Phim Oshin trong mắt thanh niên Nhật

    (Vì lý do bản quyền, Kilala sẽ không đăng kèm ảnh poster hoặc diễn viên của phim Oshin trong bài viết này. Mong bạn đọc thông cảm!)

    Nhiều năm trước đây, cả nhà tôi, nhất là giới phụ nữ đều mê phim Oshin như điếu đổ. Đến giờ chiếu là ngồi đầy đủ trước tivi, có khi còn kháo nhau những tình tiết biết trước do bạn bè ở Hà Nội vào kể (cách nay 4 năm VTV chưa phủ sóng cả nước). Ai cũng bảo phụ nữ Nhật giỏi chịu đựng quá, biết cách cư xử khéo léo, nhẫn nhục với gia đình chồng nhưng cũng rất kiên quyết. Có lẽ không riêng nhà tôi, cả nước đều biết đến phim Oshin và thích thú xem nó.

    Vậy mà khi tiếp xúc với người Nhật, họ chỉ mỉm cười rất lịch sự khi ta nhắc đến phim ấy rồi … thôi. Hình như Oshin là mô tê gì họ cũng không màng đến. Gần như thái độ của 100% của người Nhật giống nhau chỗ này. Đến khi đọc được bài viết của cô Nakano Ari, giảng viên Đại học Waseda trước đây có giảng bài cho chúng tôi tại Tokyo, tôi mới vỡ lẽ ra về cách nhìn của người Nhật về bộ phim khá lừng lẫy này.

    Cô viết: “…Ở đấy (tức ở Việt Nam), nhiều người quan tâm đến Nhật, nhưng mọi người chỉ biết về Oshin. Bạn Việt Nam không nên nói đến Oshin với người Nhật. Bởi vì đó là một chương trình tivi rất cũ, trên 10 năm trước, nên người Nhật không còn quan tâm đến Oshin. Nhất là lớp trẻ Nhật không biết về chuyện Oshin. Tôi đã từng gặp một nhà nghiên cứu Nhật tại Việt Nam nói: “được xem phim Oshin tôi đã hiểu biết nền văn hóa Nhật Bản”. Tôi đã ngạc nhiên vì nhà nghiên cứu Nhật Bản này không biết gì ngoại trừ Oshin.” (Báo Đại Đoàn Kết 14/10/96)

    Đoạn viết này chưa thỏa mãn suy nghĩ của tôi. Biết đâu đó chỉ là suy nghĩ riêng của một người, dù đó là một người làm khoa học. Và một người bạn sống tại Tokyo đã giúp tôi làm một cuộc trao đổi nhỏ về thái độ của người Nhật xem phim này. Họ đều là những thanh niên trên dưới 30 tuổi.

    Cô K. cho biết: “Nó không có ý nghĩa lớn lắm với tôi. Tôi biết nhiều người châu Á thích phim này và nhớ cái tên Oshin như là một biểu tượng của phụ nữ Nhật Bản. Tôi thấy thật lạ. Có lẽ khi xã hội Nhật bản có vấn đề gì đó, người dân châu Á cũng không biết. Không chỉ Việt Nam, mà người Thái Lan, Sri Lan Ka và Ai Cập cũng biết về Oshin. Điều này không tự nhiên. Phong cách sống của Oshin không giống chút nào của một người Nhật bình thường, nhất là ngày nay. Nên tôi cho đó là một tiếng vang kỳ lạ. Những người khôn lanh trong dịch vụ quảng cáo thường đặt một cái bẫy cho dân chúng. Điều đó luôn hiện hữu bên cạnh một sự bùng nổ gì đó. Dù ta chưa biết rõ về trường hợp phim Oshin”.

    Cô C. nói tỉ mỉ hơn: “Chương trình được chiếu cách nay 14 năm. Nghĩa là khi xem nó, tôi đang học tiểu học. Chuyện phim có ba phần, mỗi phần có một diễn viên đóng Oshin. Cô diễn viên đóng Oshin hồi bé là một bạn gần nhà tôi và thường chơi đùa với tôi lúc nhỏ. Cô ấy là con một Giám đốc Công ty lớn, nghĩa là rất giàu. Trong phim, Oshin lại rất nghèo nhưng bạn tôi đã diễn xuất tốt. Chính vì vậy, hình ảnh Oshin rất sâu đậm trong mọi người nên sau phim đó cô ta không thể nhận vai bất kỳ phim nào. Thật tiếc!

    Hàng NHK đã phát phim này từ 8 giờ 15 đến 8 giờ 30 sáng, phát lại vào buổi trưa những ngày làm việc trong tuần suốt một năm. Người ta thích phần đầu vì muốn biết số phận một đứa bé nghèo bị dày vò bởi một phụ nữ lớn tuổi xấu tính. Điều đó khiến chúng tôi xúc động sâu sắc. Và lần đầu tiên chúng tôi biết được một từ lạ lùng và tội nghiệp: “Daikon Meshi”. Và trẻ con trong lớp khi đùa nói với nhau thường dùng từ này như tiếng nước ngoài”.

    Cô K. giải thích: “Daikon là củ cải trắng. Meshi là cơm. Người nghèo không thể mua gạo, vì thế họ ăn củ cải độn cơm. Có thể thứ cơm này không phải từ gạo mà là thứ hạt gì khác. Tám mươi năm trước đây người nghèo không thể ăn gạo trắng được. Ngày nay, người Nhật khó hình dung thứ thực phẩm như Daikon Meshi.

