Oendan – Đội cổ vũ chỉ toàn nam giới
Những màn trình diễn của Oendan nhịp nhàng, sáng tạo, tạo nên sự mạnh mẽ, khí thế như một cách ủng hộ tinh thần cho đội thi đấu thể thao của trường.
Oendan là gì?
“Oendan - 応援団” nghĩa là đội cổ vũ nam, xuất thân từ câu lạc bộ ở trường trung học, cao đẳng hay đại học ở Nhật. Giống như đội cổ vũ nữ, nhiệm vụ của các Oendan là nâng cao tinh thần chiến đấu của đội thể thao, cũng như tạo ra bầu không khí “rực cháy” cho khán giả.
Tuy nhiên, khác với sự vui tươi của đội hoạt náo viên, những màn trình diễn của Oendan lại nghiêng về sự trang nghiêm, với những động tác dứt khoát, sử dụng quạt hoặc cờ để tạo hiệu ứng thanh tao hơn cho các bước di chuyển của họ. Bên cạnh đó là những tiếng la uy nghiêm mạnh mẽ hòa chung tiếng trống Taiko.
Đặc biệt với phần thi của đội bóng chày chuyên nghiệp, Oendan của mỗi đội sẽ đưa ra những cách cổ vũ độc đáo để kêu gọi người hâm mộ cùng tham gia. Những tiếng cổ vũ này thường sẽ thay đổi tùy thuộc vào đội đối thủ là ai. Đôi khi, chính người hâm mộ sẽ nghĩ ra một cách cổ vũ mới, sau đó được những người hâm mộ khác và Oendan của đội họ áp dụng.
Trở thành một phần của Oendan cũng giống như tập luyện một môn thể thao theo đúng nghĩa của nó, vì hoạt động này thực sự đòi hỏi thể chất. Câu lạc bộ Oedan cũng quan trọng như bất kỳ câu lạc bộ thể thao nào khác trong trường học.
Một đội hình Oeandan bao gồm những gì?
Có ba yếu tố cần thiết để tạo nên đội hình của Oendan.
Dễ thấy nhất là Taiko – Trống Nhật Bản. Một (hoặc nhiều) người phụ trách điều khiến âm thanh trống, tạo nên sự hùng hồn, sự bùng nổ cộng hưởng, mang đến hiệu ứng âm thanh mạnh mẽ. Đôi khi có thể kết hợp cùng tù và, vẫy cờ, giăng biểu ngữ…
Thứ hai là "Gakuran - 学ラン" đồng phục của học sinh, đây cũng là đồng phục quen thuộc của Oeandan, có cổ cao và màu đen. Mặc dù biến thể không phải là hiếm, nhưng những bộ đồng phục truyền thống toát lên sự nghiêm túc. Đôi khi họ sẽ mặc “Happi - 法被/半被” một loại áo khoác ống truyền thống của Nhật Bản, thường chỉ được mặc trong các lễ hội. “Hachimaki - 鉢巻” (dải băng buộc đầu của người Nhật tượng trưng cho sự quyết tâm và dũng cảm) in logo của đội, những câu nói truyền cảm hứng… cũng là một phần không thể thiếu.
Quan trọng nhất là Furitsuke - 振り付け, vũ đạo cần thiết cho các buổi biểu diễn Oendan. Các động tác nhào lộn thể hiện sức mạnh cá nhân cũng như sự đoàn kết của toàn đội. Những động tác này được thực hiện nhanh và gọn ghẽ. Theo một số thành viên, việc ngừng ngắt quãng và đột ngột của các hành động của Oendan đã tạo thành thói quen cho họ.
Những màn trình diễn nhịp nhàng của Oendan đã khiến họ trở nên nổi tiếng khắp thế giới đến nỗi thậm chí còn xuất hiện trong các lĩnh vực khác của văn hóa đại chúng như anime High School!Kimengumi và game Osu! Tatakae! Oendan.
Nhóm Gamushara (là Oendan đầu tiên không trực thuộc trường học) thậm chí đã trình diễn tại Japan Expo 2017. Dựa trên khái niệm "gửi cảm xúc của việc cổ vũ đến toàn thế giới", các thành viên của nhóm đã thành công trong việc khích lệ khán giả trong một buổi biểu diễn năng động trên sân khấu Sakura!
Sự thay đổi của Oendan
Giống như nhiều thứ ở Nhật Bản, Oendan cũng đứng trước nguy cơ giảm sút. Truyền thông Nhật Bản đưa tin rằng nhiều trường học đang trải qua sự thay đổi về số lượng câu lạc bộ cổ vũ của họ. Những nam sinh đang dần mất hứng thú với bộ môn này.
Các câu lạc bộ buộc phải thay đổi để có thể duy trì hoạt động. Họ bắt đầu nhận sinh viên nữ và tỷ lệ tham gia nhanh chóng phục hồi.
Một trưởng nhóm nữ được phỏng vấn trong bài viết nhận xét: "So với các trường khác (có thành viên nam), chúng tôi không thể hét bằng một giọng trầm và màn trình diễn của chúng tôi có vẻ không mạnh mẽ bằng. Tuy nhiên, có những điều mà chỉ chúng tôi có thể làm được".
kilala.vn
15/07/2023
Bài: Natsume
Đăng nhập tài khoản để bình luận