Năm Dần trong văn hóa Nhật Bản

    Là con vật dũng mãnh nằm ở vị trí thứ 3 trong 12 con giáp, hổ đại diện cho sức mạnh và bản lĩnh. Để chào mừng năm Nhâm Dần 2022 đang đến gần, rất nhiều vật phẩm mang hình chú hổ cũng được bày bán khắp nơi tại Nhật Bản. Cùng Kilala điểm qua những điều thú vị về hổ và năm Dần trong văn hóa xứ Phù Tang nhé.

    Con hổ trong 12 con giáp của Nhật Bản 

    Giống với Việt Nam hay Trung Quốc, 12 con giáp cũng tồn tại trong văn hóa Nhật và được gọi là "Eto - 干支" hay "Juunishi - 十二支". Người Nhật cũng tin rằng năm sinh theo con giáp sẽ tác động đến tính cách và vận mệnh của mỗi người. 

    con-ho-nhat-ban
    Hổ là con giáp thứ 3 trong 12 con giáp của Nhật Bản. Ảnh: nippon.com

    Tuy nhiên, 12 con giáp của Nhật Bản có một số điểm khác biệt so với Việt Nam. Cụ thể, thứ tự 12 con giáp của Nhật Bản lần lượt là: Tý (Nezumi – Con chuột), Sửu (Ushi – Con bò), Dần (Tora – Con hổ), Mão (Usagi – Con thỏ), Thìn (Tatsu – Con rồng), Tị (Hebi – Con rắn), Ngọ (Uma – Con ngựa), Mùi (Hitsuji – Con cừu), Thân (Saru – Con khỉ), Dậu (Tori – Con gà), Tuất (Inu – Con chó), Hợi (Inoshishi – Con lợn rừng).

    Như vậy, có 4 con giáp của Nhật Bản khác với Việt Nam: Sửu là con bò thay vì trâu, Mão là con thỏ thay vì mèo, Mùi là con cừu thay vì dê và Hợi là lợn rừng thay vì lợn nuôi. 

    12-eto-nhat-ban
    12 con giáp của người Nhật tại cổng trước của đền Tenmangu ở Osaka. Ảnh: nippon.com

    Theo chu kỳ, năm 2022 sẽ là năm Nhâm Dần, tức năm con hổ. Nếu chữ Kanji để chỉ con hổ trong cuộc sống thường nhật là “虎 – Hổ” thì trong hệ thống Eto, nó được thể hiện bằng chữ “寅 – Dần”. Ngày được chia làm 12 giờ theo 12 con giáp thì giờ Dần rơi vào 3 đến 5 giờ sáng.

    Sinh vào các năm 2010, 1998, 1986, 1974, 1962, 1950, 1938, 1926 và 1914, người tuổi Dần theo quan niệm của người Nhật có tính cách nhạy cảm, bướng bỉnh, nóng nảy, can đảm, ích kỷ. Tuy nhiên, họ lại là tuýp người suy nghĩ sâu sắc và có khả năng cảm thông dành cho những ai mà họ gần gũi và yêu thương.

    Thành ngữ tiếng Nhật liên quan đến con hổ 

    Là con vật dũng mãnh, hổ cũng xuất hiện trong nhiều câu thành ngữ tiếng Nhật hàm chứa triết lý sâu sắc. Dưới đây là một số câu thành ngữ nổi bật: 

