Shinigami là gì? Thần chết Shinigami trong văn hóa Nhật Bản
Những bộ manga, anime nổi tiếng như Death Note, Bleach... đã đưa khái niệm Shinigami của Nhật Bản trở nên phổ biến trên toàn cầu và trở thành một biểu tượng đầy cuốn hút trong văn hóa đại chúng. Liệu rằng vị thần đặc biệt đại diện cho cái chết này có điểm gì khác biệt với Tử thần trong văn hóa phương Tây?
Shinigami là gì?
Shinigami trong tiếng Nhật có nghĩa là Thần chết. Thuật ngữ này được ghép từ hai chữ là "死 – Shi – Tử", nghĩa là “chết” và "神 – Kami – Thần", chỉ thần linh.
Shinigami có thể được xem là một phiên bản ít đáng sợ hơn so với Tử thần phương Tây (Grim Reaper), nhiệm vụ của họ là đảm bảo một người phải chết khi sinh mệnh họ đã cạn và hộ tống linh hồn của người này sang thế giới bên kia.
Sự ra đời của Shinigami
Trong Thần đạo Nhật Bản, hầu hết các vị thần (Kami) đều được ghi chép trong những tài liệu có từ hàng nghìn năm trước. Vì cũng là một vị thần, nhiều người thường lầm tưởng rằng Shinigami cũng có một lịch sử lâu đời.
Tuy nhiên, hình tượng Shinigami được biết đến ngày nay thực tế không hề xuất hiện trong các văn bản cổ xưa của xứ Phù Tang. Và lần đầu tiên Shinigami được nhắc đến là vào cuối thời Edo, khoảng thế kỷ 18 đến thế kỷ 19.
Trong văn học cổ điển thời này có đề cập đến khả năng nhập và chiếm hữu con người của Shinigami. Tập sách tranh Ehon Hyaku Monogatari (1841) có một câu chuyện mang tựa đề "Shinigami", nhưng nhân vật này trong câu chuyện lại được mô tả là linh hồn của một người đã chết, có những ý định và hành động xấu xa như thúc đẩy người khác tự tử.
Vào cuối thời Edo, bài tiểu luận Shozan Chomon Kishu trong Kaei 3 (1850) của Miyoshi Shozan có câu chuyện về một cô gái điếm bị Shinigami chiếm hữu, đã mời một người đàn ông cùng tự sát. Và trong vở Kabuki có tên Mekuranagaya Umega Kagatobi của Kawatake Mokuami (1886), một Thần chết đã xâm nhập vào suy nghĩ của con người, khiến họ nghĩ về những điều xấu mình đã làm và muốn tự sát.
Vì vậy, hầu hết các học giả hiện đại tin rằng hình tượng Shinigami ngày nay không tương đồng với bất kỳ vị thần nào trong Thần đạo hoặc Phật giáo, hay Yokai trong văn hóa dân gian, mà là một phiên bản Nhật hóa của Thần chết phương Tây, bởi khái niệm và hình tượng của Grim Reaper đã được du nhập vào Nhật Bản trong thời Minh Trị, khoảng giữa năm 1868 và 1912.
Dù Shinigami tràn ngập trong manga và anime đương đại, nhưng các Thần chết này cũng chỉ mới xuất hiện gần đây. Việc sử dụng thuật ngữ Shinigami ở thời hiện đại được tìm thấy sớm nhất trong một trò chơi điện tử phát hành năm 1971-1972, dựa trên manga GeGeGe no Kitaro của Shigeru Mizuki. Nó cũng xuất hiện trong một số tập của anime chuyển thể từ manga này.
Shinigami tiếp tục xuất hiện trong tác phẩm Yu Yu Hakusho của Yoshihiro Togashi, cả ở phiên bản manga (1990) và anime (1992), trong đó Botan - một cô gái đến từ Linh giới đã giới thiệu với nhân vật chính - Yusuke Urameshi, rằng mình là một Shinigami với nhiệm vụ dẫn linh hồn người chết sang thế giới bên kia.
Izanami – Thần chết đầu tiên của nước Nhật?
Shinigami có thể là một sự bổ sung mới cho thần thoại Nhật Bản, nhưng vốn trong Thần đạo và Phật giáo đã có khá nhiều Thần chết xuất hiện trước đó. Izanami, nữ thần của sự Kiến tạo và Cái chết trong Thần đạo là một ví dụ.
Theo truyền thuyết, vợ chồng Izanagi và Izanami là hai vị thần đã khởi tạo nên nước Nhật và các hòn đảo của Nhật Bản. Trong khi hạ sinh thần lửa Kagutsuchi, nữ thần Izanami đã qua đời.
