Nghề làm quả cầu Temari truyền thống ở tỉnh Kagawa

    Quả cầu Temari là một món đồ chơi thủ công mang đậm nét văn hóa và truyền thống Nhật Bản, với tuổi đời trên nghìn năm lịch sử. Tại tỉnh Kagawa, nghệ nhân Kazuo Araki đã và đang nỗ lực để bảo tồn cũng như truyền bá nghề thủ công lâu đời này đến với thế hệ trẻ.

    Tiền thân của "Temari - 手まり" là quả bóng "Kemari - 蹴鞠" làm bằng da hươu. Có giả thuyết cho rằng Kemari có nguồn gốc từ Trung Quốc trong thời kỳ Asuka. Sau khi đến Nhật Bản, Temari được giai cấp quý tộc sử dụng làm bóng đá trong các nghi lễ Thần đạo thời Heian. Đến thời Edo, chúng được làm thành món đồ chơi cho bé gái và được trân trọng như món quà tặng hay vật trang trí. 

    temari

    Quả cầu Temari với màu sắc rực rỡ. Ảnh: Chinzanso

    Ngày xưa, trẻ em chơi bóng Temari bằng cách ném bóng lên cao và bắt lấy nó để không làm rơi xuống đất. Trò chơi này rất phổ biến và được ưa chuộng vào dịp lễ tết. Với hoa văn trang nhã và tươi tắn tượng trưng cho vẻ đẹp truyền thống, Temari là một trong số những món đồ thủ công truyền tải được tinh thần Nhật Bản. Tuy nhiên, vào thời Minh Trị, bóng cao su từ nước ngoài du nhập vào đã trở nên phổ biến, lấn át cả những quả bóng thủ công này. Hiện nay, nó được sản xuất ở một số làng thủ công nhằm kế thừa và lưu giữ nét đẹp lịch sử của xứ Phù Tang.

    Nghề làm Temari ở tỉnh Kagawa

    Tỉnh Kagawa từng được gọi là "Sanuki no kuni" vào thời Edo, nổi tiếng với sản vật Sanuki Sanpaku (讃岐三白) bao gồm cây bông, muối và đường, trong đó Sanpaku (三白 - Tam Bạch) nghĩa là 3 vật màu trắng, xuất phát từ màu sắc của những sản vật trên. Quả cầu Temari ở tỉnh Kagawa được làm bằng cách nhuộm sợi bông, một trong ba sản vật nói trên bằng màu thực vật và có tên gọi là Sanuki Kagari Temari (讃岐かがり手まり). 

    Temari làm bằng sợi bông từng rất thịnh hành, nhưng số lượng nghệ nhân thủ công tại đây ngày càng ít dần theo thời gian. Vì thế, ông Kazuo Araki và vợ đã nhận trách nhiệm truyền lại kỹ thuật chế tác Temari cho hậu thế bằng cách thành lập “Hội bảo tồn Sanuki Kagari Temari” vào năm 1983. 

    temari
    Ảnh: Nakano.keizai

    Bốn năm sau, Sanuki Kagari Temari đã được chỉ định là một kỹ nghệ truyền thống của tỉnh Kagawa. “Khi nói đến đồ thủ công truyền thống, mọi người thường liên tưởng đến những kỹ năng tinh xảo khó có thể đạt đến và người trẻ ngày nay ít có hứng thú với chúng. Chúng tôi rất vui nếu có thể làm cho giới trẻ biết đến Sanuki Kagari Temari, loại bỏ những định kiến về đồ thủ công truyền thống và mang lại cảm giác đó là món đồ rất gần gũi trong cuộc sống”, ông Araki chia sẻ. 

    Để mọi người không chỉ trong mà cả ngoại tỉnh đều biết đến Temari, rất nhiều buổi triển lãm và khóa học ngắn hạn đã được tổ chức nhằm phổ biến loại hình nghệ thuật này.

    Cách tạo nên quả cầu Sanuki Kagari Temari

    Nguyên liệu và kỹ thuật nhuộm

    Để làm ra Sanuki Kagari Temari phải sử dụng sợi bông có kỹ thuật trồng được lưu truyền từ thời Edo và nhuộm sợi bằng màu thực vật. Có nhiều loài thực vật được sử dụng để làm thuốc nhuộm: cỏ Kariyasu (刈安) - một loại cỏ bông lau, hạt dẻ, vỏ hành tây… Tùy theo từng mùa sẽ sử dụng nguyên liệu có sẵn ở mùa đó. Nhưng những nguyên liệu khó tìm như cây thiên thảo Ấn Độ, cây gỗ vang, saffron… thì phải nhập từ cửa hàng thảo mộc ở Trung Quốc.

    Sợi bông dùng cho Temari rất khó nhuộm, nên trước khi nhuộm sẽ được ngâm qua một loại sữa đậu gọi là Gojiru (呉汁). Có 2 dung dịch cần thiết trong quá trình nhuộm màu: dung dịch màu nhuộm được chiết xuất từ thực vật và dung dịch hỗ trợ lên màu. Sợi bông sẽ được ngâm luân phiên qua 2 dung dịch này, thời gian ngâm mỗi lần khoảng 20 phút, có thể qua 3 lần ngâm cho đến khi đạt được màu mong muốn.