    • “Tora no i wo karu kitsune” (虎の威を借る狐): “Cáo mượn oai hùm”, chỉ kẻ ranh ma dựa vào thế lực của người khác để uy hiếp, chèn ép mọi người.
    • “Tora no o wo fumu” (虎の尾を踏む): “Giẫm lên đuôi hùm”, hàm ý làm một việc gì đó rất mạo hiểm. 
    • “Koketsu ni irazunba koji wo ezu” (虎穴に入らずんば虎児を得ず): “Không vào hang cọp sao bắt được cọp con”, hàm ý rằng cần phải chấp nhận rủi ro để có được phần thưởng lớn.
    thanh-ngu-tieng-nhat-lien-quan-den-con-ho
    "Không vào hang cọp sao bắt được cọp con". Ảnh: fstcon.jp
    • “Ootora” (大虎): nghĩa đen là “con hổ lớn”, được sử dụng để miêu tả một ai đó say rượu. Theo quan niệm truyền thống của người Nhật, hổ thường gắn liền với các bụi tre, nơi chúng ẩn nấp. “笹 – Sasa” là từ chỉ cây tre, trúc trong tiếng Nhật, đồng âm với từ "酒 - Sake/ Sasa" (rượu), điều này lý giải vì sao lại có mối liên hệ này. 
    • “Tora no maki” (虎の巻): nghĩa đen là “quyển sách của hổ”, chỉ cuốn sách chứa các điều bí mật hay các chiến thuật. Từ này được cho là xuất phát từ cuốn sách “六韬 – Lục Thao”, tác phẩm binh pháp tương truyền do Khương Tử Nha đầu đời nhà Chu sáng tác. Trong đó, phần thứ 4 của cuốn sách là "Hổ thao", bàn về cách bài binh bố trận, sử dụng binh khí trong chiến tranh. Hiểu rộng ra, Tora no maki còn chỉ sách tham khảo hay cuốn sách tâm đắc với bản thân. 

    Người Nhật tất bật chuẩn bị cho năm con hổ 2022

    Dịp cuối năm, tại Nhật Bản, thiệp năm mới Nengajo và lịch cho năm 2022 in hình các chú hổ đã được sản xuất hàng loạt và bán tại nhiều cửa hàng trên khắp cả nước. Để chào đón năm mới Nhâm Dần 2022, Meizan-togyo Co., nhà sản xuất gốm sứ Shigaraki ở thành phố Koka, tỉnh Shiga đã sản xuất số lượng lớn các tượng hổ hoàn toàn thủ công. Thành phố Koka, tỉnh Shiga vốn nổi tiếng với làng gốm Shigaraki chuyên sản xuất tượng gốm chồn Tanuki. Do vậy, các chú hổ tại đây được làm tỉ mỉ bởi bàn tay điêu luyện của các nghệ nhân, mang dáng vẻ vô cùng đáng yêu với màu trắng xen kẽ sọc nâu nhạt. 

    tuong-gom-con-ho-tinh-shiga
    Tượng gốm hình con hổ của nhà sản xuất Meizan-togyo Co. Ảnh: news.yahoo.co.jp

    Theo Meizan-togyo Co., mỗi ngày, công ty có thể sản xuất từ 30 đến 40 tượng hổ và dự kiến sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 2.000 sản phẩm cho đến cuối năm. Một bộ sản phẩm sẽ gồm một con hổ lớn và một con hổ nhỏ với giá là 11.000 yên (khoảng 2.200.000 VND), được bán trực tuyến tại website meizan.co.jp hoặc trực tiếp tại cửa hàng ở thành phố Koka, tỉnh Shiga. Shinya Ishino, 43 tuổi, chủ sở hữu và điều hành Meizan-togyo Co., thuộc thế hệ kế thừa thứ 9, cho biết: “Tôi hy vọng mọi người chào đón năm mới với sức mạnh của hổ”. 

    tuong-ho-ibaraki
    Tác phẩm nghệ thuật hổ năm 2022 tại công viên Hitachi ở tỉnh Ibaraki nhìn từ trên cao. Ảnh: asahi.com

    Bên cạnh đó, tại Công viên ven biển Hitachi ở Hitachinaka, tỉnh Ibaraki, tác phẩm nghệ thuật hình con hổ đã được dựng vào ngày 18/12 để chào đón năm Nhâm Dần 2022 với kích thước “khủng” là 22x30m. Tác phẩm nghệ thuật này được làm từ cành cây thông, quả thông, còn phần lông của con hổ thì được làm từ cây Kochia khô. Vị trí chiêm ngưỡng lý tưởng nhất là từ vòng quay bánh xe Ferris của công viên. Tác phẩm sẽ được trưng bày cho đến ngày 10/01/2022, lưu ý  công viên đóng cửa vào ngày 21/12, 31/12 và ngày 1/1/2022.

    kilala.vn 

    22/12/2021

    Bài: Rin
    Ảnh bìa: meizan.co.jp, mainichi.jp

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!