Nhật Bản 24 mùa hoa (phần đầu)

    Một năm trong lịch phương Đông được chia thành 24 tiết khí. Đối với người Nhật, mỗi một khoảnh khắc giao mùa trong năm đều đáng ghi nhận, mỗi một mùa hoa đều có thể trở thành một sự kiện hay lễ hội địa phương. Hãy theo Kilala đến Nhật Bản, để cùng người Nhật hoà mình vào thiên nhiên tuyệt đẹp qua 24 mùa hoa các bạn nhé! 

    Tiết Tiểu hàn (6/1 – 19/1): Suisen - Thủy  tiên

    Hoa thủy tiên
    Hoa thủy tiên (Ảnh: Yoichi_/Flickr)

    Trong không khí chớm lạnh và những trận tuyết đổ về bất chợt của tiết Tiểu hàn, bạn sẽ bắt gặp một loài hoa màu trắng nhuỵ vàng kiêu hãnh vươn mình lên, tựa như muốn gọi mời mùa xuân đến. 

    Tên hoa bắt nguồn từ một câu trong điển tích Trung Quốc: “Tiên nhân ở trên trời thì gọi là Thiên tiên, ở dưới đất thì gọi là Địa tiên và ở dưới nước thì gọi là Thủy tiên”, ý chỉ loài hoa xinh đẹp, có hương thơm tinh tế mọc ven bờ nước này hệt như tiên dưới nước. 

    Địa điểm gợi ý: Bờ biển Echizen của tỉnh Fukui, bán đảo Boso của tỉnh Chiba hay “Xứ sở Thuỷ tiên Nadakuroiwa” trên đảo Awaji, tỉnh Hyogo.

    Tiết Đại hàn (20/1 – 3/2): Roubai - Lạp mai

    Hoa lạp mai
    Hoa lạp mai (Ảnh: /Flickr)

    Tiết Đại hàn được coi là thời kì lạnh khắc nghiệt nhất trong năm, nhưng trong cái lạnh đó, bạn có thể cảm nhận được một chút khí vị của mùa xuân đang đến. Loài hoa hiếm hoi nở trong thời kì này là Lạp mai, với những cánh hoa kết bằng sáp trong suốt. 

    Có loại cánh to và tròn như vầng trăng đêm rằm thu nhỏ (Mãn nguyệt Lạp mai), có loại cánh nhỏ hơn (Đường Lạp mai) hay cả cánh lẫn nhuỵ đều màu vàng (Tố tâm Lạp mai). Hoa có hương thơm nồng đậm, dùng để chiết xuất tinh dầu, hương liệu và dược phẩm, giúp an định tinh thần. 

    Địa điểm gợi ý: “Xứ sở Lạp mai” ở thành phố Annaka, tỉnh Gunma hoặc vườn Lạp mai Nagatoro Hodosan ở quận Chichibu, tỉnh Saitama.

    Tiết Lập xuân (4/2 – 18/2): Ume - Mai (Mơ, Mận)

    Hoa mai
    Hoa mai (Ảnh: T.Kiya/Flickr)

    Lập xuân là tiết khí khởi đầu của một năm, tiết trời trở nên ấm áp hơn và khắp nơi chờ đón mùa xuân về. Được du nhập về từ Trung Quốc trong thời Nara, nhờ có khuôn cành duyên dáng, vẻ đẹp phong nhã và hương thơm sảng khoái mà bấy giờ hoa Mai được yêu thích hơn cả hoa Anh đào. Trong Vạn diệp tập, Mai xuất hiện trong hơn 100 bài thơ, chỉ xếp sau Hồ chi (Hagi). Đây là hoa đại diện của một số tỉnh như Wakayama, Oita và Yamagata. 

    Địa điểm gợi ý: vườn Kairakuen (thành phố Mito, Ibaraki), công viên thành Osaka (Osaka) và công viên Hanegi (quận Setagaya, Tokyo).

    Tiết Vũ thuỷ (19/2 – 5/3): Jinchouge - Thụy hương

    Hoa thụy hương
    Hoa thụy hương (Ảnh: coniferconifer/Flickr)

    Vũ thủy (ẩm ướt) là giai đoạn mà tiết trời bớt lạnh, tuyết đóng trên các sườn núi từ từ tan đi, đồng ruộng trở nên tươi nhuận, trăm hoa đua nở. Loài hoa đại diện cho giai đoạn này là Thụy hương. Nhuỵ hoa bắt đầu đơm từ tháng 12 năm trước, trải qua 3 tháng đằng đẵng trong cái lạnh mùa đông, đến cuối tháng 2 mới bừng nở. 

    Dù chỉ nở trong một tháng ngắn ngủi nhưng hương hoa lan toả rất xa. Vẻ đẹp nhu mì và thanh cao của hoa đã đi vào bài hát “Haru yo, koi” (Mùa xuân ơi, hãy đến đây) của nhà soạn nhạc nổi tiếng Matsutoya Yumi:

    “Vạt nắng mong manh đan cắt giữa cơn mưa rào
    Hoa Thụy hương phản chiếu bóng hình người yêu dấu
    Từ những chồi nụ đong đầy nước mắt
    Từng cánh hoa một tỏa  hương”

    Địa điểm gợi ý: Vườn Hamarikyu (quận Chuo) hoặc vườn Kiyosumi (quận Koto) ở Tokyo, còn ở Kyoto thì hãy đến tu viện Tohokuin (quận Sakyo) nhé.

