằng tàu hay trong khi xếp hàng làm gì đó.
Về phần cửa hàng sách, hẳn nhiên đôi lúc việc đứng đọc nhiều gây nên những bất tiện không đáng có và đồng thời một số người lợi dụng việc này để đọc miễn phí mà không mua sách. Ở một vài chỗ bạn sẽ để ý thấy dòng chữ “立ち読みをご遠慮ください” có nghĩa “hãy vui lòng không đứng đọc", nhưng đây là điều rất hiếm trong các cửa hàng sách ở Nhật.
Thực tế, đại đa số người thích sách sẽ không nề hà bỏ tiền mua một cuốn để tự sở hữu, nghĩ theo hướng tích cực, tachiyomi là một cách để độc giả trải nghiệm trước sản phẩm mình quan tâm trước khi quyết định có bỏ tiền mua nó hay không.
Nếu có hạn chế, các hiệu sách thường chỉ hạn chế việc “coi cọp” với các đầu truyện tranh hoặc tạp chí màu cỡ lớn bằng cách bọc plastic, tuy nhiên hầu hết các thể loại khác đều được trưng bày bình thường vì người Nhật nhìn chung có thói quen sử dụng và bảo quản đồ dùng, đặc biệt là sách, rất kĩ lưỡng.
Qua thời gian, “Tachiyomi” không hề mất đi mà chỉ là được “nâng cấp” thành phiên bản hiện đại và đa dạng hơn, tức mở rộng phương tiện dùng để đọc. Trên tàu điện, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp những người trẻ cúi mặt vào điện thoại liên tục, ngoài để chơi game hay nhắn tin thì còn đọc ebook hay nhật báo, trong khi những người đứng tuổi một tay vịn giá tay còn lại giữ sách. Trong thư viện các trường đại học, không thiếu những tờ nhật báo được cẩn thận gắn trên những tấm biển đứng, và càng không thiếu những người dừng lại đứng trầm ngâm một lúc để cập nhật tin tức nổi bật trong ngày.
Như thế, nghĩ xa hơn thì tachiyomi thực tế là một phương pháp cập nhật thông tin nhanh và và quy mô lớn, nếu lượng thông tin đó là tích cực thì sẽ quy đổi thành kiến thức hữu ích. Lượng kiến thức mà độc giả thu thập trong khoảng thời gian đứng đọc khi gộp lại có thể bằng nhiều ngày ngồi nhà đọc sách.
Đứng đọc, đứng ăn, đứng uống, đứng bán
Văn hóa “đứng đọc” hay nhìn rộng hơn là thói quen “đứng” của người Nhật đã trở thành một điểm đặc trưng. Nhiều người có thể đứng chờ ba tiếng để chơi một trò chơi trong công viên giải trí, có thể đứng trên tàu lắc lư nhưng không tựa hẳn người vào thành tàu cho đỡ mỏi,...
Ngoài tachiyomi, người Nhật còn rất nhiều từ khác liên quan đến việc đứng và hành động gì đó cùng lúc như như tachigui (立ち食い) - đứng ăn, tachinomi (立ち飲み) - đứng uống, tachiuri (立ち売り) - đứng bán. Tachigui phổ biến ở nhiều cửa hàng trong các đô thị lớn bởi điều này giúp giảm diện tích trong bối cảnh mật độ dân số quá cao tại các đô thị này. Chưa kể, tachigui còn mang lại cảm giác ngầm “ăn nhanh để còn đi”. Hẳn nhiên cũng có một số nơi xem tachigui và tachinomi như một phong cách thú vị, điển hình là có không ít các quán bar đứng sang trọng và độc đáo tại Nhật Bản.
Có thể nói, người Nhật đã được luyện thói quen đứng từ bé. Và chính vì thế đối với họ khoảng thời gian đứng không phải thời gian chết. Họ đứng đọc sách, đứng chơi game, đứng xem tài liệu,… Có rất nhiều việc có thể làm chỉ trong mươi phút đứng đợi tàu hay xe buýt.
Yếu tố “tachi-đứng” vẫn là điều rất nổi bật trong xã hội Nhật Bản hiện đại. Việc tập “đứng” phản ánh sự kiên nhẫn nổi tiếng của đại đa số người dân Nhật Bản cả trước đây lẫn bây giờ, hay ở một khía cạnh khác là phản ánh nhịp sống vội vã của người dân Nhật Bản với phong cách tiết kiệm thời gian tối đa, hoàn thành được nhiều việc hết mức có thể trong khoảng thời gian ngắn nhất.
kilala.vn
17/06/2019
Bài: An Thuỷ
Đăng nhập tài khoản để bình luận