NỘI DUNG BÀI VIẾT

    Gakuran là gì? Lịch sử, ý nghĩa và câu chuyện đằng sau đồng phục nam sinh Nhật Bản

    Những bộ đồng phục cổ đứng của nam sinh Nhật Bản luôn tạo nên ấn tượng nghiêm trang và mạnh mẽ. Liệu bạn có biết Gakuran (tên gọi loại trang phục này) được ra đời từ khi nào và như thế nào là một bộ Gakuran đúng quy cách?

    Gakuran là gì?

    Gakuran (学ラン), còn được gọi là Tsume-eri (詰襟), là đồng phục nam sinh của nhiều trường cấp 2 và cấp 3 ở Nhật Bản. Trang phục này được đặc trưng bởi cổ áo đứng và hàng nút cài phía trước, thường có màu đen hoặc xanh đậm.

    đồng phục gakuran

    Gakuran - đồng phục truyền thống của nam sinh Nhật. Ảnh: modelpress

    Lịch sử và ý nghĩa của đồng phục nam sinh Gakuran

    Phần lớn các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông của Nhật Bản đều yêu cầu học sinh mặc đồng phục. Đồng phục (制服 - seifuku) không chỉ là biểu tượng của tuổi trẻ mà còn đóng một vai trò quan trọng trong văn hóa quốc gia, vì chúng được cho là giúp thấm nhuần ý thức kỷ luật, cộng đồng. Và trang phục Gakuran cũng không phải ngoại lệ.

    Ngược dòng lịch sử, Gakuran có nguồn gốc từ chiếc áo khoác waffenrock của quân đội Phổ hoặc áo choàng của giáo sĩ Thiên chúa giáo.

    Thuật ngữ này là sự kết hợp của chữ “gaku” (学 – Học) và “ran” (ラン/蘭) có nghĩa là Hà Lan, nhưng trước kia thường ám chỉ phương Tây nói chung vì trong thời kỳ bế quan tỏa cảng, Nhật Bản chỉ giao thương với người Hà Lan. Do đó, Gakuran được hiểu là "quần áo (đồng phục) kiểu phương Tây dành cho học sinh".

    Vào thời Meiji (1868-1912), Nhật Bản tích cực hòa nhập và tiếp thu văn hóa phương Tây. Đồng phục học sinh theo đó cũng được biến đổi để phù hợp với xu thế này.

    Gakuran lần đầu tiên được giới thiệu vào năm 1873 tại trường Kỹ thuật thuộc Bộ Kỹ thuật (tiền thân của Khoa Kỹ thuật Đại học Tokyo ngày nay) và Trường Cao đẳng Nông nghiệp Sapporo. Những ngôi trường tiếp theo bao gồm Gakushuin năm 1879 và Đại học Hoàng gia Tokyo năm 1886. Gakuran dần được biết đến trên toàn quốc khi được Bộ Giáo dục giới thiệu tới các ngôi trường cao trung.

    đại học hoàng gia tokyo

    Các thành viên của phong trào Shinshicho (Tân tư trào) , tốt nghiệp Đại học Hoàng gia Tokyo. Ngoại trừ Yuzuru Matsuoka mặc kimono, ba người còn lại là Masao Kume, Ryunosuke Akutagawa và Seiichi Naruse (từ trái sang) đều mặc đồng phục Gakuran và đội mũ vuông.

    Tuy nhiên, vào thời điểm đó, trang phục truyền thống Nhật Bản vẫn là chủ đạo. Học sinh thường mặc kimono, đội mũ học sinh và mang guốc geta đến trường, với sách vở được bọc trong chiếc khăn furoshiki.

    Từ giữa thời Taisho (1912-1926), chủ nghĩa hiện đại (một phong trào nhằm hiện đại hóa văn hóa và quyền lợi) đang trên đà phát triển. Vào khoảng thời gian này, nền kinh tế Nhật Bản bùng nổ mạnh mẽ do nhu cầu đặc biệt từ Thế chiến I, thu nhập của mỗi hộ gia đình tăng cao khiến việc mua sắm quần áo cũng trở nên dễ dàng hơn. Và theo xu hướng này, Gakuran được phổ biến rộng rãi trên cả nước.

    Trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng, Gakuran được giới thiệu đến các trường học ở Hàn Quốc, Đài Loan khoảng trước những năm 1950 và Trung Quốc trước năm 1949. Ngày nay, nam sinh tại một số trường trung học xứ kim chi vẫn còn mặc trang phục này.

    đồng phục học sinhMặc dù văn hóa đồng phục học sinh tạm thời biến mất do thất bại của Đế quốc Nhật trong Thế chiến thứ hai, nhưng đã được hồi sinh cùng với quá trình tái thiết xã hội sau đó.

    Đến thời kỳ Showa (1926-1989), học sinh bấy giờ có ý thức thẩm mỹ về việc “làm thế nào để khiến mình trông thật mạnh mẽ” và bắt đầu tìm kiếm những hình thêu lộng lẫy cùng các bộ đồng phục ngoại cỡ. Kết quả là phong cách tsuppari với 長ラン - nagaran và ボンタン - bontan ra đời.

    Mặc dù xu hướng đồng phục phá cách này là một hiện tượng khiến giáo viên tại các trường học phải “cau mày”, nhưng theo một nghĩa nào đó, đây lại là "đỉnh cao" của văn hóa đồng phục học sinh ở Nhật Bản.

    đồng phục học sinh nam

    Hai nhân vật chính trong phim hài học đường Kyou Kara Ore Wa!! diện áo khoác Nagaran (trái) và quần bontan (phải).

