Qui tắc trên bàn ăn Nhật: Nên & Không Nên
Nên
Các quán ăn Nhật thường bài trí phong cách ngồi ghế đệm trên chiếu tatami. Vì thế để phù hợp với cách bài trí này, bạn nên lưu ý cởi giày, dép và xếp gọn bên ngoài. Đồng thời cũng để ý thứ tự ngồi trước sau, người có tuổi tác/vị trí/vai trò lớn hơn sẽ ngồi trước.
Ở mỗi nhà hàng hay các quán ăn Nhật đều chuẩn bị sẵn khăn ướt được cuộn tròn lại để lau tay gọi là Oshibori cho khách hàng. Oshibori chỉ dùng để lau tay trước bữa ăn, bạn lưu ý không dùng để lau miệng hoặc lau mặt nhé!
Trước khi ăn, người Nhật sẽ thường chắp hai tay lại và nói: “Itadakimasu” có nghĩa là “Tôi xin được nhận bữa ăn này", thể hiện lòng biết ơn đối với thực phẩm và những người đã chế biến món ăn. Sau khi kết thúc bữa ăn, người Nhật sẽ nói: “Gochisousama deshita” với hàm ý ”Cảm ơn vì đã mang đến bữa ăn cho tôi” hoặc “Cảm ơn vì bạn đã vất vả nấu ăn cho tôi”. Như vậy có thể thấy, ngay cả lời cảm ơn trong bữa ăn cũng rất được chú ý.Bạn nên dùng hết tất cả các món được phục vụ, không để lại đồ ăn thừa. Phần nào không ăn được, hãy nói trước với nhân viên để đổi sang một món khác.
Khi uống nước, hãy đợi mọi người có đủ nước rồi cùng nhau uống. Trong bữa ăn, bạn cũng cần quan tâm đến người cùng bàn, nếu ở gần bình nước hơn, hãy chủ động rót cho cả những người khác khi ly sắp cạn, không nên chỉ rót cho riêng mình.
Sau khi hoàn tất bữa ăn, bạn nên sắp xếp lại các dụng cụ ăn đúng như ban đầu khi được phục vụ tránh để các dụng cụ ăn lung tung, mất trật tự nhằm thể hiện thái độ lịch sự và tôn trọng nhân viên, và giúp các bạn nhân viên dọn dẹp dễ dàng và nhanh chóng hơn.
Không nên
Khi ăn sushi, bạn không nên trộn nước tương và wasabi với nhau. Đối với các loại sushi có nguyên liệu sống, đầu bếp đã cho sẵn một lượng wasabi thích hợp vào giữa sushi và cơm nên bạn không cần lấy thêm nữa. Còn khi chấm nước tương, bạn lưu ý chỉ chấm phần nhân (cá, trứng, hải sản) chứ không chấm phần cơm nhé.Những khoanh sushi hay những lát sashimi thường được chia khẩu phần nhỏ, vừa đủ ăn. Vì vậy, khi thưởng thức, bạn tránh cắn đôi và thay vào đó hãy bỏ vào miệng một lần, trong trường hợp miếng thức ăn quá to, bạn có thể dùng tay để che miệng.
Không nên dùng đũa của mình để gắp thức ăn cho người khác. Trong trường hợp bạn muốn gắp, hãy dùng một đôi đũa mới. Tuyệt đối không dùng đầu còn lại của đũa để gắp thức ăn vì đầu còn lại của đũa tiếp xúc với tay nên không đảm bảo vệ sinh.
Hãy gắp thức ăn một cách nhẹ nhàng, từ tốn. Không nên chọt ngang đôi đũa vào để lấy thức ăn.
Bạn tuyệt đối không được gắp chuyền thức ăn. Không được cắm dọc đũa vào bát cơm. Vì đây là những hành động tối kỵ liên quan đến nghi lễ của những người đã mất, người Nhật sẽ rất khó chịu nếu thấy hành động này đấy!
kilala.vn
29/11/2019
Bài: Thảo Trần
Đăng nhập tài khoản để bình luận