NỘI DUNG BÀI VIẾT

    Nguồn gốc văn hóa Ainu và nỗ lực bảo tồn bản sắc của một dân tộc

    Trải qua những biến động lịch sử, di sản văn hóa truyền thống phong phú và độc đáo của Ainu có lúc tưởng chừng đã đi đến bờ vực tuyệt chủng. Ngày nay, nền văn hóa đặc sắc này được xem là một trong những điểm thu hút của vùng Hokkaido và đang được nỗ lực gìn giữ, bảo tồn.

    Văn hóa Ainu hình thành như thế nào?

    Người Ainu là một dân tộc bản địa ở vùng phía bắc của quần đảo Nhật Bản, mà chủ yếu là khu vực Hokkaido và trên quần đảo Kuril, đảo Sakhalin của Nga. Trong tiếng dân tộc mình, “Ainu” có nghĩa là con người.

    Những tài liệu đầu tiên mô tả về người Ainu có niên đại từ giữa những năm 1300. Hiện nay vẫn chưa có câu trả lời chính xác về nguồn gốc của văn hóa Ainu, tuy nhiên một số nghiên cứu gần đây cho thấy, văn hóa Ainu là sự hợp nhất của nền văn hóa Satsumon và Okhotsk.

    nguon-goc-van-hoa-ainu
    Phụ nữ Ainu theo truyền thống có tục lệ xăm hình trên cơ thể, bao gồm cả môi. Ảnh: BBC

    Văn hóa Satsumon bắt nguồn từ vùng phía bắc Tohoku và phía nam Hokkaido, nơi người dân sống bằng nghề hái lượm, đánh cá và săn bắn. Trong khi đó, văn hóa Okhotsk phát triển mạnh mẽ ở các khu vực ven biển Okhotsk, vì vậy, người dân chủ yếu đánh cá và săn bắn dọc theo bờ biển.

    Hai nền văn hóa này chồng chéo lên nhau trong thời kì thịnh vượng của mình và lần lượt mở rộng phạm vi về phía bắc và phía nam. Theo thời gian, những con người mang đặc điểm của cả văn hóa Satsumon và văn hóa Okhotsk dần dần xuất hiện. Đó chính là cơ sở hình thành nên văn hóa Ainu.

    Ngôn ngữ Ainu

    Tiếng Ainu có nguồn gốc từ Hokkaido, Sakhalin và quần đảo Kuril. Mặc dù có một số khía cạnh về trật tự từ tương tự tiếng Nhật, tuy nhiên, tiếng Ainu có nhiều điểm khác biệt về ngữ pháp.

    Trước đây, tiếng Ainu là một ngôn ngữ hoàn toàn bằng lời nói nhưng giờ đây nó được phiên âm bằng bảng chữ cái Latinh hoặc hệ thống chữ Katakana trong tiếng Nhật với việc bổ sung một số kí tự chuyên biệt.

    Việc sử dụng tiếng Ainu suy giảm nhanh chóng do các chính sách thúc đẩy hiện đại hóa Nhật Bản bắt đầu từ thời Minh Trị (1868-1912). Năm 2009, tiếng Ainu đã được UNESCO liệt kê là ngôn ngữ có nguy cơ tuyệt chủng.

    Ngày nay, khi đến Hokkaido, bạn có thể vô tình học được một vài từ trong ngôn ngữ Ainu. Mặc dù có vẻ giống tiếng Nhật, nhưng tên của nhiều địa danh tại đây vốn bắt nguồn từ tiếng Ainu, chẳng hạn như:

    • Sapporo: bắt nguồn từ “sat poro pet”, có nghĩa là “sông lớn khô cạn”
    • Niseko: bắt nguồn từ “nisey ko an pet”, có nghĩa là “vách đá trải dài trên sông”
    • Nupuri: có nghĩa là “núi”
    • Noboribetsu: bắt nguồn từ “nupur pet” có nghĩa là “sông bùn”
    • Rusutsu: bắt nguồn từ “ru sut” có nghĩa là “cuối đường”

    Những tên gọi này được người Ainu đặt dựa trên đặc điểm cảnh quan. Vì vậy, nếu hiểu ý nghĩa của chúng, bạn có thể hình dung được địa danh ấy từng trông như thế nào trong quá khứ.

    Sự suy tàn của văn hóa Ainu

    Vào thế kỉ 18, có 80.000 người Ainu, nhưng đến thế kỷ 19, chỉ còn khoảng 15.000 người Ainu ở Hokkaido, 2.000 người ở đảo Sakhalin và khoảng 100 người ở quần đảo Kuril.

    Bước ngoặt đối với văn hóa Ainu xảy ra vào đầu thời kì Minh Trị (1868-1912). Lúc bấy giờ, chính phủ Nhật Bản đã đưa ra nhiều cải cách xã hội, chính trị và kinh tế với hi vọng hiện đại hóa đất nước theo kiểu phương Tây. Một trong những cải cách là việc Ezo, vùng đất mà người Ainu sinh sống được đặt dưới sự kiểm soát của nước Nhật và đổi tên thành Hokkaido.

