NỘI DUNG BÀI VIẾT

    Phong trào Metabolism trong kiến trúc Nhật Bản

    Xuất hiện vào những năm 60 của thế kỷ 20 tại xứ Phù Tang, xu hướng kiến trúc Metabolism đã khiến thế giới phải kinh ngạc, sửng sốt với ý tưởng biến tòa nhà thành một sinh vật sống. 

    Metabolism là gì?

    Metabolism (tiếng Nhật: メタボリズム) hay "Chuyển hóa luận" là tên gọi cho một phong trào kiến trúc của Nhật Bản thời hậu chiến, được lấy cảm hứng từ quá trình "metabolism" - trao đổi chất của sinh vật.

    metabolismlagi
    Ảnh: echelle-1.com

    Sau chiến tranh, Nhật Bản bước vào công cuộc tái thiết. Khi một lượng lớn người bắt đầu đổ về các thành phố để giúp nước Nhật trở thành một trong những cường quốc kinh tế phát triển nhanh nhất thời bấy giờ, nhu cầu về tư duy kiến ​​trúc mới trong thiết kế đô thị và không gian công cộng cũng nảy sinh.

    Các kiến ​​trúc sư theo chủ nghĩa Metabolism tin rằng các thành phố và tòa nhà không phải là những thực thể tĩnh mà luôn thay đổi, tồn tại “hữu cơ” với quá trình “trao đổi chất" như những sinh vật sống. 

    Họ muốn tạo nên những thành phố nơi cấu trúc đô thị sẽ được tổ chức như một hệ tuần hoàn, tương tự như các mạch máu, xung quanh "mạch máu" là các tòa nhà và bộ phận của tòa nhà có thể được thay thế, làm mới mà không làm gián đoạn toàn bộ hệ thống.

    Nguồn gốc của Chuyển hóa luận

    Chủ nghĩa Metabolism ra đời ở Nhật Bản vào thập niên 60. Vào năm 1960, tại Hội nghị Thiết kế Thế giới diễn ra ở Tokyo, một nhóm kiến trúc sư và nhà thiết kế trẻ đã trình bày những ý tưởng xây dựng đô thị mới.

    Nhóm này bao gồm Fumihiko Maki, Masato Otaka, Kiyonari Kikutake và Kisho Kurokawa, dưới sự dẫn dắt của bậc thầy Tange Kenzo, đã trình bày đề xuất về việc xây dựng các tòa nhà giống như thực thể sống, có thể dễ dàng thay đổi và làm mới sau một thời gian hoạt động.

    kien-truc-su- fumihiko-maki
    Kiến trúc sư Fumihiko Maki, một trong những người khởi xướng chủ nghĩa Metabolism. Ảnh: makiarchive.sfc.keio.ac.jp

    Họ diễn giải về Metabolism, đưa ra những thiết kế để “tái sử dụng” những công trình đô thị theo cách tiết kiệm chi phí, thời gian cũng như xây dựng nên một hệ thống kiến trúc “trao đổi chất” đầy mới lạ.

    Sự phát triển của Metabolism

    Chủ nghĩa Metabolism được xây dựng dựa trên các nguyên tắc của kiến trúc phương Tây hiện đại đồng thời bảo tồn, gìn giữ nền văn hóa truyền thống của Nhật Bản.

    Metabolism xoay quanh các "mô-đun", với tổng thể được tạo ra từ những mô-đun nhỏ, chúng liên kết với nhau, có thể được mở rộng và tái sắp xếp để đáp ứng nhu cầu sử dụng công trình.

    Vào những năm 1960, Metabolism là xu hướng thịnh hành trong giới kiến trúc. Có rất nhiều kiến trúc sư đã đưa ra loạt thiết kế táo bạo, đậm chất vị lai.

    Trong Hội nghị Thiết kế Thế giới năm 1960, Tange Kenzo đã trình bày kế hoạch lý thuyết để tạo ra một thành phố nổi ở Vịnh Tokyo. Hay vào năm 1961, Kisho Kurokawa trình bày dự án thành phố Helix với giải pháp "trao đổi chất sinh hóa - DNA" cho kiến trúc đô thị. 

    du-an-thanh-pho-helix-1961
    Dự án thành phố Helix 1961 của Kisho Kurokawa. Ảnh: somenotessite.wordpress.com

    Hai kiến trúc sư Fumihiko Maki và Masato Otaka hợp tác với nhau tạo nên các đồ án “Business Town” và “Shopping Town”. Trong đó “Business Town” nhằm tái phát triển quận Shinjuku ở Tokyo. Những thiết kế thuộc hai đồ án này đã được giới thiệu, miêu tả chi tiết trong cuốn sách đầu tiên về Metabolism được xuất bản năm 1960.

