Những điều thai phụ Nhật thường làm để cầu “mẹ tròn con vuông”

    Để cầu mong “mẹ tròn con vuông”, phụ nữ Nhật Bản ngày nay vẫn duy trì việc thực hiện nghi lễ truyền thống Obiiwai và thỉnh bùa hộ mệnh Anzan Omamori tại các đền chùa. 

    Hầu hết phụ nữ Nhật Bản khi mang thai đều mang theo bên mình một chiếc bùa Anzan Omamori. Đặc biệt, trong bộ phim “恋空 – Koizora” (Bầu trời tình yêu) đình đám vào năm 2007 có cảnh nam chính Hiroki Sakurai (Haruma Miura) đã rất nỗ lực để có được chiếc bùa hộ mệnh Anzan Omamori sau khi biết tin bạn gái Mika Tahara (Yui Aragaki) mang thai. Bên cạnh bùa may mắn Anzan Omamori, các thai phụ ở Nhật cũng không quên thực hiện nghi lễ quấn đai quanh bụng Obiiwai.

    bua-anzan-omamori
    Bùa hộ mệnh Anzan Omamori và thẻ Ema hình Inu Hariko cầu mong "mẹ tròn con vuông". Ảnh: voyapon.com

    Nghi lễ Obiiwai là gì? 

    Obiiwai (帯祝い) là nghi lễ quấn đai quanh bụng vào ngày Tuất đầu tiên của tháng thứ năm trong thai kỳ để cầu mong việc sinh con thuận lợi, an toàn. Nghi lễ này được cho là đã có từ thời Heian (794 – 1185) và ban đầu được thực hiện bởi các gia đình hoàng gia hay samurai. Nó chỉ trở nên phổ biến trong dân chúng kể từ thời Edo (1603 – 1867).

    nghi-le-obiwaii
    Phụ nữ Nhật Bản thực hiện nghi lễ Obiiwai vào ngày Tuất đầu tiên của tháng thứ 5 trong thai kỳ. Ảnh: ii-nippon.net

    Theo đó, vào ngày “戌の日 – Inu no Hi – Ngày Tuất” đầu tiên trong thai kỳ tháng thứ 5, thai phụ sẽ đến viếng đền Thần đạo hoặc chùa để làm lễ Obiiwai, bao gồm việc quấn một miếng vải trắng quanh bụng để bảo vệ em bé và cầu mong sinh nở an toàn, đứa trẻ ra đời được khỏe mạnh. 

    den-suitengu-ngay-tuat
    Đền Suitengu, Tokyo nổi tiếng với việc cầu "mẹ tròn con vuông". Đền thường đông đúc vào ngày Tuất khi nhiều người đến thực hiện nghi lễ Obiiwai. Ảnh: usagitokamesanblog.com

    Việc quấn khăn quanh bụng không chỉ giúp giữ ấm, hỗ trợ cho cả mẹ và bé về mặt y học, mà quan trọng hơn, nó nhắc nhở thai phụ chú ý và cẩn thận khi di chuyển. Hiện nay, truyền thống Obiiwai vẫn được hơn 60% phụ nữ Nhật mang thai thực hiện.

    Được biết, phong tục Obiiwai xuất phát từ câu chuyện về Hoàng hậu Jingu được kể lại trong sách Cổ sự ký (Kojiki), bà đã quấn dải khăn quanh bụng trên đường đi chiến đấu với quốc gia Samhan, hay còn gọi là “Tam Hàn”. Hoàng hậu Jingu hy vọng việc quấn bụng giúp bà không sinh con trên đường đi. 

    inu-hariko-2
    Trong các linh vật chó, Inu Hariko (犬張子) nổi tiếng hơn cả, thường xuất hiện trên các lá bùa, thẻ gỗ Ema để cầu chúc cho phụ nữ mang thai. Ảnh: en.wiktionary.org

    “Ngày Tuất” được chọn để thực hiện nghi lễ Obiiwai vì chó là loài sinh đẻ dễ dàng với số lượng con sinh ra nhiều và được người Nhật tôn thờ là “安産の守り神 – Anzan no Omamori Kami", tức "Thần bảo trợ sinh nở an toàn”. Trong lịch của Nhật Bản, cứ cách 12 ngày thì có một ngày Tuất.