Izanagi chôn cất vợ mình trên Núi Hiba, nằm ở biên giới giữa Izumo và Hoki, và linh hồn của nữ thần đã xuống Yomi-no-kuni, vùng đất của bóng tối hay chính là cõi âm.
Đau buồn về cái chết của vợ, Izanagi tìm đường xuống Yomi-no-kuni. Đi theo con đường tối tăm, vị thần tìm được đến cổng âm phủ, tại đó Izanami bước ra chào đón chồng.
Izanagi cầu xin vợ trở về, nhưng Izanami nói rằng vì mình đã ăn thức ăn ở đây nên không thể quay về nữa. Nhưng sau một hồi suy nghĩ, nữ thần nói với Izanagi rằng hãy đứng chờ trong khi mình vào bên trong và xin vị thần cai quản cõi âm cho phép quay về dương thế, với điều khiện là Izanagi tuyệt đối không được quay lại nhìn vợ cho đến khi lên tới mặt đất.
Izanagi đồng ý và chờ đợi một lúc, nhưng cuối cùng lại mất kiên nhẫn. Vị thần bẻ một chiếc răng lược từ cây lược cài trên tóc mình, làm một ngọn đuốc và tiến vào bên trong Yomi-no-kuni.
Cuối cùng khi tìm thấy vợ, vị thần đã bị sốc trước vẻ ngoài của Izanami, cơ thể cô đang thối rữa và đầy giòi bọ. Quá kinh hãi, Izanagi quyết định chạy trốn khỏi Yomi-no-kuni và trở về dương gian.
Nữ thần tức giận đuổi theo nhưng Izanagi đã trốn thoát và đẩy một tảng đá chặn cửa sông Yomotsuhirasaka. Izanami khi này đã biến thành vị thần của cái chết, nữ thần hét lên từ phía sau, thề sẽ giết hàng ngàn người mỗi ngày và sinh ra những Kami cùng yêu quái xấu xa.
Tuy nhiên, Izanami trước đó không được gọi là một Shinigami bởi khái niệm này mới chỉ xuất hiện từ thời Edo. Sau khi thuật ngữ này ra đời, không chỉ Izanami mà Yama - vị thần của Địa ngục Yomi, các linh hồn quỷ Oni, hay Mara – Ma vương của Phật giáo... cũng bắt đầu được coi là Shinigami.
Vai trò của của một Shinigami
Thần chết tồn tại trong nhiều nền văn minh cổ đại, xuất hiện trong thần thoại với hình tượng có phần xấu xa khi tước đi sự sống của mọi sinh vật kể cả con người, hoặc ở mặt tốt là giúp giải thoát chúng sinh khỏi đau khổ của cuộc sống.
Ở phương Tây, Grim Reaper được biết đến như một nhân vật đơn độc, thường là một bộ xương mặc áo choàng đen có mũ trùm đầu và mang theo lưỡi hái để “thu hoạch” linh hồn con người. Tuy nhiên, Shinigami lại hơi khác một chút.
Trong văn hóa dân gian Nhật Bản, mỗi sinh mệnh được đo bằng một ngọn nến, khi ngọn nến tắt thì người đó cũng qua đời. Do đó, Shinigami không có khả năng kiểm soát ai sống, ai chết mà chỉ có thể thông báo cho họ khi sinh mệnh của người đó đã cạn. Các Shinigami dường như giống một sứ giả hơn, họ dẫn những người có ngọn lửa sinh mệnh đã tắt sang thế giới bên kia.
Những mô tả về Shinigami trong văn hóa đại chúng có xu hướng giống với ma cà rồng phương Tây, với việc các Thần chết này bất tử, sở hữu những đặc điểm thu hút và nắm giữ nhiều loại sức mạnh độc nhất với khả năng tiêu diệt yêu ma quỷ quái.
Thần chết Shinigami có ngoại hình như thế nào?
Trong khi Tử thần của phương Tây có ngoại hình khá đồng nhất, không ai chắc chắn được Shinigami trông như thế nào.
Có lúc Shinigami được mô tả là mặc kimono đen và có mái tóc dài màu trắng, nhưng cũng có tác phẩm nghệ thuật lại mô tả họ có vẻ ngoài nhỏ bé như trẻ thơ, hoặc trông giống như những phụ nữ lớn tuổi gầy gò.
Có thể nói, Shinigami không phải là hình tượng nhất quán trong văn hóa dân gian Nhật Bản bởi chỉ mới xuất hiện chưa đầy 200 năm.
