Phật giáo Nhật Bản thời kỳ Kamakura
Du nhập vào Nhật Bản từ thời kỳ Asuka, Phật giáo luôn giữ một vị thế quan trọng trong đời sống tín ngưỡng của người dân nơi đây. Đến nay, Phật giáo vẫn là tôn giáo lớn thứ hai ở Nhật, chỉ xếp sau Thần đạo Shinto, với số lượng tín đồ lên đến gần 90 triệu người.
Bối cảnh hình thành Phật giáo Kamakura
Thời kỳ Kamakura bắt đầu khi gia tộc Minamoto đánh bại gia tộc Taira trong Chiến tranh Genpei (1180-1185). Sau đó, chế độ Mạc phủ Kamakura ra đời, đặt dấu chấm hết cho thời kỳ tập trung quyền lực của quý tộc Heian. Mặc dù Thiên hoàng vẫn còn tại vị, nhưng quyền lực chủ yếu đã rơi vào tay tầng lớp võ sĩ (samurai).

Sự thay đổi quyền lực kéo theo hàng loạt xáo trộn trong xã hội: chiến tranh liên miên, xung đột giai cấp, thiên tai và những bất ổn khiến người dân hoang mang, dần mất niềm tin vào cuộc sống. Nhiều người tin rằng, thế giới đang bước vào thời kỳ “mạt pháp” (末法 - mappou) - thời đại suy tàn của giáo pháp Phật tổ Thích Ca, nơi mà con người không còn khả năng tự mình giác ngộ.
Trong bối cảnh đó, Phật giáo thời Kamakura đã đưa ra nhiều con đường tu tập đơn giản và dễ tiếp cận hơn, hướng đến sự cứu rỗi cho mọi tầng lớp xã hội, từ quý tộc, tầng lớp samurai, cho đến tầng lớp bình dân - những người không có điều kiện học hành hay xuất gia tu hành.
Những tông phái mới được thành lập
Bên cạnh các giáo phái lâu đời, thời kỳ Kamakura chứng kiến sự ra đời của nhiều tông phái Phật giáo mới, thường được gọi chung là “Tân Phật giáo Kamakura” (鎌倉新仏教 - Kamakura Shin Bukkyo).
Các giáo phái này chủ trương đơn giản hóa phương pháp tu hành, nhấn mạnh vào đức tin, niệm Phật hoặc thiền định; theo đó, các tín đồ có thể tu tập tại gia và sinh hoạt bình thường. Một số tông phái mới tiêu biểu trong thời kỳ này là:
Tịnh Độ Tông (浄土宗 - Jodo-shu)
Tịnh Độ Tông do đại sư Honen (法然 - Pháp Nhiên) sáng lập, với chủ trương đặt lòng tin nhiệt thành vào Phật A Di Đà. Trong đó, phép tu chủ yếu của Tịnh Độ Tông là niệm Phật (Nenbutsu) cùng lòng tin tuyệt đối vào sức mạnh và lòng từ bi của Phật A Di Đà với ý nguyện sau khi vãng sinh sẽ được về cõi Tịnh độ.

Tịnh Độ Chân Tông (淨土真宗 - Jodo Shinshu)
Đệ tử của Honen, đại sư Shinran (親鸞 - Thân Loan), thành lập Tịnh Độ Chân Tông và tiếp tục truyền bá giáo pháp của thầy một cách triệt để hơn. Ông cho rằng con người không có khả năng tự mình tu hành để đạt giác ngộ; mọi sự cứu rỗi đều dựa hoàn toàn vào lòng từ bi vô lượng của Phật A Di Đà. Điều này có nghĩa là ngay cả khi chỉ niệm Phật một lần với niềm tin chân thành cũng đủ để được cứu độ.

Thời Tông (時宗 - Ji-shu)
Là một nhánh của Tịnh Độ Tông, phái Thời Tông do đại sư Ippen ( 一遍 – Nhất Biến) sáng lập. Giáo lý của Thời Tông cho rằng, chúng sinh dù nam hay nữ, dù trong sạch hay ô uế, ngay cả khi không có đức tin, tất cả đều có thể được cứu rỗi bằng cách niệm Phật. Vì vậy, ông thường xuyên đi phát những tấm thẻ có khắc chữ “Nenbutsu – niệm Phật” cho dân chúng, đồng thời khuyến khích mọi người bỏ đi những suy nghĩ không cần thiết và chỉ tập trung tụng to “Nam Mô A Di Đà Phật”.
Ngoài ra, phái Thời Tông Nhật Bản còn thực hành một điệu nhảy niệm Phật (念仏踊り - Nenbutsu Odori) nhằm ca ngợi sự cứu độ tức thời của Đức Phật mỗi khi niệm danh hiệu A Di Đà. Điệu nhảy này trở thành một nghi lễ và được lưu truyền cho đến ngày nay. Hằng năm, các môn đồ sẽ tổ chức nghi lễ múa niệm Phật cùng các hoạt động thuyết pháp tại chùa Muryokoji nhằm tưởng nhớ công lao của đại sư Ippen.