    Tiết Kinh trập (6/3 – 20/3): Mokuren - Mộc lan

    Hoa mộc lan
    Hoa mộc lan (Ảnh: coloredby/Flickr)

    Kinh trập (sâu nở) là khoảng thời gian những sinh vật ngủ vùi trong lòng đất suốt mùa đông dài lần lượt bừng tỉnh, vạn vật hồi sinh dưới ánh sáng tươi đẹp của mùa xuân. Giữa khung cảnh tràn trề sức sống ấy, bạn sẽ bắt gặp những đóa Mộc lan mang hương thơm nồng nàn, cánh hoa hồng hoặc trắng, trổ dày trên cây, nhìn từ xa như có vô số thân chim nhỏ đang đậu. 

    Hoa nở hướng lên trên và đầu hoa thường chỉ về hướng Bắc. Chính bởi đặc tính này mà Mộc lan còn được gọi là “cây Nam châm”. Ngoài ra, Mộc lan còn được cho là loài hoa cổ xưa nhất trên Trái đất, đã có từ khoảng trên 100 triệu năm trước. 

    Địa điểm gợi ý: “Con đường Mộc Lan dài 10km từ Mikatahara đến Miyakoda ở thành phố Hamamatsu, Shizuoka. Vườn Mộc lan ở Keio Floral Garden Ange (thành phố Chofu) hay công viên Shiki no Kaori (quận Nerima) ở Tokyo.

    Tiết Xuân phân (21/3 – 4/4): Momo - Đào

    Hoa đào
    Hoa đào (Ảnh: PIXTA)

    Xuân phân (giữa xuân) là giai đoạn mà ngày và đêm có độ dài bằng nhau, vạn vật sinh sôi và trăm hoa đua nở. Loài hoa nổi tiếng đại diện cho giai đoạn này là hoa Đào. Được trồng từ thời kì Jomon đến nay, loài hoa này đã trở thành một phần đời sống tinh thần của con người Nhật Bản. Nếu người Trung Quốc xưa coi cây Đào như “tinh hoa của năm cây, khắc chế trăm quỷ”, thì ở Nhật Bản, từ thời Vạn diệp tập, Đào cũng được coi là một loài cây linh thiêng. 

    Địa điểm gợi ý: “Đào nguyên hương” (Togenkyo) ở thành phố Fuefuki, thành phố Minami-Alps hoặc Nirasaki Shimpu ở thành phố Nirasaki. Tất cả tập trung ở tỉnh Yamanashi - nơi trồng đào nhiều số một Nhật Bản.

    Tiết Thanh minh (5/4 – 19/4): Nanohana - Cải dầu 

    Hoa cải dầu
    Hoa cải dầu (Ảnh: PIXTA)

    Thanh minh có nghĩa là “trong sáng”, biểu thị cho trạng thái căng đầy sức sống của vạn vật dưới bầu trời xanh và nắng ấm mùa xuân. Những cánh đồng bạt ngàn hoa Cải dầu sẽ phủ màu vàng rực rỡ trong suốt thời gian này. 

    Hoa được du nhập vào Nhật Bản thông qua Trung Quốc vào thời kì Nara. Thời xưa, hoa thường được trồng để làm dầu đốt và dầu thực vật, nhưng hiện nay, tập quán đó không còn. Thay vào đó, hoa được dùng để làm các món gỏi, nuôi ong để lấy mật. 

    Địa điểm gợi ý: Nông trường du lịch Mazaa Bokujo (Mother Farm) thuộc thành phố Futtsu, hoặc ven bờ biển Chikura ở thành phố Minamiboso, tỉnh Chiba.

    Tiết Cốc vũ (20/4 – 5/5): Botan - Mẫu đơn 

    Hoa mẫu đơn
    Hoa mẫu đơn (Ảnh: PIXTA)

    Cốc vũ (mưa rào) là giai đoạn mà các loại ngũ cốc cần nhiều nước và chất dinh dưỡng để sinh trưởng, mưa móc giống như tặng phẩm của bầu trời nhẹ nhàng rơi xuống thế gian. Đây là thời kì mà Mẫu đơn, vua của trăm hoa bừng nở. 

    Như người xưa có câu: “Dáng đứng như Thược dược, dáng ngồi như Mẫu đơn, dáng đi như Bách hợp” để mô tả vẻ đẹp mực thước của người phụ nữ, hoa Mẫu đơn biểu trưng cho “cốt cách vương giả” và “cung cách thanh cao”. 

    Địa điểm gợi ý: Vườn Mẫu đơn du lịch Akana ở phường Iinan, quận Iishi, hoặc vườn Mẫu đơn Trung Quốc phường Yatsuka ở quận Yatsuka, tỉnh Shimane.