    Còn ai có thể xem tivi buổi sáng hay trưa? Chắc chắn không phải là công nhân và học sinh rồi”.

    Cô A. kể: “Lúc dó tôi đang học trung học nên tất nhiên không thể xem phim vào buổi sáng. Nhưng xế chiều thứ bảy và ngày hè, NHK có chiếu lại. Tôi chỉ xem phần đầu thôi. Có lẽ nhiều người cũng vậy nên cái tên Oshin trở nên phổ biến. Khi cô ta lớn lên, chúng tôi hết thích. Có lẽ hầu hết những người từng xem phim đều không biết kết cục của nó ra sao. Dần dần nó làm mệt mỏi khán giả”.

    Anh M. khẳng định: “Đàn ông không thích lắm. Tôi học xong Đại học, phim này bắt đầu được chiếu, vì thế tôi không xem được vì phải đi làm. Tôi biết trong phim này cô bé ấy phải giặt giũ ở một dòng sông lạnh lẽo trong mùa Đông. Thật tội nghiệp nhưng thật xa lạ đối với tôi vì chưa bao giờ tôi phải làm như vậy bằng tay. Cô ta cảm thấy cực nhọc khi phải làm việc nhà với sự mắng mỏ của người chủ lạnh lùng. Nhưng giới đàn ông không thể hiểu công việc này. Đó là tấn kịch riêng của giới nữ mà đàn ông khó thông cảm được”.

    Anh A. nói: “Tôi đồng ý với anh”.

    Những người này đều ở tuổi trên ba mươi.

    Xin mở ngoặc ở đây, đối với đàn ông Nhật, phụ nữ là người lo chu toàn mọi chuyện trong gia đình, từ chuyện bếp núc, giặt giũ, lo cho con ăn, học. Những việc mà người đàn ông Nhật không có thì giờ hoặc không muốn để mắt tới. Dù ở ta cũng có những quan niệm tương đồng, nhưng không đến nỗi tuyệt đối như vậy. Do đó cái nhìn thẳng thừng của họ như vậy không đáng ngạc nhiên.

    Và anh nói tiếp: “Người Nhật thích một câu chuyện đại khái như vậy. Dù cho họ dễ chán, họ thích những từ Nhẫn nại, Bền bỉ và rất tin vào những từ này. Mặt khác nó tương tự như “giấc mơ Mỹ”, khẳng định một câu chuyện thành công của một cô gái nghèo trở thành triệu phú”.

    Khi cuộc trao đổi đang diễn ra thì một nhân viên văn phòng nghe được và phát biểu: “Chúng ta đều biết công ty Yaohan. Chính Oshin đã lập ra công ty này.” Anh M.phản đối: “Nhưng Oshin là một câu chuyện ở xứ tuyết. Còn Yaohan được lập ra ở Shizouka (đông nam Tokyo). Lúc đầu là một của hàng rau quả nhỏ phát triền thành một cửa hàng Bách hóa Tổng hợp lớn. Ngày nay cơ quan đầu não của Yaohan International ở Thượng Hải và có nhiều của hàng toàn thế giới. Oshin và Yaohan có vẻ không là một”. Bà kia nói: “Người tên Oshin là mẹ Yaohan. Chủ tịch Yaohan hiện nay tất nhiên không phải là Oshin và những người lãnh đạo đều như cùng một đạo. Họ tự cam kết gắn bó với nhau để kinh doanh và giữ gìn sức mạnh của công ty …”.

    Cô K. kết luận: “Oshin là một câu chuyện xưa. Những hồi ức khi xem phim này đã quá cũ kỹ đối với người Nhật. Cô bé diễn viên dễ thương nay đã lớn. Thực sự nó đã gây tiếng vang, vì thế những người 20 tuổi nay còn nhớ những lần xem ti vi khi họ 8 tuổi. Nhưng họ không còn thích thú nữa. Đó chỉ là một kỷ niệm xưa… Cuộc sống người Nhật ngày nay không giống cuộc sống cô Oshin và họ không muốn có những kinh nghiệm sống như vậy. Trên toàn thế giới có những câu chuyện nhu “Cô bé lọ lem”, “Bạch Tuyết, bảy chú lùn” và cả phim Mỹ “Rốc ky” trong đó người yếu trở thành mạnh mẽ như Oshin. Người xem có thể cảm nhận hạnh phúc của họ trong kết cục câu chuyện, nhưng không ai muốn trở thành người ở nửa đầu câu chuyện. Khi người Nhật đến nước ngoài và người châu Á gọi chúng tôi là Oshin, trong khoảnh khắc chúng tôi nhớ chương trình tivi này. Người dân các nước châu Á thật sự thích nó, hay vì thông tin của họ về nước Nhật quá hiếm hoi?”.

    Ta đã có một cái nhìn rõ rệt hơn, rành mạch hơn về một bộ phim khá hay, sâu sắc và cảm động từng được xem là “hiện tượng” điện ảnh. Dù sao, đó cũng chỉ là một mảng đời sống trong quá khứ của người Nhật mà bộ phim thể hiện ở một góc độ nhỏ.

    Phạm Công Luận (Trích Những sắc màu Nhật Bản)

    24/08/2015

    PHẠM CÔNG LUẬN. ẢNH PIXTA

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!