NỘI DUNG BÀI VIẾT

    Muối Nhật Bản: Sức ảnh hưởng trong văn hóa và ẩm thực

    Ở Nhật Bản, muối được coi là thiêng liêng và là một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày.

    Cách người Nhật tạo ra muối

    Nhật Bản là một quốc gia không có mỏ muối đá hay hồ muối nên nước biển chính là nguồn muối duy nhất. Tuy nhiên không giống với miền Trung Việt Nam, khí hậu ẩm ướt và mưa nhiều của Nhật Bản khiến việc sản xuất muối theo cách để nước biển bốc hơi tự nhiên là không phù hợp.

    Chính vì thế trong hàng thiên niên kỷ, một số phương pháp đã được phát triển để chiết xuất các loại muối này. Một trong những phương pháp đầu tiên được gọi là moshio yaki, có niên đại từ thời Kofun (khoảng năm 250–552 sau Công nguyên).

    muoi-nhat-ban
    Ảnh: Tokyo Weekender

    Có một số mô tả khác nhau về phương pháp moshio yaki, nhưng về cơ bản, phương pháp này liên quan đến việc đổ nước biển vào rong biển khô được gọi là hondawara, phơi nắng để tạo thành nước muối cô đặc, sau đó đun sôi trong các nồi đất nung. Người ta tin rằng rong biển mang lại hương vị umami bổ sung cho muối. Loại muối được làm theo phương pháp này được gọi là muối moshio.

    Trong những năm sau đó, các phương pháp khác để chiết xuất muối từ nước biển đã phát triển ở nhiều vùng khác nhau. Mặc dù công nghệ phát triển dẫn đến sự xuất hiện của các phương pháp sản xuất muối ít thủ công hơn, nhiều khu vực của Nhật Bản vẫn áp dụng phương pháp truyền thống.

    moshio-yaki
    Nghi lễ tái hiện lại cảnh làm muối moshio. Ảnh: The Seasons of Japan

    Ngày nay, Nhật Bản được cho là sản xuất hơn 4.000 loại muối khác nhau, mỗi loại có sự khác biệt về kích thước, màu sắc, hương vị và mùi hương nhưng sẽ quy về hai loại muối chính: Muối tự nhiên; Muối tinh luyện.

    Muối tự nhiên

    Đây là loại muối truyền thống ở Nhật Bản và ban đầu được làm ra bằng phương pháp moshio yaki như trên.

    Đến thời trung cổ, người Nhật bắt đầu xây dựng các kênh và bờ để sản xuất nước muối cô đặc; các bãi muối ở biển cũng được phát triển vào thời điểm này. Có hai loại bãi muối: Irihama (có kênh) và Agehama (có bờ), chúng khác nhau ở cách thức cung cấp nước biển.

    Sau khi có được nước muối cô đặc, người ta sẽ đun sôi dung dịch cho đến khi cạn trong các nồi lớn bằng tre, đất nung, đá hoặc sắt để có được muối tinh.

     
    Phương pháp sản xuất muối Agehama ở Suzu, tỉnh Ishikawa.

    Muối tự nhiên thường chứa nhiều nguyên tố vi lượng khác nhau, có thể bao gồm magiê, canxi, kẽm và sắt. Tuy vậy, do quy mô cũng như quy trình sản xuất mà muối tự nhiên thường đắt hơn các loại muối khác.

    Muối tinh luyện

    Muối tinh luyện thường được biết đến với tên gọi là “muối ăn”, được sản xuất bằng cách điện phân nước biển. Quá trình hóa học này cũng loại bỏ các khoáng chất khác có trong muối, tạo ra 99,5% NaCl. Phương pháp sản xuất này hiệu quả hơn nhiều trên quy mô lớn, giúp sản xuất muối hàng loạt và dễ dàng hơn. Vì lý do này, muối tinh luyện phổ biến và có giá cả phải chăng hơn các loại muối tự nhiên.