    Tiết Lập hạ (6/5 – 20/5): Ayame - Diên vĩ

    Hoa diên vĩ
    Hoa diên vĩ (Ảnh: TANAKA Juuyoh/Flickr)

    Lập hạ là tiết khí khởi đầu mùa hạ. Đây là thời kì có tiết trời dễ chịu nhất trong năm. Một trong những loài hoa đại diện cho giai đoạn này là hoa Diên vĩ (Ayame). Ở Nhật Bản, các loài thuộc họ Diên vĩ không chỉ có Ayame mà còn có hoa Xương bồ (Hanashobu) và Đỗ nhược (Kakitsubata). 

    Khác với hoa Diên vĩ có nhiều sọc vằn hình mắc dây thừng trên cánh ở phần giao nhau giữa cánh và nhuỵ hoa, Xương bồ thường có một vệt vàng hẹp, còn Đỗ nhược có một vệt trắng hẹp. Tuy nhiên, đa số người Nhật hiện nay không phân biệt chúng rõ ràng lắm. 

    Địa điểm gợi ý: Vườn thực vật Suigo Sawara ở thành phố Katori, tỉnh Chiba. Vườn Diên vĩ Suigo Itako tại thành phố Itako, tỉnh Ibaraki. 

    Tiết Tiểu mãn (21/5 – 5/6): Utsugi - Không mộc

    Không mộc
    Không mộc (Ảnh: PIXTA)

    Đây là thời kì mà vạn vật được tắm trong ánh nắng dồi dào của mặt trời, sinh trưởng một cách nhanh chóng và sung mãn nhất. Bạn có thể bắt gặp Không mộc ở bất cứ nơi nào có ánh sáng tốt, như ven lộ, vùng sơn dã. Đây là loài cây có cuống và rễ rỗng, gỗ cây chắc chắn, khó mục rã, vì vậy từ xưa đã được dùng làm chày để giã bột trong các lễ hội. 

    Người Nhật ngày xưa cũng thường căn cứ vào tình trạng hoa nở mà dự đoán điềm lành dữ trong năm: hoa nở nhiều thì mùa màng sẽ bội thu; còn nếu mùa mưa kéo dài, hoa rụng sớm thì mùa màng thất bát. 

    Địa điểm gợi ý: Không mộc là cây hoang dã, không được trồng tập trung mà phân bố rộng rãi từ Hokkaido, Honshu, Shikoku đến Kyushu.

    Tiết Mang chủng (6/6 – 21/6): Hinageshi - Anh túc

    Hoa anh túc
    Hoa anh túc (Ảnh: DncnH/Flickr)

    Mang chủng (lúa trổ) là giai đoạn mà các loài thực vật như lúa gạo, lúa mạch trổ hạt. Kể từ thời điểm này trở đi, lượng mưa sẽ ngày càng tăng lên. Đây cũng là thời kì mãn khai của hoa Anh túc, hay còn có tên khác là “cỏ Ngu mỹ nhân”, được ví như nàng Ngu Cơ – một mỹ nhân tuyệt thế thời Hán Sở tranh hùng của Trung Quốc. Đặc biệt, loài Anh túc nở ven đường Nhật Bản không thể thu lấy Morphin – thành phần của thuốc phiện – nên chúng được gieo trồng ở nhiều nơi. 

    Địa điểm gợi ý: Nông trại cao nguyên Chichibu hoặc ven tỉnh lộ số 82 tại khu vực Misawa, chân núi phường Minano, tỉnh Saitama. Công viên Showa Kinen ở thành phố Tachikawa, Tokyo.

    Tiết Hạ chí (22/6 – 6/7): Ajisai - Cẩm tú cầu (Tử dương hoa)

    Hoa cẩm tú cầu
    Hoa cẩm tú cầu (Ảnh: taka kyuu/Flickr)

    Hạ chí (giữa hạ) là giai đoạn mà ngày dài và đêm ngắn nhất trong năm, nhiệt độ tăng cao, tiết trời nóng bức. Những cơn mưa sẽ ghé thăm đảo quốc Nhật Bản đều đặn hơn, tạo nên mùa mưa Tsuyu. Hoa Cẩm tú cầu nở vào đúng mùa mưa Nhật Bản. 

    Cánh hoa có màu tím, hồng, xanh hay trắng tuỳ thuộc vào độ pH và lượng nhôm trong đất mà cây hấp thụ. Nếu đất có tính acid cao, hoa sẽ có sắc xanh; nếu đất có tính kiềm cao, hoa ngả sang sắc đỏ. Trước đây hoa thường bị nhầm là có xuất xứ Trung Quốc, nhưng thật ra đây là loài hoa bản địa của Nhật Bản. 

    Địa điểm gợi ý: Chùa Mimuroto ở thành phố Uji hoặc chùa Yoshimine ở Nishiyama, quận Saikyo, Kyoto. Ngoài ra, Cẩm tú cầu dại cũng mọc nhiều ở ven biển vùng Kanto và Izu.

    Inako / kilala.vn

    28/01/2016

    Bài: Inako / Ảnh: Flickr, PIXTA

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!