NỘI DUNG BÀI VIẾT

    Nghệ nhân Nhật Bản - trăm năm theo đuổi sự hoàn hảo

    Nghệ nhân Nhật Bản - trăm năm theo đuổi sự hoàn hảo

    Hiện nay, trên khắp xứ Phù Tang vẫn còn hơn 300 khu vực sản xuất đồ thủ công truyền thống – một con số ấn tượng khiến Nhật Bản được xem như một “cường quốc thủ công”. Tại các làng nghề này, những nghệ nhân Shokunin vẫn đang ngày ngày mài dũa kỹ năng để tạo nên những sản phẩm tinh xảo, kế thừa kho tàng kỹ năng và kinh nghiệm được vun đắp, truyền lại qua hàng trăm năm lịch sử. 

    Về nghề thủ công truyền thống tại Nhật Bản

    Vào thời Edo (1603-1868), thủ công mỹ nghệ là một ngành nghề phát triển thịnh vượng. Chưa có máy móc, mọi thứ đều được làm nên từ đôi tay con người nên nhu cầu về thợ thủ công là rất lớn.

    Có những công việc đơn giản như làm ô hay làm đèn lồng, thường được các samurai cấp thấp làm khi nhàn rỗi như một công việc phụ, nhưng cũng có những nghề thủ công phức tạp, đòi hỏi nhiều kỹ năng, sự lão luyện như rèn kiếm, điêu khắc gỗ, làm gốm hay dệt vải kimono...

    Trong quá khứ, thợ thủ công (hay Shokunin) là những người được kính trọng trong xã hội. Họ đóng vai trò là người truyền bá văn hóa, đồng thời đóng góp thiết yếu cho nền kinh tế quốc gia. 

    shokunin
    Tranh vẽ nghệ nhân thổi thủy tinh thời Edo. Ảnh: benricho.org

    Ngày nay, xu hướng sản xuất hàng loạt, tiêu dùng nhanh và hàng hóa nhập khẩu giá rẻ đang tác động mạnh mẽ đến nghề thủ công truyền thống trên toàn thế giới, đẩy nhiều nghề đến bờ vực thất truyền. Nhật Bản cũng không thoát khỏi cơn sóng lớn khi nhiều nghề thủ công ở đất nước này đang phải đối mặt với khó khăn, trong đó có một vấn đề nghiêm trọng là thiếu người kế thừa.

    Tiền tài và danh vọng – những thứ được đặt nặng trong xã hội hiện đại gần như tương phản với cuộc sống của một Shokunin. Thực tế cho thấy, thu nhập thấp là một trở ngại lớn ngăn bước nhiều người trẻ Nhật Bản theo đuổi đam mê với những ngành nghề thủ công truyền thống của dân tộc.

    Tinh thần kiên trì, không khuất phục

    Giữa những áp lực của thời đại đè nặng lên sự tồn tại và phát triển thì “tinh thần của người thợ thủ công” hay “Shokunin Takagi - 職人気質” được xem như xương sống, giúp nhiều nghề thủ công vẫn đứng vững tại xứ Phù Tang. 

    Shokunin Takagi được định nghĩa là việc khám phá các kỹ năng của bản thân, tự tin, không khuất phục hay thỏa hiệp trước những hạn chế về thời gian, tiền bạc và chỉ làm những công việc theo ý chí của riêng mình. Khái niệm này đề cập đến xu hướng hoàn thành công việc bằng những kỹ năng tốt nhất của một người, thậm chí không quan tâm đến lợi nhuận.

    Vào thời Edo, những Shokunin chịu ảnh hưởng bởi “seihin shugi - 清貧主義”, tạm dịch là “chủ nghĩa thanh bần” của các Samurai. “Thanh bần” được hiểu là việc bằng lòng với nghèo khó để sống một cuộc đời thanh sạch, sống đơn giản để tâm trí tận hưởng thế giới tao nhã, hay nôm na là “sống thấp, nghĩ cao”.