    temari

    Ảnh: The Gate

    Khi thuốc nhuộm còn ấm, đảo sợi bông bằng tay trong quá trình nhuộm. Nhưng khi thuốc nhuộm nóng tới 70 độ C, người thợ phải đảo và lấy sợi bông ra bằng 2 cây đòn dài. Nhìn qua có vẻ đơn giản nhưng sợi bông ngâm trong nước sẽ trở nên rất nặng, khiến công việc thực tế cực nhọc hơn rất nhiều. Tùy vào nồng độ của màu nhuộm và thời gian ngâm mà sắc độ của sợi bông cũng dần đậm lên. Vào mùa hè có thể nhuộm bằng màu vắt ra từ lá tươi nhưng khi nhuộm sẽ khó lên màu hơn. Dù sử dụng một loại nguyên liệu, nhưng vào năm ít mưa thì màu sắc sẽ khác đi. Ở Hội bảo tồn Sanuki Kagari Temari có trên 100 màu sắc được nhuộm ra từ cách thủ công này.

    temari

    Các sợi được nhuộm từ màu sắc tự nhiên. Ảnh: The Gate

    Tạo lõi của quả cầu

    Tùy theo từng địa phương mà vật liệu dùng làm lõi của Temari cũng khác nhau, chẳng hạn như quần áo cũ, bông trong chăn mền. Tuy nhiên, Hội bảo tồn của ông Araki đã sử dụng trấu. Trấu được chần qua nước sôi một lần rồi đem phơi nắng cho khô, loại bỏ các côn trùng còn sót lại và đem đi chế tác. 

    temari
    Trấu được phơi nắng cho khô, tránh ẩm mốc. Ảnh: The Gate

    Tạm chia lõi quả cầu thành 3 lớp: lõi trấu, giấy bọc và lớp chỉ quấn quanh. Công đoạn tốn công sức nhất là gói trấu. Gói vỏ trấu lại bằng giấy rồi dùng chỉ quấn xung quanh cho đến khi không còn thấy phần giấy nữa là hoàn thành. Cho dù không tận mắt chứng kiến quá trình kỳ công này, nhưng khi nhìn thành quả thì ai cũng có thể cảm nhận được sự khéo léo của những nghệ nhân.

    [subscribe]

    Phân chia quả cầu bằng đường cơ sở

    Sau khi có phần lõi, tiếp theo là công đoạn quấn những đường phân chia bề mặt quả cầu để làm cơ sở phát triển thêm các họa tiết. Tùy vào kiểu họa tiết mà số đường cơ sở cũng khác nhau, thiết kế càng chi tiết thì cách sắp xếp đường cơ bản càng trở nên phức tạp. Nếu có quá nhiều đường cơ sở, chúng sẽ được khâu lại khéo léo để không bị dịch chuyển. Khi làm Temari, các bước đều rất quan trọng, nếu không cẩn thận và tỉ mỉ sẽ không tạo ra một Temari tròn đều và đẹp được.
    temari
    Tạo các đường cơ sở. Ảnh: The Gate

    Xác định điểm mốc và thêu họa tiết

    Tiếp theo là công đoạn đính kim vào những điểm được chọn làm mốc để phát triển thêm họa tiết trên quả cầu. Khi đính, kim sẽ xuyên qua lớp giấy vào phần trấu, nên sẽ nghe được tiếng sột soạt vui tai. Những khóa học dành cho người mới “nhập môn” sẽ bắt đầu từ công đoạn tạo họa tiết này. Mấu chốt để tạo nên họa tiết đẹp chính là không làm rối chỉ, không để các đường chỉ chồng chéo lên nhau quá dày, kéo chỉ với lực vừa đủ mạnh và thao tác khéo léo. 
    temari
    Cố định các điểm và thêu họa tiết. Ảnh: The Gate

    Những quả cầu mang vẻ đẹp tự nhiên

    Nghề thủ công này tốn rất nhiều công sức và thời gian. Tùy theo độ phức tạp của họa tiết, thời gian hoàn thành một sản phẩm có thể kéo dài đến một tháng. Họa tiết của các quả cầu Sanuki Kagari Temari lấy cảm hứng từ hình dáng vật thể ngoài tự nhiên như hoa cúc, hoa anh đào, ngôi sao hoặc bướm. Nhưng vào thời điểm ông Araki bắt đầu kế thừa thì vẫn chưa có những loại hoa văn đa dạng này, tất cả Temari đều có chung một loại hoa văn. Sanuki Kagari Temari có được màu sắc và vẻ đẹp như hiện tại là nhờ vào đôi bàn tay của ông Araki đã thổi làn gió mới vào nghệ thuật truyền thống.

    temari

    Họa tiết của Temari bên trái không che lấp hết bề mặt lõi quả cầu - kiểu trang trí truyền thống có từ thời xưa. Họa tiết của Temari bên phải bao phủ toàn bộ bề mặt quả cầu - kiểu họa tiết đang dần phổ biến ngày nay.

    Tại Hội bảo tồn Sanuki Kagari Temari còn có những quả Temari nhỏ nhắn mang màu sắc tươi tắn được đựng trong chiếc hộp nhỏ trông giống như bánh kẹo, thích hợp dùng làm quà lưu niệm. Một hương thơm tự nhiên nhẹ nhàng lan tỏa khi chiếc hộp được mở ra. Lõi của những Temari tí hon tinh tế này là một loại gỗ thơm cao cấp được chế tác đặc biệt tại cửa hàng Yamada Matsukagi lâu đời ở Kyoto. Không chỉ để trang trí, Temari tí hon còn được đặt kín đáo trong cặp hay túi xách để tạo mùi hương. 

    temari

    Các hộp Temari có hương thơm. Ảnh: The Gate

    kilala.vn

    16/09/2021

    Bài: Hoàng Quyên

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!