Ngôi chùa ở Nhật bảo tồn tài sản văn hóa thông qua việc bán Ramen

    Ba ngày một tuần, một ngôi chùa dành không gian để bán những tô Ramen thuần chay, với mục đích trang trải chi phí trùng tu và bảo tồn những tài sản văn hóa.

    Cứ đúng 11h00 sáng từ thứ 5 – thứ 7 tại chùa Hozoin, sảnh chính sẽ đóng cửa, thay vào đó sẽ có các nhân viên ra phía trước cổng và treo tấm bảng với nội dung: “Chúng tôi mở cửa phục vụ mì" tại lối vào sảnh chính – Hondo.

    Ngay sau đó, những người đã đặt bàn từ trước từ từ tiến vào khu vực trải chiếu Tatami ngay sảnh chính, ngồi vào bàn và chờ đợi món ăn của mình được phục vụ.

    phục vụ ramen

    Một khách hàng đang được phục vụ Ramen. 

    Một tô Ramen thông thường sẽ sử dụng nước dùng “Tonkotsu” (xương heo), “Torigara” (thịt gà). nhưng đối với Phật giáo, việc sử dụng những nguyên liệu đến từ động vật là điều cấm kị, vì thế chùa đã có cách nấu khác. Thay độ ngọt và béo của thịt bằng miso và sữa đậu nành được cung cấp bởi một cửa hàng đậu phụ gần đó đã phần nào mang đến “dao diện” gần giống với Ramen truyền thống.

    Char-siu (thịt lợn nướng kiểu Trung Quốc), một thành phần khác thường có trong một bát mì Ramen, cũng không có trong thực đơn nhưng điều đó không khiến tô Ramen này trở nên buồn tẻ vì chúng được phục vụ với 5 loại topping kèm theo. Cụ thể bao gồm: măng, bắp, rong biển wakame, nấm tremellales và ớt đỏ. Việc lựa chọn những topping này được cho là dựa trên “Goshiki” (năm màu: xanh, vàng, đỏ, trắng và đen), một triết lý Phật giáo tượng trưng cho tinh thần và trí tuệ của Đức Phật.

    Ramen chay

    Ramen thuần chay "Terasoba" được phục vụ tại Chùa Hozoin ở Uji, Quận Kyoto, được làm từ miso và sữa đậu nành.

    Ông Kodo Morii, người điều hành ngôi chùa chia sẻ trong khi đang phục vụ thêm đồ ăn kèm cho khách: “Ramen tại chìa được chúng tôi tự phát triển công thức kết hợp với Maqaw, một loại gia vị của Đài Loan gần giống như tiêu đen, mang đến hương vị đặc trưng cho món ăn”.

    [subscribe]

    Vì sao một ngôi chùa, nơi dành cho việc thờ tự, lại kinh doanh? Đó chắc hẳn là câu hỏi mà nhiều người cần giải đáp.

    Hozoin là một trong nhiều ngôi chùa được xây dựng trong khuôn viên của Manpukuji, ngôi chùa đứng đầu của thiền phái Obaku Nhật Bản, một giáo phái mà Ingen Ryuki (1592-1673) hay Ẩn Nguyên Long Kỳ, một thiền sư Trung Quốc, đã khởi xướng. Nơi đây đang gìn giữ tài sản văn hóa quan trọng, được gọi là “Tetsugenban issaikyo hangi”, khoảng 60.000 khối in có thể in tất cả các kinh điển Phật giáo.

    nơi lưu giữ sách kinh

    Các bản in được cất giữ tại một căn phòng trong chùa.

    Khi Tetsugen Doko (1630 - 1682), người xây dựng và điều hành Hozoin trong Thời kỳ Edo (1603 - 1867), muốn có một bộ bản in ở Nhật Bản thì Ingen đã cung cấp cho ngôi chùa khoảng 7.000 tập kinh Phật dưới dạng bản sao. Các bản in được hoàn thành vào năm 1681 sau nhiều gian khổ.

    Cho đến lúc đó, mọi người thường tự sao chép kinh điển Phật giáo, và việc in ấn hàng loạt đã giúp truyền bá Phật giáo. Tuy nhiên, 60.000 khối in dù có giá trị lịch sử nhưng lại bị chất đống trong một phòng lưu trữ hơn 60 năm tuổi, không có hệ thống làm mát hoặc sưởi ấm.

    Ngôi chùa đã có đề nghị với chính quyền tỉnh Kyoto và Cơ quan Văn hóa hỗ trợ nghiên cứu và bảo tồn các khối đá. Đồng thời, ngôi chùa cũng xem xét tổ chức một buổi trà đạo và một sự kiện sao chép để trang trải chi phí trùng tu và bảo tồn.

    sách kinh

    Cận cảnh một bản in.

    Đến tháng 02/2020, ngôi chùa bắt đầu khởi động dự án Tetsugen để thúc đẩy công việc bào tồn của họ. Ban đầu, mọi người nghĩ đến việc bán đồ ngọt trong chùa, nhưng một tình nguyện viên trước đây từng làm cố vấn thực phẩm, đã đề nghị làm Ramen.

    Những người trong dự án nghĩ rằng nó sẽ là một hoạt động thú vị cho một ngôi đền. Tình cờ có một nhà sư sở hữu chứng nhận giám sát vệ sinh thực phẩm. Chính vì thế, họ quyết định nấu Ramen tại chiếc lều trong khuôn viên chùa và đã xin được giấy phép kinh doanh từ một trung tâm y tế công cộng vào tháng 10/2022.

    Sau 2 tháng hoạt động thử nghiệm, nhà hàng quyết định mở bán chính thức. Nhưng vì không truyền thông nên ngày đầu tiên họ chỉ đón tiếp được 1 khách hàng. Tuy nhiên, sức mạnh của việc truyền miệng và các bài đăng nhận xét trên mạng xã hội đã thu hút được nhiều người yêu thích Ramen hay đơn giản là những người tò mò về hương vị của món ăn này. 

    Đức Phật

    Thiền sư Tetsugen.

    Fukuko Sudo, 79 tuổi, cư dân phường Fushimi, Kyoto, cho biết: “Tôi chưa bao giờ ăn loại Ramen nào có hương vị như thế này, nó như thấm đẫm tâm hồn tôi”.

    Doanh thu từ việc bán Ramen sẽ được sử dụng để chi trả cho việc bảo tồn và sửa chữa các khối in. Ông Morii nói: “Thách thức của chúng tôi là cho mọi người biết về các khối in cũng như mì Ramen của chúng tôi". Ông ấy cũng hy vọng khách hàng sẽ quay lại vì ngôi đền cung cấp ramen theo mùa với các loại nước dùng khác nhau.

    Ví dụ, Ramen miso và sữa đậu nành cho mùa đông sẽ được phục vụ cho đến ngày 21/03. Sau đó, mì ramen với nước tương loãng cho mùa xuân sẽ được bán cho đến ngày 05/05, tiếp theo là mì có muối cho mùa hè và mì tương đặc cho mùa thu.

    Nhà hàng mở cửa vào thứ năm, thứ sáu và thứ bảy, từ 11h00 – 14h00. Tuy nhiên, nơi đây có thể đóng cửa sớm khi bán hết 30 bát. Giá là 600 yên (khoảng 108.000đ) mỗi bát, bao gồm thuế. Nếu ở Nhật hoặc có dịp đến Kyoto và muốn thưởng thức Ramen đặc biệt này, bạn nên đặt trước qua điện thoại (0774-31-8026). 

    kilala.vn

    04/01/2023

    Nguồn: Asahi

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!