Muôn kiểu làm đẹp lạ lùng của phụ nữ Edo
Trong thời Edo, phụ nữ có làn da trắng mịn, mái tóc đen bóng và đôi môi màu đỏ thẫm được coi là xinh đẹp. Và để theo đuổi tiêu chuẩn sắc đẹp này, họ đã sử dụng mỹ phẩm tự chế từ các nguyên liệu có vẻ lạ lùng, hay thậm chí là sản phẩm chứa chất độc hại.
Phấn trắng chứa chì
Phụ nữ thời Edo sử dụng phấn trắng để có được làn da trắng sáng chuẩn mực. Bấy giờ chuyện một onnagata (nam diễn viên chuyên đóng vai nữ trong kịch kabuki) nổi tiếng sử dụng loại phấn bột tên là “Bireisenjoko - 美麗仙女香” đã được phụ nữ ở Edo truyền tai nhau, khiến nó trở thành xu hướng.
Thứ phấn trắng này cũng được truyền bá nhờ vào những bức tranh khắc gỗ, đơn cử như bức họa của họa sĩ Keisai Eisen. Tuy nhiên, Bireisenjoko có chứa thủy ngân và chì, do đó chắc chắn gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người sử dụng.
Trong quá khứ, những bà mẹ và bảo mẫu trong gia đình của các tướng quân, lãnh chúa phong kiến, quý tộc triều đình cũng thường dùng loại bột màu trắng có chứa chì này, thoa rộng và dày từ mặt đến cổ và từ ngực đến lưng. Trẻ sơ sinh liếm phải loại bột này khi bú sữa, nó dần thẩm thấu vào cơ thể dẫn đến các triệu chứng ngộ độc chì như thiếu máu, nướu răng đổi màu, táo bón, liệt cơ, viêm màng não...
Chuyện kể rằng Tướng quân thứ 12 Tokugawa Ieyoshi có 14 người con trai và 13 người con gái, nhưng hầu hết đều qua đời trước khi lên 10 và chỉ có Tướng quân thứ 13 là Iesada sống hơn 20 tuổi, nhưng ngài cũng bị khuyết tật.
Mặc dù tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh nói chung là cao vào thời này nhưng người ta cho rằng có nhiều trường hợp nguyên nhân là do ngộ độc bột trắng. Đến tận năm 1934 (Showa 9), sản xuất phấn trắng chứa chì mới bị cấm tại Nhật.
Sữa rửa mặt từ... phân chim
Cụ thể, phân của chim chích bụi Nhật Bản (uguisu no fun) được sử dụng. Uguisu hay chim chích bụi là một hình ảnh quen thuộc trong thi ca xứ Phù Tang, xuất hiện trong những tập thơ nổi tiếng như Vạn diệp tập hay Cổ kim hòa ca tập. Trong thơ haiku và renga, uguisu là quý ngữ (kigo) báo hiệu chớm xuân.
Việc sử dụng phân chim để thoa lên mặt quả là một ý tưởng lạ lùng. Tuy nhiên, đối với phụ nữ thời đó, đây dường như là món đồ quý giá để dưỡng da. Người ta nói rằng loại phân chim này giúp kết cấu da trở nên mịn màng hơn, giảm nếp nhăn và còn có cả tác dụng làm trắng.
Từ thời Heian (794-1185), phân chim chích bụi đã được sử dụng để loại bỏ thuốc nhuộm khỏi vải, cho phép nghệ nhân tạo ra những thiết kế phức tạp trên quần áo. Nó cũng giúp tẩy vết bẩn khỏi quần áo lụa như kimono.
Chính vì thế, người ta cho rằng nó cũng có thể làm trắng da và bắt đầu được sử dụng để làm đẹp. Uguisu no fun được dùng làm sữa rửa mặt từ thời Heian và trở nên phổ biến trong thời Edo.
Mặt nạ từ móng lợn
Móng của lợn và lợn rừng được nghiền nát, đun sôi trong nước vo gạo để tạo thành hỗn hợp sệt. Phụ nữ Edo đắp loại mặt nạ này để có được làn da trắng sáng. Họ thoa hỗn hợp này lên mặt trước khi đi ngủ vào buổi tối và rửa sạch vào sáng hôm sau.
Dầu gội từ rong biển và bột mì
Không giống như ngày nay, người ta nói rằng phụ nữ thời Edo chỉ gội đầu khoảng hai đến ba lần một tháng. Vì lý do này, nhiều người dường như đã tự làm dầu gội để duy trì mái tóc mềm mượt của mình.
Cách làm là nhúng rong biển funori vào nước nóng để hòa tan rồi trộn với bột mì hoặc bột udon. Họ thoa hỗn hợp này lên tóc khi còn nóng, xả sạch bằng nước nóng rồi xả lại thêm lần nữa bằng nước lạnh.
Phụ nữ thời Edo dường như đã dành nhiều thời gian và công sức để theo đuổi sắc đẹp hơn cả phụ nữ thời hiện đại. Sự tò mò và đam mê làm đẹp ấy đã trở thành tiền đề cho sự phát triển nhanh chóng của công nghệ làm đẹp tại Nhật Bản sau này, đồng thời là nền tảng cho các sản phẩm mỹ phẩm mà chúng ta sử dụng ngày nay.
kilala.vn
Đăng nhập tài khoản để bình luận