Nhật Liên Tông (日蓮宗 - Nichiren-shu)
Khác với các tông phái Tịnh độ chú trọng vào Phật A Di Đà, đại sư Nichiren khẳng định rằng chỉ có kinh Pháp Hoa mới là giáo pháp chân chính của Phật Thích Ca trong thời mạt pháp. Ông chủ trương thực hiện phương pháp tụng niệm “Nam mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh” (Namu Myoho Renge Kyo) như con đường duy nhất để đạt giác ngộ.

Thiền Tông (禅宗 - Zen-shu)
Tuy phương pháp Thiền đã xuất hiện ở Nhật Bản từ thời Nara, nhưng phải đến thời kỳ Kamakura, Thiền mới trở thành một tông phái độc lập với hai dòng chính: Rinzai (Lâm Tế Tông) và Soto (Tào Động Tông) do đại sư Eisai và đại sư Dogen sáng lập.

Sau khi tu học tại Trung Quốc, đại sư Eisai về Nhật Bản để truyền bá Thiền tông Lâm Tế, chủ yếu tu tập thiền định kết hợp với công án (những câu hỏi nghịch lý mà người thực hành Thiền dùng để thực hành suy ngẫm, nhằm phá vỡ tư duy thông thường).
Trong khi đó, Thiền tông Tào Động của đại sư Dogen tập trung vào việc ngồi thiền trong chánh niệm, không tìm kiếm giác ngộ như một mục tiêu cụ thể. Ông nổi tiếng với tác phẩm "Shobogenzo - Chính Pháp Nhãn Tạng" - một trong những kiệt tác triết học tôn giáo sâu sắc nhất trong lịch sử Nhật Bản.
Ảnh hưởng của Phật giáo Kamakura đến văn hóa - nghệ thuật
Phật giáo thời Kamakura cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển rực rỡ của nhiều lĩnh vực nghệ thuật: điêu khắc, hội họa, thư pháp, và kiến trúc chùa chiền. Những chuẩn mực thẩm mỹ của chế độ Mạc phủ khiến cho nghệ thuật Phật giáo thời kỳ này mang đậm dấu ấn hiện thực, mạnh mẽ và gần gũi hơn so với phong cách thanh thoát, trang nhã thời Heian.
Trong đó, nghệ thuật điêu khắc Phật giáo Kamakura chính là minh chứng cho phong cách hiện thực mạnh mẽ thời kỳ này. Bức tượng Đại Phật (Daibutsu) nổi tiếng ở Kamakura được tạc bằng đồng, cao khoảng 13 mét, mang dáng vẻ trầm tĩnh và từ bi nhưng vẫn thể hiện được sự vững chãi và uy nghi.

Bên cạnh đó, Thiền tông là tông phái Phật giáo có ảnh hưởng sâu sắc đến tầng lớp samurai với triết lý chấp nhận sự vô thường, tập trung vào hiện tại và rèn luyện tinh thần thông qua thiền định; từ đó trở thành nền tảng cho các phẩm chất kỷ luật, bình tĩnh, vô úy (không sợ hãi) và trung thành - những điều cốt lõi trong tinh thần võ sĩ đạo Nhật Bản.
Các tăng sĩ Thiền tông cũng đóng vai trò là người phát triển các hình thức nghệ thuật Nhật Bản như từ thi thư và thư pháp đến kịch Noh, trà đạo, cắm hoa, vườn Thiền (kare-sansui) - góp phần định hình diện mạo văn hóa truyền thống Nhật Bản trong nhiều thế kỷ sau đó.

Mời bạn khám phá thêm các khía cạnh văn hóa, lịch sử của thời kỳ này trong Chuyên đề Thời kỳ Kamakura.
kilala.vn
Đăng nhập tài khoản để bình luận