    Sau đó, khi xã hội trở nên ổn định và trì trệ hơn, hình ảnh mạnh mẽ của đồng phục không còn phổ biến mà thay vào đó là những chiếc blazer mang lại ấn tượng sành điệu, sang trọng. Hiện nay, Gakuran vẫn là đồng phục nam sinh phổ biến ở nhiều trường trung học cơ sở, nhưng với bậc trung học phổ thông, kiểu blazer lại trở thành phong cách chủ đạo.

    Tương ứng với Gakuran ở nam sinh, nữ sinh Nhật thường mặc đồng phục kiểu thủy thủ - sailor fuku (セーラー服, seeraa fuku) với một chiếc áo cánh có cổ kiểu thủy thủ mặc cùng váy xếp ly, cổ thắt ruy băng, nơ hoặc cà vạt. Tương tự Gakuran, ngày nay kiểu trang phục này cũng đang dần bị soán ngôi bởi phong cách đồng phục blazer.

    đồng phục blazer

    Kiểu đồng phục blazer ngày càng phổ biến hơn. Ảnh: go-highschool.com

    Gakuran được thiết kế như thế nào?

    Về màu sắc

    Phần lớn đồng phục Gakuran có màu đen trơn hoặc xanh đậm, nhưng tùy thuộc vào từng ngôi trường, một số nơi có thể quy định đồng phục màu xám, xanh lá cây hoặc sọc.

    Về cấu tạo và phom dáng

    Đồng phục Gakuran được mô phỏng theo đồng phục của quân đội Phổ và là một phần của sự thay đổi trong văn hóa Nhật Bản ngay sau Thế chiến thứ nhất. Trang phục này bao gồm:

    • Áo khoác cổ cao và thường có năm nút màu vàng hoặc đồng ở phía trước (cũng có những loại có bảy nút hoặc cài bằng móc hay khóa kéo). Tay áo thường được đính hai nút.
    • Sơ mi trắng có cổ mặc bên trong.
    • Quần với đường cắt thẳng và eo cao, có thêm thắt lưng đen.
    • Giày da hoặc loafer màu nâu/đen.
    • Theo truyền thống, Gakuran cũng được kết hợp với mũ học sinh (thường là màu đen), mặc dù điều này dần ít phổ biến hơn ở thời hiện đại.
    gakuran
    Ảnh: Mainichi

    Về chất liệu

    Chất liệu vải dùng làm đồng phục học sinh chủ yếu là len và polyester, cả hai đều có những ưu điểm riêng: len có độ mềm mại, trong khi polyester lại bền và khô nhanh. Do đó sợi len thường được pha với polyester theo các tỷ lệ khác nhau để làm nổi bật đặc tính của cả hai.

     

     

    Gakuran và phong tục tặng chiếc cúc áo thứ 2

    Nếu quan tâm đến thể loại phim học đường Nhật Bản, có thể bạn đã biết đến truyền thống vô cùng đáng yêu này của các học sinh xứ Phù Tang. Trong các buổi lễ tốt nghiệp, nam sinh sẽ tặng chiếc cúc thứ hai (gọi là “dai ni botan” trên đồng phục Gakuran của mình cho người mà cậu thích.

    Người ta nói rằng phong tục này xuất phát từ việc đồng phục là niềm tự hào của học sinh, và là thứ tiếp xúc gần gũi với mỗi người. Bên cạnh đó, sở dĩ chiếc cúc thứ hai được chọn vì dường như nó nằm ở vị trí gần trái tim nhất.

    Truyền thống tặng cúc áo số hai được cho là bắt nguồn từ trong chiến tranh. Khi những người lính trẻ phải rời quê hương để xông pha trận mạc, họ đã chọn gửi gắm tình cảm của mình đến người quan trọng nhất bằng cách trao cho đối phương chiếc cúc áo thứ hai của bộ quân phục mình mặc.

    dai ni botan nút áo thứ 2

    Truyền thống tặng nút áo thứ 2 của học sinh Nhật Bản mỗi mùa tốt nghiệp. Ảnh: CHANTO web

    Đồng phục Gakuran trong manga và anime Nhật Bản

    Trong những bộ mangaanime, chúng ta thường xuyên thấy sự xuất hiện của bộ trang phục Gakuran này. Những tác phẩm với nhân vật mặc đồng phục học sinh kiểu cổ cao có thể kể đến như School Rumble, Kuroko's Basket. Hay Yusuke Urameshi, nhân vật chính của anime Yu Yu Hakusho, Mob Psycho 100 - một học sinh trung học có khả năng điều khiển từ xa vô cùng mạnh mẽ, và "thánh" Sakamoto trong Haven't You Heard? I'm Sakamoto cũng được tạo hình với trang phục này.

    Thông thường ở các tác phẩm 2D, Gakuran được vẽ với nhiều màu sắc khác nhau để tạo sự nổi bật thay vì chỉ có màu đen và xanh navy hay xám.

    sakamoto desu ga

    Sakamoto trong Haven't You Heard? I'm Sakamoto.

    Tạm kết

    Tuy không còn là xu hướng chủ đạo trong đồng phục nam sinh ở Nhật nhưng Gakuran lại mang đến ấn tượng nghiêm túc, nam tính cho người mặc. Có nhiều ngôi trường ở Nhật cho rằng Gakuran phù hợp với tinh thần học đường nên có lẽ kiểu trang phục này vẫn sẽ tiếp tục hiện diện trong một thời gian nữa. Không chỉ vậy, Gakuran còn rất nổi tiếng ở nước ngoài và được nhiều cosplayer quốc tế lựa chọn khi muốn hóa thân thành nhân vật yêu thích.

    kilala.vn

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!