Oẳn tù tì: trò chơi đầy "quyền lực" trong văn hóa Nhật Bản
Oẳn tù tì ở Nhật không đơn thuần là trò chơi giải trí của trẻ em, mà người Nhật đã nâng tầm “vị thế” của nó trong xã hội: trở thành phương tiện để giải quyết mọi tranh chấp, bất đồng hay những quyết định đang chờ xử lý. Từng có một thương vụ nghệ thuật trị giá hàng triệu đô la đã phải dùng đến trò Oẳn tù tì để phân xử.
Vậy trò chơi đơn giản này có quyền lực mạnh mẽ thế nào trong cuộc sống của người dân Nhật Bản?
Cách chơi Oẳn tù tì ở Nhật
Trước tiên, chúng ta cùng điểm lại quy tắc chơi trò Oẳn tù tì (hay còn gọi là Janken) ở Nhật. Cũng giống như các nước khác, bạn sẽ sử dụng 3 ký hiệu ngón tay để quyết định thắng thua:
- Các ngón tay nắm lại là Đá – Guu (グー)
- Ngón trỏ và ngón giữa xòe ra, ba ngón khác nắm lại là Kéo – Choki (チョキ)
- 5 ngón tay xòe ra là Giấy – Paa (パー)
Đầu tiên, hai người chơi sẽ nói “Saisho wa guu” (最初 はグー), đồng thời bàn tay nắm lại, với ý nghĩa “Đầu tiên ra đá”. Sau đó, mỗi người nói “Janken Pon!” và đồng thời chọn ra kéo, đá hoặc giấy. Quy tắc thắng thua như sau:
- Guu sẽ thắng Choki nhưng thua Paa.
- Choki sẽ thắng Paa nhưng thua Guu.
- Paa thắng Guu nhưng thua Choki.
Nếu hòa nhau, cả hai người chơi sẽ ngay lập tức nói: “Aiko desho!” (あいこでし ょ!), nghĩa là “Chúng ta hòa rồi!” Ngay khi vừa dứt lời, cả hai tiếp tục ra kéo, đá, giấy cho đến khi phân định thắng thua.
Điểm khác biệt của trò Oẳn tù tì ở Nhật so với các nước khác
Điểm khác biệt lớn nhất giữa trò chơi Oẳn tù tì của Nhật và các nước khác là ở thái độ tôn trọng của người chơi đối với kết quả. Chắc hẳn khi chúng ta còn nhỏ, mỗi lần chơi oẳn tù tì mà bị thua thì đều từng một lần hờn dỗi rằng “Trận này không tính, chơi lại đi!” hoặc “Tớ thấy cậu ra sau, ăn gian!”
Nhưng ở Nhật Bản, bất kể kết quả thắng hay thua, hoặc dù bạn thua liên tiếp bao nhiêu trận thì không ai được phép tranh cãi về kết quả của trận Janken. Đây là luật bất thành văn mà ngay cả những đứa trẻ nóng tính nhất dù có thua cũng chỉ im lặng và bỏ đi. Không có một lời kêu ca hay đòi hỏi phải chơi lại.
Điểm khác biệt tiếp theo là oẳn tù tì ở các nước khác có thể chỉ là trò chơi trẻ con để giải trí, nhưng với Nhật Bản, nó đã từng giữ một vai trò quan trọng, ăn sâu vào đời sống văn hóa đến mức xuất hiện ở khắp mọi nơi. Các nhà hàng, quán bar thường tổ chức những chương trình khuyến mãi và thách thức khách chơi oẳn tù tì với nhân viên phục vụ hoặc bồi bàn để được giảm giá hoặc miễn phí đồ uống. Hay trong series phim hoạt hình dài tập nhất thế giới - “Sazae-san”, nhân vật Sazae thường mời người xem chơi trò Janken với cô. Vì thế, cứ mỗi chiều Chủ nhật hằng tuần trên kênh Fuji TV, các gia đình lại ngồi quây quần vừa xem hoạt hình vừa chơi oẳn tù tì với nhau.
Quyền lực của trò Oẳn tù tì trong thế giới người lớn
Về cơ bản, bất kỳ ai ở Nhật Bản, dù trẻ em hay người lớn, đều dùng trò Oẳn tù tì để giải quyết vấn đề bằng cách phó thác vào vận may rủi. Từ những chuyện nhỏ nhặt như ai sẽ là người ăn món cánh gà Tebasaki cuối cùng, ai sẽ lên thuyết trình cho tiết học sắp tới, cho đến các quyết định mang tính hệ trọng, chẳng hạn như trong trường hợp của nhóm nhạc nổi tiếng AKB48.
Với số lượng thành viên đông đảo trong nhóm, không phải ai cũng có cơ hội trở thành gương mặt chính xuất hiện trong các sản phẩm âm nhạc của AKB48. Do đó, để giải quyết vấn đề này, nhóm đã tổ chức Janken Taikai (Đại hội Oẳn tù tì) để quyết định thành viên nào sẽ xuất hiện trong đĩa đơn tiếp theo của AKB48. Cuộc cạnh tranh diễn ra rất căng thẳng vì đây là vị trí mơ ước của mọi ngôi sao trẻ trong làng giải trí khắc nghiệt như Nhật Bản.
“Quyền lực” của trò Oẳn tù tì không chỉ dừng lại ở đó. Năm 2005, một doanh nhân Nhật Bản Takashi Hashiyama đã quyết định bán đấu giá bộ sưu tập nghệ thuật của mình, bao gồm các kiệt tác của những danh họa như Cézanne, Picasso, Van Gogh. Lúc này có hai nhà đấu giá nổi tiếng thế giới đến “tranh cử” là Christie và Sotheby. Ông không biết phải chọn ai nên đã quyết định dùng trò Janken để phân xử. Hai nhà đấu giá đã dành một ngày cuối tuần để lên chiến lược, lập kế hoạch cho trận đấu vô cùng quan trọng này.
Vào ngày diễn ra cuộc thi, thay vì chơi theo luật thông thường, mỗi bên sẽ viết ra một từ tiếng Nhật: Guu, Choki hoặc Paa. Sau đó, người quản lý của Takashi Hashiyama sẽ xem lựa chọn của hai bên. Kết quả, Christie là người thắng cuộc: họ chọn Choki còn đối thủ là Paa. Đây có thể xem là trò chơi Oẳn tù tì đắt đỏ nhất trong lịch sử.
Cuối cùng, một câu hỏi đặt ra ở đây là: Điều gì đã khiến một trò chơi đơn giản giữ vị trí quan trọng trong nền văn hóa Nhật Bản như vậy? Câu trả lời có lẽ vì oẳn tù tì gần như là một giải pháp công bằng nhất khi các tranh chấp, bất đồng hoặc khó khăn được quyết định thông qua bàn tay công tâm của nữ thần May Mắn.
kilala.vn
22/03/2021
Bài: .Ngưn.
Đăng nhập tài khoản để bình luận