Biểu tượng nổi tiếng trong văn hóa đại chúng
Dù không có một lịch sử lâu đời, nhưng trong văn hóa đại chúng, Shinigami lại là một hình tượng quan trọng với độ nổi tiếng lan rộng trên toàn cầu. Không ít lần, Shinigami xuất hiện trong các bộ manga, anime, phim ảnh lẫn game và nhận về sự yêu thích đặc biệt.
Shinigami trong anime và manga
Trong những câu chuyện hiện đại này, Tử thần xuất hiện dưới nhiều vai trò khác nhau bên cạnh việc đưa linh hồn người chết rời giỏi dương gian. Ngoại hình của họ cũng không có nhiều sự đồng nhất.
Death Note - Cuốn Sổ Thiên Mệnh
Death Note kể về Light Yagami, một học sinh trung học tình cờ tìm thấy cuốn sổ kỳ lạ do một Shinigami tên là Ryuk đánh rơi. Hướng dẫn của cuốn sổ nêu rõ sức mạnh của Death Note là lấy đi sinh mạng của người được viết tên trên sổ. Ngoài ra, Death Note cũng có thể bao gồm các chi tiết nhỏ như thời gian, ngày tháng và cách người đó sẽ chết.
Nhận thức được sức mạnh thần thánh trong tay, Light – dưới bí danh Kira – thực hiện lý tưởng về công lý của mình: sử dụng cuốn sổ để sát hại tội phạm, thanh lọc thế giới khỏi tất cả những kẻ xấu.
Một thám tử thiên tài với biệt danh L đã lần theo dấu vết của Kira, cuộc rượt đuổi giữa họ biến thành một trận đấu trí căng thẳng, chỉ có thể kết thúc khi một trong hai bỏ mạng.
Death Note đã làm nổi bật hình tượng Shinigami, và Ryuk trở thành một trong những Thần chết nổi tiếng nhất.Trong nỗ lực thoát khỏi sự nhàm chán, Ryuk khiến cho công lý không khác nào một trò chơi ngớ ngẩn, méo mó.
Bleach - Sứ Giả Thần Chết
Bleach xoay quanh câu chuyện về Ichigo Kurosaki, một cậu thiếu niên bình thường có khả năng nhìn thấy linh hồn. Cuộc chạm trán với một ác linh (Hollow) khiến Ichigo gặp gỡ một Shinigami tên là Rukia Kuchiki, người không may bị thương khi cố gắng bảo vệ Ichigo và gia đình cậu.
Để giúp giải cứu gia đình mình, Ichigo đồng ý đảm nhận vai trò Shinigami thay Rukia. Từ đó, cậu cùng với những người bạn của mình chấp nhận thử thách ngăn chặn lũ Hollow xâm chiếm thị trấn.
Trong Bleach, Shinigami được coi là người bảo vệ cho những linh hồn bước vào quá trình luân hồi. Sở hữu một lượng lớn sức mạnh tâm linh và siêu nhiên, Tử thần thanh tẩy những ác linh và đưa linh hồn của người chết đến linh giới.
Soul Eater - Kẻ Ăn Linh Hồn
Soul Eater lấy bối cảnh là Học viện Death Weapon Meister do Shinigami thành lập và điều hành. Cơ sở này đào tạo con người với khả năng biến thành vũ khí, cũng như người sử dụng những vũ khí đó để chống lại các thế lực xấu.
Soul Eater theo chân những học sinh của trường khi họ thực hiện các nhiệm vụ thu thập linh hồn và bảo vệ thành phố khỏi những mối đe dọa của thế giới.
Kyoukai no Rinne (RIN-NE) - Cảnh Giới Luân Hồi
Kyoukai no Rinne xoay quanh nữ sinh Sakura Mamiya và một chàng trai lai giữa con người và linh hồn tên là Rinne Rokudou. Khi Sakura còn nhỏ, cô được thừa hưởng khả năng nhìn thấy các thực thể siêu nhiên nhưng lại che giấu sức mạnh của mình để tránh bị chế giễu và chỉ trích.
Rinne Rokudou là một Shinigami, người giúp đưa các linh hồn sang thế giới bên kia, về nơi an nghỉ cuối cùng. Sakura và Rinne trở thành bạn bè và cùng nhau nỗ lực để giúp các linh hồn được siêu thoát.
Shinigami trong game
Những Tử thần Nhật Bản cũng xuất hiện trong nhiều trò chơi điện tử hiện đại. Ví dụ phổ biến nhất là The World Ends With You. Trong trò chơi giả tưởng nhập vai này, các Tử thần được hồi sinh với sức mạnh đặc biệt. Vai trò của họ trong trò chơi là kiểm tra linh hồn con người để xem liệu họ có thể sống lại hay không.
kilala.vn
14/09/2023
Bài: kirin
Đăng nhập tài khoản để bình luận