    Đến năm 1970 tại triển lãm quốc tế Expo '70 tổ chức ở Osaka, các kiến trúc sư theo chủ nghĩa Metabolism đã thêm kiến trúc hữu cơ vào trong những bản thiết kế của họ.

    Metabolism có lẽ đã đi trước thời đại khi những tòa nhà được xây dựng lúc bấy giờ đã không thể phát huy hết tiềm năng của chúng. Tuy nhiên, trào lưu này đã để lại một di sản cho kiến trúc hiện đại, các ý tưởng của Metabolism vẫn liên tục được tái sử dụng và tái tạo để phù hợp với thời đại.

    Những công trình tiêu biểu của Metabolism

    Từ những ý tưởng được phác họa trên bản thiết kế, mô hình, chủ nghĩa Metabolism dần hiện hữu sống động trong cuộc sống đời thường qua những công trình ấn tượng.

    TEPIA 

    TEPIA kết hợp giữa hai từ Technology và Utopia, là công trình của kiến trúc sư Fumihiko Maki. Tòa nhà khánh thành vào tháng 5 năm 1989, là một hệ thống mạng lưới ô vuông, với mô đun có kích thước 1,45x1,45m làm từ kính và kim loại. 

    tepia
    Tòa nhà TEPIA do kiến trúc sư Fumihiko Maki thiết kế. Ảnh: thegate12.com

    TEPIA toát lên vẻ đẹp của hình học cùng nghệ thuật với không gian luôn phát sáng, qua lối thiết kế tách biệt giữa kết cấu tường và cửa sổ. TEPIA được đánh giá là “công trình kiến trúc tuyệt hảo cho các thế hệ sau này”.

    Maki còn có nhiều công trình nổi tiếng khác theo phong cách Metabolism như Cung Thể dục Thể thao ở Fujisawa, khánh thành năm 1984 và Cung Thể dục Thể thao Trung tâm ở Tokyo mở của từ năm 1990. Cả hai công trình đều dùng vật liệu kim loại cho mái, được thiết kế với những hình khối ấn tượng. 

    cung-the-duc-the-thao-tokyo
    Cung Thể dục Thể thao Trung tâm Tokyo. Ảnh: alubuild.com

    Nakagin Capsule

    Ở Tokyo cũng có một công trình Metabolism biểu tượng là tháp Nakagin Capsule, khánh thành vào năm 1972, đã bị dỡ bỏ vào năm 2022 vì xuống cấp.

    thap-nakagin-capsule
    Tháp Nakagin Capsule. Ảnh: itoosoft.com

    Công trình do Kisho Kurokawa thiết kế với ý tưởng biến không gian thành một ngôi nhà cho nhiều người sinh sống. Tháp này cao 14 tầng, kết hợp những khối vuông tựa như một cơ thể sinh vật nhiều tế bào gộp lại.

    Tổng cộng có 140 căn phòng đúc sẵn khép kín, mỗi khoang phòng có kích thước chỉ 2,5x4m với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt. Tháp có thân trụ với nhiều khối buồng trống và có thể lắp đặt thêm buồng khi có nhu cầu.

    Habitat 67

    Chủ nghĩa Metabolism không chỉ lan tỏa trong giới kiến trúc sư Nhật mà nó còn tạo ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhiều kiến trúc sư trên khắp thế giới. Năm 1967, kiến trúc sư người Canada gốc Israel là Moshe Safdie đã dựa theo những ý tưởng về Metabolism mà thiết kế nên công trình Habitat 67.

    habitat-67
    Tòa nhà Habitat 67 ở Canada. Ảnh: architecturaldigest.com

    Đây là một khu phức hợp gồm 354 khuôn bê tông đúc sẵn được sắp xếp theo nhiều tổ hợp khác nhau. Mỗi khu nhà được dựng nên từ 1-8 đơn vị bê tông liên kết với nhau.

    Công trình tọa lạc tại Montreal, Quebec, Canada; gồm 12 tầng, 146 khu nhà ở với kích thước, cấu trúc khác biệt. 

    Xem thêm: 5 kiến trúc sư sáng tạo nhất Nhật Bản

    kilala.vn

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!