Ngành TPCN Nhật lao đao vì khủng hoảng của Kobayashi

    Không chỉ các sản phẩm chứa gạo men đỏ, mà hầu như các sản phẩm TPCN của nhiều thương hiệu khác nhau cũng ghi nhận sự sụt giảm về doanh số do những lo ngại từ phía người tiêu dùng.

    Năm người đã chết và hơn 100 người phải nhập viện sau khi dùng sản phẩm Kobayashi có chứa men gạo đỏ, được gọi là beni koji ở Nhật Bản. Ngay sau đó, lệnh thu hồi sản phẩm đã được ban hành.

    Người tiêu dùng ở Nhật Bản đang tránh xa các thực phẩm bổ sung và những thứ được gọi là thực phẩm chức năng vì mối lo ngại về sức khỏe liên quan đến các sản phẩm gạo men đỏ của Kobayashi Pharmaceutical.

    Chính vì thế, các nhà sản xuất thực phẩm bổ sung khác đang gấp rút đảm bảo với khách hàng rằng sản phẩm của họ an toàn. Tuy nhiên, việc khôi phục niềm tin trong ngành sẽ không dễ dàng, đặc biệt trước những lời chỉ trích rằng Nhật Bản thiếu các biện pháp nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn cho thực phẩm chức năng.

    Kobayashi
    Viên uống của Kobayashi bị thu hồi vì ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng người tiêu dùng. Ảnh: Nikkei

    Dựa theo số liệu bán hàng của khoảng 860 loại thực phẩm chức năng tại các siêu thị có hơn 1.000 người mua sắm mỗi tuần trên toàn quốc, được tổng hợp bằng hệ thống thu thập dữ liệu bán lẻ Nikkei POS, doanh số bán thực phẩm được dán nhãn là chức năng, bao gồm cả đồ uống, giảm 11% so với cùng kỳ vào tuần ngày 01/04.

    Trên thực tế, việc giảm sức mua đã được ghi nhận từ đầu năm khi các mặt hàng ở Nhật tăng giá, với mức giảm khoảng 6,7%. Nhưng mức giảm đã tăng nhanh, đạt mức 10,4% trong tuần 18/03, ngay thời điểm Kobayashi thông báo thu hồi các mặt hàng có chứa gạo men đỏ.

    “Tôi từng tích cực mua TPCN, nhưng bây giờ tôi hơi lo lắng, nên gần đây tôi đang dừng mua những sản phẩm tương tự”, khách hàng Mai Yoshida cho biết tại một hiệu thuốc ở Tokyo.

    Nỗi sợ của người tiêu dùng đang làm rung chuyển ngành công nghiệp TPCN. Nhà sản xuất mỹ phẩm và thực phẩm bổ sung Fancl đã báo cáo số lượng hủy đăng ký tạm thời tăng gấp 10 lần đối với sản phẩm bổ sung chính được cho là có tác dụng giảm cholesterol, mặc dù sản phẩm này không chứa thành phần gạo men đỏ từ Kobayashi.

    nguoi-tieu-dung
    Người tiêu dùng Nhật Bản đang e dè khi sử dụng TPCN. Ảnh: ARAB News

    Để trấn an người tiêu dùng, Fancl bắt đầu đăng thông điệp trên các sàn bán hàng tại các cửa hàng, nhấn mạnh đến chất lượng và độ an toàn của sản phẩm. Trang mua sắm trực tuyến của công ty cũng tuyên bố rằng sản phẩm bổ sung này an toàn.

    Nhà bán lẻ mỹ phẩm và thực phẩm bổ sung trực tuyến DHC đã nhận được khoảng 12.000 yêu cầu sau thông báo của Kobayashi. Tại các cửa hàng truyền thống của DHC, nhân viên bán hàng đang phát tờ rơi nhấn mạnh tính an toàn của sản phẩm.

    Asahi Group Foods, nơi cung cấp loạt sản phẩm thực phẩm bổ sung mang thương hiệu Dear-Natura, cũng chứng kiến ​​nhiều đơn hàng mua sắm trực tuyến bị hủy.

    Người phát ngôn của Japan Direct Marketing Association cho biết: “Các nhà sản xuất có thể ghi nhận mức giảm doanh số từ 20% đến 30%”.

    TPCN
    Nhiều sản phẩm thuộc mục TPCN cũng bị ảnh hưởng do sự lo ngại của người tiêu dùng. Ảnh: demidiomas

    Công ty nghiên cứu Fuji Keizai báo cáo, thị trường thực phẩm chức năng đã tăng 19% lên ước tính 686,5 tỷ yên (4,48 tỷ USD theo tỷ giá hiện tại) vào năm 2023 và dự kiến ​​sẽ đạt 777 tỷ yên vào năm 2026.

    Không giống như dược phẩm, thực phẩm có nhãn chức năng không cần quản lý theo quy định của Nhật Bản. Điều này có nghĩa là không có sự giám sát nào đối với các vấn đề bao gồm phương pháp sản xuất, thành phần hoặc nồng độ, cũng như hình thức của sản phẩm, chẳng hạn như thuốc viên hoặc viên nang.

    Trái ngược với Nhật Bản, các sản phẩm tương đương ở nhiều quốc gia khác lại được quản lý chặt chẽ hơn. Tại Hoa Kỳ, thực phẩm bổ sung được định nghĩa là các sản phẩm nhằm mục đích bổ sung cho chế độ ăn uống, có thể có nhiều dạng như viên nang và bột. Có một khung pháp lý riêng dành cho thực phẩm bổ sung và các nhà sản xuất phải tuân thủ các tiêu chuẩn sản xuất và kiểm soát chất lượng.

    Liên minh châu Âu và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á thậm chí còn có những quy định cứng rắn hơn.

    kilala.vn

    Nguồn: Nikkei

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!