    Trong giới Shokunin Nhật Bản, có một tâm niệm phổ biến là “hãy tạo ra những thứ tốt đẹp và truyền lại cho thế hệ tương lai”, họ cũng tin rằng “có thể kiếm sống, miễn là làm ra được những thứ tốt”. Niềm tin này được truyền lại qua các thế hệ Shokunin, cùng với nghề thủ công của gia đình theo kiểu cha truyền con nối.

    Takayama, tỉnh Nara là vùng sản xuất Chasen (một trà cụ dùng để đánh trà) duy nhất ở Nhật Bản, ngày nay chỉ còn lại 18 xưởng chế tác. Nghề thủ công truyền thống này đã trải qua 500 năm lịch sử, và được truyền lại qua những thế hệ trong gia đình của nghệ nhân. 

    Để trở thành một người làm Chasen, mất ít nhất 2-3 năm để thành thạo từng bước của quy trình gồm 8 bước và từ 10-20 năm để có thể làm được toàn bộ từ đầu đến cuối.

    chasen
    8 công đoạn tạo ra chiếc Chasen được làm bởi một nghệ nhân duy nhất. Ảnh: Mainichi

    Một chiếc Chasen loại đơn giản nhất có giá khoảng từ 3.500 yên (hơn 600.000 VND) trở lên, và mỗi nghệ nhân chỉ làm được nhiều nhất là 7-8 chiếc một ngày. Chưa kể đến sự thiếu hụt về nguồn tre chất lượng cao, cần phải được phơi khô 2 năm trước khi có thể sử dụng.

    Không khó để nhận ra rằng, con đường của Shokunin không mang đến cho họ sự giàu có.

    Xem thêm: Nghệ thuật chế tác Chasen từ tre

    Theo đuổi sự hoàn hảo

    Một điểm chung khi nhìn vào những Shokunin Nhật Bản là họ thường toát lên vẻ giản dị, khiêm tốn và khắc kỷ. Trong công việc của mình, một nghệ nhân luôn cam kết tận tụy tuyệt đối với nghề, hướng đến sự hoàn hảo thông qua việc làm chủ các kỹ năng, kỹ thuật để tạo ra sản phẩm.   

    Có một thuật ngữ để chỉ điều này, đó là “こだわり - Kodawari”. Có thể hiểu Kodawari là việc theo đuổi không ngừng nghỉ sự ưu tú, hoàn hảo (hay thành thạo) và chú ý đến từng chi tiết. Một nghệ nhân sẽ có các quy tắc, tiêu chuẩn của riêng mình và sự tôn nghiêm dành cho công việc, mà ngay cả khi nó không được khách hàng hoặc thị trường ủng hộ, họ vẫn sẽ tuân thủ.

    Ken Mogi – tác giả cuốn sách “Ikigai - Bí Mật Sống Trường Thọ Và Hạnh Phúc Của Người Nhật” mô tả Kodawari tương tự như dòng chảy, khi một nghệ nhân đạt đến sự thành thạo ở một mức độ nhất định, họ sẽ bước vào trạng thái "dòng chảy" khi làm việc, không bao giờ dừng lại mà luôn luôn vận động.

    Những Shokunin lặng lẽ làm công việc của mình mà không cần sự chú ý, không khoe khoang, nhưng vẫn tận hưởng và cống hiến hết mình. Danh dự của họ đến từ công việc, chứ không từ sự công nhận mà người khác dành cho mình vì đã làm công việc đó.

    katagami
    Làm Katagami - khuôn bằng giấy để nhuộm vải theo phong cách Katazome. Hoa văn được khắc tỉ mỉ hoàn toàn bằng tay trên giấy washi nhiều lớp. Ảnh: Kinsen Tokyo
    katazome
    Katagami được sử dụng để điểm hoa văn lên vải theo phương pháp Katazome. Ảnh: popindo.com

    Với một nghệ nhân, theo đuổi Kodawari là hành trình kéo dài cả cuộc đời. "Hoàn hảo" hay "thành thạo" là những tiêu chuẩn mơ hồ, khó nắm bắt, và việc theo đuổi nó đại diện cho một trong những phẩm chất tốt đẹp nhất của con người - luôn nỗ lực để trở nên tốt hơn.