    Tuy nhiên, khi mang thai, phụ nữ dễ gặp nhiều vấn đề sức khỏe nên không phải ai cũng thực hiện được nghi lễ Obiiwai vào ngày Tuất. Do vậy, họ có thể chọn ngày “大安の日 – Taian no Hi – Ngày Đại An” để thay thế.

    Vào năm 2022, có 3 lần ngày Tuất và ngày Đại An trùng nhau, tất cả đều rơi vào tháng 4, cụ thể là ngày 3, ngày 15 và ngày 27/4. Đây chính là thời điểm được cho là lý tưởng nhất để làm nghi lễ Obiiwai. Lịch ngày Tuất của năm 2022, bạn có thể tham khảo tại đây (tiếng Nhật).

    Bùa hộ mệnh Anzan Omamori và các ngôi đền nổi tiếng 

    Bùa hộ mệnh Anzan Omamori (安産お守り – bùa sinh nở an toàn) vô cùng được yêu thích và có tới 90% phụ nữ mang thai ở Nhật thỉnh một chiếc bùa này để cầu cho "mẹ tròn con vuông". Bùa được may theo kiểu hình chữ nhật truyền thống, có màu đỏ, trắng hoặc vàng với chiếc nơ nhỏ ở trên đầu và có nhiều họa tiết được thêu tỉ mỉ. 

    bua-anzan-omamori-2
    Anzan Omamori là bùa hộ mệnh không thể thiếu với phụ nữ Nhật khi mang thai. Ảnh: mamari.jp

    Trong số các ngôi đền chuyên cầu “mẹ tròn con vuông” ở Nhật Bản, đền Suitengu nổi tiếng hơn cả. Đền thường nhộn nhịp vào cuối tuần với rất đông các cặp vợ chồng đến cầu phước cho đứa bé trong bụng hay các gia đình mang bé được 1 tháng tuổi đến đền để làm lễ Omiyamairi (お宮参り) – lễ viếng đền đầu tiên của mỗi đứa trẻ.

    Bên cạnh các lá bùa hộ mệnh Anzan Omamori, đền Suitengu còn có những chiếc thắt lưng được đóng dấu ban phước của đền để các thai phụ đeo trong nghi lễ Obiwaii, được gọi là Misuzu Obi (御子守帯). Hơn nữa, với những ai đang mong muốn có con, họ còn có thể tìm thấy lá bùa thụ thai rất hiếm Kosazuke Omamori (子授けお守り) tại đây. 

    dai-bung-nghi-le-obiwaii
    Đai lưng Misuzu Obi có có đóng dấu ban phước của đền Suitengu dùng cho nghi lễ Obiiwai. Ảnh: misuzuweb.blogspot.com

    Ngoài đền Suitengu, một số đền, chùa khác cũng có bùa hộ mệnh Anzan Omamori như chùa Kinkakuji ở Kyoto hay đền Hie, đền Meiji Jingu và chùa Sensoji ở Tokyo. Với những ai đang có bạn bè, người thân mang thai thì cũng có thể mua chúng thay mặt họ để làm quà tặng với lời cầu chúc “mẹ tròn con vuông”.

    Sau khi sinh con, một số người Nhật giữ lại lá bùa như một kỷ vật quý giá ghi dấu sự ra đời của đứa trẻ, một số trường hợp khác, ba mẹ có thể quay lại chính ngôi đền hoặc chùa đã mua Anzan Omamori và đốt chúng trong nghi lễ hỏa táng Otakiage (お焚き上げ). 

    Nghi lễ Obiiwai và lá bùa hộ mệnh Anzan Omamori trở thành một phần quan trọng trong quá trình mang thai của nhiều phụ nữ Nhật và vẫn còn rất phổ biến cho đến hiện nay. Đồng thời, nó cũng là minh chứng cho sự trân trọng, chăm sóc cùng tình yêu của cha mẹ dành cho đứa trẻ từ khi chưa lọt lòng.

    kilala.vn 

    06/01/2022

    Bài: Rin

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!