    Khi đó, người Ainu được cấp quyền công dân Nhật Bản một cách tự động – thực tế là phủ nhận là cư dân bản địa. Người Ainu buộc phải học tiếng Nhật, lấy tên tiếng Nhật và bị ra lệnh chấm dứt các hoạt động tôn giáo như hiến tế động vật và phong tục xăm mình, thậm chí các hoạt động săn bắn và đánh cá truyền thống của họ cũng bị hạn chế.

    Trong một thời gian dài, người Ainu đi từ chỗ là một nhóm người sống tách biệt cho đến việc bị đồng hóa về lãnh thổ, ngôn ngữ, tôn giáo, phong tục với người Nhật Bản.

    Những nỗ lực bảo tồn văn hóa Ainu

    Phải đến cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, những nỗ lực công nhận và phục hồi văn hóa Ainu mới đạt được hiệu quả. Năm 1997, Đạo luật Thúc đẩy Văn hóa Ainu đã ra đời với mục đích bảo tồn và thúc đẩy di sản Ainu.

    mua-ainu
    Điệu múa của người Ainu đã được UNESCO đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tin rằng các vị thần có thể được tìm thấy trong môi trường xung quanh, người Ainu thường sử dụng điệu múa để thờ cúng và cảm tạ thiên nhiên. Ảnh: Hiệp hội Ainu Hokkaido 

    Quan trọng hơn, vào ngày 6/6/2008, một nghị quyết đã được chính phủ Nhật Bản thông qua, chính thức công nhận người Ainu là “người bản địa với ngôn ngữ, tôn giáo và văn hóa riêng biệt”.

    Hiện nay, chính phủ Nhật Bản cũng như bản thân người Ainu đã bỏ ra rất nhiều nỗ lực để khôi phục và bảo tồn văn hóa Ainu.

    Năm 1997, Giải thưởng Văn hóa Ainu được thành lập nhằm thúc đẩy các hoạt động liên quan đến việc quảng bá văn hóa Ainu và vinh danh những cá nhân có đóng góp to lớn cho việc phát triển văn hóa Ainu trong nhiều năm. Người đầu tiê nhận được giải thưởng này là ông Tatsujiro Kazuno .

    Trong nỗ lực gìn giữ tiếng Ainu, năm 2019, ứng dụng “Ainu on Drops” đã được ra đời, cho phép mọi người trên khắp thế giới tiếp cận và tìm hiểu sâu hơn về ngôn ngữ Ainu.

    ainu-on-drops
    Ứng dụng "Ainu on Drops". Ảnh: thecrimson.com

    Vào năm 2020, Hokkaido đã khánh thành Bảo tàng và Công viên Ainu Quốc gia Upopoy với bộ sưu tập gồm 6 chủ đề liên quan đến con người và văn hóa Ainu: ngôn ngữ, vũ trụ (tinh thần và phong tục), đời sống, lịch sử, công việc, giao lưu (tương tác giữa người Ainu với các dân tộc khác); cung cấp cho du khách một góc nhìn sâu sắc về lịch sử và văn hóa của dân tộc Ainu.

    bao-tang-upopoy
    Bảo tàng và Công viên Ainu Quốc gia Upopoy. Ảnh: japan.travel

    Ngoài ra, các sự kiện thường niên như Hội nghị Xúc tiến Chính sách Ainu, Lễ hội Văn hóa Dân tộc Ainu, Cuộc thi Hùng biện Ngôn ngữ Ainu... đã được tổ chức không chỉ tại Nhật mà trên toàn thế giới với mục đích quảng bá văn hóa Ainu ra toàn cầu.

    Còn trong văn hóa đại chúng, manga Golden Kamuy (2014) của họa sĩ Noda Satoru đã mang văn hóa Ainu đến gần giới trẻ hơn thông qua hành trình cựu chiến binh Sugimoto Saichi tìm kiếm kho báu vàng của người Ainu với sự giúp đỡ của Asirpa, một cô gái Ainu trẻ tuổi. Trong truyện, ngôn ngữ Ainu được giám sát bởi Nakagawa Hiroshi, một nhà ngôn ngữ Ainu đến từ Đại học Chiba.

    Golden Kamuy được đánh giá là cực kỳ tỉ mỉ về độ chính xác và họ đã nhận được lời khen từ người Ainu về mức độ trung thành của bộ truyện với lịch sử. Văn hóa Ainu cũng đã thu hút được sự quan tâm của công chúng và Ainu Kotan - ngôi làng Ainu tại Hồ Akan ở Hokkaido, đã chứng kiến ​​sự gia tăng về số lượng du khách, đặc biệt là thế hệ trẻ, những người hâm mộ manga. 

    golden-kamuy
    Airpa, cô gái Ainu trong bộ truyện Golden Kamuy. Ảnh: geekdome.in

    Thêm nhiều câu chuyện về dân tộc Ainu bí ẩn của Nhật Bản sẽ được cập nhật trong Chuyên đề Ainu tháng 8, mời bạn đón đọc nhé!

    kilala.vn

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!