    Bà Azumi Uchitani, nghệ sĩ Thư pháp, diễn giả và tác giả sách, người khởi xướng dự án Nghệ thuật & Văn hóa “Japanese Salon” tại Amsterdam nhận định điều này tương tự như “Enso – vòng tròn Thiền, chúng ta trở về điểm số không, điểm khởi đầu. Và một vòng tròn khác sẽ bắt đầu. Không có giới hạn nào trong sự thành thạo. Đó là sự phát triển vĩnh cửu.”

    enso
    Enso. Ảnh: Ippodo Gallery

    Ba giai đoạn của sự thành thạo

    Khi bước chân vào lĩnh vực thủ công, một người học việc sẽ được Sensei – sư phụ của mình truyền dạy về Shu-Ha-Ri.

    Shu-Ha-Ri bao gồm ba chữ “守 – Thủ”, “破 – Phá” và “離 – Li”, là một phương pháp giảng dạy thể hiện các giai đoạn của sự rèn luyện, được bậc thầy kịch Noh Zeami đề cập trong chuyên luận “Fushikaden'' từ hơn 600 năm trước. Shu-Ha-Ri cũng được xem như nguồn gốc của việc giáo dục và truyền tải kiến ​​thức, làm nền tảng cho văn hóa Nhật Bản.

    Giai đoạn 1 – Shu (守): Gìn giữ và Bảo vệ truyền thống

    Trong giai đoạn đầu tiên của sự học, người học viên sẽ trung thành tuân thủ những gì được Sensei chỉ dạy. Đó là những kiến thức, quy tắc, khuôn mẫu cơ bản đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Sự lặp lại có phương pháp, cũng như sự tận tâm nghiêm ngặt với các kỹ năng cơ bản tạo nên nền tảng vững chắc cho người học.

    Giai đoạn 2 – Ha (破): Phá vỡ và Chuyển đổi

    Sau khi nắm vững cơ bản, đây sẽ là giai đoạn “phá kén”. Ở giai đoạn này, người học bắt đầu đặt câu hỏi và thách thức các phương pháp điển hình đã được học trong giai đoạn Shu, khám phá và thực hiện các cải tiến để phù hợp với phong cách cá nhân.

    Giai đoạn 3 – Ri (離): Tách rời và Vượt qua

    Người học sẽ vượt lên khỏi các bài học thông thường và bắt đầu xây dựng phương pháp, cách tư duy đặc biệt của riêng mình, đồng thời có những đóng góp những đổi mới cho lĩnh vực. Ở giai đoạn này, một Shokunin đã có thể nhận đệ tử.

    Tuy nhiên như đã đề cập ở trên, hành trình hướng đến sự thành thạo của một Shokunin không có kết thúc. Ngay cả khi ở giai đoạn 3, một nghệ nhân vẫn phải quay lại thực hành các nguyên tắc cơ bản rồi tiếp tục đi đến một chu kỳ khác của Shu-Ha-Ri.

    Với Shokunin, cả quá trình này chính là việc bảo vệ những tri thức đã được truyền lại, loại bỏ những điều không còn phù hợp với thời đại, và thêm vào những ý tưởng mới, vượt xa phiên bản trước đó. Chính sự kế thừa, phát huy và không ngừng cải tiến của các thế hệ nghệ nhân qua hàng trăm năm đã tạo nên cho Nhật Bản những sản phẩm thủ công tinh xảo, với vẻ đẹp không hề bị lu mờ bởi thời gian.

    Mời bạn khám phá thế giới của các nghệ nhân Nhật Bản trong Chuyên đề Shokunin tháng này!

    kilala.vn

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!