    Muoi-tinh-luyen
    Ảnh: Note

    Muối trong ẩm thực Nhật

    Muối đã được sử dụng để bảo quản và lên men thực phẩm kể từ thời Jomon (10.000-300 TCN), với các món ăn như tsukemono (rau củ muối), himono (cá khô) và miso.

    Tsukemono: thường được phục vụ như một món ăn kèm. Bạn sẽ thấy tsukemono được thêm vào mì ramen và cà ri, hoặc dùng kèm với một bát cơm đơn giản để tăng thêm hương vị. Một trong những loại phổ biến nhất là shiozuke (lên men các loại rau củ như bắp cải, dưa chuột, củ cải, cà rốt hoặc quả mơ trong nước muối). Quá trình này không chỉ bảo quản rau, mà còn làm dậy hương vị umami của chúng.

    tsukemono
    Tsukemono. Ảnh: Tokyo Weekender

    Himono là món khô phổ biến, được dùng làm quà ở nhiều vùng. Một trong những phương pháp làm himono phổ biến nhất là xẻ dọc phần thân cá, ướp muối hoặc ngâm nước muối. Quá trình khô sẽ làm biến đổi protein trong cá, tạo ra kết cấu chắc chắn hơn và tăng hương vị umami.

    Miso - một trong những thực phẩm lên men nổi tiếng nhất của Nhật Bản, cũng sử dụng muối, được thêm vào sau khi trộn đậu nành hấp với mốc koji. Sau đó, hỗn hợp này được lên men trong phòng ấm trong sáu tháng hoặc lâu hơn. Kết quả cuối cùng là một hỗn hợp thơm ngon với vị umami, mặn, mịn và đậm đà - hoàn hảo cho các món súp, nước xốt.

    ume
    Một "đại diện" ẩm thực nổi tiếng của Nhật Bản là umeboshi - mơ muối.

    Ngoài ra, có một phần trong thói quen ăn uống của người Nhật gọi là Teshio, đó là một đĩa muối nhỏ được đặt trên bàn ăn. Theo truyền thống vào thời Muromachi, mục đích của Teshio là thanh tẩy tạp chất trên bàn ăn, nhưng đến thời Edo thì được sử dụng để thêm vào món ăn theo khẩu vị cá nhân.

    Muối trong đời sống tâm linh

    Người Nhật tin rằng muối có tác dụng thanh tẩy và giữ gìn sự trong sạch. Trong nghi lễ thanh tẩy harae của Thần đạo, muối được dùng để loại bỏ mọi ô uế về tinh thần khỏi cơ thể trước khi dâng lễ vật lên Kami (thần linh). 

    Và trong khi sinh con, người mẹ không chỉ tắm bằng nước muối để thanh tẩy bản thân mà còn rải muối khắp phòng để thanh tẩy không gian.

    sumo
    Các sumo thực hiện nghi lễ thanh tẩy bằng muối trước trận đấu. Ảnh: patternz

    Trong đám tang, muối có thể được tìm thấy ở cả hai bên lối vào nhà. Sau khi quan tài được đưa đi, ngôi nhà sẽ được thanh tẩy khỏi các linh hồn bằng cách rắc muối lên sàn nhà. Những người tham dự đám tang cũng sẽ rắc muối ở cửa trước nhà mình, tin rằng điều này sẽ ngăn không cho các linh hồn theo họ về nhà.

    Tại các nhà hàng, cửa hàng, rạp hát và những nơi công cộng khác, đôi khi bạn sẽ thấy hai đống muối hình nón được đặt cạnh lối vào, vừa để thanh tẩy không gian, vừa thu hút khách hàng.

    Ngay cả các sumo trước trận đấu cũng sẽ có nghi thức rải muối trên võ đài. Điều này không chỉ với mục đích thanh tẩy võ đài mà còn là cách các võ sĩ thể hiện niềm tin rằng Kami sẽ phù hộ cho chiến thắng của họ. 

    kilala.vn

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!